Một Người Bạn, Một Ðời Bằng Hữu…

Nguyễn Bá Trạc

Trước mặt ngôi trường trung học mới mẻ này là Trường Nam Tiểu Học Ðà Nẵng, bộ dạng có phần bề thế hơn cả ngôi trường trung học của chúng tôi. Xế mặt trái ngôi trường, là “Mã Thánh Tây,” với những hàng thánh giá cũ kỹ, là nơi chôn cất những người Pháp từ thời thuộc địa. Ði lên vài trăm thước, dốc “Cầu Vồng,” phía dưới là đường xe lửa. Những buổi chiều đi học về, chúng tôi thường đua nhau gò lưng đạp xe đạp lên đỉnh dốc, rồi ngừng, mặc cho xe lao nhanh xuống. Rẽ sang bên trái là chợ Cồn, nhà Ðặng Ngọc Khiết, rẽ sang bên phải là bãi biển Thanh Bình. Trên lối ra biển, qua góc đường Nguyễn Hoàng là trạm gác xe lửa, cũng là nhà ở của Phan Chánh Dinh. Ði vài chục thước nữa, là cư xá hỏa xa, nhà Lê Thị Như Hảo. Từ đấy rẽ sang bên trái, là ga Ðà Nẵng, nơi những chuyến tàu cũ kỷ chở hành khách mang đầy thúng mũng, mỗi ngày một chuyến, chậm chạp kéo còi, nhả khói, rời Ðà Nẵng qua Nam Ô, ì ạch leo dần lên đèo Hải Vân, luồn qua Hầm Sen, dọc bãi biển Lăng Cô, qua Nong, qua Truồi rồi ra đến Huế.

Chúng tôi lớn lên ở Ðà Nẵng vào những năm yên ổn. Sáng sớm đi tắm biển. Trưa nắng đi tắm sông. Nhà Vũ Ngự Chiêu bên kia sông Hàn. Nhà Bùi Ngọc Tô ở Chợ Mới. Nhà Ðỗ Toàn bán tre tại đường Hoàng Diệu. Nhà Trần Trí Dũng ở gần Ngã Năm. Nhà Phan Nhật Nam ở đường Pasteur, góc sân vận động. Chủ nhật, chúng tôi rủ nhau đạp xe đi chơi xa: Lên núi Non Nước bên làng Mỹ Thị, đến chùa Bà Quảng ở làng Hòa Vang, hoặc đi xa hơn nữa, về Vĩnh Ðiện, Hội An.

Nhưng tất nhiên, không đi xa quá như sau này.

2. Khi định viết vài dòng về buổi ra mắt sách sắp đến của Phan Nhật Nam tại San Jose trên nước Mỹ, tôi không thể không hình dung lại ngôi trường cũ và thành phố xa xưa ở Việt Nam, nơi chúng tôi đã gặp nhau đã sống những tháng ngày hồn nhiên hạnh phúc, rồi chia tay, mỗi người theo một con đường định mệnh: Ðặng Ngọc Khiết đi Biệt Kích, nhẩy ra Bắc, bị bắt xử tử rất sớm (Phan Nhật Nam có viết về cái chết này trong mấy cuốn sách cũ và hình như cả trong cuốn sách sắp ra). Trần Trí Dũng, ngôi sao sáng về thể thao, một cậu bé đẹp trai, tóc ngắn, nụ cười trong sáng: Vào Võ Bị Ðà Lạt, vừa ra trường đã thiệt mạng ngay tại Ðồng Xoài. Ðỗ Toàn, cậu học trò đánh đàn ghi-ta trong những giờ sinh hoạt hiệu đoàn, đi Không Quân, phi công, bị bắn hạ. Vũ Ngự Chiêu, Nguyên Vũ, tiền thám pháo binh, viết “Ðời Pháo Thủ” và vài chục quyển sách khác, khi sang Mỹ cố bắt đầu học lại để lấy Tiến Sỹ Sử, nay tóc đã bạc nhưng vẫn lao đao lận đận. Bùi Ngọc Tô, Nha Sỹ Quân Y, từng cầm súng ở Dạ Lê, ở đồn Mang Cá, hiện mở phòng Nha tại San José, nhưng thường làm việc nghĩa nên không bao giờ giàu có. Lê Thị Như Hảo, hoa khôi của trường Phan Châu Trinh, tiếng nói êm ái nhất của Ðài Truyền Hình Sài Gòn, năm vừa qua đã làm việc tận tụy để dựng Ðài phát thanh Mẹ Việt Nam tại San José nhưng Trời vẫn chưa cho khá…

