MỘT SỐ VẤN ÐỀ PHÁP LÝ CHUNG QUANH HIỆP ĐỊNH BIÊN GIỚI VIỆT TRUNG
Luật Sư Nguyễn Xuân Phước (Tiến Sĩ Luật Khoa, Hoa Kỳ)
“Dân sinh yếu nhược lôi theo mối nhục vong quốc,
Dân anh dũng càng đưa ta tới đài vinh quốc.”
Hai hiệp ước biên giới liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hai đảng Cộng Sản âm thầm ký kết vào ngày 30 tháng 12 năm 1999 và ngày 25 tháng 12 năm 2000. Hai hiệp ước nầy đã được quốc hội Cộng SảnViệt nam thông qua cũng một cách âm thầm. Các tin tức về việc ký kết hiệp định biên giới, cho đến khi ký kết xong và được quốc hội thông qua cũng được giữ bí mật. Nôi dung các hiệp ước nầy không được công bố cho nhân dân trong nước biết. Nhân dân không biết được bản đồ mới của Việt nam ngày nay ra sao. Thông tin chỉ được nhà nước tiết lộ sau khi làm lễ cắm mốc biên giới. Báo chí trong nước như tờ Nhân Dân (27 tháng 12 năm 2001) hoặc VNExpress.com (http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2001/12/3B9B7CE1/ ) chỉ làm một bản tin rất ngắn có nội dung giống nhau.
Mặc dù bị bưng bít nhưng tin tức về hiệp ước biên giới cũng lọt ra ngoài. Hơn một năm qua, các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước, và các nhà nghiên cứu ở hải ngoại không ngừng lên tiếng cảnh báo về sự việc đảng Cộng Sản sẽ dùng hiệp ước biên giới mở đường máu tìm sinh lộ cho bế tắc chính trị hiện nay. Mọi người đều e sợ rằng đảng sẽ không ngần ngại bán đứng đất đai của đất nước để đổi lấy chế độ bảo hộ chính trị do Trung quốc đỡ đầu.
Qua tin tức về buổi lễ hiến đất được cơ quan truyền thông của đảng Cộng Sản dè dặt loan tải, những quan ngại của những người đấu tranh cho dân chủ đã trở thành sự thật.
Bài viết nầy có mục đích duyệt xét lại một số vấn đề pháp lý chung quanh việc ký kết các bản hiệp ước nầy và các hậu quả pháp lý của nó. Có lẽ bài viết không trả lời hết mọi câu hỏi liên quan đến giá trị pháp lý của hiệp ước nầy. Tuy nhiên, người viết mong sẽ giải đáp một vài ưu tư có tính cách khẩn cấp như “liệu chúng ta có thể phủ nhận hiệp ước nầy được hay không?, v.v.”
Nội Dung Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung
Về hiệp ước lãnh hảI, chúng ta được biết hiệp ước nầy được ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000. Qua một số bài vỡ hiếm hoi chúng ta biết được sơ sơ về nộI dung của hiệp ước nầy, được gọI là hiệp định “Phân Định Vịnh Bắc Bộ.” Theo ông Lê Công Phụng, thứ trưởng ngoại giáo, người đặc trách lo việc đàm phán hiệp định cho biết là, chiếu theo hiệp định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam được 53.23% và Trung Quốc được 46.77% diện tích vịnh. (Tạp chí Cộng Sản Số 2 (1-2001)
Theo tài liệu của kỷ sư Nguyễn Đình Sài thì hiệp ước phân định vịnh Bắc bộ chấm dứt hiệp hước giữa Pháp và Thanh triều. Diện tích khác biệt giữa hai hiệp ước là hơn 5,000km2 lãnh hải nay thuộc về Trung quốc.
Theo ông Ngô Nhân Dụng, báo Người Việt (http://www.nguoi-viet.com/uni/0123/BiNHLUAN.HTM – BiNH0201221) thì: “Trên pháp lý, văn kiện lịch sử ký năm 1895 giữa nhà Thanh bên Trung Quốc và chính quyền Pháp ở Việt Nam công nhận trong vịnh Bắc Việt phần thuộc Việt Nam chiếm 64%, Trung Quốc được 36%. Nay, Cộng Sản Hà Nội công nhận nước Việt Nam chỉ được 53%, còn Trung Quốc hưởng 47%.”
