Hội An, Quảng Nam

Nguyễn Qúy Ðại, Munich Germany

Thành phố cổ Hội An chỉ còn dư âm phồn thịnh của các thế kỷ trước, trầm mặc bên dòng sông Thu Bồn xanh biết. Hội An nhiều tranh cãi về tên gọi. Phải Phố, Hội Phố, Hải Phố thành phố ven biển, hay là Hai Phố vì có hai Phố Tàu-Nhựt hay Hoài Phố là phố bên sông Hoài, nhánh sông Thu Bồn chảy qua Hội An ra đến cửa Ðại. Thời thuộc địa Pháp gọi là Faifoo. Hội An cách Ðà Nẳng khỏang 30 km.

Tại Marakech (Morocco) trong cuộc họp ngày 1/12/1999 Ủy ban Di sản của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Hội An và Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới.

Du khách ngoại quốc tới Việt Nam thường đến Hội An, thời chiến tranh nhiều người gốc Quảng Nam, trưởng thành tại các thành phố khác, chưa có dịp về thăm phố Hội. Sau 30/4/75 họ rời Việt Nam và trưởng thành tại hải ngoại, nhiều người chưa biết Hội An.

Về nguồn là ước mơ chung của người viễn xứ. Tôi sưu tầm sử liệu góp với độc giả tìm hiểu nguồn gốc, Quảng Nam có phải là vị trí chiến lược từ đó mỡ rộng làm bàn đạp để người Việt tiến về miền Nam ?

Qua các Triều Ðại

Thời vua Lê Ðại Hành (980-1005) muốn ban giao với Chiêm Thành, nhưng vua Chiêm (Paramecvarvarman) hiếu chiến bắt giam sứ giả, Năm 982 Lê Ðại Hành đem quân trừng phạt đến kinh đô Indrapura của Chiêm Thành (ngày nay gọi là Ðồng Dương) giết vua Chiêm Paramecvarvarman rút quân không chiếm đất. Chiêm Thành lo sợ Ðại Việt, năm 1000 dời kinh đô vào vùng Vijaya (Bình Ðịnh)..

Lý Thánh Tông (1054-1072) Vua đầu tiên mở mang bờ cỏi xuống phía Nam…người Chiêm thường quấy phá người Việt, Lý Thánh Tông đem quân đánh tới Ðồ Bàn năm (1069) bắt vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) Chế Củ nhường 3 châu thuộc phía Bắc Chiêm Thành là Bố Chánh ( bắc Quảng Bình) Ðịa Lý ( Quảng Trung và nam Quảng Bình) Ma Linh (Quảng Trị) đổi lấy tự do. Ðược đất nhà vua chiêu mộ dân chúng đến khai khẩn đất đai

Lịch sử thay đổi qua nhiều triều đại đến đời Trần Thánh Tông (1258-1278) nhường ngôi cho con Trần Anh Tông (1293-1314). Làm Thái Thượng Hòang sang thăm Chiêm Thành hai nước Việt Chiêm ban giao tốt đẹp. Có thể ngài thấy từ Quảng Trị trở ra đất hẹp khô cằn khó phát triển, phương Bắc Trung Hoa luôn quấy phá, bước qua đèo Hải Vân về phía Nam là đồng bằng phì nhiêu, bờ biển trải dài, hy vọng phát triễn về kinh tế… Vùng đất hứa hẹn cho tương lại nên ngài hứa gã Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân.

Năm bính ngọ 1306 Vua Chiêm là Chế Mân ( Jaya Simhavarman ) trị vì năm (1288-1307) làm lễ thành hôn với Huyền Trân Công Chúa,được tấn phong làm Hoàng Hậu gọi là Paramecvari. Chàng rể Chế Mân làm sính lễ dâng hai Châu Ô và Châu Lý, cuộc hôn nhân nầy tạo ngoại giao tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Chiêm

Trần Anh Tông (1293-1314) anh của Huyền Trân Công Chúa, thâu nhận hai Châu trên đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Hoá châu gồm Ðiện Bàn và Duy Xuyên ngày nay. Ðại Việt cho di dân đến khai phá, từ đó có cơ hội cho các Triều đại kế tiếp tiến dần về phương Nam.