Nhưng trong những người bạn cũ của tôi ở thành phố Ðà Nẵng xa xưa ấy, có hai người họ Phan, vào thuở bé thơ, họ thân nhau đáng kể: Phan Chánh Dinh và Phan Nhật Nam. Một người đang ở trong Trung Ương Ðảng Cộng Sản, một người đã trải qua mười bốn năm tù cải tạo, trong đó có tám năm kiên giam, đã bị cùm kẹp trong mười bốn căn hầm cấm cố tử hình.

3. Vào thời gian viết cuốn “Ngọn Cỏ Bồng,” khi nghĩ về cuộc chiến Việt Nam, tôi thường nhớ mãi về hai người bạn học cũ này như một hình ảnh biểu trưng và đã nhắc đến họ nhiều lần trong cuốn sách. Nhưng lúc ấy, Phan Nhật Nam đang nằm trong một của mười bốn hầm cấm cố, vì sự an nguy của anh nên tôi không tiện nhắc tên.

Họ thân nhau từ bé.

Khi nghĩ đến Phan Chánh Dinh, tôi thường nghĩ ngay đến một thiếu niên tóc phủ lòa xòa quá mi mắt, mỗi lần nói chuyện thường đưa thẳng ngón tay trỏ ra với một bộ điệu bộc trực – Và nghĩ đến những câu thơ anh làm năm đệ lục (lớp bẩy, thuở mười ba, mười bốn).

Khi làm thơ đăng báo Bách Khoa, Dinh ký tên là Phan Duy Nhân, nhiều bài rất hay. Người ta chỉ có thể viết được những bài thơ như vậy vào lúc tâm hồn trong sáng nhất.

Khi gặp lại Phan Nhật Nam vào năm ngoái, lúc anh mới đến Mỹ, tôi có hỏi chuyện Phan Chánh Dinh tại nhà và cả trong một chương trình phỏng vấn của Ðai phát thanh Mẹ Việt Nam, thì Nam vẫn còn đọc lại được nhiều bài thơ của Dinh. Có lẽ, cho đến tận ngày nay, sau bao vật đổi sao dời, người duy nhất có thể đọc thuộc được những bài thơ của Phan Duy Nhân vẫn là Phan NhậtNam.

Ðấy không hẳn vì Phan Nhật Nam là người có một trí nhớ phi thường. Anh nhớ ngày sinh tháng đẻ của tôi. Anh nhớ rất nhiều chi tiết của nhiều người, nhiều chuyện khác vẫn làm tôi ngạc nhiên. Nhưng ngoài ra, đó là vì Nam vốn là người đối với bạn bè rất trung hậu.

4. Cha của Phan Chánh Dinh làm nghề gác cổng xe lửa, nhà nghèo. Cả gia đình sống quây quần trong một trạm gác vuông vức, chật chội, mỗi bề bốn thước, sát đường rầy xe lửa. Hình như em của Dinh bị đau ốm tật nguyền, tôi không nhớ rõ. Nhắc đến họ, tôi đã viết trong cuốn sách xuất bản mười năm trước là :

“…Có lần tôi nghĩ đến hai người bạn cũ, may ra họ có thể trả lời cho các câu hỏi của tôi. Họ là chuyên viên về các loài hoa, ấy là tôi ăn nói màu mè như vậy. Cả ba chúng tôi đã trải qua những tháng ngày ở một ngôi trường Trung học Ðà Nẵng, lúc ấy là một tỉnh nhỏ êm đềm. Chúng tôi đua xe đạp, đi tắm sông, đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Một anh lúc bé đã có nụ cười hồn nhiên của thi sĩ. Anh mơ mộng hoa cỏ. Anh ta viết một câu thơ thế này vào năm mười ba mười bốn tuổi : “ Thèm ăn một chút hoa sim tím, và nuốt hồn em vô trái tim …”. Cha anh là một người gác cổng xe lửa. Mỗi lần những con tàu già nua chậm chạp đến gần, ông lắc lư chiếc đèn dầu nhỏ, thổi vài tiếng kèn, đóng cản chặn xe trên đường lại. Tôi còn nhớ Ðà Nẵng dạo ấy rất ít xe hơi. Phần lớn học trò chúng tôi đi xe đạp, thỉnh thoảng lại bóp chuông.