Còn hiệp ước về lãnh thổ, thì đảng Cộng Sản hoàn toàn không tiết lộ mọi chi tiết. Tuy nhiên, theo ông Trần Dũng Tiến, nhà đấu tranh dân chủ và là cựu chiến binh quân đội Bắc Việt, thì hiệp định biên giới đã cắt cho Trung quốc rất nhiều địa danh lừng lẫy trong lịch sử: thác Bản Giốc, suối Phi Khanh, ải Nam Quan, ải Chi Lăng. Tất cả nay đã thuộc Trung Quốc.
Theo Bác sĩ Trần Đại Sỹ thì “Việt Nam nhường cho Trung quốc dọc theo biên giới, 789 cây số vuông (chứ không phải 720 như tin lộ ra trong nươc), thuộc hai tỉnh Cao bằng, Lạng sơn. Có mấy hiệp định thư (Photocol) đính kèm về việc thi hành. Quan trọng nhất là : Nhượng vùng Cao bằng, sát tới hang Pak bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ẩn thân lãnh đạo cuộc kháng chiến. Hang này trở thánh địa của đảng Cộng sản Việt Nam. Trước kia nằm rất xa biên giới (khoảng 50 km), nay nằm sát biên giới. Nhượng vùng đất bằng phẳng thuộc tỉnh Lạng sơn nơi có cửa ải Nam quan”
Theo bạn Dieuvan đăng tải trên trên “Soc.Culture.Vietnamese” thì chúng ta phải tìm hiểu nội dung hiệp ước qua các websites của Trung quốc. Bạn Dieuvan viết: “Theo tài liệu của CSVN trước nằm 1979 biên giới Việt Nam-Trung Cộng dài 1,300 Cây số nhưng theo tài liệu của CiA world Book ghi nhận sau năm 1979 còn lại là 1,281 . Bây giờ sau khi ký kết bản thương ước mà được gọi là hiến đất của CSVN biên giới chính thức mà Trung Cộng đưa ra con số là 1,200 chẳn như vậy đường biên giới thu nhỏ lại từ 1,300 Kilometters xuống 1,281 Kilometters bây giờ còn 1,200 Kilometters “. Theo tính toán của bạn Dieu Van thì “đại khái là chúng ta mất 81Km X 26Km = 2106 sq Km.” Bạm Dieu Van kết luận như sau: “Tổng Cộng Toàn cõi VN = 329,560 sq Km – 2,106 bây giờ còn 327,454 sq Km .””
Do tính chất bí mật của hiệp định biên giới, toàn thể nhân dân trong và ngoài nước phải dọ dẫm giải mã những tín hiệu mất nước mà họ tìm được trên internet. Nói cho ngay, nếu những hiệp ước này đem về mối lợi lớn cho Việt nam thì hệ thống thông tin tuyền truyền của Cộng Sản chắc đã không bỏ qua cơ hội ngàn vàng để ca tụng thắng lợi của đảng. Ngược lại, qua thái độ lén lút và hành vi dấu diếm của đảng Cộng Sản trong việc ký hiệp định, chúng ta có thể quả quyết được rằng đây không phải là một “thắng lợi to lớn” để cho đảng hãnh diện.
Những Vấn Ðề Pháp Lý Ðáng Ðể Ý Liên Quan Ðến Hiệp Ðịnh Biên Giới
1. Giá Trị Pháp Lý Đối Với Quốc Nội
Hiệp định quốc tế là hợp đồng giữa hai quốc gia. Điều tiên khởi để cho một hiệp ước có giá trị là chính phủ và người đại diện chính phủ đi ký kết đều phải có đủ tư cách pháp nhân, tính cách hợp pháp và chính thống để đại diện cho quốc gia. Những yếu tố pháp lý nầy giúp cho hiệp ước có giá trị chắc chắn (certainty), vĩnh cửu và tính chất khả thi.
