Món Ngon Quảng Nam
Lê Minh Quốc
Một trong những món ăn ở Quảng Nam mà ít địa phương nào có, đó là món khoai lang chà khô. Xứ Quảng nổi tiếng với nghề trồng khoai, coi khoai như một báu vật của trời dành cho vùng quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn cát”. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1545, Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán khi giữ chức trấn thủ Quảng Nam đã khuyên dân nên trồng khoai và lúc nấu cơm ăn nên “ghế” (độn) thêm khoai. Khoai ngon nhất xứ Quảng là khoai trồng ở vùng đất nào? Làng Quế Mỹ (huyện Quế Sơn) có câu: “Nhất gái Quế An, nhì khoai lang Quế Mỹ”.
Sau khi thu hoạch xong, người dân lựa riêng những củ lớn để xắt phơi khô, còn số củ vừa hoặc nhỏ thì để riêng ra làm khoai chà. Cách làm đơn giản, đem khoai nấu cho vừa chín tới, nếu chín quá thì khó chà, giã rồi bỏ vào trong cối tiếp tục giã nhỏ. Sau đó, xúc ra rổ sảo (loại rổ lớn) chà xát, bóp nhỏ, lấy phần dưới rổ rải ra nong phơi khô vài nắng, rồi lại tiếp tục giã.
Với cách làm thủ công này, ta có được hai loại khoai chà: loại nhỏ hạt và loại lớn hạt. Khoai chà loại nhỏ được ăn bằng cách cạo đường bát vào hoặc trộn đường cát và dùng lá mít xúc ăn. Bấy giờ, vị ngọt, bùi, dẻo của khoai và đường quyện vào nhau như cặp vần sáu, tám trong thể thơ lục bát. Vừa ăn vừa nghe những câu lục bát vọng lên:
Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi
Còn loại lớn hạt, lúc muốn ăn thì phải “sú” thêm nước sôi đặng khoai mềm, dễ ăn. Khoai nở ra thơm nức mũi và sắc mầu lại thanh nhã lạ lùng. Người Quảng Nam thích món ăn này, vì nó có tác dụng “kiên cường” là… chống đói một cách “bền bỉ”. Sáng đi cày, “chơi” một bát khoai chà thì cam đoan đến giờ ngọ bụng vẫn còn no. Từ lúc lớn lên tôi đã nghe mẹ dạy: “Bỏ khoai lang mang lấy nợ” hoặc “Nhất đậu phụng rang, nhì khoai lang bùi”. Món ăn này bất luận giàu nghèo cũng đều ưa chuộng.
Mà đã nói đến món khoai chà thì không thể bỏ qua một đặc sản chế biến từ trái của một loại cây mà người Quảng Nam có câu đố: “Mẹ không gai không góc, đẻ con có góc có gai” là cây gì ? Khoan trả lời, cứ để đó “hạ hồi phân giải” . Cũng giống như khoai lang, với người xứ Quảng thì cây mít được “tận dụng” tất tần tật ! Trái mít ăn chín thì ngon đã đành rồi, còn hột mít lại được phơi khô để dành ăn dần; mỗi lần nấu cơm thay vì “ghế” khoai lang thì ta lại “độn” hột mít, bấy giờ hạt cơm “cõng” lấy hột mít ăn nghe thơm, bùi lạ lùng:
Ai về đất Quảng làm dâu
Ăn cơm ghế mít, hát câu ân tình
Nếu bạn về xứ Quảng, gặp lúc dùng cơm như thế mà nghe trẻ em nói: “Hít vào hít ra, hít một”, đố hột gì thì bạn ắt hiểu là… hột mít!
Còn xơ mít bỏ đi chăng ? Đừng có dại. Xơ mít đem kho với cá thì ngon tuyệt vời. Nhưng mít trộn mới thực sự là món ăn độc đáo từ mít. Vật dụng để chế biến dứt khoát phải là trái mít non, không bị sâu hay eo thắt cằn cỗi thì mới có vị ngon, thơm. Trái mít non còn tươi được cắt bỏ phần vỏ gai và cùi, rồi cắt từng miếng nhỏ; rửa sạch mủ đặng bỏ vào nồi luộc mềm, đừng quên cho thêm một ít muối. Luộc xong, vớt ra xắt thành từng lát mỏng rồi đem trộn với muối, tiêu, mắm, ớt, tỏi, dầu mỡ phi hành, đậu phụng rang, rau thơm: Đơn giản vậy, nhưng nếm thử xem. Ngon tuyệt! Nhưng “ngon càng thêm ngon” nếu bạn cho vào một ít tôm luộc cũng xắt mỏng và ít thịt heo luộc.
Cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng. Đúng thế, đem bánh tráng xúc với mít trộn là một cách ăn điệu nghệ. Sực nhớ đến hai câu ca dao hay quá, xin ghi lại kẻo quên:
Tay cầm bánh tráng mỏng nương nương.
Miệng kêu tay ngoắt, bớ người thương uống nước nhiều
Với món mít trộn dân dã này nếu nhân vật Martin Yan – người khởi xướng chương trình ẩm thực Yan Can Cook rất nổi tiếng trên thế giới, từng được Trường Đại học Johnson & Wales phong tặng bằng Tiến sĩ danh dự về nghệ thuật ẩm thực, Viện Nghệ thuật Colorado phong tặng Tiến sĩ danh dự về nhân văn – biết được cách chế biến thì chắc chắn ông ta sẽ vô cùng ngưỡng mộ.