Khi chúng tôi lớn hơn một chút, chiến cuộc dữ dội, anh đọc Mã Khắc Tư, bỏ ra khu, bị quân đội miền Nam bắt làm tù binh, đánh gẫy một hai cái xương sườn. Nghe nói bây giờ anh đã trở lại thành phố cũ.

Còn người thứ hai là bạn thân của tôi cho đến lớn. Cha anh theo cộng sản ra Bắc từ lúc anh còn nhỏ. Mẹ ở miền Nam, một mình đi làm thư ký nuôi ba con, ung thư, thất nghiệp rồi qua đời. Chúng tôi thường cởi truồng tắm biển và sau này lớn lên mới biết, lúc bé bỏng ấy chúng tôi cùng thương mến một cô con gái mà chẳng ai dám bạo dạn ngõ lời. Anh ta là cựu Hướng Ðạo sinh, thích làm việc thiện, rất “sợ ở tù”. Ðiều này nói có sách, mách có chứng. Anh trở nên một sỹ quan nhẩy dù bị lột lon nhiều lần chỉ vì anh vốn là người tử tế. Anh ta trở thành nhà văn. Bây giờ đọc lại sách cũ của anh, tôi thấy anh ta rất sợ ở tù, anh ta có nói rõ như vậy. Thế mà bạn tôi vẫn đang ở tù.

Hai người bạn nhỏ ấy và tôi, trong cuộc đời oái oăm đã cùng học chung một ngôi trường tỉnh nhỏ. Một anh người Quảng Nam, một anh người Huế, còn tôi, Bắc Kỳ di cư. Chúng tôi đã nằm bò ở sân trường viết bích báo. Ðã đi xe đạp hàng tư, hàng năm, buông tay lái, nắm lấy tay nhau. Thật ra hai anh chàng kia thân nhau hơn. Một anh thèm anh một chút hoa sim tím và một anh… Họ đều là những người yêu thích thiên nhiên và hoa cỏ, nhưng mà tôi chỉ kể lược qua như vậy …

Ðoạn văn ấy có một vài chi tiết sai, ví dụ đối với tôi, Phan Nhật Nam nói tiếng Huế, ấy là một người Huế, nhưng thật ra gốc gác không phải vậy. Còn các chi tiết khác đều đúng, nhưng tôi đã giản lược đi, hoặc chỉ không biết các chi tiết về sau. Những chi tiết giản lược đi, đó là Phan Chánh Dinh thoạt đầu theo các phong trào sinh viên tranh đấu ở Ðà Nẵng, Phan Nhật Nam trở thành sĩ quan Dù, được lệnh đưa lính đi dẹp biểu tình. Nam nhận lệnh phải bắn hạ tên cầm cờ dẫn đầu. Khi vừa nhận ra tên cầm cờ chính là Phanh Chánh Dinh, thằng bạn thân với mái tóc lòa xòa trên trán, chưa kịp phản ứng gì thì lính đã nổ súng rồi. Chuyện ấy tôi không nhớ rõ là Nam đã kể lại trong “Dọc Ðường Số Mộ” hay “Dấu Binh Lửa” hay “Mùa Hè Ðỏ Lửa,” và hình như Nam có diễn tả nỗi chán chường của việc phải đưa lính đi dẹp biểu tình vào thời liên tục đảo chánh, chỉnh lý trong giai đoạn ấy. Và sau này, nói chuyện với Nam, mới biết Phan Chánh Dinh bị thương và đã theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

5. Cũng có những điều tôi không biết rõ mặc dù đã là bạn thân bốn chục năm trời. Ví dụ tôi biết ở nhà, bác Dung, mẹ của Nam, con Bi, con Bé, em gái của Nam đều gọi Nam bằng tên thân mật là thằng “Rốc”, anh “Rốc”, Lê Mễ, Tiểu đoàn trưởng Nhẩy Dù, bạn thân của Nam cũng thường nói về Nam với tôi bằng giọng Huế: “Mi có trộ thằng Rốc ở mô không hí !” Tôi không hề biết tên thật của Phan Nhật Nam là Phan Ngọc Khuê, sinh năm 1943, kém Bùi Ngọc Tô với tôi một tuổi, chứ không phải tuổi Ngọ lông bông như chúng tôi. Hôm nay, cầm bản thảo “Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại” với phần mở đầu “Ðôi điều về Phan Nhật Nam,” mới thấy ra tên tuổi như thế.