Vấn đề giá trị đại diện của đảng Cộng Sản đã được bàn rất nhiều, và đặc biệt trong những năm gần đây đã được phong trào dân chủ trong nước “bàn” đến cách triệt để. Ở đây người viết xin bàn lướt qua vấn đề này.
Trong một chế độ được gọi là dân chủ hay cộng hoà (republic), nhà cầm quyền đó phải được công dân bầu lên bằng một cuộc phổ thông đầu phiếu tự do trong sạch. Chế độ gọi là cộng hoà khác với chế độ quân chủ ở vai trò của người dân trong việc quyết định người cầm quyền. Trong chế độ quân chủ, người cai trị không nắm quyền do lá phiếu của người dân. Nhà vua lên ngôi bằng sức mạnh và sự thần phục của mọi người và bằng huyết thống. Do đó, đã là chế độ cộng hoà, dù là cộng hoà xã hội hay cộng hoà không xã hội, quyền lực của nhà nước phải được người dân ủy nhiệm bằng lá phiếu của họ qua một cuộc phổ thông đầu phiếu tự do dân chủ. Đồng thời tính cách pháp nhân, tính cách hợp pháp và tính cách chính thống của một chế độ hay nhà cầm quyền được xác định qua giá trị văn bản hiến pháp tạo ra nó.
a. Tính chất hợp pháp của hiến pháp
Trong bài viết :”Tính Chất Bất Hợp Pháp Của Hiến Pháp Việt nam Hiện Nay”, người viết chứng minh rằng các hiến pháp Việt Nam từ 1959 trở đi không có giá trị vì thủ tục thực hiện các hiến pháp nầy không tuân theo quy định của điều 70 của hiến pháp 1946. Điều 70 của hiến pháp 1946 đòi hỏi mọi thay đổi hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết, tức là phải được trưng cầu dân ý. Vì tất cả các hiến pháp từ 1959 đến nay không được trưng cầu dân ý nên các hiến pháp đó không có hợp hiến, không có giá trị. Do đó, chính quyền dựa trên một hiến pháp không có giá trị không có tư cách pháp nhân, không có tính cách hợp pháp để xử lý quyền lực đại diện cho nhân dân.
b. Tính chất chất bất hợp pháp của chính phủ
Quan niệm về chính thể Cộng Hoà (như trong cụm từ Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt nam) như nói trên, thì một chính phủ đại diện cho dân phải được nhân dân lực chọn bằng những lần tổng tuyển cử tự do dân chủ. Trong suốt hơn 55 năm lãnh đạo đất nước, Ðảng Cộng Sản chỉ tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu duy nhất là cuộc tổng tuyển cử năm 1946. Sau đó, họ quên làm tổng tuyển cử. Ngay cả khi xua quân vào miền Nam năm 1960 họ đã nhân danh mục đích thực hiện cuộc tổng tuyển cử cho hai miền nam bắc. Sau khi chiến thắng, họ cũng không thực hiện cuộc tổng tuyển cử có quốc tế quan sát theo quy định của hiệp định đình chiến ký tại Geneve. ÐốI vớI chế độ Cộng Sản bầu cử chỉ là hình thức, khả năng cướp chính quyền mớI quan trọng,
Ðó là lý do duy nhất để chế độ cho chế độ nầy tự chứng minh sự nắm quyền là vì họ đã “cướp” chính quyền năm 1945 từ các đảng phái quốc gia và từ triều đình Huế. Năm 1959 đảng Cộng Sản đã chính thức “cướp” quyền từ nhân dân bằng cách loại bỏ vai trò của công dân trong việc thay đổi hiến pháp để làm một hiến pháp mới. Với các hiến pháp tự ban hành từ 1980 trở đi, với điều 4 hiến pháp, đảng Cộng Sản tự ban cho họ quyền lãnh đạo muôn đời, như các tổng thống ở các nước Phi Châu, hay các chế độ phong kiến, mà loài người của thế giơí văn minh đã chối bỏ.