Năm 1307 Vua Chế Mân từ trần theo tục Chiêm Thành, Hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân phải hỏa thiêu theo chồng. Tục lệ nầy người Ấn giáo còn áp dụng gọi là Suttee (trà tỳ) sau năm 1829 bỏ hẳn

Vua Trần Anh Tông thương em, cử phái đoàn do tướng Trần Khắc Chân sang Chiêm Thành chia buồn, lợi dụng cơ hội nầy giải thoát Huyền Trân đem về nước. Có thể ngoại giao của hai nước Chiêm và Việt từ đó bất hòa

Nhà Trần suy yếu bị nhà Hồ chiếm ngôi, Chế Bồng Nga (Pô Bin Swor 1360-1390) vua mạnh nhất của Chiêm Thành đem quân sang đánh phá Ðại Việt vào các năm 1377 và 1378. Năm 1390 đánh Thanh Hoá, tiến lên sông Hồng đánh với tướng Trần Khắc Chân, Chế Bồng Nga bị Ba Lậu Kê làm phản chỉ điểm. Chiến thuyền của Chế Bồng Nga bị bắn trúng tử trận. Từ đó Chiêm Thành bị suy yếu.

Vua Hồ Hán Thương (1401-1407) sai Ðỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Ba Ðích Lại (Virabhadravarman) thua nhường đất Chiêm Ðộng (Thăng Bình) Thượng Hoàng Hồ Qúy Ly đòi thêm miền Cổ Lũy Ðộng (Quảng Ngãi) (1)

Quân Minh đánh Ðại Việt, bắt gia đình nhà Hồ (1407) Vua Chiêm là Trà Toàn lợi dụng lúc thay chủ đổi ngôi, đem đại quân đánh chiếm phần đất đã nhường cho nhà Hồ.

Lê Thánh Tông (1460-1479) bị Chiêm Thành đem quân quấy phá. Vua Lê phản công hành quân tới Kinh đô Ðồ Bàn 1471 bắt Trà Toàn và Trà Toại. Chấm dứt chiến tranh Việt Chiêm, chiếm vùng đất mới đổi tên thành Hoài Nhơn. sát nhập vào bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghiã, trở thành Quảng Nam Thừa Tuyên Ðạo. Danh từ QUẢNG NAM được chính thức đi vào Lịch sử.

Quảng Nam có nghiã là mở rộng về phương Nam, bắt đầu trang sử mới cho lưu dân Việt, từ đó khai phá và mở mang bờ cỏi đến đồng bằng sông Cửu Long (Mekong).và dừng lại năm 1884 khi thực dân Pháp chiếm Việt Nam và các nước Ðông Dương

Quảng Nam đất “địa linh nhân kiệt; Ngũ Phụng tề phi” nơi phát động các Phong Trào: Nghiã Hội (1885-1887) Ðông Du (1903-1905) và Duy Tân (1906-1908). là những ngọn duốt soi sáng, đưa đến những cuộc vận động tranh đấu giành lại độc lập của toàn dân Việt Nam đầu thế kỷ 20

Kinh Ðô Simhapura

Các học giả Pháp C.Paris và C. lemire nghiên cứu sưu tầm các tác phẩm điêu khắc tại Trà Kiệu. Cuối thế kỷ thứ 19 hai ông L.Finot và H. Parmentier khảo sát dấu vết tường thành tại đây. Năm 1927-1928 nhà khảo cổ J.Y claeys khai quật quy mô gần một năm tìm kiếm di tích…và chứng minh Thành Trà Kiệu là Kinh Ðô Simhapura (gọi Kinh thành Sư Tử) được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 dưới đời vua Bhadravarman. Ðầu thế kỷ thứ 11 vùng đất nầy bị phiá Bắc (Ðại Việt ) đe dọa dời Kinh đô Ðồ Bàn (Choppant) về vùng Vijaya Bình Ðịnh. thiệt thòi lớn lao của người Chàm, vì đã phải bỏ kinh đô của các vua Chàm nhiều thế kỷ trước, đã tích trữ những tài sản châu báu, và đã chứng kiến những giai đoạn oai hùng của vương quốc Chàm (2)

Di dân Ðại Việt với tính nhẩn nại chuyên cần, khai phá hoang điạ, vượt qua sơn lam, chướng khí và thú dữ tạo nên làng mạc, những cánh đồng lúa phì nhiêu, người Việt nhờ đoàn kết có tổ chức, tạo dựng cuộc sống mới, được quân đội can thiệp bảo vệ nếu Chiêm Thành quấy phá

