Một Ngày

An Phú Vang

Năm thằng được bảo trợ ra thành phố này. Cả năm, toàn con bà phước. International Institute of New York at Buffalo thương nên vớt ra khỏi trại tị nạn, mướn giùm căn gác và chỉ cho xin chút trợ cấp. Cả năm buổi sáng đi học sinh ngữ tối về chẳng biết làm gì. Năm thằng này đều là dân tác chiến trước tháng 4 năm 1975 nhưng còn rất trẻ. Hai thằng khác trước khi đất nước sang trang đi học ở Sài Gòn. Tụi nó được nhà thờ bốc ra tiểu bang Colorado, theo thư gởi vào thăm anh em trong trại tương lai sáng chói như cặp xì kít! Cả hai đều được đi học lại. Mừng cho tụi nó và cũng mừng cho luôn tụi tôi. Thư bên ngoài gởi vào trại, ngoài những giòng thăm hỏi kể lể vui buồn đời sống phía bên kia hàng rào trại tỵ nạn có thêm tờ giấy “mầu xanh” là cả bọn dư sức mua thuốc hút. 37 xu một gói Pall Mall! PX quân đội Mỹ bán thuốc rẻ như bèo. Hai thằng kia thương bạn bè bỏ thêm đồng hai chục vào thư là tụi tôi huy hoàng. Đêm đó barrack ở Indiantown Gap tha hồ bốc khói thuốc lá nồng nặc!

Tôi gặp những sinh viên đi du học trước 75 ở Buffalo thời gian này. Có ông hỏi xin áo Field Jacket của quân đội. Chạy trối chết có mang được gì đâu mà xin. Bọn họ nhiều người dễ thương, thấy dân tị nạn xà vào hòa đồng. Một ít làm như ta đây, mặt cứ vênh lên trời. “Con nhà giàu, học giỏi, thông minh.” Sướng thật: “Đi du học khỏi phải đi lính!” Có người hỏi xa hỏi gần, nghĩ lại sao mà sặc mùi ảnh hưởng của đám phản chiến. Lúc đó mới tháng 10 năm 75, tị nạn còn sợ. Tôi chơi với bọn họ vì mê đánh bóng rổ.
Mùa đông Buffalo tuyết rơi trắng xóa. Ông sinh viên du học bảo đón xe buýt đi hết đường Main, thấy trường đại học là tới nơi. Không có thẻ sinh viên vào sân bóng rổ không được, tôi đứng bên ngoài nắm tuyết ném lên cửa sổ. Đôi khi người này, thỉnh thoảng người khác chạy xuống mở cửa cho vào coi sinh viên du học người mình chơi bóng rổ. Coi bộ họ chơi không bằng đội bóng tụi tôi thời trung học bên nhà. Lúc đó tôi 1 thước 83 như vài thằng khác trong đội, lập thành đội bóng đánh không thua trường nào.
Mấy người sinh viên nói ra sân chơi. Lạ nước lạ cái tôi bảo không biết đánh bóng rổ. Ngồi đây coi anh chị chơi được rồi. Xuân Hà, người hát “Paris Có Gì Lạ Không Em” hay như Thái Thanh trong đám sinh viên du học ngồi bên hỏi “Sao ông không chơi?” À thì ra cô nhỏ này nói giọng Bắc. “Đánh dở sợ người ta cười.” “Sợ gì. Lát nữa vào chung nhóm tụi này.” Tôi đúng là thằng dại gái, gật đầu. Vào chơi một lúc “nóng máy” phong độ ngày cũ của tôi trở lại. Tôi lên tinh thần rồi quên đi mặc cảm lúc đầu khi biết những người chơi chung là sinh viên du học. Đúng là thể thao, trong sân mọi người bình đẳng. Tôi chẳng nể nan gì nữa, có dịp là làm bàn. Một ông, rồi hai cầu thủ sinh viên của đội kia giữ tôi không nổi. Nhằm nhò gì mấy tay này. Tụi trường Thọ Nhơn, Kỷ Thuật, Phan Thanh Giản của thời Đà Nẵng đánh thua đội tụi tôi hoài. Giờ giải lao Xuân Hà nói nhỏ: “Ông giấu nghề.” Tôi cười. Một anh chàng sinh viên khác chen vào: “Vậy mà bảo không biết chơi!..” Hy vọng anh ta không nghĩ tôi xạo. Bữa đó đi về thằng bạn chung nhóm tị nạn nói: “Tại mày khớp. Mày như tao, tưởng mấy người đi du học, đương nhiên là giỏi, thì cái gì cũng giỏi hết!”
Từ đó tôi quen thân với Xuân Hà. Cô ấy nghe tôi thích trở lại trường bảo xin vào UB học chung với mấy người trong nhóm cho vui. Cô hướng dẫn ghi danh, chọn lớp… Đến trạm đóng học phí, tôi nghe 900 đô la Mỹ mà tai lùng bùng. Trước tháng 4 năm 1975 hối xuất một đô la là 500 đồng tiền Việt Nam. 900 đô là gần nửa triệu đồng tiền nước tôi. Gia đình có bán hết nhà cửa cũng lo không nổi tiền học. Tôi buồn thiu lắc đầu với Xuân Hà. “Để tính đường khác…”

