Miền Thơ Ấu
Hoàng Ðịnh Nam
“…Nằm đây mưa tạt vào song
Nghe đời như vó ngựa hồng đã xa.”
(VÐT)
Câu lục bát trên quá tuyệt vời để gây cho ta một cảm giác vời vợi của mất mát mà không thể tìm lại, của vụt trôi mà không thể níu giũ. “Vó ngựa hồng” ở đây là bóng mát một thiên đường đã khép lại sau lưng, đã trôi biền biệt về phía ngược dòng thời gian mờ mịt. Ðó là ấu thơ của mỗi một đời người. Ta chập choạng đi về phía già nua tuổi tác, về phía cuối trời tan loãng, thì kỷ niệm ấu thơ ngược chiều trôi xa về cõi mông lung của ký ức.
Ai cũng sinh ra từ một nơi nào đó, cũng có tuổi thơ ở một nơi nào đó. Nơi đó của người khác có thể là một thành phố ồn ào, náo nhiệt. Nhưng nơi đó của tôi là một làng quê có dòng Thu Bồn xanh mát, hiền hòa trong những mùa khô ráo, nhưng lại xiết cuồng vào mưa lũ ở Trường Sơn. Từ trăm suối ghềnh dồn đổ, nhập hòa vào dòng Thu Bồn trên chiều dài ngắn ngủi giữa nguồn và biển, nên dòng sông đó, không hiền gì vào những “năm Thìn bão lụt”. Cũng như dân quê tôi – đất Quảng – không hiền gì khi cần phải chống lại những gì chống lại niềm tin của họ. “Theo quốc gia tới cùng và theo cộng cũng tới cùng”. Dòng sông ngoằn ngoèo. co thắt qua những núi đồi nhấp nhô hay bờ lau bãi sậy, lượn uốn qua sừng sững Hòn Kẽm Ðá Dừng, rồi tẻ đôi ở Kỳ Lam để bao quanh làng quê tôi – Gò Nổi – rồi nắm tay hội tụ ở Cầu Mống, Câu Lâu để xuôi về cửa Ðợi quanh năm mịt mù sóng vỗ. Một bên là Trường Sơn, một bên là biển Ðông, dòng sông như một chiếc nơ màu xanh thắt lên trên phần quà trời đất đã dành cho con cháu xứ Quảng, dù lưu lạc bốn phương, tám hướng vẫn tự hào về một vùng địa linh nhân kiệt.
Quê hương tôi nơi đó. Dòng sông thơ ấu tôi nơi đó. Bãi tắm Gaveston, Vũng Tàu, Long Hải… hay bất cứ bãi tắm nào khác cũng không ngọt mát bằng bến sông Qua Trà, An Trường, Hà Mật mà thuở nhỏ tôi cởi truồng tắm sông. Những mùa khô, lòng sông hẹp lại phơi bãi cát phẳng lặng, vàng óng và gió sông gờn gợn những hạt nước li ti trên da thịt chú bé con lên mười. Trời trong xanh và mây trắng xóa trong đáy nước. Nắng gió của bến sông lồng lộng, mát hoài cả tuổi thơ và suốt cả cuộc đời. Mùa hè với cánh diều lượn vút trên trời như những ước mơ bay bổng, cao và xa, mà tôi chưa hề biết là nơi đâu như bây giờ tôi đã. Ước mơ vượt thoát ra khỏi làng quê bé nhỏ để đi tới chân trời xa lạ, những kinh thành tráng lệ.
Tiếng ve râm ran trên cành phượng vĩ trong sân trường tiểu học Phú Lộc, trên cây mít sau vườn, trên hàng tre trước ngõ… xuyên suốt cả đời tôi, để lại trong hồn một thứ âm thanh khó quên, luôn gợi lên một hoài niệm khôn nguôi. Những buổi sáng yên ả ngồi bên cửa sổ lắng nghe tiếng chim chiu chít trên hàng cây bên đường làm ta dễ xúc động hơn. Tiếng chim đó, ít nhiều gợi lại tiếng chích chòe, sáo sậu, hay cưỡng, nhồng trên cây vông, cây ổi, tiếng chim sẻ trên mái tranh quê xưa. Chú bé nào cũng muốn trèo lên cây thăm, bắt những tổ chim con vừa đủ lông, đủ cánh để bỏ vào lồng nuôi chơi. Muốn con chim con phải lớn lên bằng chút gạo nước của mình, muốn nó nhảy nhót và hót líu lo cho mình vui thích. Nhưng có chú bé nào biết được, tiếng chim hót trong lồng chỉ là tiếng kêu bi thương của một đời tù ngục. Ðâu có chú bé nào biết được rằng loài chim sinh ra là để bay lượn trên bầu trời tự do, và hót là để tặng thiên nhiên và con người khúc nhạc lòng hớn hở của một đời sống tự do thoải mái.
