Khoảng trắng trước mặt

Cổ Ngư

Hảo chăm chú nhìn tới trước. Chăm chú nhìn nhưng không chăm chú nghe. Tia mắt của Hảo đậu lại, sa lầy và chết dí trên khoảng lưng nhỏ nhắn của Bình Minh. Khoảng lưng mỏng mảnh làn lụa trắng đã bắt đầu ngả vàng, mập mờ ẩn hiện chiếc chìa khóa sú-chiêng và vướng vít những sợi tóc rối, không chịu chảy theo dòng đang xuôi xuống phía vai trái. Nếu như Hảo có tài làm thơ… Tiếc thay! Hảo chỉ có hai con mắt để nhìn, chiêm ngưỡng, và ngẩn ngơ…

Bình Minh vẫn có thói quen nghiêng đầu sang trái khi chăm chú ghi chép bài giảng, bàn tay trái lật nhẹ từng trang trong khi tay phải thoăn thoắt lướt bút trên mặt giấy. Và khoảng lưng nhỏ chỉ khẽ phập phồng theo nhịp thở, đủ để chiếc chìa khóa sắt khi mờ khi tỏ dưới làn vải thưa. Hảo muốn ôm, muốn hôn, muốn cắn nhẹ lên khoảng lưng ấy, muốn chiếm trọn riêng cho mình để sẽ được nhìn ngắm hàng giờ, hàng ngày, để được nâng niu, vuốt ve suốt cả cuộc đời. Vậy mà mãi cho đến hôm nay, đó vẫn còn là vùng cấm địa, chưa hề lưu lại một dấu… tay nào của Hảo! Tình yêu học trò cũng giống như một trò chơi lớn, mới lạ, hấp dẫn, đầy những thử thách, dò dẫm, đuổi bắt trốn tìm trong các mê lộ quanh co ngoắt ngoéo. Và phải qua từng giai đoạn. Yêu bằng mắt. Yêu bằng giấy bút. Yêu bằng lời nói. Rồi những cái nắm tay, vuốt ve và nụ hôn. Chao ơi, nụ hôn! Nụ hôn là tuyệt đỉnh của tình yêu lãng mạn và cũng là viên gạch đầu tiên xây cất nên tòa lâu đài đầy đam mê của tình yêu xác thịt. Hảo nghĩ vậy. Nhưng đến bao giờ thì Hảo mới hôn được Bình Minh? Mới hôm qua đây thôi, tay của Bình Minh còn run bần bật trong lòng bàn tay Hảo khi hai đứa ngồi trong rạp xi-nê. Nói cho đúng ra, Hảo cũng phải lấy hết can đảm mới dám “chộp” lấy tay Bình Minh, trong khi mắt vẫn nhìn thẳng lên màn ảnh. Nhìn mà có thấy gì đâu! Vậy mà rồi cũng xong, cũng qua một giai đoạn cần phải vượt qua, để tiếp tục bước trên “con đường tình ta đi” đầy thơ mộng nhưng sao lắm gian nan…

Hảo nhìn xuống. Trang giấy tái sinh nâu vàng nằm tênh hênh với cái tựa Ngói mới. Ngói mới của Xuân Diệu. Bài thơ khô như những viên ngói mùa nắng. Khô rang. Khô không khốc. Tội nghiệp thầy Ðại. Có lẽ phải khó khăn lắm thầy mới nuốt trôi nổi cái giờ giảng văn đáng chán này. Vừa đủ bốn mươi lăm phút cho một tiết học. Vừa đủ đại ý, dàn bài và các bước lên lớp cho một bài thơ, nhưng thiếu hẳn cái tinh tế thâm trầm như khi thầy giảng Kiều, cái sôi nổi hào hùng của Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Ðại Cáo hay cái triết lý thâm thúy của tầng tầng hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ Những pho tượng chùa Tây Phương của Huy Cận. Thầy ngập ngừng với những mái nhà ngói đỏ vẽ vời tưởng tượng của các hợp tác xã miền bắc xã hội chủ nghĩa, với những câu thơ lên gân của con người đã có thời viết: “Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi”. Chim chẳng còn hót ra ngọc, ra hoa, mà tuôn đầy gạch ngói, sỏi đá và những trái tim cằn cỗi. Cánh chim giang hồ một thời tự do uống sương hút mật, bỗng bị rứt lông bẻ cánh để chỉ còn biết quẩn quanh nhặt nhạnh thóc sạn của chế độ ban phát, thử hỏi còn sức lực tâm trí đâu mà “ngứa cổ hót chơi” nữa?

