Miên Man Như Một Hoài Niệm
Hà kỳ Lam

Mọi sự khởi đi từ cái bối cảnh của ca khúc “Ðường về quê” của Phạm Duy.
Kìa đoàn người đi miên man trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát …
“Ðường về quê”? Có lẽ vài bạn đọc chưa có dịp làm quen với ca khúc này sẽ tự hỏi, “đường về quê hương chăng?” Rồi câu ca tiếp theo:
Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu, quên hết ưu sầu …
Ðến đây có thể người đọc đã mường tượng một đề tài “phi quê hương”. Vâng, nhạc sĩ Phạm Duy đang nói về một đoàn người trên những chặng đường rời bỏ thị thành, rời xa đồng bằng đi về miền thôn dã tận những nơi đèo cao hố thẳm khi chiến tranh bùng nổ từ miền duyên hải, từ các thành phố những năm cuối của thập niên 1940…
Cuốn trong cơn lốc của giai đoạn lịch sử đó cậu bé 7-8 tuổi như tôi lúc bấy giờ mới có dịp đặt chân lên những nẻo đường xa lạ hơn những lối đi phẳng phiu nhàm chán, quá quen mắt trong xóm làng mình. Lần đầu tiên tôi nghe nói đến những tên gọi xa lạ hơn những địa danh quen thuộc chung quanh quê mình. Cùng gia đình ngược sông Thu Bồn từ làng Kỳ Lam trên chiếc thuyền chạy loạn tôi đã nhìn thấy phong cảnh muôn hình muôn vẻ hai bên bờ. Êm đềm, xanh mướt như Vân Ly, trùng trùng cây lá như Phường Rạnh, bờ nước trong xanh với đá cuội trãi dài đến tận bìa làng như bãi Bình Yên, hay cuồn cuộn đánh một vòng xoáy rồi phăng phăng chảy về xuôi như giòng thác Cổ Cò … Tất cả nằm yên dưới đáy của ký ức chất chồng theo năm tháng. Tất cả là một cuốn phim do tri giác ấu thơ quay và tồn trữ kỹ lưỡng không để thời gian làm hoen rĩ. Mất về đâu Trung Phước, trôi về đâu địa điểm cắm trại Cây Xoài Ðôi năm xưa? Còn đó chăng con đường mòn đất trắng xuyên làng Khánh Bình, lên Ðông An, đến Phú Gia? Ôi Phú Gia với những đồi sim mà đêm nằm nghe những cơn mưa đầu mùa quất vào mái lá mình thấy rạo rực trong lòng vì ngày mai quả sẽ chín rộ đen cả đồi! Và còn đó chăng đỉnh Cà Tang quen thuộc nhìn từ Phú Gia với vách núi trắng xóa sừng sững ở nẻo xa? Tất cả còn nguyên đó, đợi tôi về thăm. Hơn một người đã bảo tôi thế. Và tôi hằng mong trở lại vùng thượng nguồn Thu Bồn, một lần thôi, để đi lại những lối mòn mà bước chân tí hon mình đã dẫm lên.
Và tôi đã trở về.
Nhưng tôi chưa thực hiện được điều tâm niệm của mình. Tôi chưa muốn ngược giòng Thu Bồn trên một khoang thuyền nhổ neo từ chân cầu Kỳ Lam như một ngày xa lắc xa lơ. Tôi chưa viếng Trung Phước, thăm Cây Xoài Ðôi, và chưa đi qua Khánh Bình, Ðông An.