Cũng có những điều khác nữa sau này mới biết khi gặp lại: Cha của Nam theo cộng sản ra Bắc, chẳng chức tước lớn lao gì như người ta đồn đãi, cha con suy nghĩ khác nhau, nhưng Nam vẫn giúp đỡ cha những khi cần thiết. Cha của Nam mới mất năm vừa qua. Mẹ chết năm Nam mười bảy tuổi. Em gái, Bé, tên thật là Phương Khanh tự tử những năm cộng sản mới chiếm miền Nam. Trên người Nam đầy những vết sẹo, những vết thương của những năm chinh chiến, tôi hãy còn nhớ những ngày vào thăm Nam băng bó đầy mình trong bệnh viện Cộng Hòa. Cộng thêm mười bốn năm tù cải tạo, gia đình chia cách. Suốt thời gian ở tù, nằm hầm cấm cố tử hình, hàng đêm chờ bịt mắt dẫn đi bắn bỏ. Thật quá sức cho một kiếp người và cho tinh thần một con người có thể chịu đựng.

Và tôi cũng biết chuyện Nam kể lại lúc Phan Chánh Dinh từ Hà Nội về Ðà Nẵng với tư thế khác, thái độ khác. Ngày nay, là đồng chí Ng Ch phụ trách Tôn Giáo Vận trong Trung Ương Ðảng, đã về Ðà Nẵng xa xưa của chúng tôi như Pacha Antipov đổi thành Strelnikov trở về Mátxcơva. Và đã bảo,” đáng lẽ phải giết Phan Nhật Nam mới đúng”. Tôi vẫn hy vọng câu chuyện không đúng vậy. Nhưng nếu câu chuyện đúng như vậy, thế giới này là một chiếc tầu ngầm thiếu dưỡng khí đang ngạt thở chìm dần. Làm sao ngoi lên được ?

6. Sau nhiều chục năm, Nam đã cầm bút trở lại với các độc giả của anh. Một cuốn sách sắp được ra mắt tại San José đúng ngày Chủ Nhật Ba mươi Tháng Tư, hai chục năm sau ngày miền Nam sụp đổ.

Từ Houston, Texas, tuần rồi Nam điện thoại dặn tôi phụ một tay. Ðúng lúc tôi cũng đang bận bịu ngày đêm để sửa chữa ấn hành cho kịp cuốn sách dịch cũng về ngày Ba mươi Tháng Tư, nên tôi chưa có thì giờ đọc cuốn bản thảo Nam gởi. Người đứng tổ chức, anh Bùi Ðức Lạc và hội Gia Ðình Mũ Ðỏ đã cho in một tấm thiệp mời dự buổi ra mắt sách, đề là “Những Câu Chuyện Cần Ðược Kể Lại, bút ký của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, người bị hạ nhục quá nhiều.”

Hạ nhục, có lẽ đúng vậy. Bị giam giữ cùm kẹp mười bốn năm trời, nằm dưới hầm sâu để sống còn với khẩu phần vài trăm hạt bắp. Miếng cơm nắm, vài hạt muối. Ðể được hút một hơi thuốc lào phải dấu diếm dành dụm từng sợi thuốc, phải qua nhiều tháng rút từng sợi chỉ lén lút hong khô rồi tìm cách cọ, quẹt, châm ra lửa. Phải đối mặt cái chết với mỗi ngày đêm suốt mười bốn năm trường. Phải nghe những lời miệt thị. Phải ẩn náu trong bóng tối để dành sự sống. Quả là sự hạ nhục.

Nhưng tôi muốn chính xác và ôn hòa hơn trong ngôn ngữ, tôi muốn đề nghị là : Mời thân hữu và độc giả đến dự buổi ra mắt sách của Phan Nhật Nam, người đã bị chúng ta đối xử quá bất công.