Những con chim tôi nuôi chưa bao giờ sống hết đời chim. Sáng ra, xác chim lạnh cứng trong lồng. Bọn con nít tôi làm đám ma cho con chim trịnh trọng với huyệt đào, mộ đắp, bia ghi. Không con chim nào sống được trong bàn tay bọn trẻ chúng tôi không hiểu biết gì về chim. Con người cũng không thể phát triển theo chiều sống được trong bàn tay những con người không hiểu biết gì hay lầm lẫn về con người.
Nơi đẹp nhất của quê hương là quê hương thời thơ ấu. Một miền thơ ấu yên bình. Từ khi bắt đầu tuổi có ký ức, ký ức tôi đã in đậm nét những sinh hoạt hiền hòa bình lặng của quê tôi qua những mùa dâu tằm, lúa thóc, mía đường. Làng tôi ở phía đông Gò Nổi – Thi Lai – giáp ranh An Trường – Hà Mật. Những cái tên đó gợi lên một cảm xúc ngọt ngào rạt rào tình tự quê hương.
Có một lần, đứng bên hồ Lavon khi chiều đang tắt nắng, nhìn mặt hồ mênh mông với hơi nước bốc lên như sương khói, tôi nghe thấm thía vô cùng hai câu trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
nghĩa là buổi chiều nhìn về quê hương không biết ở phương nào, khói sóng trên sông khiến cho người khách sầu tư. Người xưa đứng trên đất Hán Dương nhìn khói sóng trên sông mà buồn nhớ quê hương, cùng tâm cảm ấy tôi bỗng nhớ quê nhà da diết. Nhưng lạ làm sao, tôi lại chỉ nhớ quê hương thơ ấu của tôi Thi Nhơn, Hà Mật nhiều nhất. Nơi tôi chỉ sống có mười hai năm đầu đời mà thôi. Phần còn lại là miền Nam, quê hương thứ hai. Tôi hiểu, bởi đó là miền thơ ấu. Miền đất của hồn nhiên, vô tư, của ngày xuân, ngày tết với mai vàng pháo đỏ, áo mới, lì xì, lô tô, bài chòi, bầu cua, xóc dĩa… Của mùa hè không còn tiếng trống trường hai buổi, rong chơi thả diều, bắt ve, hái hoa bắt bướm. Của mùa thu êm đềm, trở lại với trường làng ê a sớm chiều. Của mùa đông mưa phùn, gió bấc, ngồi co ro trong nhà ăn bắp rang tưới nước mắm. Và miền thơ ấu tôi, có dòng sông hạ êm đềm trôi qua từng bãi cát vàng, cho tôi một thời bình yên, hiền hòa.
Trước khi lên đường định cư tại Mỹ, tôi tìm về quê hương Gò Nổi của tôi. Tôi muốn thử tìm lại chút gì quê hương sau hai mươi tám năm. Tôi, như chiếc lá lìa cội, cứ trôi biền biệt trên dòng đời cuồng xiết, tôi, như cánh chim còn mê trời viễn xứ, muốn thử tìm lại bóng lá trong vườn hạ xao xác, xa xưa. Tôi vô cùng đau đớn. Mọi thứ đều hoàn toàn xa lạ như ở một vùng nào đó mà tôi chưa hề đặt chân tới. Không còn cây đa cũ, cũng chẳng bến đò xưa. Dòng sông xưa chừng đã chảy lệch dòng bồi lở. Con đường xưa đổi lối, thay nơi, Ðất vườn nhà ngoại tôi đã được phân chia cho bốn gia đình cư ngụ. Và, những người năm xưa cũng ly tán. Tôi nghe nói chiến tranh đã cào bằng Gò Nổi, gần như không còn viên gạch nào trên viên gạch nào. Tôi đứng trên đất cũ mà không nhận ra cái gì quen thuộc. Chỉ mỗi một điểm tôi còn nhận ra là bóng núi xanh xanh, mờ mờ, xa xa về hướng Nam. Chiến tranh không làm ngọn núi đó bị dời đổi. Nó vẫn còn nguyên như hình ảnh trong trí tôi.Một hình ảnh duy nhất, nguyên dạng mà tôi tìm được sau hai mươi tám năm ly biệt. Ngọn núi mà ở thời tuổi nhỏ của tôi là một huyền bí, thần thoại – nơi mà anh em của em bé Tí hon trong truyện “Ðôi hia bảy dặm” bị cha mẹ đem bỏ trong rừng và bị quỉ tha về nhốt.
Tôi chỉ ở lại khoảng nửa giờ rồi phải vội vàng lên xe trở ra Ðà Nẵng. Nỗi ngậm ngùi cho những đổi thay mất mát trong thiên đường thơ ấu chắc sẽ theo tôi đến cuối đời.
Chiến tranh đã làm ra bao đổi thay mất mát. Hơn bao giờ hết, tôi bỗng thù ghét ghê gớm kẻ đã gây nên chiến tranh dưới chiêu bài giải phóng với những ngụy lý mị dân của nó.
Dallas 7/99