Chiêm Thành có nhiều Thị tộc khác nhau, mỗi Thị tộc có cùng một họ và vật tổ riêng. Hai Thị tộc lớn là Thị tộc Cây Dừa( Narikelavamca) ở vùng Indrapura/ Quảng Nam và thị tộc Cây Cau ( Kramukavamca vùng Panduranga/ Phan Rang (3) Các Vua Chiêm Thành, hiếu chiến gây chiến với các nước lâng ban, để rồi trỡ thành nạn nhân khi bị đánh trả.. lúc vui cắt đất dâng hiến, thua trận nhường đất…Thế lực suy kém càng ngày xa lánh người Việt, vô tình họ bỏ đất cho người Việt khai phá. Dân tộc Chiêm Thành bị xóa tên vào năm 1832.

Người Việt sống nghề nông nghiệp, lấy giống lúa Chiêm ngắn hạn của Chiêm Thành giúp nâng cao đời sống về nông nghiệp và dân số gia tăng, cho đến ngày nay còn giống lúa ấy tại Quảng Nam.

Người Ngoại Quốc

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ nhà Trần, nhà Hồ và nhà Lê. Hội An được phục hồi dưới thời Nguyễn Hoàng (1558-1613) kiêm nhiệm Trấn nhậm đạo Quảng Nam nhờ chính sách cai trị tốt đẹp, hoạt động mạnh ngành ngoại thương, phát triển về kinh tế cạnh tranh với phố Hiến Ðàng ngoài, mở cửa buôn bán với ngoại quốc : người Bồ Ðồ Nha Hòa Lan, đến từ Ðàng Ngoài ( Chúa Trịnh). Hội An buôn bán tấp nập, các thổ sản cau khô quế, gạo hương, gạo nếp, đường, các loại bông, thuốc lá hồ, tiêu, yến sào cù Lao Chàm, tơ sống, các loại lụa, gỗ quý và hoa quả.vv. (*)

Hội an một thời là trung tâm ngoại thương, cửa ngỏ quan trọng tiếp xúc với văn minh Tây Phương, cách Huế khoảng 130 km. Sách Ðại Nam Thực Lực Tân Biên viết “bấy giờ Chúa trấn hơn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm minh, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hoi giá, không trộm cướp. Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều. Trấn trở nên đô hội lớn” (4)

Có thể giai đoạn trước khi người Việt di dân đến, thương nhân người Bồ Ðồ Nha từng đến khảo sát buôn bán tại cửa Ðại Chiêm ( cửa Ðại ngày nay) người Bồ gọi hải cảng đó với tên Cacciam. Và người Chiêm Thành dùng cửa biển Ðại Chiêm buôn bán với Mã Lai, Ấn độ, phần lớn người Chiêm Thành theo Hồi Giáo và Bà La Môn.

Năm 1615 Giáo sĩ Francesco Buzzoni (1576-1639) và Diego Carvahlo người Tây Ban Nha đến Hội An truyền giáo. Kế tiếp Giáo sĩ Francesco de Pina (1585-1625) người Bồ Ðồ Nha đến Hội An các năm ( 1616-1617 và 1620-1623), thông thạo tiếng Việt, ngài là người đầu tiên biên soạn từ tiếng La Tinh sang Việt ngữ ; kế tiếp Alexandre de Rhodes (1583-1660) người Pháp, đến Hội An năm 1624 là nhà truyền giáo, nhà ngôn ngữ học. Học tiếng Việt, tiếp tục phiên âm soạn chữ Quốc Ngữ, mở đầu kỷ nguyên mới cho Văn học Việt Nam. Năm 1651 Alexandre de Rhodes cho in tự điển Việt ngữ- La Tinh Dictionnaire Annamite Portugais Latin và cuốn giáo lý vấn đáp Catéchismeannamite et Latin. Sau đó giám mục d’Adran ( Bá Ða Lộc) sửa lại thành bộ tự điển Việt ngữ sang La tinh kế tiếp công việc nầy là giám mục Tabert biên soạn thành bộ Dictionnaire Annamnitico- Latatinum ( 5)

“Sự chuyển đổi từ chữ Nho và chữ Nôm qua Quốc ngữ là một kỳ công mở ra một chân trời mới cho văn minh và văn hóa Việt, đã phát khởi đầu tiên tại Quảng Nam vào đầu thế kỷ 17“ (6)