Tự dưng Hảo thấy tức thở. Cái nghèn nghẹn của thương cảm. Cái nghèn nghẹn của uất ức. Thương nhà thơ tài hoa uổng phí một đời. Thương thầy Ðại lúng túng trên bục giảng vì phải nói ngược hẳn với những điều mình suy nghĩ. Thương bạn bè, thương thân phải nghe, phải chấp nhận, phải tin vào những điều dối trá, ngụy biện. Và quẩn quanh trong ao tù chủ nghĩa. Và ngoan ngoãn xuôi theo con đường một chiều trước mặt, cứ nhìn thẳng mà bước, đừng liếc dọc ngó ngang hay ngoái cổ trông lại sau lưng. “Yêu nước, có nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội”, thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã nói vậy. Thử bắt chước thầy Long dạy toán, làm một phản đề : “Không yêu chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là không yêu nước”. Có đúng như vậy không? Bọn phản quốc, chúng là ai? Là anh ba của Hảo, từ thuở nhỏ đã cầm đầu lũ lỏi tì trong xóm dựng những trận chiến huyên náo giữa “bọn tàu” và “quân ta”, bây giờ gầy ốm hom hem trong trại cải tạo Suối Máu? Là Mỹ Linh ngồi trước mặt Hảo, mất tích trong chuyến vượt biên? Là Phượng Chi, với từng lá thư gửi về từ đảo Bidong, được bọn con gái trong lớp vừa chuyền tay nhau đọc vừa đỏ hoe mắt? Nếu thực sự đó là những kẻ phản quốc, sẽ phải xếp ngang hàng với Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống của lịch sử, thử hỏi sẽ tìm đâu ra những người yêu nước “chân chính” của Việt Nam hậu bán thế kỷ hai mươi này?

Bình Minh vừa đưa tay vãi tung mớ tóc trên mảnh lưng trắng. Ðể khỏi vướng víu khi chép bài, hay để làm dáng? Hay đó là một tín hiệu để thu hút những suy nghĩ vẩn vơ của Hảo đang bay lượn khắp nơi trở về đậu lại trên bãi đáp màu trắng bình yên ấy? Bàn tay Bình Minh vẫn còn đan lững lờ giữa vùng tóc. Tay trắng tóc đen. Bàn tay có những ngón nhỏ xíu hôm qua còn run bần bật trong lòng bàn tay Hảo, vội vã vuột mất khi đèn trong rạp chiếu phim vừa bật sáng. Hai đứa cùng run, như vừa phạm phải một tội tày đình. Tội lỡ yêu nhau. Hảo thương bàn tay Bình Minh. Hảo thương những bàn tay con gái. Bàn tay của Quỳnh Châu, Thy Uyên, Kim Khánh dịu dàng uyển chuyển trong màn múa “Bài ca cây lúa”, bàn tay của Ánh Nguyệt thoăn thoắt múc chè, bàn tay Bạch Hạc bay lượn trên những phím dương cầm, cuốn theo hồn trí của Lập, hay bàn tay thon dài, có những móng sơn vẹc-ni hồng của Trinh, làm Mạnh chới với… Những bàn tay ấy đã có lúc phải ôm từng tảng lớn bùn đất lúc nhúc dòi bọ để đắp vòng đai phòng thủ chống quân xâm lược “bành trướng Bắc Kinh”, những bàn tay ấy đã phải quét dọn nhà vệ sinh, cạo rêu trên sân trường giờ lao động, tháo ráp những khẩu AK trong ngày tập quân sự hay bị xua ra đường cầm cờ đỏ sao vàng đón chào Phạm Tuân và Go-rơ-bat-xcô. Thương cho những bàn tay con gái, cũng phải chịu cảnh nổi trôi theo nỗi thăng trầm của thời cuộc!