Thượng Ðế đã bắt Nam uống một chén quá đắng. Cha Cộng Sản, mẹ Quốc Gia, con đi lính đạn bom đầy thương tích, mẹ chết, một mình nuôi hai em gái, bị lột lon nhiều lần, đồng lương Ðại úy không đủ ăn cơm tháng, đành gởi em nay chỗ này mai chỗ khác, viết văn phải chạy vạy từng xấp giấy. Vừa im tiếng súng là đối mặt bóng tối kìm kẹp của mười bốn năm tù đầy. Sang đến Mỹ, đang hồ hởi với tình bạn, qua cơn say đã nghe những lời vô tư cách. Tất cả thế giới từ Thượng Ðế đến con người đều đã đối xử bất công với bạn tôi. Kẻ thù hạ nhục. Bạn hữu đối xử không công bằng. Khi còn nằm trong trong tay địch, chân tay còng kẹp dưới hầm sâu, người ta vẫn đòi hỏi Phan Nhật Nam phải làm anh hùng, người ta xưng tụng anh, trao giải thưởng chống Cộng cho anh mà không nghĩ đến việc thiệt hại cho sinh mệnh anh. Sang đây còn có kẻ lại hỏi anh sao không tự tử ? Ðể làm anh hùng ư ? Tất cả chúng ta đều đã đối xử bất công như thế.

7. Ở thành phố Ðà Nẵng vào những năm bình yên xa xưa, đêm mùa hè, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau bắt ghẹ, bên Mỹ này gọi là con cua xanh, Blue crab. Bãi biển Thanh Bình, vì nằm trong Vũng Thùng, bãi phẳng thoai thoải, vào những hôm nước cạn, có thể lội rất xa mà nước vẫn không lên quá bụng.

Những đêm không trăng, chúng tôi thường sắp sẵn lốp cao su để đốt: Một tay cầm lửa, một tay cầm những cây chĩa, chúng tôi vừa lò mò lội nước vừa nhìn xuống chân. Những chú ghẹ chắc nịch không bao giờ chạy đi đâu quá xa. Thấy ánh sáng, chúng luống cuống tìm cách ẩn mình dưới cát, chúng tôi nhìn kỹ, tiến đến bình tĩnh lấy chân dậm lên hoặc lấy chĩa chọc xuống. Bắt xong mớ ghẹ, cả bọn lên ngồi bên hàng dương liễu nướng ăn, rồi tráng miệng với những gánh chè đậu xanh đậu ván. Ai ăn chè đậu xanh đậu ván… Tiếng rao lanh lảnh mà mấy chục năm qua vẫn reo trong trí tôi.

Những đêm hôm ấy, trong tuổi thần tiên của chúng tôi, bọn con trai ngồi quây quần bên đám lửa vừa ăn uống vừa nói cười những chuyện tầm phào. Như chuyện thầy Bùi Tấn dậy toán thường bắt chúng tôi phải viết những dấu bằng (=) một cách thật ngay ngắn từ trên xuống dưới. Như thầy Mậu dậy vẽ thường đánh đàn ghi-ta hát hỏng (một cách tức cười đối với chúng tôi) bài “Hò Kéo Gỗ Trên Sông Volga”: Dô tà dố tà, dô tà dố tà… Như Thầy Trần Tấn dậy Pháp Văn (Con xin lỗi vong linh Thầy) về việc thầy không có thói quen mặc quần lót, nên mỗi lần thầy đứng ghếch chân lên bục, đứa nào cũng phải chú ý đến một cái gì xề xệ bên trong cái quần của thầy. Khi bàn đến chuyện này, lũ chúng tôi vừa cười sằng sặc vừa hát theo điệu nhạc của bản “Tiếng Hờn Trong Gió” với những lời ca do chúng tôi đặt ra là : “Cái gì to thế ? Cái gì to thế trong cái quần ?”

Ðứa to mồm nhất trong lũ chúng tôi, bao giờ cũng là Phan Nhật Nam. Hắn có thể nhái giọng La Thoại Tân. Hắn có thể bày đặt rất nhiều chuyện để làm cho chúng tôi vui cười, hắn muốn làm cho chúng tôi yêu mến và cảm phục. Cho nên ở trong trường, Phan Chánh Dinh có viết kịch thơ cho giờ sinh hoạt hiệu đoàn, không mấy ai vỗ tay, nhưng hễ Phan Nhật Nam lấy nhọ nồi vẽ râu, đóng vai thằng nhỏ láu lỉnh, bên cạnh một ông chủ lờ mờ (là tôi, vai này rất dễ đóng, không phải nói nhiều), thì bạn bè, nhất là bọn con gái đều ôm bụng lăn ra cười bằng thích.

