La Sơn Phu Tử Quảng Nam: Tú Qùy

Dòng dõi và tiểu sử

Nguồn gốc tộc Huỳnh Giảng Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thuộc thế hệ thứ 10, 11 … của Hiển Nhứt Thế Tổ Huỳnh Đại tức Huỳnh văn Nê, sinh quán tại Thừa Tuyên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An.

Vào đời Hồng Đức, gia đình cụ theo vua Lê nam chinh và cuối cùng chọn đất Giảng Hòa làm nơi định cư. Hồi ấy, nơi đây là một gò nổi đầy lau lách, gai góc um tùm, dân Chiêm Thành chưa vỡ hóa.

Với nghị lực sẵn có, cụ cùng con cháu ra sức khai hoang, kiến điền ước độ 30 mẫu, lập thôn hiệu Giảng Hòa. Đến đời Gia Long tu bộ diện tích tăng lên gấp đôi. Năm Nhâm Ngọ 1822, dưới triều Minh Mệnh, có tờ cung chiếu của bổn thôn các vị tiền nhân phụng tự tại miếu võ.

Ngày còn đi học, trò Quý thọ giáo cụ Tú Sáu — tức cụ Tú Trần Thế Thận — ở Phi Phú Gò Nổi Điện Bàn, Quảng Nam (1). Tư cách, đạo đức, gia phong nhà cụ được cư dân địa phương rất kính trọng.

Mặc dầu lận đấn chốn trường thi, Tú Quỳ không oán hận trường thi. Sau hai lần lều chỏng — lần đầu vừa tròn 19 tuổi — hai lần đều đỗ tú tài, Tú Quỳ trở lại quê hương vui với việc dạy trẻ, sống cuộc đời thanh nhàn như ông, cha, chú ngày trước.

Chính trong thời điểm này, Tú Quỳ dùng tài văn chương giúp đỡ cư dân trong những dịp quan hôn tang tế, và đặc biệt, ông dùng tài văn chương đả kích thẳng thừng những thói hư tật xấu của xã hội, của con người không một chút khoan nhượng, e dè, nhằm mục đích thực hiện hoài bảo “diệt bất công, gian ác, khuyến thiện hưng đạo đức” một cách chính trực ngoan cường. Ngôn từ và hành động của ông phản ảnh một nhân sinh quan cá biệt, không giống bất cứ danh nho danh sĩ nào đồng thời với ông. Đấy cũng là nguyên nhân tạo cho Quảng Nam có được một Tú Quỳ với bản chất đặc thù — Bản Chất Tú Quỳ Quảng Nam”.

Lúc các con đến tuổi trưởng thành, Tú Quỳ gả người con gái thứ ba — Huỳnh thị Khóa — cho ông Nguyễn Thiệu, một địa chủ giàu có vào hạng nhất nhì Trung Phước thời ấy, làm chánh thất. Người địa phương thường gọi Nguyễn Thiệu là ông Thủ Tô (Tô là tên trưởng nữ của ông, tức bà Giáo Huyên sau này).

Đến tuổi cửu tuần, vua Khải Định ban cho ông hàm “Hàn Lâm Đãi Chiếu”. Vào những năm cuối cuộc đời, Tú Quỳ để lại cho con cháu câu liễn thờ có nội dung:

“Thảo Võ Thiệu Huy Phong Kim Bảng
Khoa Danh Lam Thế Diễn Hoàng Ân
Ba Vãn Tiết Ngọc Đường
Thanh Giá Vạn Niên Hương”

(tạm dịch: Một nhà cỏ được dựng nên, ba đời chiếm bảng vàng rực rỡ, ơn vua ban như hoa nở muộn (ba vãn tiết) lừng danh thi phú tiếng vang xa) và:

“Tú Khí Ngưỡng Bằng Tiên Tổ Khảo
Tài Lang Kỳ Diễn Hậu Nhi Tôn”

Trước ngày lâm chung, Tú Quỳ làm thêm một câu đối nữa, và đó là sáng tác cuối cùng của đời ông:

“Nối Gót Lân Ông Dựa Bảng Vàng, Hai Chữ Thọ Quan Đà Báu Nước
Trăm tuổi Hạc Bà Đơm Tóc Bạc, Một Câu Trùng Khánh Lại Vinh Nhà”

Hoàng hôn ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Dần, như thường lệ, dùng cơm tối xong, ông ngồi tựa gối xếp, ung dung uống bát nước chè đậm do bầy cháu dâng lên. Tinh thần ông vẫn sáng suốt, không một biểu hiệu bệnh hoạn. Vài giờ sau, ông vào giường ngủ … và qua đời vào những ngày đầu ngày mồng 6 tháng 3 (*) năm Bính Dần (17-5-1926), niên hiệu Bảo Đại I. Hưởng thọ 98 tuổi. Trong gia phả cũng như trên bia mộ, ông có hiệu Hướng Dương (hoa Quỳ), nhưng các sáng tác của ông được bà con ghi chép lưu truyền đều ghi tên thật Tú Quỳ.

