MẠC PHƯƠNG ÐÌNH VÀ THI TẬP “NHỮNG DÒNG KỶ NIỆM”

Vũ Ðình Trường

Một nhà báo lão thành ở Texas khi được hỏi ông nghĩ thế nào về sự phát triển của thi đàn Việt Nam hải ngoại đã có lời ví von ngộ nghĩnh như sau:
Chao ơi! Bà con Việt Nam ta lúc này làm thơ nhiều quá! Nhiều như nấm rộ lên sau cơn mưa vậy!”
Lời phát biểu mộc mạc chân chất ấy mới nghe tuy có hơi chói tai nhưng phản ảnh rất trung thực bộ mặt của làng thơ Việt Nam hải ngoại. Chừng như hầu hết người Việt ai cũng là thi sĩ cả. Từ một vài bài thơ, tập thơ lèo tèo của những năm cuối thập niên bảy mươi, hàng ngàn thi phẩm và thi tập đã đua nhau ra mắt người đọc trong thời gian gần đây. Nhà báo ấy quả đã không sai, “thơ nhiều như nấm sau cơn mưa“.
Nhưng không phải nấm nào cũng ăn được. Có cả những loại nấm độc chết người nữa. Có những loại nấm rất phổ thông, ăn được nhưng không ngon. Và cũng có những loại nấm rất quí, phải khó khăn lắm mới tìm ra được. Nếu nói thơ là nấm thì thơ Mạc Phương Ðình ắt hẳn không thuộc hai loại nấm đầu tiên.
Sau bước đầu thành công với thi tập “Lời Ru Của Mẹ” phát hành cách đây không lâu, người làm thơ xứ Quảng dễ mến ấy vừa cho ra đời một thi tập mới, với cái tựa đề cũng rất dễ thương “Những Dòng Kỷ Niệm“. Sáu mươi ba bài của tập thơ này là sáu mươi ba công trình tim óc công phu mà mỗi chữ, mỗi dòng là cốt tủy, tinh hoa của người làm thơ. Thơ của Mạc Phương Ðình là cả một khung trời kỷ niệm với bàng bạc những ánh trăng vàng, khói sương lãng đãng, sông nước mịt mù. rặng dương xanh bên bờ biển vắng, quê nghèo gió mưa tuổi nhỏ, những mối tình vụng dại bồng bột thơ ngây của tuổi học trò. Thơ anh là tích lũy của những đêm dài thao thức, những nỗi nhớ niềm thương không thốt thành lời, những bâng khuâng khi hoài nhớ về kỷ niệm một thuở xa xưa. Thơ anh có niềm vui trong  nỗi buồn, có tiếng khóc trong giọng cười, có khổ đau trong hạnh phúc, có sắc trong không, có không trong sắc. Thơ anh có niềm tin và hy vọng vươn lên từ trên đổ nát, tang thương. Mỗi dòng thơ là cả một tảng văn xuôi đầy tình tiết được anh cô đọng lại, gọt dũa, uốn nắn chi ly.
Mạc Phương Ðình chắc đã có lắm cuộc tình thơ ngây nhưng rất cuồng nhiệt của tuổi học trò. Vì thế, anh có khá nhiều vần thơ ghi lại kỷ niệm của những cuộc tình non trẻ ấy. Nói đến thơ tình yêu, cố thi hào Ðinh Hùng ngày xưa đã từng viết về cái cuồng si và ngây dại của một kẻ mới yêu qua những câu thơ xuất thần như:
“Ta gần em mê từng ngón bàn chân
Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão

Ngày nay Mạc Phương Ðình cũng có những tâm tình tương tự qua cách diễn đạt khác hơn nhưng không kém phần sâu sắc:
“Chưa nắm tay nhau đã dại khờ
Sách đèn bút mực cũng bơ vơ