Ba trong năm thằng trong đó có tôi nghe hai thằng ở Colorado rủ sang đó đi học. Bàn nhau mấy bữa là tụi tôi đi. Hai thằng ở lại buồn thiu. Tụi nó nhất quyết tử thủ Buffalo với nghề may áo quần ở M. Wile Company. Chắc tụi nó mê ông Carson của Late Show chụp hình mặt đồ lớn của hảng trong hình quảng cáo. Ba thằng tôi thấy không thể hì hục may vá suốt đời. Mẹ ơi! Lúc còn trong trại tị nạn người ta hỏi biết nghề gì. Tôi nhìn ông Mỹ sơn barrack thấy quá dễ, trả lời thợ sơn. Người ta hỏi thêm sơn bên ngoài hay bên trong. Tôi ngọng! Giờ ra ngoài trại, tôi bày đặt chê nghề may vá. Hai đô la mười xu một giờ. Cả tuần lễ cắm cúi may, trừ thuế xong còn sáu mươi mốt đồng. Thằng bạn tôi đổi ra tiền mặt, đi mua cái áo Jean mất phần ba tuần lễ lương đi làm. Nhưng có cơ hội sao không học lại. Thế là đi. Cả ba bay sang Denver Colorado “nhờ vã” hai ông tị nạn được bảo trợ nhà thờ ngon lành. Tụi nó số “đẻ bọc điều”. Ở trong nước toàn đi học. Ra ngoài nước, được bảo trợ giàu, cho đi học tiếp. Thôi cũng mừng cho cả hai.
Buổi nhậu thứ nhì ở Colorado để đón bạn mới sang (là tụi tôi) kéo dài đến khuya là có chuyện. Tên nào nói một câu: “Tụi ông lính tráng học làm gì!” Ủa vậy sao! Tôi muốn vất lon bia Golden Colorado Coors vào mặt thằng đó. “Thời thế, thế thời thôi. Ở trung học tụi tao học đâu có dở.” Tôi bỏ vào phòng nằm nghỉ vu vơ. “Phải học cho giỏi và ra trường trước nó. Đ.m. phải cho nó biết. Lính tránh đâu phải toàn dân đâm cha chém chú!”

Mười mấy năm sau khi nghe Thái Thanh hát chợt nhớ đến Xuân Hà. Không có dịp gặp để cám ơn cô nhỏ, người nói giọng Bắc rất tuyệt, đã hết lòng “đẩy” tôi trở lại trường. Tôi thèm đi học lắm những ngày ở tác chiến. Ba thằng tôi cũng không còn dịp để gặp lại anh chàng phán câu… khinh bỉ lính tráng thời đó, lúc tụi tôi có ý muốn trở lại trường. Cám ơn hắn lắm chứ. Nhờ hắn, cả ba cắm đầu học. Hai thằng kia không biết sao. Còn tôi, ngày ra trường, mắt tôi đỏ chạch!

An Phú Vang
14, 02, 04
Valentine Day in California

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button