Loòng Boong Quảng Nam

Nguyễn Nhất Thống

Mọc nhiều ở trong rừng Đại Lộc, Quảng Nam, loòng boong là một đặc sản của xứ Quảng. Mùa thu hoạch loòng boong vào các tháng 5-6-7 âm lịch. Đã thành lệ, mùa này người vùng cao Đại Lộc vào rừng, ai phát hiện được cây loòng boong nào thì là của người đó. Loòng boong có vị chua, thơm, ngọt lạ lùng.

Các bạn đã bao giờ thưởng thức hương vị trái loòng boong đất Quảng chưa? Nếu chưa, xin mời bạn làm một chuyến tham quan du lịch đến thăm Quảng Nam – vào dịp cuối hè sang thu – là mùa của trái loòng boong. Huyện vùng cao Đại Lộc là nơi sản xuất loại trái loòng boong nổi tiếng.

Trái loòng boong là một đặc sản của xứ Quảng. Nhiều người khẳng định rằng, chỉ ở Quảng Nam mới có trái loòng boong nổi tiếng.

Vào năm 1805, đích thân vua Gia Long hạ lệnh vào tháng 9 hằng năm, phải tiến quả nam trân (loòng boong). Đến triều Minh Mạng, quy định mỗi mùa trái chín, Quảng Nam phải cống sáu giỏ…

Thuở xưa, những vùng rừng núi có loòng boong đều thuộc sự quản lý của triều đình và đã trở thành những khu cấm địa.

Triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã có quy chế riêng đối với các khu rừng loòng boong. Mỗi khu vực đều có viên quan trông coi và có quyền huy động dân đinh địa phương ngày đêm thay phiên nhau canh giữ. Đến mùa trái chín, viên quan chọn lựa các chùm trái chín ngọt thơm ngon và đẹp nhất tiến về kinh để nhà vua thưởng thức.

Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, trái loòng boong tập trung nhiều tại thượng nguồn sông Vu Gia, một nhánh của sông Thu Bồn. Nhưng ngon và nhiều phải kể đến vùng Đại Lộc:

Quế Sơn cau, mít mấy tầng
Thương loòng boong Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà Mi

Không hiểu do chất đất hay khí hậu mà nói tới trái loòng boong, người Quảng đều cho rằng chỉ ở Đại Lộc mới có trái ngon. Hằng năm, vào khoảng các tháng 5-6-7 âm lịch là mùa thu hoạch loòng boong. Và dường như thành cái lệ từ bao đời ở miền cao, hễ ai đi rừng phát hiện được cây loòng boong nào thì thuộc quyền sở hữu của người đó.

Trong việc chọn mua trái ngon, người sành ăn chê loại lớn trái. Loại ngon trái vừa không lớn mà cũng không nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái, da mầu vàng nhạt, núm cuống căng tròn. Khi bóc lớp vỏ ngoài, bên trong lộ ra năm múi dính chặt lấy nhau mầu trắng trong, mọng nước, thơm lừng. Và lúc cắn vào một múi, cảm thấy một dòng nước ngọt lịm ngấm dần xuống tận cổ.
Trái loòng boong có nhiều tên gọi khác nhau như bòn bon, phụng quân, nam trân, dâu da…

Tương truyền rằng: Chúa Định Vương bị tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân vào tháng giêng năm ất Dậu, đã bỏ chạy vào đất Quảng Nam rồi đặt con là Hoàng Tôn Vương làm thế tử, xưng là Đông Cung để trấn giữ đất Quảng Nam. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại phải lánh vào rừng. Giữa lúc đói mệt thì gặp được rừng cây loòng boong, bèn hái lấy trái, dùng móng tay bấm thử trước khi ăn. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên cho trái là “nam trân”, có nghĩa là món ăn quý ở phương nam. Mãi cho đến ngày nay, trái loòng boong vẫn còn mang dấu bấm móng tay rất rõ ràng…

Ngày nay, du khách đến thăm đất Quảng vẫn thường được nghe nhắc đến trái loòng boong trong câu hát hò tâm tình, ý nhị:

Trái loòng boong trong tròn ngoài méo
Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi
Em thương anh ít nói, ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng!

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button