Hảo vẫn chăm chú nhìn. Trang giấy vẫn chỉ trơ trẽn cái tựa Ngói mới. Thêm được cái tên tác giả Xuân Diệu phía dưới. Chắc cũng đủ cho bài thơ, nếu người ta dám gọi đó là một bài thơ! Nàng Thơ của Hảo, đang ngồi kia kìa, với khoảng lưng trắng, với mái đầu nghiêng nghiêng và tay lùa vào dòng tóc. Nàng Thơ của Hảo mong manh và tinh khiết như một khối pha lê, không hề lẫn giữa đám vú, mông, đùi, bộ phận sinh dục của những mộng mị thèm khát với chiếc quần lót ướt đẫm khi tỉnh dậy buổi sáng hay những khoái lạc tự thân dưới vòi sen nhà tắm. Mấy cuốn phim con heo đầu đời xem chung với đám bạn trai ở nhà Trí, hay ly rượu mạnh đầu tiên uống với Lập, điếu thuốc lá đầu tiên hút với Mạnh, đều giữ lại những cảm giác kỳ lạ, không quên được. Dù bây giờ Hảo đã có thể tròn miệng nhả khói hình chữ O hay dzô dzô cạn một hai lít đế, nhưng con đường lửa trôi tuột từ cổ họng xuống cùng với chất rượu mạnh hay cái ho sặc sụa vì ngộp khói thuốc của lần đầu tiên ấy vẫn như in, như ấn sâu vào trí nhớ, vào từng vùng giác quan của cơ thể. Và những ly cà-phê, những đêm thức trắng đàn, hát, vụn vặt tâm sự: Tao mê Trinh. Tao khoái Bạch Hạc. Tao yêu Bình Minh. Ba tao đã lo xong giấy tờ, chắc cuối năm nay gia đình tao dông qua Pháp. Lý lịch tao đen quá, chắc vô đại học không nổi đâu! Ba tao vượt biên mới bị bắt, má tao khóc hết nước mắt mấy bữa nay… Lập mơ đến nước Pháp, đến tương lai rộng mở. Mạnh hốt hoảng trước sự chọn lựa: hoặc đậu vào đại học hay trung học chuyên nghiệp, hoặc rớt vào bộ đội, phải qua Cam-pu-chia. Còn Hảo, Hảo chờ đợi gì ở tương lai mù mịt trước mặt? Ði bộ đội ư? Thì đi! Cùng lắm là chết chứ gì! Chết để không nghe lời chướng tai, để khỏi thấy cảnh gai mắt. Vào đại học ư? Ừ thì vào! Ðể sẽ giống ông bác sĩ – bộ đội nhà hàng xóm, nuôi heo trên sân thượng và chửi nhau tối ngày với bà vợ dược sĩ chanh chua, để sẽ giống những giáo sư đại học ban ngày đứng dạy sinh viên, ban đêm ngồi rong xích-lô đạp khắp thành phố kiếm thêm tiền nuôi vợ nuôi con. “Một người làm việc bằng hai”, trí thức xã hội chủ nghĩa chứ có phải trí thức tháp ngà đâu mà đòi ngồi mát ăn bát vàng, phải không? Chỉ thương cho Bình Minh, mong manh như chiếc lá đầu cành, như con sẻ non lạc lõng trong mùa bão lớn. Mà, nếu Hảo có chết thì Bình Minh sẽ đi lấy người khác, đâu có sao! Tầm bậy! Vậy mà cũng bày đặt nói yêu với thương, để người ta đi lấy chồng! Tim thắt một cái. Hảo hụt một nhịp thở. Không, Bình Minh là của riêng Hảo, chỉ của một mình Hảo mà thôi! Dù sau này có phải nuôi heo, đạp xích-lô, làm thợ, kéo cày hay lên chức ông nọ ông kia, thì Bình Minh vẫn mãi mãi là Bình Minh của Hảo. Ðến trọn đời.