Như vậy đảng Cộng Sản nắm quyền không do lá phiếu tự do của công dân, mà do khả năng cướp chính quyền từ nhân dân. Trong thời đại dân chủ, quan điểm chính trị dựa vào khả năng “cướp chính quyền” bằng bạo lực tự nó đã mất đi tính dân chủ, chính thống và hợp pháp. Do đó, một chính quyền không do dân bầu ra bằng một cuộc tổng tuyển cử, không có tư cách pháp nhân để đại diện nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Như thế thì, chính phủ hiện nay, đứng trên quan điểm dân chủ và trên cơ sở hiến pháp, hoàn toàn không có tư cách pháp nhân để đại diện quốc gia Việt nam ký kết bất cứ một hiệp ước quốc tế nào.
Do tính chất bất hợp pháp của nhà cầm quyền, tất cả hiệp ước do họ ký kết đều không có giá trị. Và giá trị thực thi của cá hiệp ước này cũng chấm dứt khi chế độ sụp đổ. Việc duy trì tích chất khả thi của các hiệp ước hay hợp đồng quốc tế đều do chế độ mới duyệt xét và quyết định dựa vào khả năng của chế độ mới đối phó với những hậu quả kinh tế quân sự hay ngoại giao do quyết định phủ nhận các hiệp ước đó gây ra.
c. Thẩm quyền ký hiệp ước quốc tế
Vấn đề thứ hai là người đại diện đặt bút ký tên trong hiệp ước có phải là người phải có thẩm quyền để ký kết theo quy định của hiến pháp. Ở đây chúng ta giả thiết là hiến pháp hiện nay hợp pháp, và chúng ta phải xét người đại diện ký kết có đủ thẩm quyền do hiến pháp đó quy định hay không.
Theo chương Vii điều 103 khoản 10 của hiến pháp 1992, Chủ tịch nhà nước có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của việt nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm pháp, ký kết diều ước quốc tế nhân danh Nhà Nườc Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam với người đứng đầu Nhà nước khác; quyết định phê chuẩn hoạc tham gia diều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc Hội quyết định.”
Trong khi đó, chương Viii, điều 112 khoản 8 quy định quyền hạn và nhiệm vụ của chính phủ như sau: “Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của nhà nước: ký kết tham gia, phê duyệt điều ước nhân danh chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký kết hoạc tham gia; bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài.”
Chiếu theo những điều khoản trên của hiến pháp 1992 chỉ có chủ tịch nhà nước là người có thẩm quyền ký kết các hiệp ước liên quan đến các vấn đề thuộc tầm mức quốc gia, tức là nhà nước CHXHCN Vietnam, như vấn đề biên giới hiện nay; và chính phủ (thủ tướng và các bộ trưởng) có thẩm quyền ký kết các vấn đề liên quan đến chính phủ các nước. Vấn đề “nhân danh chính phủ” là những vấn đề có tính cách thủ tục và nghi lễ giữ hai nước.
Do đó, những hiệp ước liên quan đến quốc gia, như hiệp định về lãnh thổ và lãnh hải, do bộ trưởng ngoại giao ký kết đều không có giá trị pháp lý vì chúng không hợp hiến, cho dù những hiệp định đó được quốc hội thông qua.
Ở đây chúng ta có thể xem lại ai là người đại diện cho Việt Nam ký kết các hiệp ước biên giới nói trên. Theo kiến nghị thư của 20 cử tri yêu cầu quốc hội không thông qua Hiệp Định Biên Giới Việt Trung thì hiệp định biên giới đưòng bộ được ký kết tại Hà Nội khi Đường Gia Truyền, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bay qua Việt nam năm 1999. Tài liệu và hệ thống tuyên truyền của Ðảng Cộng Sản VN hoàn toàn không tiết lộ ai đã đại diện bên Việt Nam để ký kết. Tuy nhiên theo thông lệ ngoại giao thì phía bên Việt Nam phải là Bộ Trưởng bộ ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Và điều này được xác nhận bởi bản tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc . (http://www.fmprc.gov.cn/eng/4470.html)
Về phần hiệp ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ, theo Thứ Trưởng Lê Công Phụng cho biết hiệp ước này đưọc ký vào ngày 25 tháng 12 năm 2000 với sự chứng kiến của Chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương và Giang Trạch Dân. Bài viết này không nói rõ ai là người hạ bút ký đại diện cho Việt nam. Nếu nói là ông Trần Đức Lương với tư cách là nhà nước chỉ đề chứng kiến, thì người hạ bút chắc không phải ông Lương. Hơn nữa nếu ông Lương ký thì tại sao ông Lê Công Phụng không nói rõ là ông Trần Đức Lương ký, mà phải nói là ông Lương “chứng kiến”?