Phan Nhật Nam cần tình thương từ thuở anh còn nhỏ. Anh học hành tử tế để được thầy thương, mặc dù không phải là loại học gạo và xuất sắc như Lê Chí Thảo (Ðệ nhất Tham Vụ sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Ðốn), hay là Lê Tự Hỷ, thiên tài toán (hiện là Giảng sư tại Ðại Học Sài Gòn).

Phan Nhật Nam đối với mẹ rất ngoan ngoãn và rất yêu thương mẹ. Anh thường nhắc đến mẹ nhiều lần trong những quyển sách của anh. Khi đi học, anh thường mặc những cái áo do mẹ may. Bác Dung, lúc còn sống là thư ký Ty Cảnh Sát Ðà Nẵng, lương thư ký chắc chắn rất ít, nhưng đã khéo may cho con một cái áo lạnh bằng vải bông màu đỏ, làm tôi cũng phải đến nhờ bác may cho một cái hệt như thế, mầu xanh.

Nam cần tình thương yêu của bạn bè, nên thích khôi hài, kể chuyện… Anh đội cái mũ rơm kiểu cao bồi bắt chước James Dean, bắt chước hề Jerry Lewis để bạn bè vui vẻ, bạn bè thán phục cố đạt sự thương yêu, và Nam đối với bạn bè như tôi đã nói, rất là trung hậu.

Những người bạn học cũ, đến bây giờ, ai cũng quý Nam. Những người bạn lính của Nam, những Lê Mễ, Phạm Như Ðà Lạc, Lô, Lã Quý Trang, Nguyên Vũ … rất nhiều người khác nữa đều là những người bạn lâu dài và sinh tử của Nam. Nhu cầu thương yêu ấy mặt khác có làm khổ lụy cho Nam, vì đàn bà không thể chia xẻ tình yêu như những bạn trai. Và tôi nghĩ rằng nhu cầu cần được thương yêu ấy đến từ lý do vì anh thiếu cha từ nhỏ.

Nhưng cả thế giới này đã khai thác và lạm dụng nhu cầu cần được thương yêu của Nam. Nam đã pha trò, Nam đã quý bạn, Nam đã chiến đấu, Nam đã viết, Nam đã làm nhiều thứ đáng để được thế giới hiểu biết và thương yêu. Nhưng thế giới quanh Nam đã không tử tế như thế. Người ta đã bắt Nam cho thì nhiều mà đáp ứng lại thì ít công bằng, xứng đáng và đầy đủ.

Với bẩy lần thương tích thừa chết thiếu sống, tốt nghiệp khóa 18 Võ Bị Ðà Lạt, khi cuộc chiến chấm dứt, Nam vẫn chỉ là một Ðại úy (Sau nầy mới rõ chỉ là đại uý “nhiệm chức”, nghĩa là trung uý thực thụ). Với sáu cuốn sách rất chạy, Nam không bao giờ có tài sản, lúc ở Sài Gòn có căn nhà đường Trần Nhật Duật là do Cẩm buôn bán giỏi rồi mua được. Trong thời gian Nam nằm trong hầm tối ở Việt Nam, bên Mỹ bên Úc bên Tây bên Gia Nã Ðại, suốt từ 1975, cùng một lúc với việc in lại những loạt truyện Kim Dung, là những quyển sách của Phan Nhật Nam. Người ta thi nhau lấy sách Nam chụp ra, in lại, những quyển sách viết bằng máu và nước mắt trong những trận chiến mà Nam tham dự, nhưng không hề ai tìm cách gửi cho Nam một khoản thù lao nhỏ gọi là để giúp cho một tác giả nằm tù, hoặc để giúp đỡ qua gia đình anh. Ngày đến Mỹ, Nam xuống vùng Nam Cali, đến một tiệm sách trong Khu Phước Lộc Thọ, của nhà xuất bản X…Một của những trung tâm in sách Nam hằng mười lăm, mười tám năm qua…”Chúng tôi không biết anh là ai hết…Chúng tôi chỉ biết bán sách…”- Nam nhận được câu trả lời như thế.

