Khuôn mặt trẻ tuổi của cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts: Luật sư Thái Ngọc Nguyên

Phan Xuân Sinh

 

Lời Tác Giả: Tôi viết bài nầy cách đây hai năm. Dự trù loạt bài “Giới Thiệu Những Khuôn mặt Trẻ” sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt tại Bocton. Thái ngọc Nguyên là người mở đầu cho loạt bài nầy. Những người kế tiếp tôi sẽ tiếp xúc và lần lượt viết về họ. Thế nhưng vì chuyện mưu sinh, tôi quá bận rộn với công việc làm ăn, nên đành phải xếp lại. Hôm nay được tin Thái Ngọc Nguyên vừa mới qua đời, tôi mở lại bài viết để xem lại. Tôi thật xúc động và rơi nước mắt. Như mới ngày nào anh em cùng ngồi với nhau tâm sự, bây giờ Nguyên đã vĩnh viễn ra đi. Tôi gửi bài nầy để mọi người cùng chia sẻ và nghiêng mình trước vong linh người quá cố. Thay cho lời điếu văn mà tôi phải đọc trước mộ phần, tiển biệt một đứa em ra đi trong sự luyến tiếc và thương yêu của chúng tôi.

Boston, ngày 22 tháng 9 năm 2002

(Ngày Thái Ngọc Nguyên lìa đời)

Sự hội nhập vào nước Mỹ của bà con ta là một vấn đề rất khó khăn, bởi lẽ chúng ta đến Mỹ bằng nhiều con đường, nhưng đường nào cũng trễ tràng. Đến nơi nầy ai cũng phải lao đầu vào cuộc sống ngay, phải xăn tay áo nhào vô các công việc vớ vẩn miễn sao có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, vợ con là một gánh nặng trĩu vai làm sao yên tâm để cắp sách đến trường, ung dung kiếm vài chữ lận lưng. Tất cả mọi người đến đây đều hiểu rõ, biết được tiếng Anh là biết được tất cả, nó là chìa khóa mở ra mọi ngõ ngách của cuộc sống lưu vong. Thế nhưng ít ai có được cơ hội nầy, chăm chú lắm, siêng năng lắm cũng chỉ đến trường mong sao hiểu lõm bõm một phần nào khi giao tế. Khi đụng chạm phải các vấn đề mang tính “chuyên môn”, thì phần đông chúng ta đều lúng túng, nếu không muốn nói là không hiểu. Những người thật sự có đủ khả năng giúp chúng ta là thế hệ kế tiếp, thuộc lớp tuổi con cháu của chúng ta. Những người nầy ngoài khả năng, ngoài sự xông xáo còn phải có tấm lòng dành cho đồng hương, hướng về các công việc lợi ích chung, nhân hòa, và một điều quan trọng người nầy phải hết lòng cho các công việc mang chất xã hội, đụng vào lương tâm của con người.

Chúng ta tìm được một người như vậy trong cộng đồng không phải dễ dàng, rất hiếm hoi. Rất hiếm nhưng không phải là không có. Tôi viết bài nầy mở đầu cho loạt bài giới thiệu với đồng hương những khuôn mặt trẻ, nhiệt tình trong công việc, xông xáo trong công tác xã hội, đắc lực phục vụ cộng đồng và giúp đỡ đồng hương khi hoạn nạn. Trong cái nhìn “sợi tóc chẻ làm tư” có thể chúng ta không đồng ý với các bạn trẻ nầy một vài điều quá nhỏ, bất đồng một vài điều không hợp với một vài cá nhân, nhưng nhìn chung họ là những người hết lòng trong mọi công tác mà cộng đồng đòi hỏi, tự nguyện trong những chức năng hợp lý mà cộng đồng giao phó và hy sinh quyền lợi bản thân của mình khi dấn thân phục vụ. Hội đủ những yếu tố như vậy quả thật rất khó cho chúng ta chọn lựa, như hạt thóc trên sàng. Thế nhưng qua nhiều năm sàng lọc, chúng ta may mắn lượm ra được những tinh hoa nầy, những bạn trẻ không hề mỏi mệt trong các mục đích hướng thượng, giúp cho cộng đồng người Việt vượt qua những thăng trầm hội nhập đến khi đứng vững, tranh đấu cho quyền lợi chung của chúng ta. Trong các lãnh vực phục vụ cộng đồng ở mỗi khía cạnh khác nhau, chúng ta thường bắt gặp các khuôn mặt trẻ tại Massachusetts như: Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Long, Thái Ngọc Nguyên, Chu Hiệp, Võ Tài, Đặng Hoàng Lân, Trâm Trần, Phạm Hùng Dũng v.v… và một vài khuôn mặt nữa, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người có những sở trường. Họ rất nhiệt tình, hăng hái và tận tâm trong các công việc bất vụ lợi, phục vụ cho cộng đồng, cho nhân đạo, cho xã hội…Họ âm thầm tận tụy với khả năng. Đó là một điều đáng cho chúng ta vinh danh và mến phục.