Nếu sự kiện xảy ra như lý giải thì ông chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương đã không ký vào bất cứ một hiệp ước nào. Và như thế, chiếu theo chương Vii điều 103 khoản 10 của hiến pháp 1992 quy định các nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nhà nước thì các hiệp ước nầy không có giá trị đối với hiến pháp Việt nam.
2. Giá Trị Pháp Lý Của Một Hiệp Ước Bất Hợp Pháp Đối Với Quốc Tế
Thông thường, để tránh trường hợp cãi vả về giá trị thực thi của hiệp ước, khi một nước ký kết một hiệp định với một nước khác, nước đó phải có bổn phận nghiên cứu tư cách pháp nhân của người đại diện quốc gia, cũng như những thủ tục phê chuẩn hiệp ước cần thiết để biết chắc giá trị pháp lý và giá trị thực thi của những điều khoản mà hai bên đồng ý. Trong trường hợp này, Trung quốc có trách nhiệm làm công tác sưu tra đó. Nói một cách khác, nếu những hiệp ước lãnh thổ Việt Trung đều do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm ký kết, thì Trung Quốc đã ký kết những hiệp ước hoàn toàn không có giá trị. Và với bộ phận nghiên cứu pháp luật của Trung quốc họ phải biết là họ đã ký kết những hiệp ước hoàn toàn không có giá tri theo luật pháp Việt Nam.
Trên thực tế, dù chúng ta chứng minh rằng những hiệp ước nầy không có giá trị, giá trị cưỡng hành hiệp ước luôn luôn tùy thuộc vào thái độ quyết liệt của nước mạnh ký tên trong hiệp định. Lịch sử cho thấy những hiệp ước bất bình đẳng giữa Việt Nam với thực dân Pháp ký kết từ cuối thế kỷ thứ 19 có hiệu lực cho đến khi Pháp không còn đủ khả năng quân sự, kinh tế và ngoại giao để thực hiện các hiệp ước đó tại Đông Dương. Điều này cũng đang xảy ra cho việc giải quyết biên giới giữa Palestine, các nước Ả Rập và Do Thái, v à hầu hết các quốc gia có tranh chấp về biên giới.
Do nguyên tắc “mạnh được yếu thua” vẫn là nguyên tắc lõi cốt trong bang giao quốc tế, một hiệp ước quốc tế, hợp pháp hay không hợp pháp, có hiệu lực cưỡng hành hay không đều tùy thuộc khả năng quân sự, kinh tế và ngoại giao của các nước ký tên. Do đó, những lý luận liên quan đến giá trị hợp pháp của hiệp ước đều có giá trị nghiên cứu pháp lý và đạo đức. Còn giá trị thực tiễn của nó, hay giá trị quân sự, rất giới hạn.
Vấn đề được đặt ra là với một hiệp ước dâng đất cho Trung Quốc như thế, khi có chính quyền dân chủ, Việt nam có quyền hủy bỏ các hiệp ước biên giới bất công đó hay không?
Câu trả lời tất nhiên là có. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, quyền phủ nhận những hiệp ước bất lợi cho chúng ta luôn luôn bị giới hạn bởi sức mạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao của chúng ta trong tương quan quyền lực đối với Trung quốc.