Chỉ vì Hòn Kẽm Ðá Dừng gọi tôi! Tiếng gọi nghe mãnh liệt làm sao. Tôi không từ nan được. Tháng chín năm ngoái, trong lúc lênh đênh trên giòng Lý Giang ở Quảng Tây, Trung Hoa, ngắm những đỉnh núi với nhiều hình thù ngoạn mục, ngắm những vách núi đá dựng đứng hai bên bờ, tôi bỗng nghĩ đến Hòn Kẽm Ðá Dừng của Quảng Nam mình. Tôi bỗng nhận ra rằng bao trùm lên trên cả cái nền của ký ức ấu thơ kia là ấn tượng sâu đậm do mấy vần ca dao bất tử của xứ Quảng khắc ghi; cái không gian ấu thơ của tôi ven bờ thượng nguồn Thu Bồn là những Trung Phước, Khánh Bình, Ðông An, Phú Gia, Dùi Chiêng đã đành, cái không gian ấy lại còn chuyên chở một địa danh khác ven bờ Thu Bồn về phía thượng nguồn cao hơn nữa tôi chưa từng đặt chân đến – một ý niệm không hơn không kém – chỉ được nghe kể qua cửa miệng mọi người, qua ca dao truyền tụng. Và mọi sự lại khởi đi từ bốn câu thơ dân gian mộc mạc
Ngó lên Hòn Kẽm Ðá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiễng nhớ quê thì đừng
Thế là tôi quyết định viếng Hòn Kẽm Ðá Dừng, không vì điều nào trong hai điều ghi ở bốn câu ca dao trên, mà trong một chừng mực nào đó lại vì toàn bộ chúng.
Ký ức tôi còn giữ cảnh tượng hãi hùng của những trận cuồng phong, mưa lũ những ngày xửa ngày xưa ở Phú Gia, Dùi Chiêng. Mưa rừng, lụt rừng, tôi chẳng thấy thi vị, hiền hòa như ai đó từng diễn tả qua cung đàn, lời thơ. Giòng Thu Bồn êm đềm, trong vắt mọi ngày đã nhường chỗ cho một con sông mênh mông, đục ngầu chồm lên lồng lộn bắn nước trắng xóa như muốn nuốt trửng mọi vật cản ngăn. Phăng phăng trên giòng chảy, nó thịnh nộ nổi sóng cuồn cuộn đưa về xuôi từng thân gỗ lớn, từng mảng bè tre, từng mái nhà tranh còn nguyên vẹn với bao nhiêu người bám theo khóc than, kêu cứu. Ách “nước” tai trời vùng mạn ngược ập đến chớp nhoáng rồi rút đi chóng vánh! Bất trắc của cuộc sống đường rừng miệt thượng nguồn Thu Bồn là thế. Lũ quét, theo ngôn ngữ miền Nam. Flash flood, như vẫn thường nghe nói ở vùng Grand Cannyon, Arizona, Mỹ.
Cho nên, khởi hành từ Hội An, tôi đã không chọn một khoang thuyền – dù ngày nay với sức ngựa của máy nổ chứ không với cần lao của cơ bắp dân chài! – để lênh đênh trên sóng nước từ Hội An, qua Kỳ Lam, Trung Phước, v.v. ngược giòng Thu Bồn lên Hòn Kẽm Ðá Dừng. Tôi đã loại bỏ phần lớn bất trắc của đường thủy bằng cách dùng xe hơi lên tận phần thượng nguồn xa hơn Hòn Kẽm Ðá Dừng, bến đò Tân An, thuộc quận Hiệp Ðức, để từ đó đi đò máy xuôi giòng sông xuống thăm Hòn Kẽm Ðá Dừng. Ðường bộ đi Tân An đã cho tôi dịp đi qua một phần các quận Duy Xuyên, Quế Sơn, Hiệp Ðức. Và tôi đã có dịp nhìn cầu Câu Lâu, bến xe đò Nam Phước, những địa danh mà Trần Trung Ðạo đã tương tư qua bài thơ “Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng”. Tân An nằm bên hữu ngạn sông Thu Bồn. Bờ bên kia là làng Bình Huề, một tên gọi tôi vẫn nghe quen tai từ thuở nhỏ. Người ta đã làm cầu kiên cố qua sông, như vậy trong mùa lũ lụt người dân đôi bờ không còn bị ngăn cách. Bảng chỉ đường gần cầu cho biết Khâm Ðức cách xa năm mươi ba cây số, theo chiếc cầu qua sông. Cái tên “Khâm Ðức” đã nhắc người viết bài này về một thời gian truân của mình với núi rừng ở đấy, một chốn cũ thực sự, chứ không chỉ một địa danh trong ký ức.