Bị huých nhẹ vào cùi chỏ, Hảo nhìn sang. Mạnh đang loay hoay với mấy bài tập toán.
– Làm gì mà ngồi đực ra thế, không chép bài hả?
– Ừ, rồi sao? Còn mày đó, giờ văn mà lôi toán ra làm…
– Nói nhỏ nhỏ chứ! Tưởng mày chép bài, tao ké, mượn tập về nhà chép lại, ai dè… Thằng Lập còn lo thanh toán mấy câu hỏi anh văn, lạng quạng chút nữa cô Thúy Hoa xé xác nó ra!
Vậy đó! Ít ra thì môn toán và anh văn có lẽ còn hữu ích hơn nhiều so với mấy câu thơ vớ vẩn mà cả người bình lẫn người nghe đều không muốn… nhớ! Hảo nhìn lên bảng. Ðầy những dòng phấn trắng. Tiết học sắp hết. Thầy Ðại sắp được “giải phóng”! Nhưng còn những giờ giảng Ngói mới ở các lớp khác. Ở những năm đã qua và những năm sắp đến. Thầy đứng trên kia, với kính trắng, với dáng khòm khòm, với khuôn mặt bất đắc chí nhưng nhẫn nại trả nợ áo cơm. “Thầy giáo húp cháo”, “Thầy giáo tháo giầy”… và thêm bao nhiêu thành ngữ nữa xuất hiện từ sau năm bảy mươi lăm để gán cho cái nghề bạc bẽo này, cái nghề chỉ được có mỗi nhà nước tặng cho một mỹ danh, rất kêu: “kỹ sư tâm hồn”! Các thầy cô giáo ngày xưa đến trường với cà-vạt nghiêm trang, với áo dài tha thướt. Các “kỹ sư tâm hồn” hôm nay lủng lẳng miếng thịt, mớ cá tiêu chuẩn trên ghi-đông xe đạp giờ tan học. “Kiếp sau xin chớ làm thầy…”, có phải thầy Hùng dạy hóa một hôm đã vui miệng nói thế không? Từ bé, Hảo đã ôm ấp giấc mơ sau này lớn lên sẽ đi dạy học. Bình Minh cũng vậy. Một giấc mơ đơn giản, không khó thực hiện, vừa tầm với và có ích cho đời. Giấc mơ ngày ấy, với thực tại hôm nay, liệu có còn nên nghĩ tới nữa hay không? Bình Minh đã chuyển hướng, muốn học y. Bác sĩ, y sĩ hay y tá gì cũng được. Còn Hảo, Hảo lơ mơ chẳng còn biết mình thích cái gì, muốn làm cái gì nữa! Thích thì chắc thích có nhiều tiền, để đỡ đần cho mẹ, để thăm nuôi anh ba, để cho mấy đứa em được ăn đầy đủ, mặc tươm tất, học hành đàng hoàng, để lâu lâu tặng Bình Minh một món quà nhỏ và may cho mình vài cái áo mới, thay cho mấy cái đang mặc đã sờn vai và ố ở nách. Còn muốn làm cái gì ư? Muốn lấp biển vá trời, thay đổi chế độ thì vào tù ngồi. Muốn vượt biên thì phải có “cây”. Muốn cam phận làm dân đen thấp cổ bé miệng thì bị đè ép, bị bắt nạt. Còn muốn đi tu thì không được quyền yêu, có khi còn bị bắt bớ, đánh đập nữa. Hay là làm… thinh?! Thôi, khỏi muốn, khỏi nghĩ làm chi cho mệt óc, “sống cho qua hôm nay”, ngày mai thuộc về tương lai, tính sau!

Vừa có chuông hết tiết học. Cả lớp đứng dậy chào thầy. Hảo đóng lại trang giấy trống trơn. Bình Minh xoay người, bỏ vở vào cặp, vén tóc, và mỉm một nụ cười với Hảo. Cám ơn đời sống! Cũng may mà tình yêu vẫn còn hiện diện đây đó, trên mảnh đất này, ngày hôm nay!
Cổ Ngư
Tặng C1, T.V.
PARIS 03.1994

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button