Người Hòa Lan đến buôn bán từ năm 1636 đến 1641, nhưng phải rời Ðàng Trong vì họ giúp cho Chúa Trịnh Ðàng Ngoài. ( nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh)

Thương gia Nhật Bản từ Nagasaki tới Hội An năm (1604-1634) lập các tiệm buôn kiến tạo khu phố riêng. Xây Lai Viễn Kiều bắt ngang con rạch nhỏ, nối tiếp giữa con đường Duy Tân và Cường Ðể (gọi là Chùa Cầu), làm bằng gỗ dài 18 m trên lợp mái ngoái âm dương. Hai bên cầu thờ mỗi bên, hai con chó và hai con khỉ ( nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất )

Thương gia Nhật làm ăn phồn thịnh, nhiều nhân vật tiếng tăm các đại tộc Chaya Sotarô người trong họ Sotarô cưới Công chúa của Sải vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) trấn nhậm Quảng Nam ? nhiều nghi vấn khác nhau qua các báo chí, sử sách về việc lấy chồng các nàng Công chúa, liên quan đến Hội An Quảng Nam.Nhà văn Trần Gia Phụng dành một chương ” Ai đưa Công chúa sang sông” giải thích những nghi vấn về hôn nhân của các Công chúa thời Chúa Nguyễn. (7) Theo gia phả Nguyễn Phước Tộc thế Phả ấn hành tại Huế 1995 chứng minh được cuộc hôn nhân của các nàng Công chúa, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa

Nội chiến Trịnh Nguyễn bùng nổ tại Bố Chánh năm 1627. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên Theo chính sách nhà Trần, gả con gái cho vua Chiêm Thành để ngoại giao hai nước được ổn định ở phía Nam, vì phiá Bắc phải đương đầu chống lại với Chúa Trịnh.

* Năm canh thân 1620 bà Ngọc Vạn được đức Hy Tông sãi vương gã cho vua Chân lạp là Chey Chetta 2.về sau nể tình bà. Vua Chân lạp cho người Việt lập dinh điền tại Mô xoài Bà riạ

* Năm tân mùi 1631 bà Ngọc Khoa được đức Hy tông gả cho vua Chiêm thành lá Pôrômê. Nhờ có cuộc hôn phối nầy mà tình giao hảo giữa hai nước Việt Chiêm tốt đẹp

Như vậy thương gia Nhật Bản có thể cưới người khác không phải Công chúa của Sải Vương. Vấn đề hôn nhân dị chủng không xa lạ khi người Pháp, người Mỹ đến Việt nam. Nhưng trường hợp kết hôn của các Công chúa : Huyền Trân thế kỷ thứ 14 được vùng đất Thuận-Hóa. Công chúa Ngọc Vạn, và Ngọc Khoa thế kỷ thứ 17, từ đó có cơ hội đưa người Việt xuống vùng đất Chân Lạp, đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta nên vinh danh các nàng Công chúa đã hy sinh, lập gia đình theo nhu cầu và quyền lợi của dân tộc Ðại Việt.

Năm 1620 Nhật Bản áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng. Từ đó người Nhật ít lui tới Hội An, nhường ảnh hưởng thương mãi cho người Trung Hoa và các thương thuyền Âu Châu.

Các thương thuyền Ngoại quốc đến Á Châu buôn bán như Mã Lai, Ấn Ðộ, Macao. ghé vào cảng Hội An buôn bán.Theo thời tiết họ thả neo tại Hội An vào mùa xuân chờ đến mùa Thu có gió nồm thổi đến. Họ nhổ neo thả buồm đi về hướng Bắc.

Ðầu thế kỷ 17 người Trung Hoa là những thần dân, quan lại của nhà Minh (1368-1644) bị sụp đổ họ bỏ nước xuôi nam, Vì người Kim từ miền Bắc xuống lật đổ nhà Minh. Lập nên vương Triều Mãn Thanh (1644-1912)

Người Hoa sống các ven biển Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Ðông, Hải Nam dùng thuyền đến Việt Nam tị nạn. Lúc đầu họ đến Phú Xuân, kinh đô xứ Ðàn Trong, sống tập trung thành một làng, gọi là làng Minh Hương (8)

Hội An có nhiều thương khách người Hoa đến buôn bán xứ Ðàn Trong từ trước, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cho phép người Hoa nhập quốc tịch Ðại Việt xây dựng làng Minh Hương (1645-1653). Nhờ kinh nghiệm về thương mãi, ngoại thương người Minh Hương thành công đóng góp với người Việt, người Chiêm phát triển xã hội tạo thành phố Hội An sầm uất.

