Hội An những ngày tháng cũ.
Mạc Phi Phụng, Đặc San Đất Quảng
Ai ra đi mà không từng bịn rịn…Đó là tâm trạng của những người xa xứ. Hơn một lần, khi ngược dòng Thu Bồn về vùng Trung Phước, Giao Thuỷ, Trà Linh… hay đổ bộ lên miền trung du Hiệp Đức, Phước Sơn, Trà My, Tiên Phước, tôi đã gặp nhiều phụ nữ, họ đã nói một cách say mê về một thành phố êm đềm và hiền hoà mà khi họ phai rứt áo ra đi theo chồng lập nghiệp, nghĩ đến ngày trở về cố quận, đã đau đớn kêu lên như một lần vĩnh biệt:
Kể từ rày xa phố Hội An
Xa chùa Âm Bổn, xa làng Minh Hương.
Những năm về trước cho đến thập niên 50, Hội An được gọi là Faifo hay Phố, còn Đà Nẵng thì gọi là Hàn. Ở quê xuống Phố hay ở Phố đi Hàn, đó là ngôn ngữ của người đương thời khi nói đến Hội An và Đà Nẵng, thành ngữ “nhà quê xuống Phố” được dùng để chỉ sự quê mùa khi tiếp xúc với ánh sáng văn minh. Thuở ấy, Hội An là chốn “phồn hoa đô hội”, là nỗi ước mơ một đời của những Lý Toét, Xã Xệ, hoặc của các bà con xa xôi ở miền Tây xứ Quảng, mong được một lần đặt chân xuống Phố, khăn đóng áo dài, đôi guốc mộc móc trên cán dù, dạo bước giữa phố phường rộn rã ngựa xe, nhìn đèn điện đỏ sáng trưng, tạt vào quán cao lầu ông Cảnh, phủi đôi chân trần (rửa cạn), ngồi gác cẳng lên phản ngựa ăn tô cao lầu, uống chung rượu đế, hút điếu Cẩm Lệ, thấy đời lên hương phơi phới xuân tình, dạo ra xóm mới Trường Lệ tìm một bông hoa. Đó là phong cách dân chơi thời thượng.
Các mẹ các chị đi buôn. mỗi lần ghé chốn Hội thành, thôi thì tha hồ mà ăn hàng vặt nào là bánh ướt thịt nướng chấm mắn nêm, nêm nướng chả lụi, hột vịt lộn, bún giò, bánh đúc, chè trôi nước…Nhiều khi ăn cho đã thèm nên thâm vốn, quên cả lời dặn dò của các đấng phu quân trước lúc lên đường:
Hội An trăm thứ đều ngon,
Từ từ cái lỗ miệng cho chồng con được nhờ.
Khúc sông Thu bồn chảy qua phố Hội có tên chữ gọi là Sài giang nhưng it người biết, mức nước rất sâu dù là mùa hè, thuyền lớn vẫn có thể cập sát bờ. Sáng nào cũng vậy, những chiếc ghe chài cất rớ dàn hàng ngang 5, 3 chiếc thả luới, rồi những chiếc thuyền con bơi quanh phía trước khua động mái chèo để đuổi cá vào lưới. Dân đi câu cá cũng rất đông, ngồi san sát trên bờ sông, thôi thì nơi này cá đang ăn, chỗ kia đang giật cá lên bờ thật rộn rịp, nhiều khi được cá quá lớn như cá hanh, cá trảnh, cá hồng rất nặng thì phải thuê đò bơi theo hướng cá chạy để lừa cho đến khi cá đuối sức rồi dùng vợt vớt lên khi cá còn đang quấy trên mặt nước. trên bờ người xem cổ võ đông như hội đua ghe. Ngày nay, sông Hội An hầu như không còn cá nên dân đi câu cũng vắng bóng, lý do là vì nguồn nước bị ô nhiễm loài cá không sống được. Hàng năm, khắp dải đất miền Trung lũ lụt, người chết nhà trôi vì rừng đầu nguồn bị chặt phá nặng nề, đất núi bị xói mòn, dòng chảy sông Thu Bồn không định hình nay bồi mai lỡ, có nơi hai bờ sông cách nhau hàng cây số, nhiều thôn làng phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, di dời đi nơi khác. Trái lại, đến mùa hè, dòng sông khô cạn phô bày những cồn cát nắng chan chan, ghe thuyền bị mắc cạn không đi lại được, đời sống dân quê thật cơ cực. Bờ sông Hội An mùa hè cũng bày ra những bùn rác ô uế hôi tanh nhất là đoạn gần chùa Cầu.