Tôi và người bạn đời – người “con dâu xứ Quảng” đến từ bên kia của dãi đất tận cùng phía Nam, từ xứ Chùa Tháp – cùng bà con, bạn bè, tất cả mười ba người (lại con số 13!) bước lên một chiếc ghe máy có mui, chỉ đũ sức chứa ngần ấy con người, để xuôi giòng xuống viếng Hòn Kẽm Ðá Dừng. Với tiếng máy nổ không “giòn” lắm, như một giọng cười khó khăn, hay bị tắt nghẹn, con thuyền rời bờ, ra giữa giòng chảy và đi về “miền hành hương”. Trên lộ trình thuyền chúng tôi đi qua ba thác. Tại mỗi con thác cô bé con người lái đò chỉ chúng tôi xem. “Ðây là thác Ông Xuân…, đây là thác Vạt Liêm …, rồi thác Vũng Bàu”. Thác Ông Xuân tương đối “hiền lành” nhất, hầu như khó nhận ra đó là một giòng chảy xiết, vì khúc sông ở đây mở rộng, con nước không phải “chen lấn ” nhau. Thác Vạt Liêm mạnh nhất, vì cồn cát gần bờ tả ngạn đã tạo một tình trạng “cổ chai”, tăng cường độ của con thác lên bội phần. Thác Vũng Bàu cũng có cồn cát nhưng chỉ chia hai con nước, và khúc sông ở đây lại hơi phình ra nên chỉ có nước xoáy. Ðứng trên nóc mui ghe, đầu trần dưới nắng chói chan của mặt trời xứ Quảng, với gió lộng phà hơi mát của nước Thu Bồn, tôi bỗng thấy tâm hồn thư thái. Cuộc sống bon chen, nhỏ nhoi dưới miền xuôi, nơi phố thị, hay nhịp đời tất bật, máy móc bên kia bán cầu, nơi chúng tôi nhận làm đất tạm dung, trong phút chốc bị đẩy lùi hay tan biến đi trước cảnh núi cao sông dài này. Chợt nhớ người bạn văn Trần Hoài Thư đã có lần muốn lên non làm đồ đệ Lão Tử: (1)
Giày rơm cỏ, nhà sàn, săn chồn đặt bẫy
Có đất trời thì vô lượng mênh mông
Có buổi chiều thung lũng tắm hoàng hôn
Có tinh tú đêm đêm trên trời nhảy múa
Có gái thổ trần truồng căn tròn ngực vú
Có suối ngàn, nhìn gái mọi đùa trăng
Vài mái tranh nhỏ ẩn hiện qua bờ tre, bụi chuối, dăm ba người dân đen đúa, gầy guộc còng lưng trên những mảnh nương rẫy bé tí trên sườn đồi ven bờ gợi nghĩ đến cái nghèo khó nơi đây. Xóm làng thưa thớt hai bên bờ. Ðịa hình biến đổi, khi thì mặt đất bằng phẳng phủ toàn cát trắng mịn màn, hoặc trãi sõi đá “sang trọng”, lúc thì núi lấn sát ra sông tạo những bờ dốc hiểm trở đầy vẻ thách thức. Ở những đoạn cây rừng soi bóng nước như thế du khách mới hình dung được phần nào mức độ ác liệt của con sông này trong mùa lũ lụt. Từ dưới ghe chúng tôi ngửa mặt nhìn trời xanh, thưa không, nhìn những mảng cỏ khô, lá khô, cành cây mục còn vướn trên những nhánh cây cao hằng chục thước trên mặt sông, dấu vết những cơn lụt lưu lại!