Làm Thế Nào Để Phản Kháng Hiệp Ước Bán Nước
Do tính chất lén lút, bất minh khi ký kết hiệp ước biên giới, Cộng Sản Việt nam muốn đặt để nhân dân vào một sự đã rồi. Nếu như thế làm thế nào để chúng ta có thể phản kháng hiệp ước một cách hiệu quả?
Do chế độ độc tài của Cộng Sản đàn áp mọi tiếng nói tự do dân chủ, người Việt lưu vong là tiếng nói tự do duy nhất cho dân tộc Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, người Việt hải ngoại không có tư cách pháp nhân có tính cách quốc gia để có thể lên tiếng phản đối hiệp ước bán nước này của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và do đó, chúng ta phải mạnh dạn thay mặt nhân dân trong nước đóng vai trò lịch sử để phải đối việc ký kết hiệp định biên giới nầy.
Cho đến ngày hôm nay, các cộng đồng người Việt ở hải ngoại bắt đầu lên tiếng phản đối hiệp ước từ trong nước. Tuy nhiên, mọi phản kháng đều có tính cách nội bộ trong cộng đồng. Đa số các cá nhân và đoàn thể đều ra một thông báo chung chung gởi cho báo chí ở hải ngoại. Theo quan điểm của người viết thì tất cả những thông cáo hay phản kháng thư chung chung đều không có hiệu quả và không có giá trị pháp lý.
Do những lý do trên, người viết đồng ý với giáo sư Đoàn Viết Hoạt khi ông quyết định gởi thư phản kháng đến cho ông tổng thư ký liên hiệp quốc và các tổ chức liên quốc gia như ASEAN và European Union. Động tác gởi thư phản kháng đến Liên hiệp Quốc là để đăng ký (log in) ngay quan điểm phản kháng của chúng ta cho cơ quan quốc tế, đặc biệt là với Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế tối cao của thế giới. Ngoài ra, chúng ta cần phải gởi thư đến Toà Đại Sứ Trung Quốc và Việt nam để thông báo cho họ biết sự phản kháng của quốc dân.
Lợi điểm của việc đăng ký phản kháng với các cơ quan quốc tế và Trung Quốc là chúng ta đã cảnh báo cho họ tính chất bất hợp pháp của các hiệp ước nầy. Ðồng thời chúng ta bảo vệ cơ sở pháp lý và chính nghĩa để có thể lý luận cho việc thực hiện những biện pháp quân sự, kinh tế hay ngọai giao trong tương lai nhằm thu hồi lại những phần lãnh thổ bị Đảng Cộng Sản Việt Nam dâng cho Trung Hoa.
Kết Luận
Mặc dù nhà nước Cộng Sản Việt Nam không có tư cách pháp nhân, tính chất hợp pháp để đại diện Việt Nam ký các hiệp ước biên giới dâng đất cho Trung Hoa, và thủ tục ký kết hoàn toàn bất hợp hiến, sự kiện họ nắm chính quyền tạo cho họ một thẩm quyền tạm thời để thực hiện các hiệp ước đó. Đối với Trung Quốc đây là điều lợi lớn. Họ không tốn một giọt máu mà chiếm được hàng ngàn kilomet vuông lãnh thổ và hơn 5000 kilomet vuông lãnh hải.
Trên mặt trận bang giao quốc tế, đối với vấn đề tranh chấp biên giới, chiếm giữ đất luôn luôn là thế thượng phong. Và để bảo vệ tổ quốc thì máu là chính, và giấy mực là phụ. Do đó, cho dù Trung quốc biết là phía Việt Nam không có tư cách pháp nhân, hiến pháp Việt Nam không hợp pháp, một khi họ đã chiếm được đất họ sẽ không bao giờ trả lại. Như thế chúng ta có thể thấy rằng, qua hiệp ước biên giới, Cộng Sản Việt Nam đã đưa sinh mệnh dân tộc vào một con đường cùng cực kỳ hiểm nghèo mà thế hệ mai sau phải đem máu đào ra trả.