Năm 1679 cựu quan lại nhà Minh chống nhà Thanh thất bại là Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên… với 3000 quân và 50 chiến thuyền sang xin tỵ nạn. Chúa Nguyễn là Hiền Vương (1648-1687) cho phép một số người đến Hội an, còn lại gởi vào đất Chân Lạp yêu cầu vua Chân Lạp cho đất lập nghiệp. Như dòng họ Mạc Cửu (1655-1735) khai phá Hà Tiên vv.

Sinh Hoạt của người Hoa

Người Hoa luôn trọng đạo Khổng Mạnh : Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín, cũng như Ðạo Phật phát triễn mạnh, các danh Tăng đã vận động xây nhiều ngôi chùa nguy nga và tráng lệ chùa Quảng Triệu, chuà Phước Kiến (người ta quen gọi là Chùa Tàu) Cổng Tam quan có 3 mái ngoái cong, màu xanh lá cây trên mái có những con rồng dài lộng lẫy, tường sơn màu hồng nhạt. phiá trước có cái Ðỉnh bằng đồng đen cao khoảng 1m50 hai bên cổng, hai con Ruà lớn bằng đá đội cột bia cao, bên cạnh những cây sứ to vỏ cây màu xám đậm.Các chậu kiểng cắt tiả công phu. Phiá sau cổng tam quan là ngôi chùa kiến trúc theo lối cổ điêu khắc công phu, cột gỗ to màu đen, dưới chân là những tảng đá đen hình vuông hay tròn, trên cột treo những câu đối đỏ, chữ mạ vàng.. Bàn thờ uy nguy đầy nét huyền bí. Nhan hình xoắn khói màu trắng nhẹ nhàng phản phất thơm mùi trầm

Phần lớn người Hoa ở trên đường Cường Ðể (Trần Phú) đã xây các Hội Quán, sinh hoạt tế lễ hàng năm.Vật liệu xây cất đá quý, tranh thuỷ mạc.. được nhập cảng từ các vùng bên Trung Hoa, các Hội Quán : (9)

Hội Quán Phúc Kiến (1792 )

Hội Quán Quảng Ðông (1786)

Hội Quán Hải Nam (?)

Hội Quán Triều Châu (1776)

Hội Quán năm cộng đồng người Hoa (1773)

Phần lớn người Hoa chuyên về ngành thương mãi, nhưng Ông Châu Thượng Văn (1856-1908) hiệu Thơ Ðồng gốc người Minh Hương, nhiệt thành yêu nước Việt và hăng say tích cực đóng góp với Phong Trào Duy Tân. Năm 1908 bị bắt cùng với Huỳnh Thúc Kháng.vv.. Châu Tiên Sinh phản đối chính quyền bảo hộ đàn áp sĩ phu Việt Nam, tuyệt thực mất trong lao Thừa Phủ Huế trước khi đày đến Lao Bảo. Nhạc sĩ La Hối sáng tác nhạc phẩm bất hủ “Xuân và tuổi trẻ“ v v…

Hội an lui dần vào những ngày trầm lặng, vua Ðồng Khánh trị vì (1885-1888) nhường Ðà Nẳng năm 1888 cho thực dân Pháp. Các thương nhân tàu bè cập bến Ðà Nẳng; từ cửa Ðại vào Hội An lòng sông không sâu tàu lớn khó vào được. Ðà Nẳng từ từ thay thế trên mọi lãnh vực : thương mãi, quân sự và ngoại giao.

Di tích Văn Hóa

Năm 1945 Việt Minh chống Tây chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhà cửa đình chùa đều bị phá hủy, Nhiều nơi Ðình Miếu bị đập phá còn lại những đống gạch vôi vụn, chỉ còn nghe nhắc lại địa danh như vườn Chùa, đất Ðình, đất Làng mà thôi.