Giòng sông chảy ngoằn ngoèo, luồn lách theo những lòng chảo giữa hai vách núi, nên nhiều đoạn cong tạo cho du khách ảo giác núi chắn ngang giòng chảy, và con sông chấm dứt. Khi thuyền lướt tới gần mõm núi thì một không gian mới mở ra, con sông vừa bẻ góc lại ung dung chảy về xuôi. Ðoạn từ Tân An, Bình Huề địa hình hai bên bờ tương đối bằng phẳng hoặc thoai thoãi dốc, mặc dù thuộc thượng nguồn trên Hòn Kẽm Ðá Dừng. Xuôi gần đến Hòn Kẽm Ðá Dừng núi bắt đầu cao hơn, và nhô ra sông nhiều hơn. Rồi hai bên bờ núi lấn sát đến tận sông, không còn một gang tất mặt phẳng nào nữa. Người lái đò chỉ tay về phía những ngọn núi trước mặt trông như đang áng ngữ giòng sông và bảo chúng tôi rằng đã đến nơi mình muốn xem. Hòn Kẽm Ðá Dừng đây rồi. Tôi thấy hai thành núi dựng như hai bức tường và con sông chảy ở giữa. Từ thượng nguồn xuống, vách núi bên trái thẳng đứng hơn. Chiếc ghe đánh một vòng tròn rộng để chúng tôi ngoạn cảnh hai bên bờ, rồi từ từ quay đầu về phía thượng nguồn và cập sát một vách đá bên bờ phải, nơi có một mặt bằng rộng đũ cho bốn người đứng và ở độ cao vừa cho du khách bước từ ghe lên. Có lẽ điểm nầy là vị trí độc nhất tại hai bờ đá của vùng Hòn Kẽm Ðá Dừng mà du khách có thể đổ bộ để chụp ảnh, quay phim. Tôi là kẻ đầu tiên trong nhóm bước lên cái mặt bàn đá thiên nhiên ấy. Nhìn bao quát, tôi thấy đúng như ai đó đã mô tả, giòng Thu Bồn qua đây đã bị “thắt” lại bởi hai hòn núi đá nhô ra từ đôi bờ. Tôi không biết hòn nào là Hòn Kẽm. Sau nầy, một người bạn mà thời thơ ấu đã có cơ duyên với khúc sông nầy cho biết cả hai quả núi đều có tên Hòn Kẽm, nhưng quả núi bên hữu ngạn còn được gọi Hòn Trà Linh, mặc dù kề cận nó về phía thượng nguồn mới là làng Trà Linh. Và cái tên “Ðá Dừng” nữa, có lẽ áp dụng cho cả hai quả núi đá này, vì nó mô tả đúng hình tượng hai vách núi. Có người bảo tôi rằng tên gọi chính xác vùng này là Hòn Kẽm; Ðá Dừng chỉ là chữ dùng mô tả địa thế của Hòn Kẽm, và thuộc từ “đá dừng” sánh đôi với Hòn Kẽm lâu ngày quá bỗng trở thành người hôn phối của Hòn Kẽm từ hồi nào không ai hay! Về tên gọi Hòn Kẽm, cũng có người giải thích nó bắt nguồn từ sự kiện nơi đây từng được xác định có mõ kẽm. Dù sao đi nữa, tôi không muốn chiết tự, phân tích, biên khảo chi li vân vân, để đổi tên thắng cảnh này thành Hòn Kẽm, một địa danh chỉ vỏn vẹn hai chữ! “Hòn Kẽm”, nghe lạ tai làm sao, nghe như thiếu một cái gì! Và lại nữa, nếu đổi tên cho hợp lý – chứ không hợp tình – hóa ra từ nay đành bức tử bốn câu ca dao nghìn đời thân thương của xứ Quảng chăng?