Tôi nghĩ thế giới không công bằng với Nam.

8. Ngày hôm nay, người Cộng Sản muốn thay đổi. Bản thân tôi cũng lấy làm mừng vì thứ nhất, tôi không thấy có giải pháp vũ lực để làm việc ấy, thứ hai, dẫu có, tôi cũng không mong muốn nước ta lại lâm vòng chiến trận đau thương. Khi nói chuyện hòa hợp hòa giải, bản thân tôi vẫn tin đấy là nguyên tắc tốt về phương diện đạo lý, bản chất người Việt Nam đều muốn có sự hòa hợp hơn sự tranh chấp tương tàn. Mọi tranh chấp, chia cách trong lịch sử Việt Nam sớm muộn đều lui vào dĩ vãng. Nhưng có lẽ, bản thân tôi cũng như nhiều người khác, khi nghĩ đến “hòa hợp hòa giải” về phương diện chính trị, cũng đều e ngại thắc mắc tự hỏi: Ðấy chỉ là khẩu hiệu hay thực tâm ? Chính vào thời điểm này đây, người Cộng Sản phải trả lời. Riêng về một người bạn cũ, Phan Chánh Dinh, nếu những chữ này có tình cờ lưu lạc đến tay anh, liệu anh có thể gửi được cho Nam những lời xin lỗi ? Ðể dẫu muộn màng, anh vẫn có thể chứng tỏ được ý niệm công bằng mà có lẽ vào thời chúng ta thơ ấu, anh đã tin khi tìm đọc Mã Khắc Tư ?

9. Có một đêm vào mùa hè năm ấy, lũ chúng tôi ngồi trên bãi biển Thanh Bình sau khi đã bắt được một mớ ghẹ. Bên đống lửa, chúng tôi vừa nướng ghẹ ăn, vừa pha trò nhảm nhí. Như thường lệ, người ồn ào to tiếng nhất vẫn là Phan Nhật Nam. Nhưng sau khi mọi câu chuyện dí dỏm để làm chúng tôi cảm phục và thương yêu của anh đã cạn dần, Phan Nhật Nam có một sáng kiến. Anh biểu diễn làm xiếc.

Nhân tiện chúng tôi có khá nhiều cao su lốp dùng để đốt lửa bắt ghẹ, anh vác ra một cái bánh xe hơi cũ. Anh bới cát, dựng lên rồi châm lửa đốt. Khi lửa đã bắt đầu cháy đều chung quanh vòng tròn cái bánh xe cao su, anh nhắm cái bánh xe, bước lùi lại rồi bảo chúng tôi: Bây giờ hãy xem đây. Anh cởi trần, thân hình chắc chắn không có vẻ gì lực sĩ như những Trần Trí Dũng (chết ở Ðồng Xoài), như Ðặng Ngọc Khiết (Biệt Kích, chết ngoài Bắc), tuy nhiên cũng không đến nỗi quá mảnh mai như Bùi Ngọc Tô (Nha sĩ San José). Anh ta mặc một cái quần đùi đen, hai bên có hai sọc trắng, mốt của chúng tôi vào những năm “năm mươi”. Trước những cặp mắt ngưỡng mộ và yêu mến của bạn bè về lòng can đảm, anh nghiêng mình phóng tới, cố nhẩy lọt qua vòng tròn bánh xe. Y như một ông cọp trong những phim hát xiệc chúng tôi xem ở rạp xinê Ngã Năm, hoặc rạp xinê Chợ Cồn, Ðà Nẵng.

Nhưng anh Rốc nhảy qua không lọt. Anh Rốc mắc kẹt ngay giữa cái bánh xe cao su đang cháy khét lẹt. Mủ cao su nóng bỏng chảy nhễu xuống với những ngọn lửa xanh lè đốt xèo xèo trên lưng anh Rốc.

Anh Rốc đã nghiến răng chịu đau để được anh em thán phục vỗ tay. Nhưng hôm ấy, chắc bác Dung đã chảy nước mắt khi nhìn vào lưng con trai.

Ðấy là những vết thương đầu tiên trên thân hình Phan Nhật Nam trước khi bị mổ xẻ khâu vá bẩy lần sau này trong cuộc chiến.

VẪN NHƯ LÀ NGÀY XƯA,

MÙA HÈ, 1995

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button