Cơ quan hành chánh từ La Qua Ðiện Bàn dời về Hội An trở nên thành phố thương mãi và hành chánh của tỉnh Quảng Nam. Trước năm 1975 Bệnh viện Hội An được chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Tây Ðức tài trợ, có các y tá bác sĩ người Ðức phục vụ, khám bệnh phát thuốc miễn phí.

Hội An ảnh hưởng văn hóa đa nguyên, tổng hợp những tinh hoa, tiếp xúc văn minh Tây phương đều khởi đầu tại Hội An Quảng Nam. ( Nho giáo quan niệm nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô ngược lại Chiêm Thành theo chế độ Mẫu hệ, nhưng người Việt đã dung hòa được hai quan niệm trên)

Hội An còn lại các ngôi Ðình Miếu cổ, lưu lại dấu tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Nam. Ðình Cẩm Phô ở ngã ba Khổng Miếu, Ðình cây đa Kèn (thời Tây mỗi buổi sáng đội lính Tây đứng dưới gốc cây đa thổi kèn) nên người ta gọi là cây Ða Kèn thân to lớn tàng lá xum sê tươi tốt che phủ ngôi đình làng cổ kính. Ðình làng Cẩn Hà trên đường vào chùa Long Tuyền, Ðình ông Voi trên đường Lê Lợi..Ðình Cẩm Phô thờ dòng họ của cố văn hào Nhất Linh…

Các Ðình Miếu kiến trúc thường có 3 gian, ba bàn thờ khác nhau, đơn giản nhưng huyền bí, nhiều cột gỗ to chạm trổ công phu, lợp ngoái âm dương trên nóc có lưỡng long tranh châu hay cặp rồng chạy dài theo mái, tường xây gạch nung bên ngoài tô vôi. Theo thời gian rêu phong biến thành màu đen hay xanh đậm. Sân đình có các tấm bia lớn chạm hình long, hổ, phụng, cẩn các mảnh bằng sứ. Theo phong tục cổ truyền hàng năm các cụ trong quốc phục khăn đóng áo dài, cúng Ðình trên bàn thờ có heo quay, xôi bánh, trái cây đủ loại khói hương nghi ngút, đánh chiêng trống tế lễ.

Chùa Ông Bổn trên chợ Hội An các ngày rằm mùng một, nhiều người tới cúng xin xăm, trước cửa chùa các thầy bói xem quẻ. Theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết :

„ Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm là thân phụ thi hào Nguyễn Du đến thăm viếng ngôi Chùa làm bài thơ khắc trên bức hoành lớn treo trước chùa. Vua Minh Mạng ngự gía Hội An vào thập niên 20 thế kỷ thứ 19 cho ba trăm lạng bạc để sửa chữa ngôi Chùa nầy bị hư hại qua thời gian và chiến tranh. „

Chùa Chúc Thánh do vị danh sư Minh Hải sáng lập có nhiều nét kiến trúc của Trung Hoa. Năm 1917 hai tăng sĩ trẻ từ Huế vào thọ Tỳ Keo tại Tổ đình nầy, trong đại giới Ðàn Minh Hải. Sau nầy hai vị sư đó trỡ thành danh tăng : Ðệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Ðệ nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Chùa Long Tuyền trù trì cố Hòa Thượng Thích Chơn Phát. Chùa biệt lập thanh tịnh bên kia cồn cát, chạy dài song song với phố Hội. Chùa cổ mái thấp nhiều cột, sân lót gạch, hòn non bộ tuyệt đẹp, nước chảy từ khe núi nhỏ bên cạnh các ông tiên đang đánh cờ, đàn cá vàng lội tung tăng.

Chung quanh hàng cây xanh làm hàng rào, cổng tam quan xây gạch tô vôi, hai cánh cửa gỗ lớn dày, phần đất bên cổng chùa có vài cổ tháp, là mộ phần các vị trù trì tiền nhiệm viên tịch, những hàng sứ xanh mùa hè nở hoa thơm ngát, xa xa những cây phi lao vi vu trong gió thoảng. Còn lại dấu tích đường rầy tàu lửa chạy ngang từ thời Pháp thuộc. (đường rầy bị gở hết)

Cố Hòa Thượng Thích Long Trí, trù trì Chùa Viên Giác, chùa nằm trên đường chính vào phố Hội, cổng tam quan với hai cánh cửa sắt, chung quanh được xây tường bằng xi măng, trước chùa hai hàng dừa xanh tươi. Hai cây đa cổ thụ phủ bóng mát quanh năm, dãy nhà một tầng lầu tiện lợi cho mùa đông khi nước lụt lên cao, chính điện rộng, sân Chùa nhiều cây kiểng đẹp. Chùa nầy đào tạo nhiều danh tăng.(**)

Chùa tỉnh Giáo hội trên đường Trưng Trắc, bên cạnh là trường Trung học Bồ Ðề phiá trước là bàu rau muống xanh tươi, có hàng dừa cao chót vót đứng chơ vơ giửa trời.