Đường phố Hội An bây giờ thay đổi nhiều, các trụ đèn kiểu cũ hồi đầu thế kỉ bị thay bằng những trụ kiểu công nghiệp với bóng đèn cao áp ánh sáng trắng bệt, dọc theo đường Duy Tân (cũ) phía trên chùa Cầu lại thay bằng những đèn lồng gương trụ sắt giả cổ kiểu Âu châu, sự trang trí pha tạp này làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản của phố cổ. Ngoài ra, các lề đường thời trước bị đào bới đem đi thay vào những viên đá Thanh Hóa sắc cạnh khiến lề đường quá cao, đặc biệt có những chỗ bị khuyết đã làm cho rất nhiều du khách bị té trẹo mắt cá chân. Quý vị nào đến Hội An cần lưu ý.
Đình Ông Voi còn gọi là đình làng hội với lối kiến trúc đặc trưng đình Việt Nam, cổng vào có 4 trụ tứ lân trong sân đình có 2 dãy trụ cờ phướng rất cao, tả hữu có 2 con voi đá đứng chầu, ngày nay nó bị phá bỏ. Phải chăng Hội An thiếu đất xây dưng đến nỗi phải phá hủy một di tích văn hoá có giá trị?
Bức tường bình phong chùa bà Mụ, một công trình kiến trúc ngoạn mục nhất của người địa phương, bị tháo gỡ gạch đá và đang chìm vào sự quên lãng cũng như Khổng Miếu chỉ còn 1 bãi đất hoang phế.
Một điều kém mỹ quan là khu đất ngay trước tam quan của chùa Viên Giác, mới đây người ta lại xây 1 ngôi chợ. Thôi thì đủ thứ tạp nhạp: lò heo, lò bê thui, thịt cầy…các bà đi chợ la lối, dân nhậu ì xèo cảnh phàm tục hoà lẫn trong tiếng chuông mõ công phu hai buổi sớm chiều…
Chùa Cầu tức Lai Viễn Kiều có từ đời các chúa Nguyễn, ngày nay chỉ là một mô hình để trưng bày. Hai bên đầu cầu có làm thêm 2 ngạch cửa cao khoảng 40 cm nên không lưu thông được. Khi phục chế vày cầu lại làm dốc cao 45 độ, khiến nhiều người bị trượt ngã khi bước lên cầu điều này không đúng với nguyên bản có ghi trong bia đá dựng tại thành cầu. Trong thực tiễn, nếu ngày xưa các cụ đi ngựa, đi võng lọng, đi kiệu làm sao vượt qua dốc cầu này? Người ta quên rằng một di tích cỗ chỉ có giá trị khi nó là một di tích sống nghĩa là còn sử dụng được.
Có những âm thanh ngày cũ làm cho ta nhớ lại một không gian hay một khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời mà ta đã sống. Một người quê ở phố Hội từ xa về khi đi ngang chùa Cầu nghe tiếng gõ nhịp của những thanh gỗ ván sàn khi bước chân chạm vào vang lên một âm thanh quen thuộc, nhận biết là ta đã về đến quê nhà. Thật ngỡ ngàng cảm giác ấy ngày nay không còn nữa.
Miếng ngon Hội An ngày nay về phẩm và lượng không còn được như xưa. Tiệm ăn nào cũng có bán cao lầu, hoành thánh, bánh bao bánh vạc (gọi là White rose) để bán cho du khách nước ngoài dân địa phương gọi là Tây ba lô. Phở Liến, phở Tùng, phở Liễu vẫn còn hoạt động. Phở Hội An là loại phở Quảng, sợi phở thái ra từ bánh tráng phơi sương, chứ không phải phở tươi như phở Bắc. Bánh đập, hến trộn, chè bắp xin mời qua Cẩm Nam, sau khi ăn nhớ mua vài chục bắp trái đem về luộc hoặc nướng. Hải sản có rất nhiều tiệm. Muốn thoải mái thì xuống nhà hàng Hương Châu cửa Đại, muốn rẻ thì đến quán Thị Nhạn Cẩm Châu ở đây bán tôm cua cá mực…theo kí lô rồi chủ quán gia công nấu nướng. Mì Quảng ngày nay không có tôm hoặc cua lột hay sứa như quán mì bà Đợi ở Cẩm Châu lúc trước. Cứ mỗi lần nghĩ giữa giờ là các cô cậu học trò TQC đạp xe theo con đường trồng dừa xuống đến cầu gỗ Thanh Châu, ngồi ăn mì trong quán lá, mái lợp lá dừa nước, dưới hàng tre đong đưa theo gió…
Nghề bán bún bò vang bóng một thời. Thuở trước, có bún bà Chỉ gần nhà đèn, bà Dần, bà Lương, bà Tỳ…còn nay là thịnh thời của bún bà Huỳnh (trên đường ra miếu ông Cọp). Cao lầu ông Cảnh vẫn còn nhưng người ta thường ăn ở quán cao lầu trước cổng ty công chánh cũ (đường Thái Phiên) vừa ngon, vừa rẻ. Bánh mì thịt có nhiều nơi bán nhưng nổi tiếng nhất hiện nay là hiệu bánh mì Phượng tại giếng máy đầu chợ Hội An, dân ăn khuya gọi là ngã năm quốc tế. Ở đây là chợ đêm có bán đủ các món cho dân nhậu.