Để hiểu rõ họ, chúng tôi cũng âm thầm theo dõi các công việc mà họ đã làm, mạn đàm với họ, lắng nghe tâm sự của họ. Lần lượt chúng tôi sẽ giới thiệu họ cho cộng đồng chúng ta biết bằng những phương tiện có được. Mở đầu chúng tôi giới thiệu một trong những người bạn trẻ nầy của tôi là Luật sư Thái Ngọc Nguyên, một trong những người sáng chói trong công việc mưu sinh, cũng như tham gia vào các công việc thiện nguyện chung của cộng đồng.

Tôi biết Thái Ngọc Nguyên từ lâu, nhưng cũng chưa có cơ hội nào gặp gỡ nhiều để nói chuyện. Cách đây 3 năm khi cơn Bão Linda quét sạch bờ biển phía Nam Việt Nam, chúng tôi có đứng ra thành lập một Ủy Ban Cứu Trợ, kêu gọi lương tâm của cộng đồng người Việt để giúp đỡ và xoa dịu những đau thương của gia đình nạn nhân tại quê nhà. Điều ngạc nhiên của tôi lúc ấy có ba khuôn mặt rất trẻ tham gia rất nhiệt thành trong Ủy Ban là Phạm Hùng Dũng và hai người xuất thân từ trường Luật tại Massachusetts là Nguyễn Long và Thái Ngọc Nguyên. Ba khuôn mặt nầy là trọng tâm chính yếu đưa công cuộc cứu trợ đến thành công, họ cật lực làm việc và xông xáo trong mọi vấn đề, từ kế hoạch, dự trù, tổ chức đến thực tế . Họ làm việc với trách nhiệm, lương tâm và rất khoa học. Từ đó cái nhìn của tôi về họ đầy cảm mến, và thú thật trong lòng tôi lúc ấy rất hả dạ,ï vì nghĩ rằng trong cộng đồng của chúng ta có được những khuôn mặt sẽ kế tục phục vụ cho đồng bào mình. Sau nầy tôi được biết thêm dù rất bận việc, Thái Ngọc Nguyên cũng giúp đỡ và tham gia nhiều công việc mang tính nhân đạo, xã hội liên quan đến cộng đồng người Việt. Trong các lễ hội tổ chức cứu trợ nhân đạo, xã hội, hầu hết Thái Ngọc Nguyên tham gia và đóng góp tích cực.

Từ cơ duyên đó, tôi mon men làm quen với Thái Ngọc Nguyên. Trong một vài lần tiếp chuyện tôi được Thái Ngọc Nguyên tâm sự, và từ những cuộc tiếp xúc đó tôi ghi nhận một vài điều về Nguyên và gia đình. Ai cũng biết Nguyên là con đầu lòng của vợ chồng Bác sĩ Thái Ngọc Ẩn, gia đình qua Mỹ khi Nguyên 15 tuổi. Vài dòng tiểu sử về Nguyên cũng giống như những đứa bé khác: năm 84 ra khỏi trung học, 88 ra khỏi đại học, năm 90 trở lại trường luật, 93 ra khỏi trường luật, 97 cùng với luật sư Kim Dung mở văn phòng luật tại Dorchester và năm 98 mở văn phòng riêng tại 1443 B Dorchester Ave – Dorchester, cho đến nay. Điều quan trọng mà tôi thắc mắc là tại sao Nguyên không theo nghề của bố ? Vì theo thiển ý của tôi, nghề luật là phải có sự tranh cãi mà Nguyên đến Mỹ năm 15 tuổi như vậy không thuận tiện cho việc nầy bằng người bản xứ, hoặc người Việt sinh ra từ Mỹ. Nguyên cười cho tôi biết rằng đó là vấn đề khắc phục, miệt mài và chịu khó. Ngược lại về tiếng Việt, Nguyên thuận lợi hơn nhưng vì qua đây còn nhỏ nên cũng bị hạn chế, mà phục vụ cho người Việt thì phải viết và hiểu tiếng Việt rành rẽ. Nói thế cho chúng ta biết rằng từ tiếng Việt đến tiếng Mỹ, Nguyên phải miệt mài học tập và chịu khó ghê lắm mới có ngày hôm nay. Trong những năm còn ở đại học để chọn cho mình một nghề nghiệp sau nầy, Nguyên rất đắn đo cân nhắc. Nghề y được nhiều người Việt theo, nên cộng đồng Việt không gặp trở ngại, còn nghành luật ít người Việt theo học nên cộng đồng của mình gặp khó khăn hơn, vì thế Nguyên lựa chọn luật để hy vọng có cơ hội giúp đỡ người Việt, dù Nguyên biết rằng thời gian cần phải bỏ ra rất nhiều cho sự trao dồi song ngữ cùng một lúc.