Tịnh Xá Ngọc Cơ hình bát giác, giữa là tôn tượng Ðức Phật lớn, Các vị Khất sĩ mặc áo vàng đi chân đất, ôm bình bát đi khất thực. Các ngày rằm mùng một thường thuyết Pháp qua máy phóng thanh.

Tôn giáo hòa hợp,Thánh Thất Cao Ðài cột cờ cao lá Phướng dài tung bay trong gió bên cạnh bến xe cũ. Giáo đường Thiên Chúa Gíao trên đường Nguyễn Trường Tộ đối diện sân vận động. không rõ ngôi Giáo Ðường nầy xây cất vào thời gian nào, nhưng hàng năm Thánh lễ Giáng Sinh không phân biệt tôn giáo, hàng ngàn người đến tham dự ngày Chúa sinh ra đời, ngoài ra có thêm nhà thờ Tin Lành tại ngã ba Khổng Miếu

Ðền thờ Khổng Tử (gọi là Khổng Miếu) có cầu vồng hồ bán nguyệt mùa hè sen nở rất đẹp, chung quanh xây tường cao trồng dừa, đài tưởng niệm Chiến Sĩ tấm bia hình tháp cao tựa như chùa một cột, đứng trên hồ sen hình vuông, chung quanh trồng trúc vàng (xây thời Ðệ Nhất Cộng Hòa 1957)

Các trường trung tiểu học

Hội an có các trường công lập nam và nữ tiểu học, trung học Trần Quý Cáp, trường nữ trung học. Vì nhu cầu phát triển giáo dục, lúc đầu có trường tư thục Diên Hồng ngôi trường nầy nhỏ cổ kính, không thâu nhận được nhiều học sinh, trường trung học Bồ Ðề mở rộng đủ tiêu chuẩn nhiều học sinh theo học, ngoài ra người Minh Hương có trường trung học đệ nhất cấp, tên trường lâu không nhớ rõ “trường Lễ Nghĩa” ? Văn hóa phát triễn theo khoa học các trường trung học tại Hội An đã đào tạo nhiều danh nhân xứ Quảng Nam

Ðặc sản

Hội An có những cây đa, cây bàn cổ thụ hàng trăm năm tươi tốt. Giếng Bá lễ nằm trong con hẻm người ta thường gọi kiệt Bá Lễ ăn thông qua hai đường Phan Châu Trinh và Trần Hưng Ðạo, nhờ nước giếng nầy sản xuất loại mì Cao lầu, đặc sản nổi tiếng tại Hội An, Cao lầu cũng sản xuất từ bột gạo, nhưng không đơn giản như Mì Quảng, loại mì nầy phải qua ngâm qua một dung dịch nước tro (nhà văn Nguyễn Văn Xuân dẫn chứng con cháu Hội An đi nơi khác không thể nào làm được Cao lầu như tại Hội An).

Mì Quảng, bánh su xê, tương ớt, sương xoa (bằng rau câu), bánh in, bánh tổ, vào Tết Ðoan Ngọ mùng năm 5/5 bán bánh ú tro nhỏ không nhân, gói bằng lá dong nhỏ, một chùm 12 cái, chấm với đường cát ăn thơm ngon, nhờ nếp được ngâm vào nước tro thổ sản đặc biệt. Trong mùa bắp có bắp nấu hay nướng. Mùa hến các ngư dân dọc theo sông Thu Bồn cào hến, luộc chín bỏ vỏ lấy nước và ruột hến gánh bán quanh phố, Cơm hến hay canh hến nấu với rau muống rất ngon và hấp dẫn. Bánh tráng ướt và bánh tráng nướng đập dập chấm nước mắn, Các loại chè: chè lục tàu xá, đậu xanh đánh, hạt sen vv..chợ Hội An bán nón lá, dưới gốc cây bàn cổ thụ treo bán guốc gỗ

Năm 1998 Hội An được khôi phục lại việc thắp lồng đèn trên phố cổ, tạo khung cảnh mới lạ. Các loại lồng đèn, theo kiểu Trung Hoa, Nhật Bản. Các loại hình quả nhót, quả bí, khung bằng tre bọc giấy hay lụa màu, hay loại khung gổ qúy chạm trổ bọc kính vẽ hình màu. Lồng đèn treo trước hiên nhà, cửa tiệm ánh sáng nhẹ, tạo những nét rất kỳ ảo trên khu phố cổ bằng gỗ hai tầng.