Ngó lên Hòn Kẽm Ðá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
Nhưng mới đây, nhân chuyện trò với bác sĩ Lê Văn Lân, tôi tình cờ đề cập đến địa danh này và bỗng được nghe ý kiến thú vị của cây bút biên khảo này. Ông ấy cho biết chữ kẽm chỉ đường hẽm, đường nứt, đường khe v.v. và chữ dừng – âm nguyên thủy là dựng nhưng nhiều địa phương vẫn có thói quen phát âm theo dấu huyền những chữ có dấu nặng – chỉ tường, vách. Áp dụng lối giải thích đó vào địa hình Hòn Kẽm Ðá Dừng tôi thấy khá khít khao. Ngọn núi bên tã ngạn có một khe đá từ trên cao chạy dài xuống tận mé sông, và nước cứ róc rách đổ từ hòn đá này xuống tảng đá kia. Người lái đò cho biết cả hai bờ này là Hòn Kẽm Ðá Dừng. Ông ta còn cho biết vào mùa mưa cái khe này trở thành một thác nước rất mạnh. Vậy đây là Hòn Kẽm đứt đuôi rồi, thay vì Hòn Khe! Ðối xứng với Hòn Kẽm, bờ bên kia là một vách núi đá rất đứng: Ðá Dừng! Tôi bỗng nghĩ rằng cặp núi đá này mới tượng trưng cho một sự sánh đôi bền vững qua thời gian, và tôi muốn viết tên nơi này với một lối riêng, liên kết bằng những dấu ngang nối, Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng. Lối đặc tên đất đai ở vùng này kể cũng lạ, vì có một làng, nằm bên tã ngạn, phía trên Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, có tên là Thạch Bích, tức cũng một loại “đá dừng”, và kề cận ngay dưới Thạch Bích là Ðá Ngang. Những Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, Ðá Ngang, Thạch Bích, tất cả đều chuyên chở một ý niệm về đá. Và ta hiểu cả một vùng núi đá trãi dài hai bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn tại khúc này.
Những vách đá ở đây gợi nhớ những dãy núi bên giòng Lý Giang ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa. Tôi thấy một khác biệt rõ nét giữa hai nơi: những vách núi ở Quế Lâm màu đen sậm điểm từng mảng trắng, điển hình của núi đá vôi, trong khi vách Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng có màu nâu sậm phảng phất màu hổ phách, tương tự màu đá vùng Grand Canyon, tiểu bang Arizona, Mỹ.
Ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim thõa thích xong, thuyền chúng tôi lại rời Hòn Kẽm, hướng về phía thượng nguồn, trở lại điểm xuất phát của mình. Ðường về ngược nước! Xuôi theo giòng sông, chúng tôi đã mất khoảng một tiếng đồng hồ mới đến đây. Cho nên ghe đã phải chạy hai giờ ngược giòng sông mới về đến Tân An. Nhưng… về được bình yên là quí rồi!! Ðến thác Vạt Liêm, con thác mạnh nhất trong ba thác chúng tôi đã đi qua khi xuôi giòng, cô bé con người lái đò vụt miệng nói, “năm ngoái cũng tại khúc này có một ghe chìm, mười lăm người chết hết”. Chúng tôi hỏi tiếp và được biết nạn nhân toàn người địa phương chứ không phải du khách. Cô bé nói tất cả biết bơi nhưng không chống nổi sức nước cuốn. Tôi nhẫm đếm và hơi hốt hoảng, vì mười ba người chúng tôi cộng với cha con người lái đò vị chi là mười lăm người, cùng số lượng mà khúc sông ở đây đã nộp cho thủy thần năm ngoái; và năm nay chắc đến “phiên” chúng tôi! Như đáp lại ý nghĩ của tôi, ngay lúc ấy con đò không “cầm chân” được giòng nước, cứ ì tại chỗ. Người lái đã phải tăng sức máy lên. Ổ máy với giọng cười khó khăn, hay bị tắt nghẹn mà tôi đã nhận xét lúc khởi hành, giờ đây cảm thấy “khó ở” hơn nhiều, ốm trầm trọng rồi. Nó