Tú Quỳ âm thầm qua đời nơi quê hương Giảng Hòa, xa cảnh phồn hoa đô hội. Quảng Nam mất đi một nhân tài văn học, nhưng sự nghiệp văn thơ và bản chất “tiết trực tâm hư” của ông vẫn mãi mãi tồn đọng trong lòng người dân Quảng. Sau khi ông qua đời, ngay cả những đối tượng thù hận ông, vì những bài thơ “gang thép” mà ông đã mạnh mẽ đả kích họ trước đấy, cũng bùi ngùi thương tiếc, kính trọng mà khóc ông bằng bốn chữ: “Túc Xưng Quân Tử”

và Phạm Quỳnh đã trang trọng đưa bốn chữ đó lên báo Nam Phong điếu ông. Phạm Liệu, người đứng đầu bảng “Đệ nhị Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân” khoa thi Mậu Tuất 1898 — một trong năm con phụng của Ngũ Phụng Tề Phi Quảng Nam, chí tình khóc ông bằng câu đối:

“Gia Học Kế Thừa Ngã Ngoại Tổ Môn Trung Túc Xưng Cao Đệ Quốc Văn Đề Xướng Đại Súy Đường Hội Diện Hiệp Bái Tiên Huy (2) tôn vinh Tú Quỳ là “Đại Súy Đường”, một đại tướng trong làng Quốc văn.

Ngoài sự nghiệp văn thơ, Tú Quỳ còn để lại cho hậu duệ đông đảo gái trai. Số thì sống tại quê hương Giảng Hòa, số lập nghiệp khắp nơi trên ba miền đất nước. Hầu hế con cháu Tú Quỳ có đời sống kinh tế ổn định. (người chép tự ý đục bỏ 3 dòng từ bản chính).

Tuy nhiên trong cả thời gian dài qua, hầu như chưa có một nhà nghiên cứu nào công bố công trình nghiên cứu đầy đủ về Tú Quỳ. Điều này có lẽ do nhiều nguyên nhân khách quan. Vì thế việc giới thiệu về sự nghiệp sáng tác của ông còn rất nhỏ bé, hạn chế …

Trong những năm 1950-1968, tác phẩm “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của giáo sư Dương Quảng Hàm, tái bản nhiều lần có đưa sáng tác “Vịnh Dế Dũi” của Tú Quỳ vào loại cổ phong.

Học giả Trần Trọng Kim, đưa bài “vịnh Cồn Con” của Tú Quỳ vào tác phẩm “Việt Thi”, ấn hành năm 1951 tại miền Nam.

Từ năm 1958-1968, nhà giáo mà cũng là thi nhân tiền chiến Phạm Đình Bách (3) sưu tầm thơ ca Tú Quỳ và dụng ý đặt tên cho tác phẩm là: “Tú Quỳ — La Sơn Phu Tử Quảng Nam” đánh giá Tú Quỳ đối với phong trào Nghĩa hội Quảng Nam như một Nguyễn Thiếp Nghệ An đối với Quang Trung Hoàng đế ngày trước.

(Người chép tự ý đục bỏ hai đoạn) Đầu năm 1975, đề tài “Tú Quỳ — Danh Sĩ Quảng Nam” được diễn thuyết tại thính đường trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, do Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà tổ chức vào chiều ngày 4-2-1975. Tại Hội An, cũng tổ chức diễn thuyết cùng đề tài trên vào lúc 9 giờ ngày 16-3-1975. Cả hai nơi đều được đông đảo bà con đón nhận với tất cả nhiệt tình ngưỡng mộ.

Đến nay, mặc dù trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, tai họa lụt lột khủng khiếp năm Thìn (1964) …. Nhưng may mắn, mộ phần ông bà Tú Giảng Hòa vẫn còn đó và được con cháu trùng tu, tái tạo từ đường khang trang, để có nơi thờ phụng tiên linh và cụ Tú Huỳnh Quỳ — Danh Sĩ Quảng Nam.

 

(1) hậu duệ cụ Tú Sáu, có nhiều người là Đông ý nổi tiếng như ông Học Lan (Trần Thế Giảng) ở Bến Đồn, Trần Ích Ký, Trần Vọng (ở Đà Nẵng), Trần Quang (ở Quảng Ngãi). Hiện ông Trần Quang, Trần Vọng, tuy tuổi đã bát tuần, vẫn còn là những Đông y được bà con Quảng Ngãi, Quảng Nam tín nhiệm, kính yêu. Khi cụ Tú Sáu qua đời, Phạm Liệu cùng các môn sinh xin gia đình cụ khắc vào bia câu đối bằng chữ Nôm có nội dung: ” Bốn Phía Xây Vuông Nền Đạo Nghĩa Nghìn Năm Ghi Tạc Dấu Sư Nho ”

(*)chú thích của người sao chép: không rõ Tú Quỳ chết ngày mồng 6 tháng 3 hay tháng 5 nhưng đây là sao y từ bản chính.

(2) “Gia học, kế thừa ngã ngoại tổ”: Nguyên cụ Tú Sáu là anh cô cậu ruột mà cũng là thầy dạy Phạm Liệu. Tú Quỳ tuy là học trò cụ Tú Sáu nhưng là lớp đàn anh học trước Phạm Liệu xa. Thành thử Phạm Liệu dùng cụm từ này như là cách xác định nơi Tú Quỳ đã thọ giáo — thọ giáo tại nhà ngoại tổ (bên ngoại) của Phạm Liệu.

(3) Phạm Đình Bách biệt hiệu Hoa Sơn, sinh ngày 12-9 Canh Tuất 1910 tạo làng An Tây, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, nay thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (ông là bào đệ của cụ Phạm Đình Ái). Văn nghiệp và tiểu sử của ông được đưa vào tác phẩm “Việt Nam Thi Văn Tiền Chiến” tập hạ từ trang 251 đến 267, của tác giả Nguyễn Tấn Long, ấn hành tại miền Nam năm 1969. Ông qua đời trong biến cố Mậu Thân tại Huế. Tác giả được xem qua bản thảo này tại tư thất cụ Phạm Phú Hưu ở Hội An năm 1959.

Tú Quỳ Dòng dõi và tiểu sử (Trích từ Danh Sĩ Quảng Nam Tú Quỳ của Thy Hảo)

Back to top button