(Thuở học trò, trang 31)
Và khi diễn tả cái đẹp của người mình yêu, anh đã vẽ ra hình tượng của một người con gái đẹp đến nỗi:
“Ðường phố cũ vai nghiêng mờ dáng liễu
Em đi qua xao xuyến cả vầng trăng”

(Tưởng như quên, trang 38)
Thơ anh chất chứa những nỗi quan hoài mà anh đã nhắc đến nhiều lần qua những câu:
“Ngẩn ngơ một chút quan hoài”

(Tìm lại mình, trang 41)
“Tay vẫn còn nhau trong gió rét
Ngẩn ngơ chùng xuống nỗi quan hoài”

(Ðêm chia tay, trang 57)

“mong manh như dĩ vãng
mang theo niềm quan hoài”

(Thao thức, trang 42)
Trong thơ anh, tĩnh vật biến thành động vật một cách rất thơ, rất tự nhiên:
“Nhắm mắt nhưng chẳng ngủ
Nằm nghe đêm thở dài”     

(trang 42)
Có phải đêm thở dài đâu? Nhưng vì đêm đã biến vào người và người đã biến vào đêm cho nên đêm, như người, thở dài. Lãng đãng đó đây trong cả tập thơ ta còn thấy anh tạo linh hồn và sự sống cho những tĩnh vật khác:
“Giọt mưa thì thầm hiên vắng
Buổi chiều ngái ngủ ngoài song”

(Chiều đông, trang 52)
hay
“Cội mai già ngủ trong chiều lạnh căm
Thoảng nghe hơi gió thì thầm”

(Mùa xuân bỏ lại, trang 54,55)
cũng như
“Những ngọn đèn ngái ngủ
Lạnh lùng vàng sân ga
cơn gió khuya chợt thức
Khi đoàn tàu đi qua”

(Mùi hương cũ, trang 64)
Ngay cả nắng mưa là một thứ gì rất bình thường cũng trở nên có hồn, biết hờn, biết giận qua ngòi bút của anh:
“Buổi chiều qua nhà em
Bóng nắng như hờn dỗi”

(Qua nhà em, trang 72)
Ðến cả gỗ đá cũng bàng hoàng thảng thốt trước nét đẹp của người yêu:
“Em đi qua khung cửa lặng nghiêng nhìn”

(Dấu xưa, trang 98)
Ngòi bút điêu luyện của anh đã làm cho cảnh vật khi buồn, khi vui tùy theo tâm trạng con người:
“Khi tôi về mùa xuân chừng đến muộn
Nắng vàng hanh chan trải lối vườn xưa
Cội mai nở mấy chùm hoa chào đón
Mái nhà bên bầy chim sẻ reo đùa”

(Xuân thăm mẹ, trang 66)
Cũng mùa xuân ấy, cũng ánh nắng ấy, cũng bầy chim sẻ ấy, nhưng bây giờ thì xuân tươi dù là xuân muộn, nắng cũng vàng nhưng chan trải niềm vui và bầy chim thì reo đùa. Bởi lòng anh đang dậy lên niềm vui của một mùa xuân về thăm mẹ. Nhưng trước đây không lâu, trong một buổi chiều đông quạnh vắng làm lòng người chùng xuống thì, lại cũng hình ảnh những con chim sẻ ấy :
“Góc nhà một con chim sẻ
Chiêm chiếp bài ca cô đơn”

(Chiều đông, trang 52)
Chú sẻ ấy chắc hẳn là buồn lắm, vì chú đang lạc bầy, làm con chim cô đơn trong một buổi chiều đông hiu quạnh. Bấy giờ thì ranh giới giữa người và chim đã nhòe đi; người như chim và chim như người vì cả hai đều thấm thía một niềm cô đơn ray rứt đến nỗi:
“Chui đầu vào vùng dĩ vãng
Vẫn còn nghe vẳng tiếng chim”

