Mẹ Tôi và Quê Nội

Thủy Như

Kính tặng mẹ yêu quí, người đã một đơì tận tụy vì chồng con.

 

Leo xuống khỏi chiếc xe đạp của anh Hoàng, tôi cảm ơn anh rồi chạy ào vào nhà. “Mẹ ơi, mẹ!” Tôi rối rít như thể là vắng nhà lâu lắm rồi. Chị Hai từ dưới bếp đi lên trả lời: “ Mẹ đâu có ở nhà giờ này? Mới về quê một bữa mà sao ngớ ngẩn ra vậy? Mẹ đi bán đến tối mới về.” Chị Hai chợt la lên: “Chèn ơi, giày dép dơ quá chừng mà mang vào nhà. Ði ra giếng rữa mau.” Tôi làu bàu trả lời: “Dơ đâu mà dơ. Hồi nãy mới rữa chỗ suối rồi mà.” “Thôi cô nương ơi, ra giếng rữa giùm chân cẳng một chút. Nhà tui mới lau mà làm dơ rồi đó thấy không?” Tôi bỏ cái giỏ xuống, rồi vừa bước lui ra, vừa nói: “Bánh cuả bác Tư gởi đó. Chị Hai lấy ra coi thử có sao không?” Giọng của nhỏ Ngọc ở đâu chợt vang lên: “Bác Tư có gởi bánh ít trắng không chị Ba? Cho nhỏ một cái đi.” Chị Hai nghiêm giọng: “Ngọc lo giữ cu Tí đi. Bánh gì cũng phải chờ mẹ về mới được ăn.” Tôi đi ra giếng hì hụi cạy đất ra khỏi những chiếc lỗ dưới đế dép. Rữa sạch sẽ, tôi mới nhận ra đôi dép mới của tôi đã trầy trụa và gần đứt quai. Tự dưng tôi thấy cay nơi sống mũi. Tôi khóc.

Kết quả của bao tháng ngày háo hức trông đợi về thăm quê nội là vậy đó. Những điều tưởng tượng trong cái đầu mười tuổi của tôi lúc bấy giờ hoàn toàn trái ngược với những điều tôi trông thấy. Quê nội không có những rặng tre cong mình duyên dáng ven con đường làng như quê ngoại. Thay vào đó tôi thấy những chiếc xe tăng đen đúa, rỉ sét đứng sừng sững giữa đồng. Tôi không thấy hồ sen đầy hoa đã từng nổi tiếng của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Nhưng tôi thấy quê tôi loang lỗ những hố bom sâu thẳm. Tôi cũng không hề thấy một dấu vết của những ngôi nhà to lớn mà tôi đã từng nghe kể. Tôi chỉ thấy những túp lều tranh ọp ẹp, những mái nhà tôn chắp vá. Và điều thất vọng hơn cả là tôi không thấy một dáng hình đàn ông oai vệ của họ hàng trong ngày đám giỗ tại nhà bác Tư. Tất cả đều là những phụ nữ yếu đuối như mẹ, nheo nhóc với những đứa con ngây thơ khờ dại như chị em chúng tôi. Tôi không tìm thấy một điều gì để có thể nương dựa, ẩn núp. Tôi thất vọng hoàn toàn với sự thật trần trụi của quê nội.

Tối hôm ấy, tôi đã nói ra hết suy nghĩ của mình với mẹ trong lúc phụ mẹ lột đậu cho buổi chợ ngày mai. Mẹ yên lặng một lúc sau những lời kể của tôi về quê nội. Và mẹ đã bắt đầu nắn sửa những ý tưởng của tôi. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của mẹ tối hôm ấy. Mẹ nhìn ra cửa, vẻ xa xăm. Mắt mẹ hơi nheo lại như cố tìm những lý do để giải thích cho cảnh hoang tàn của quê nội. Giọng mẹ thật nhẹ, trái ngưọc với những lời chê bai bực dọc, bất mãn của tôi trước đó. “Chiến tranh mà con. Quê ngoại may mắn không bị đánh chiếm nên vẫn còn nguyên vẹn nhà cửa.” Mẹ không nói ra tôi cũng đoán hiểu ai là người đã chiếm quê nội, và tôi cũng đã phần nào đoán được nguyên nhân của hình ảnh nghèo nàn đổ nát nơi quê nội. Rồi mẹ kể lại thời thanh bình, trù phú của làng Tây lộc quê tôi. Qua lời mẹ, tôi hình dung ra ngôi nhà gạch to lớn của nội với giàn ống nước bằng tre bắt từ giếng Lộc chảy thẳng vào những cái ảng to lớn. Tôi tưởng tượng ra một cái sân gạch rộng lớn phủ đầy lúa phơi mình trong nắng tháng ba. Rồi cánh đồng Bồ lúa vàng rực với những bông lúa trĩu hạt vào tháng mười. Những bầy bò gặm cỏ bình yên bên rừng Chà vu nơi có căn lều đầy ắp những ước mơ của một người trai trẻ. Dường như mẹ muốn chắp cho chúng tôi những đôi cánh ước mơ khi kể về nhân vật này. Mẹ kể rằng người trai trẻ ấy là ông Toàn. Ðêm đêm từ túp lều nhỏ của khu rừng Chà vu nhìn về hướng Tam kỳ sáng rực, ông ước mơ một ngày được sống nơi đó. Và rồi ông đã trở thành một doanh gia thành công ở Sài gòn. Tôi tròn mắt khi nghe mẹ kể chuyện này. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nghe mẹ nói vào tháng nắng, đứng trên đám Ðồn cao vút, có thể nhìn biển trắng xóa dường như cao ngang tầm núi lớn quê nội. Giọng mẹ thật tự hào khi kể về ông Phan Chu Trinh, người xuất thân từ làng Tây lộc quê tôi, đã nổi tiếng khắp nước với sự nghiệp tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc. Lần đầu tiên, kể từ ngày ba tôi cùng với các chú bác trong họ hàng đi tù, tôi đọc thấy sự hy vọng trong mắt mẹ.