Nhiều Du khách đến thăm, đem lại sinh hoạt náo nhiệt và phồn thịnh. Có 600 loại hàng thủ công nghệ bày bán. Ðẹp nhất là tơ lụa được mọi người ưa thích. Thời gian dù đổi thay 30 năm qua tôi chưa về tham phố Hội, nhưng tôi tin rằng Hội An vẫn tồn tại những nét đẹp riêng, không thể đổi thay được nét cổ kính trầm mặc của nó.

“Nửa đêm nước ngược về nguồn

Sông Thu trở giấc lắng buồn Hội An

Mai ngày lỡ bước sang ngang

Ai cho mình thuở Hội An ban đầu“

Sơn Thu

Nguyễn Quý Ðai

 

 

(*) Tài liệu của Nguyễn Phước Tương (Ðất Ngũ Phụng đặc san xuân Nhâm Ngọ 2002)

Thương nhân Nhật Bản thường mua tơ sống, các hàng tơ lụa, nhựa chương não, ký nam, đường phèn, da cá, hạt cau khô, sơn sống, đồ sành sứ..( Chen Chin Ho Phố người Ðường và việc mua bán ở Hội An thế kỷ 17-18)

Thương nhân Bồ Ðồ Nha mua các loại hàng tơ sống, hồ tiêu, trầm hương các hàng dệt bằng tơ, hắc đàn, đường, vàng, xạ hương, quế, gạo nếp.Thương nhân Hòa Lan mua tơ lụa, trầm hương, đường, gạo, xạ hương, ngà voi, vàng….(Birdwood. Report on the miscellaneous old the India office)

Thương nhân Trung Hoa mua hồ tiêu, sơn sống, kỳ nam, ngà voi, tơ sống, trầm hương, thuốc phiện, đường trắng, đường phổi, đồ gỗ và vàng…( Pierre Poivre Mémoires sur les royaumes de la Cochinchine et du Camgodge)

 

(1)Quảng Nam trong lịch sử trang 37 của Trần Gia Phụng biên khảo Toronto 2000

(2 và 3) Dohamide và Dorohiem Dân Tộc Chàm Lược sử sđd trang 21 – 22 và 91.

(4) Quốc Sử quán triều Nguyễn Ðại Nam Thực Lục Tiên Biên 1821

(5) Việt Nam văn hóa sử cương Ðào Duy Anh

(6) Quảng Nam trong lịch sữ trang 23 Trần Gia Phụng, biên khảo Toronto 2000

(7) Những câu chuyện lịch sử tập 2 sđd trang 212-219 Tràn Gia Phụng Toronto 1999

(8) Người Hoa tại Việt Nam tác giả Nguyễn văn Huy NxB NBC Paris

(9 )VietNam Annaliese Wulf DuMont Buchverlag Koeln 1995

(**) Thượng tọa Thích Như Ðiển, xuất gia từ ngôi chùa nầy được Giáo Hội tại Hội An Quảng Nam gởi du học Nhật Bản. tốt nghiệp Ðại học, sang Ðức tị nạn sáng lập chùa Viên Giác tại Hannover Ðức quốc.Thượng Toạ Như Ðiển cũng là nhà văn, viết trước tác, dịch thuật trên 30 tác phẩm, luôn đấu tranh tự do Tôn Giáo cho Việt Nam. Ðào tạo tu sĩ có trình độ học vấn cao, có nhiều khả năng : viết báo, dịch sách hy vọng đóng góp cho Văn Học Việt Nam và Ðạo Pháp hải ngoại.

Tài liệu tham khảo

Việt sử xứ đàng trong tác giả phan khoang

Ðại nam thống nhất chí Quốc sử Quán

Việt nam Sử lược tác giả Trần trọng Kim.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button