(trang 53)
Trong thơ anh, người ta thấy không thiếu gì hình ảnh những vầng trăng:
“Thơ ấu trăng về đùa trước ngõ
Lớn khôn vùng vẫy sóng ngàn khơi”

(Những dòng kỷ niệm, trang 16)
“Mê tháng tám, giậu vàng lên hoa cúc
Ðem lồng đèn trăng chở Tết Trung Thu”

(Quê xưa, trang 19)
” Áo trắng hôm nào em gọi gió
Cho đêm thao thức ánh trăng ngà”

(Dòng lưu bút, trang 23)
“Nhìn trăng, trăng lạnh ngoài song cửa”

(Thuở học trò, trang 36)
“Trăng mười tám phía bờ sông rọi lại
Ánh trăng khuya lấp lánh nụ hôn đâu”

(Sài Gòn nỗi nhớ, trang 59)
“Ngày ta đi vầng trăng quay trở lại
Dấu chân mờ trên cát khóc mùa đông”

(Như khói như sương, trang 135)
Nỗi nhớ niềm thương của người xa xứ cũng được anh nhắc đến nhiều lần trong suốt tập Những Dòng Kỷ Niệm mà nhất là qua bài “Thư quê hương” (trang 122). Chỉ trong hai mươi sáu câu ngắn gọn, thi nhân đã nói lên được nỗi lòng của một kẻ lưu vong khi nghe nói đến những sự thật đáng buồn của quê hương bất hạnh. Nếu trước đây có người đã không ngăn được cảm xúc khi đọc những dòng thơ của Cao Tần:
“Thư em đến như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười”

thì nay Mạc Phương Ðình sẽ làm cho người đọc thêm bồi hồi, chua xót:
“Chưa tháng chạp thư quê nhà đã tới
Cánh thư buồn như giọt nước mùa đông”

(Thư quê hương, trang 122)
Tình yêu quê hương tha thiết của anh đã thể hiện qua những câu:
“Ôi đất Quảng không năm nào không lụt
Biết khi nào trọn vẹn một mùa Xuân”

(trang 123)
và lòng thương những người bạn còn ở lại quê hương trong cảnh đói nghèo:
“Mỗi năm đều gửi chút quà Xuân
Chia xẻ niềm đau với bạn hiền”

(Bạn nghèo, trang 129)
Thơ Mạc Phương Ðình có không ít những bài đẹp tựa bức tranh. Bài “Dòng thơ cũ” là một trong những bức tranh tuyệt đẹp. Bài thơ làm người ta hình dung ra vùng kỷ niệm ngọt ngào khơi lên từ tâm thức với những ngọn nến, giọt sầu, với con đường, dòng sông, màu của đêm, dương liễu xanh,  cánh én, mái tóc, vầng trăng, khoang đò…Một bài thơ khác,  “Bài thơ chiều” , chỉ với 6 câu ngắn gọn, anh đã vẽ ra một bức tranh thủy mạc tuyệt vời với mây chiều trên đồi, gió khua cành lá, ráng hồng, sương mờ như khói sóng trên sông… Chỉ trong vỏn vẹn 48 chữ, anh đã làm nên một công trình mà người khác có lẽ phải cần đến hàng chục trang giấy mới diễn tả nổi. Có người cho rằng thơ với niêm luật khắt khe chỉ tổ bóp chết óc sáng tạo. Ấy chỉ là một ngụy biện để che dấu nỗi bất lực của những bài thơ xuôi, những bài thơ “tự do”, hay những bài thơ lạc vận. Với Mạc Phương Ðình, anh đã cho thấy vần điệu, niêm luật chẳng những đã không bóp chết óc sáng tạo mà còn làm cho thơ anh êm ái hơn, ngọt ngào hơn. Kỹ thuật gieo vần cũng như cách dùng chữ của anh không phải ai cũng làm được. Anh dùng chữ rất tự nhiên, đơn sơ, có khi rất bình dân nhưng chính nhờ thế mà câu thơ lại trở nên dễ thương hơn, bình dị hơn:
“Mùa màng mắt trắng theo mưa lũ
Nhà cửa tềnh toang ngó thấy trời”