Hè năm sau, tôi được mẹ cho về thăm lại quê nội. Năm ấy, ao sen quê nội tự dưng mọc lại. Mọi người trong làng vui vẻ với điềm lành này, và họ hy vọng một sự đổi thay… Khác với lần đầu, tôi về quê nội trong cái nắng rực rỡ của một chiều mùa hè. Tôi ngây người khi nhìn cái đẹp hoang dại cuả suối Ba phan. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy một cảnh được tả trong truyện. Dòng suối nhỏ trong vắt chảy ồn ào qua những bãi đá nhấp nhô giữa dòng làm thành những cái thác tí hon thật dễ thương. Nhìn về phía thượng nguồn những mái nhà tranh nhỏ bé nép mình dưới chân núi xanh thẳm, cao lớn. Tôi như thoáng gặp một vài hình ảnh mẹ đã kể cho chúng tôi. Nhưng quê tôi vẫn còn nghèo, nghèo lắùm. Năm ấy, bác Tư trai đã được thả ra khỏi tù, và nha ø của bác có vẻ khang trang hơn. Tôi càng tin chắc rằng khi ba tôi đươc trở về, gia đình tôi cũng sẽ có lại những bữa cơm đầy đủ. Hè năm ấy, tôi ở lại quê nội một tuần. Tôi được thưởng thức món thịt nhái xào xúc bánh tráng sắn ngon tuyệt vời. Tôi được nằm trên chiếc võng mây ở nhà bác Hưng dưới chân giếng Lộc, nghe chim hót lao xao cùng với tiếng ve sầu vang dậy trong trưa hè. Tôi được mấy anh chị họ dắt đi dũ chà là. Và tôi đã leo lên đám Ðồn. Tôi sững người trước cảnh đẹp của đồng Bồ lúa. Từ trên đỉnh núi, trải ra dưới mắt tôi là màu xanh thật mát của lúa, màu xanh nhạt của những đám đậu mới tỉa nổi bật trên nền đất nâu, cùng với những vồng khoai thẳng lối. Và có cả những sợi khói trắng bay lên từ những nếp nhà ẩn hiện trong cây cối dưới chân núi. Và tôi đã không quên tìm điều mẹ kể. Tôi dõi mắt theo hướng chỉ của anh họ. Tôi gần như không tin vào mắt mình. Biển cao bằng núi, nhấp nhô trắng xóa. Tôi dường như thấy cả những đợt sóng lớn ào ạt vỗ bờ. Tôi đã thấy biển từ đỉnh núi cao vút của quê nội, nơi tôi vẫn thừơng nghĩ là đèo heo hút gió và rất xa biển. Bỗng dưng tôi liên tưởng đến ông Phan Chu Trinh. Có lẽ ngày xưa người chí sĩ ấy cũng đã từng đứng trên non cao này nhìn ra biển rộng và mơ ước. Ðể rồi một ngày người anh hùng ấy đã vượt trùng dương xa xôi, và trở về với phong trào đấu tranh cho sự ấm no của dân tộc. Tôi nhắm mắt lại, thầm ước những điều dường như viễn vông…

Tôi thật cảm ơn Thượng đế đã cho tôi có mẹ, người không chỉ yêu thương con hết lòng mà còn là người đã chắp cho chúng tôi những ước mơ tuyệt vời. Mẹ đã bươn chải cho sự no đủ của gia đình khi nhà vắng ba. Và trong những tháng ngày đen tối ấy, mẹ với những câu chuyện của quê nôị, đã thắp lên niềm hy vọng trong chúng tôi, những đưá con của kẻ thất cuộc. Những gì tôi có được hôm nay là kết qủa của hạt giống ước mơ mẹ đã gieo trong tôi vào những tháng năm cơ cực ấy. Tôi mong có một ngày trở lại Tây lộc quê tôi. Tôi sẽ leo lên đám Ðồn, hứơng về biển bao la. Và tôi sẽ mơ. Mơ cho quê nội tôi được trù phú như xưa. Mơ cho người dân quê tôi thoát khỏi hình ảnh mà một người bạn tôi đã viết,”những con người vất vả in sâu, sống không tên không tuổi mãi cúi đầu.” Mơ cho quê nội sẽ giàu có, sẽ thịnh vượng như Tây lộc trong mắt mẹ hôm nao.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button