Giờ đây khi trở về phố cũ muốn tìm một vài gương mặt thân quen để hàn huyên tâm sự chỉ biết đến các quán cà phê hay cà phê vườn (làm trong một khu vườn có cây cảnh non bộ). Bạn có thể dạo bước đến Hương Viên, Ngọc Lan , Thượng Uyển hay Lạc Viên, nơi đây bạn sẽ được thưởng thức những bản nhạc đươc ưa chuộng do chủ nhân một thời là sinh viên tuyển chọn.
Trường Trần Quí Cáp trước đây nổi tiếng của cả tỉnh, nay không bằng trường của các huyện đàn em. Không hiểu người ta đã căn cứ vào đâu mà điêu khắc cụ Trần Quí Cáp -một sỹ phu thế kỉ 19- với mái tóc chải rẻ kiểu 4/6, để ria mép kiểu Stalin, tượng chỉ có phần đầu mà không có cổ và không đế tượng. Chiếc đầu được gắng trên 1 cọc xi măng trơ trọi… Theo sử sách hiện nay cụ Trần không có di ảnh cũng không có 1 tài liệu nào mô tả về nhân dạng. Nếu vậy thì hình ảnh tiêu biểu của lớp sĩ phu thời ấy là đầu vấn khăn để râu 3 chòm kiểu phương Đông, giống như di ảnh của các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng và nhất là cu Huỳnh Thúc Kháng đồng thời với cụ. Ngoại trừ cụ Phan Chu Trinh lúc đi Pháp mới mặt Âu phục.
Đi vào các lớp học, bàn ghế bảng đen cũ kỉ năm xưa như bỗng hoá có tâm hồn: “Anh còn nhớ không? Này đây là nơi anh đã ngồi trong năm cuối của bậc trung học, thầy Hồ Đắc Cần làm giáo sư cố vấn”. Tết năm ấy tôi và TTH phụ trách làm báo Xuân của lớp có tiêu đề là Giai Phẩm Niềm Tin, trang đầu tiên với lời mở của thầy thật cảm động nói lên tâm tư bâng khuân và những suy nghĩ của tuổi sắp bước vào đời. Tui còn nhớ một vài cây bút có bài đăng như Hoàng Qui, Thái Hà (Nguyễn Kim Sắc), Hoài Thu (Thái Tú Hạp) và Phi Lam…Hoàng Qui quê Đại Lộc xuống Phố trọ học yêu 1 thiếu nữ con nhà khuê các rồi:
Tương tư
Ngồi đây vò vỏ thư phòng,
Nghe mưa rền rỉ nghe lòng tịch liêu,
Hồn đêm cửa khoá then kiêu,
Định thầm dấn bước ngại nhiều tường cao.
Còn nghe một giấc chiêm bao,
Có nhiều ong bướm dẫn vào thiên thai.
Đường đời một bước trần ai,
Tâm hồn lảo đảo hai vai rả rời.
Còn không cánh liễu bên trời,
Đợi ta về tỏ mấy lời cầu duyên.
Mênh man nghĩ ngợi triền miên,
Trắng tay sự nghiệp ưu phiền là đây.
Còn Nguyễn Kim Sắc đã mơ tưởng đến ngày trở về trường như ông Carnot trong Quốc văn giáo khoa thư:
Qua trường cũ
Thuở ấy về qua trường học cũ,
Sóng lòng dâng mắt nhớ qua tim.