(Bạn nghèo, trang 128)
hay những chữ anh dùng trong câu:
“Ðường Phan Chu Trinh dọc theo quốc lộ
Phố trệt, lầu lỏi chỏi đứng nhìn nhau”

(Tam Kỳ phố nhỏ, trang 70)
Hai chữ “lỏi chỏi” trong câu này quả thật không có chữ gì thay thế được. Nó vẽ ra trong mắt người đọc hình ảnh của một khu phố rất ư… lỏi chỏi.
Ðôi khi anh cũng sáng tạo ra những nhóm chữ nghe hơi lạ tai nhưng cũng rất xúc tích:
“Bé xinh xinh chỉ có một con đường
Mãi thao thiết tâm tình người viễn xứ”

(Tam Kỳ phố nhỏ, trang 71)
và những chữ như:
“Rồi mười năm vẫn chưa về được
Ðời mỏi mê đất khách quê người”

(Lỗi hẹn, trang 88)
Kể cả những chữ thật xoàng nhưng khi được anh dùng đến cũng trở nên rất sinh động và gợi hình như:
“Quê hương cào lòng nhức nhối
Tình yêu như nổi như chìm”

(Chiều đông, trang 53)
Khi muốn diễn tả nắng đổi màu, chắc có người sẽ viết  ” nắng vàng”, “nắng úa”, “nắng quái chiều hôm”…, nhưng anh thì lại khác. Anh viết:
“Nắng trở màu hoa, chiều xuống thấp
Lá vàng rơi đẫm những mù sương”

(Nỗi sầu thu, trang 118)
Có lúc tưởng như anh vụng về khi dùng điệp ngữ, nhưng không phải thế:
“Trong đáy mắt tình yêu còn gợn sóng
Thuyền ra khơi, gợn sóng cũng xa bờ”

Ở câu trên, chữ “gợn” được dùng như một thứ động từ. Ở câu dưới. anh cũng dùng lại hai chữ “gợn sóng” nhưng chữ “gợn” ở đây thì khác;  nó đã được dùng  như là một thứ danh từ. Vì thế, tưởng thế nhưng lại không là thế.
Thơ anh không những chỉ có tranh, có nhạc mà còn có cả mùi hương. Thoang thoảng trong suốt tập thơ là những mùi hương xưa của mái tóc người yêu:
“Mái tóc ấy còn nồng hương bồ kết”

(Tấm hình ai, trang 141)
“Tóc vàng trăng, hương bồ kết thì thầm”
                                    (Dòng thơ cũ, trang 45)
và xen giữa hương người là hương hoa, hương trời đất, hương thiên nhiên:
“Hoa sen nở, chiều Tịnh Tâm lặng lẽ
Hương ngọt ngào gội xuống tóc em xanh”

(Dấu xưa, trang 99)

Những nét đẹp trong thơ Mạc Phương Ðình cũng như  kỹ thuật điêu luyện của anh thiết tưởng viết nguyên một quyển sách vẫn chưa đủ. Thi  tập Những Dòng Kỷ Niệm quả đã là đôi hia bảy dặm đưa anh đi những bước vượt bực trên thi đàn Việt Nam hải ngoại. Còn nhớ năm nào trước khi cho ra đời thi tập “Lời Ru Của Mẹ“, có lần anh đã nói” Tôi là một người làm thơ còn trong bóng tối“. Câu nói ấy chỉ nói lên đức tính khiêm nhường của anh, một người làm thơ có chân tài. Bởi lẽ, cho dù anh có thực sự muốn ở mãi trong bóng tối cũng không được vì thơ anh tự nó đã là những vầng hào quang đầy ánh sáng.

Vũ Ðình Trường
Virginia, 5/2002  

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button