không đáp ứng nổi đòi hỏi của chủ nó. Sau vài tiếng ho yếu ớt như người bị ngộp thở, máy liệt. Ghe bị giòng nước tống lui dần, lui dần, rồi mũi ghe từ từ quay sang phải. Hình ảnh chiếc đò lúc bấy giờ trông như một chiếc lá khô trên giòng nước xoáy. Lúc ghe ở vị thế gần nằm thẳng góc với hướng nước chảy, tôi thấy nguy cơ “chìm xuồng” sắp đến trong tích tắc! Cùng trong tích tắc ấy người lái đò đã đưa mũi ghe trở lại hướng cũ, đối đầu với giòng nước, và dùng miệng thổi mạnh vào ống cho dầu chảy vào máy. Phép lạ xãy ra! Máy nổ lại. Máy lại cất tiếng cười, tuy vẫn khó khăn, vẫn đứt quảng vì tắt nghẹn. Và mọi người đã cười theo. Trong giây phút lâm nguy ấy cả ghe im phăng phắt. Vẻ nghiêm trọng hiện trên từng bộ mặt, kể cá người lái đò. Dĩ nhiên mỗi người có một “nỗi niềm” riêng trong lòng. Nỗi niềm riêng của tôi là một tâm trạng lẫn lộn. Một sự ân hận. Tôi chủ xướng cái trò du lịch này. Hầu hết trong nhóm đều do dự, nhưng người bàn ra nhiều nhất là “người con dâu xứ Quảng”! Ðêm hôm trước tại Hội An, nhiều bà con đã khuyên “đừng” đi Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, vì bất trắc của sông nước. Chú tôi thì đọc lại mấy câu ca dao nổi tiếng về nơi ấy cho tôi nghe, và đặc biệt nhấn mạnh chữ “đừng”. Tôi biết chú chỉ muốn trêu tôi thôi chứ chẳng có ý định can ngăn gì tôi, vì chú là người hăng hái trong chuyến đi này. Và tôi đã quyết. Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng đã gọi tôi, từ lúc tôi nhìn những đỉnh núi ở Quế Lâm, Trung Hoa năm ngoái.
Ðề cập đến đứa con gái nhỏ của người lái đò lại đưa giòng ký sự đi miên man thêm một chút. Con bé mười sáu tuổi nhưng trông như một đứa trẻ chừng mười hai, có lẽ vì kham khổ, thiếu dinh dưỡng. Nhưng điều đặc biệt là cô bé đã để lại nhiều cảm tình trong chúng tôi, do nét dễõ thương, nói chuyện thông minh. Người cha ở cuối ghe lo điều khiển hướng thuyền đi. Con bé thỉnh thoảng phụ giúp bố thổi dầu khi máy bị nghẽn. Phần lớn thì giờ nó ở gần chúng tôi. Trong tiếng máy nổ ầm ầm, và tiếng gió rít trên sông, chúng tôi gợi chuyện và cô bé tíu tít kể mọi thứ. Nó nói về tình trạng trộm cắp giữa những người cùng nghèo khó ở tận nơi thâm sơn cùng cốc này, về ông bố cựu bộ đội nghiện rượu, về những mãnh giấy khen thưởng của ông chẳng đem lại áo cơm v.v. Với hai trăm nghìn đồng Việt kim (tương đương khoảng mười lăm Mỹ Kim) mà bà xã tôi đã tặng, cô bé say sưa vẽ ra nhiều viễn ảnh: tặng bố, tặng mẹ một phần, may áo quần – vì hồi bé tới giờ chưa bao giờ được mặc đồ mới may, mà chỉ toàn áo quần cũ xin của người ta – và còn lại để dành đi học. Nó đang học lớp 9. Tôi cầu mong cô bé được đi học cho đến xong lớp mười hai là quí rồi. Tôi cầu mong cô bé được có dịp thoát ra khỏi cái xóm làng nhỏ xíu bên Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng để có nhiều cơ hội thử thời vận, nhiều cơ hội thăng tiến, để có dịp thấy những chân trời xa tắp không có núi áng ngữ…
Trong khoảnh khắc gần kề hiểm nguy trên giòng nước ấy, mấy câu ca dao về Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng lướt qua tâm trí tôi, và tôi bỗng nghiệm ra một lối hiểu. Biết đâu tác giả của chúng muốn ám chỉ cái gian nan, nguy hiểm của đường đi ở cái thời chưa có máy móc. Sức người mà chọi với núi cao sông dài, với ghềnh thác, mưa lũ!