Những dòng tiểu sử đơn giản, đến sự suy nghĩ tưởng chừng như cũng đơn giản của Nguyên. Tôi giật mình, không ngờ trong cái đơn giản ấy lại chứa rất nhiều cái sâu sắc và tấm lòng của Nguyên đối với bà con như vậy. Một lần khác ngồi uống cà phê với tôi, Nguyên cho tôi biết rằng Luật sư là người bảo mật tuyệt đối cho thân chủ của mình, chuyện họ trình bày không một người thứ ba biết được. Đến với luật sư Mỹ thì phải cần thông dịch, người thông dịch chưa chắc mô tả hết được ý nghĩa cặn kẽ của vấn đề, chứ đừng nói chi đến chuyện bảo mật, thông dịch là người thứ ba hiểu tường tận ruột gan của thân chủ để trình bày với luật sư. Như vậy đời tư của mình người thứ hai biết đã quá nhiều, huống chi tới người thứ ba. Nguyên lại cho chính tôi một bài học về sự bảo mật nầy.

Trong một lần tiếp xúc khác, Nguyên cho tôi biết cái ao ước của Nguyên là làm thế nào để cho cộng đồng người Việt của chúng ta hiểu biết về luật. “Hiểu luật sống với luật định”, từ cái hiểu về luật thì mới hợp với hoàn cảnh sống, tránh những lỗi lầm mắc phải. Biết quyền lợi và trách nhiệm mà luật pháp đã quy định cho mọi người thì mới sống thoải mái được, không sợ ai bắt nạt. Từ cái khắc khoải, lo lắng của Nguyên cho cộng đồng người Việt đủ cho chúng ta tin rằng Nguyên là một con người rất có tình có nghĩa với bà con. Nguyên sẽ rất vinh dự được bà con chú ý và sẵn sàng đem tất cả khả năng, hiểu biết trong ngành luật của mình để tận tâm phục vụ bà con.

Những dòng trên giới thiệu về Nguyên không đủ lắm, nhưng với tính tình khiêm nhường và tự trọng của Nguyên, chắc Nguyên không bằng lòng cho ai viết về mình. Thế nhưng tôi nghĩ rằng với những người trẻ tuổi, có được một suy nghĩ lo lắng như Nguyên đối với bà con, thật khó tìm. Đem tất cả tấm lòng, sở học chuyên môn để phục vụ và giúp đỡ bà con lại là một điều khó hơn nữa. Thái Ngọc Nguyên đã và đang làm các điều đó. Cho nên tôi cần phải có trách nhiệm giới thiệu Nguyên, một trong những khuôn mặt trẻ tuổi của cộng đồng chúng ta. Xốc vác, năng nổ phục vụ hết mình từ xã hội, nhân đạo đến công việc chuyên môn.

Tôi mong rằng bài viết nầy mang sứ mạng khuyến khích các bạn trẻ cũng như Thái Ngọc Nguyên, hãy tận tâm làm việc, tranh đấu nhiều hơn nữa để cộng đồng của chúng ta vươn lên, không hổ thẹn với các cộng đồng bạn. Chỉ có những người trẻ tuổi như các bạn mới đủ khả năng xây dựng, vun đắp và làm rạng danh cộng đồng của chúng ta.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button