Dăm ba cô bé cài hoa tím,
Trong trắng lòng chưa nhớ tiếc gì
…
Này cổng trường xưa qua lối cũ,
Thầy buồn man mác tóc pha sương:
“Con ơi mưa đổ không tìm lại,
Ta nghĩ ngày xưa quá vấn vương”…
Sau 1975, hầu hết lớp thầy giáo cũ đều bị sa thải thay vào đó lớp giáo viên bổ túc chuyên tu (dốt như chuyên tu, ngu như bổ túc). Có một vài vị “lý lịch trong sạch” còn được lưu dung (tha mà giữ lại). Đa số sống nghèo khổ, tiền hưu bị cưỡng đoạt, bệnh tật rồi qua đời. Cô H. tốt nghiệp ĐHSP Việt văn bị một tay giáo viên Thanh Hoá lừa gạt bị đuổi dạy vì có bầu, bố đi tù cải tạo rồi chết, đứa con của cô cũng chết. Bao nhiêu nghịch cảnh tới tất khiến cô lâm bệnh tâm thần bị nhốt ở Hoà Khánh, ở đây cô gặp cô C. ĐHSP Anh văn đồng cảnh ngộ. Thầy giáo Bộ giám thị TQC bị tịch thu nhà đưa đi tù cải tạo, ra tù tuổi già sức yếu không nơi nương tựa rồi chết vì suy kiệt. Ở một xã hội mà sự đàn áp làm cho khiếp sợ, mỗi người dân là một người tù dự khuyết cho nên thấy người gặp nạn mà vẫn làm ngơ vì sợ liên lụy, trông người mà ngẫm đến ta, không có pháp luật nào bảo vệ cho họ cả.
Khu đô thị mới đường Nhị Trưng nối dài có nhiều khách sạn nhà hàng, phòng trà ca nhạc sống. Con đường này mới mở nhưng rất hẹp và ngoằn ngoèo đã từng gây ra vài chục tai nạn chết người. Trên đường từ Hội An ra đến Non Nước, rồi Đà Nẵng có hàng trăm phòng ngủ bạn có thể thuê vài giờ hoặc qua đêm. Ở đây, bạn là thượng đế…
Một thời đại nhiễu nhương. Đây là dịp tốt để làm giàu nhanh chóng. Hội An có rất nhiều đại gia trẻ tuổi và lớp tư sản đỏ, tạo nên một đẳng cấp nhà giàu mới. Các Việt kiều ở Úc, Pháp và Hoa Kì có về làm ăn mở khách sạn 5 sao, các khu nghỉ mát và nhà hàng lớn…
Đất nước đang bị khai thác đến cạn kiệt tài nguyên, rừng bị chặt phá đột thành đồi trọc, thú rừng bị săn bắt đến diệt chủng, nguồn thuỷ sản ngày càn hiếm vì môi trường bị ô nhiễm thêm vào đó với lối đánh bắt bằng điện, bằng chất nổ.Nhà cửa đất đai dang bị chia cắt cho những kẻ có đặc quyền đặc lợi mua bán đầu cơ. Sự phát triển thiếu kế hoạch, ăn xổi ở thì, không bền vững rồi đây thế hệ con cháu tương lai phải gánh chịu một đất nước kiệt quệ.
Về mặt tinh thần, cuộc nội xâm của hệ ý thức duy vật đã tàn phá tất cả giềng mối về đạo đức, luân lý suy đồi nhân phẩm hạ thấp, nạn đĩ điếm, bệnh AIDS, ma tuý, cướp giậ , tham nhũng hối lộ phát triển đến tột bật, giao thông rối loạn, nạn kẹt xe ô nhiễm sinh thái, tai nạn ngày càng gia tăng đến chóng mặt.
Từ 1945 đến nay, họ đã bắn súng lục vào quá khứ và nay quá khứ đang nã đại pháo vào dân tộc. Trong thập niên 50, tất cả các dân tộc thuộc địa đều lấy lại nền độc lập mà không phải chém giết. Nhìn lại đất nước mấy chục năm qua chỉ vì một ý thức hệ xa lạ với cội nguồn dân tộc và với cả loài người, mà đấu tranh giai cấp tố khổ, cướp của giết người gây cuộc chiến huynh đệ tương tàn…Ngẫm nghĩ trong cuộc chiến vừa qua không có kẻ thắng mà chỉ có người thua cuộc là dân tộc và tổ quốc Việt Nam.