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
Ðịa hình của Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng không cho phép một người đứng ở một khoảng cách dịu vợi có thể quan sát được nó. Khi “ngó lên” và thật sự thấy Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng thì người đó đã đứng gần kề nó rồi. Cho nên nhiều người đã có khuynh hướng giải thích rằng một người từ xứ xa lấy vợ hoặc lấy chồng ở vùng Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng và định cư tại đó, một hôm chợt nhìn ngọn núi và nhớ cha nhớ mẹ “quá chừng”. Và người ấy khăn gói về quê thăm nhà:
Ngó lên Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
Người hôn phối, bày tỏ sự bịn rịn của tình chồng vợ qua hai câu cuối:
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
Nhớ quê hương, nhớ người thân là những tình cảm không nhất thiết do ngoại cảnh tác động, nhưng đôi khi một phong cảnh giống quê mình bỗng gợi nhớ người xưa cảnh cũ. Luật liên tưởng trong hai câu trên thật khó quan niệm. Tại sao nhìn Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng lại nhớ cha mẹ ở quê mình xa lắc xa lơ, có thể dưới miền xuôi?
Tôi cảm nhận mấy câu ca dao trên theo nghĩa ngược lại. Một người – tôi có khuynh hướng nghĩ đến một người con gái – quê vùng Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, lập gia đình ở miền xuôi, một hôm nhìn những dãy núi xa xa ở chân trời hướng quê mình, chạnh nhớ đến cảnh núi non nơi chôn nhau cắt rốn, rồi liên tưởng đến cha mẹ. Ngó lên Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng là một lối nói tượng trưng để chỉ hình ảnh núi non ở chân trời về hướng quê mình. Người ấy bèn lặn lội về Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng thăm cha mẹ. Ðương đi gian nan, hiểm nghèo, qua bao nhiêu thác ghềnh. Có thể tác giả mấy vần ca dao kia đã từng nếm trãi cảnh ngộ đó nên mới kết luận rằng nếu vì cha mẹ thì hãy chấp nhận mọi gian nguy để đi Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, còn nếu chỉ vì nhớ quê hương thôi, không còn cha mẹ ở đó, xét ra không cần thiết, thì đừng phiêu lưu trở về làm gì! Cũng có thể một ai khác, vì công việc riêng, đã rơi vào tình huống thập tử nhất sinh trên đường lên Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, nhân đọc hai câu ca dao diễn tả nỗi lòng người con đối với hai đấng sinh thành mà cảm thương và cảm thông, viết tiếâp hai câu sau cho đủ đoạn, đóng góp vào kho tàng văn chương bình dân xứ Quảng:
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
Ấy vậy mà tôi chẳng phải về thăm cha mẹ, chẳng phải về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, lại dấn thân đến Hòn-Kẽm-Ðá-Dừng, và suýt đưa bao nhiêu người thân thiết, bạn hữu vào cảnh ngộ không may! Nhưng nghĩ cho cùng, trong một hạn độ nào đó, tôi có thương kiễng nhớ quê, và tôi không thể đừng! Tôi thương một thắng cảnh của quê hương Quảng Nam, tôi không cưỡng lại sự cuốn hút của nó.
Ngày 1 tháng 7 năm 2001
(1)Trần Hoài Thư, bài thơ Hoàng Hôn Trên Drang (tặng Hà Kỳ Lam)