Để gỡ thế bí nầy, người Việt còn có được tự do ở hải ngoại phải tiếp tục vận động quần chúng trong nước và hải ngoại viết kháng thư cho Liên Hiệp Quốc để duy trì tiếng nói chống đối hiệp ước dâng đất của nhà nước Cộng Sản Viêt nam để bảo vệ chính nghĩa cho dân tộc trong tương lai. Mọi cuộc biểu tình, hay hội họp, đều là cơ hôi để chúng ta đóng góp chữ ký phản kháng hiệp định biên giới để gởi lên cho Liên Hiệp Quốc.
Tất nhiên, một phương cách duy nhất và lý tưởng nhất để vô hiệu hoá các hiệp ước bán nước và để bảo tồn lãnh thổ là nhanh chóng phủ nhận tính cách đại diện nhân dân của đảng, và thay thế nó bằng một chính quyền thực sự dân chủ. Với một chính quyền mới, một tư tưởng chỉ đạo mới trên lập trường tự do dân chủ pháp trị và nhân bản, nhân dân Việt Nam có quyền ngưng ngay việc thực hiện hiệp ước nầy. Có như thế chúng ta mới có thể nhanh chóng chận đứng mất mát lớn lao về lãnh thổ và lãnh hải.
Nói dễ nhưng làm khó. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc thay đổi chính quyền độc tài bán nước tuy không dễ nhưng không còn là một thực tế xa vời. Sự thành hình các chế độ dân chủ ở các nước Cộng Sản trước đây, và đặc biệt tại các nước Á Châu gần đây đã tạo sức mạnh quốc tế cho phong traò dân chủ ở trong nước. Song song với sự trưởng thành về chính trị dân chủ của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, các phong trào dân chủ đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước càng ngày càng kiên cường và phát triển rộng rãi. Sự kiện đảng CSVN dâng đất cho Trung hoa càng làm cho chính nghĩa dân tộc của phong trào dân chủ sáng ngời, và nhu cầu tháo gở chế độ độc tài càng cấp bách.
Riêng đối với một lực lượng hơn 5 triệu cựu chiến binh yêu nước đã bị lừa bịp phải hy sinh xương máu trong các cuộc chiến trong năm mươi năm qua, và gần 1 triệu chiến sĩ đang phục vụ trong quân đội, việc đảng CSVN bí mật dâng đất cho Trung hoa là một sĩ nhục to lớn, và là sự phủ nhận tất cả xương máu họ đã đổ ra cho đất nước. Đây là những ngòi thuốc nổ đang chờ đợi chế độ Cộng Sản. Không phải tình cờ mà ngay sau lễ cắm cọc biên giới được loan tin chính thức trên báo chí, bộ chính trị đã ra nghị quyết đòi hỏi các cơ sở đảng trong các hội cựu chiến binh phải “tăng cường gấp rút vai trò lãnh đạo của đảng” đối với lực lượng cựu chiến binh (Xem thêm Lý Thái Hùng, “Bộ Đội Cụ Hồ” Phản Loạn, ButViệt News, Dallas 18 tháng 1, 2002). Họ đang sợ những ngòi nổ gần với đảng nhất phát nổ.
Đảng Cộng Sản đã xử dụng xương máu của các thế hệ thanh niên 45, 54, 75 để xây dựng và bảo vệ một chế độ độc tài dốt nát. Xử dụng xương máu của thế hệ thanh niên ngày qua và ngày nay vẫn chưa đủ, với các hiệp định biên giới vừa ký kết, họ lại tiếp tục lén lút bán xương máu của thế hệ 2000 và con cháu mai sau để đánh đổi lấy việc duy trì ngai vàng ngày hôm nay. Đây là hành vi mà mọi người Việt yêu nước, không phân biệt chính kiến, đều tuyệt đối không thể chấp nhận. Thái độ quyết liệt đối với vấn đề chế độ CSVN dâng đất cho Trung Hoa là thước đo chuẩn lòng yêu nước của mọi người dân Việt. Và đây cũng là giới tuyến rõ ràng nhất của người Việt chân chính yêu nước và chế độ độc tài bán nước.
Luật Sư Nguyễn Xuân Phước