Hồ trường! Hồ trường!
( riêng gửi NNA )
Đã nhiều lần, trong nhiều năm, tôi muốn viết về một số chuyện liên hệ đến ông Nguyễn bá Trác, tác giả bài Hồ trường. Nhưng tôi ái ngại.
Năm 1945,tôi lên chín. Tôi nghe người lớn trong làng chuyền với nhau cái tin “Sáng mai gà gáy hồi một hãy thức dậy. Kịp đi xem xử hình ông Bá Trác, ở bải sông Trà khúc,. . . trên tỉnh “.
Nhà tôi cách tỉnh lị độ mười cây số.
Rồi tôi nghe chính mẹ tôi bảo anh chị em nhà tôi
— “đừng đi!”, — ” đừng có đứa nào đi hết đấy nghe! ” — ” người ta làm gì, kệ người ta. Mình đừng đi coi. . . “, — ” hay ho gì chuyện đó mà đi coi ! ”
Chiều ngày hôm sau,tôi lại được nghe :
—. . . người ta đã đem ông ra bải Trà khúc, bịt mắt ông lại, cột ông vào cái trụ trồng sẵn đó. Ông Bá Trác không sợ hãi chi cả. Ông “cãi tội cho mình “. . . Cuối cùng người ta phải tha tội chết chém cho ông.
Tôi cũng được nghe những chuyện kể,được đọc những bài viết của các người lớp lớn hơn tôi, viết lại những chi tiết về cái vụ “xử hình “. và vụ ” tha tội “, và có cả chuyện rằng ” người ta thủ tiêu ông Tuần Trác. . . trên đường chính quyền Việt minh Quảng ngãi giải giao ông cho chính quyền Việt minh tỉnh Quảng nam. . . ngay trong năm 1945.
Có người bảo ông bị an trí tại làng quê ông, ở Bến điện ( Vĩnh điện, Quảng nam ?), sau đó ông chết già, chết bệnh. . .
Sự thực ra sao, có lẽ sẽ phải đợi một người viết sử chân chính cho chúng ta biết. Hoặc là thân nhân ngài ghi chép một cách chính xác, khách quan hơn chăng.
Năm 1970, tôi có dịp biết một người làm công chức ở Tòa án Quảng ngãi. Anh là cháu nội cụ Tuần Trác. Anh sưu tập đồ cổ ngọan. Hình như cũng là một kế mưu sinh nữa.
Những năm sau hiệp định Paris , 1973, tôi thường được nghe một số bạn trẻ hơn tôi chừng mươi, mươi lăm tuổi ngâm lại bài Hồ trường. Dọng ngâm nào cũng đầy cảm khái. trong những bữa nhậu. . . ngà ngà say.
Rồi qua Mỹ, tôi lại thấy trên báo chương, trên internet, một số bạn trẻ tiếp tục nhắc đến Hồ trường. . .
Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy như có một tình cảm phức tạp trong tâm tư.
Nay tôi cũng đã gần đất xa trời, tôi nghĩ là mình viết quách ” cái chuyện lòng ” của mình ra đây. Rồi thì người đọc có thể nghĩ sao thì nghĩ. Mình trả một món nợ với. . . tiền nhân, với. . mai hậu.
———–
1/ Cụ Án, Cụ Tuần :
Chị Hai tôi thường kể :
Năm đó ( 1930/ 1931) chị đang học lớp ba, lớp nhì. Bạn học của chị có một đứa là con ông Án hay Ông Tuần. Chị quên mất tên nó. Chị hay đi vào “trong Thành ” mà chơi với nó. Lính gác cổng quen mặt, cứ cho đi. . .
Nhiều lần, thấy mẹ lên tỉnh, đến nhà chị ở trọ. Gói rất nhiều bạc, bạc giấy, rồi buộc quanh mình chị. Bảo chị mang bạc vào trong thành. Vào nhà bác nào đó, chị quên tên. Bác biết chừng, mở ra và cất đi. . . Rồi bác ra nhà trọ của chị mà báo cho mẹ biết. Chị nghe nói là ” tiền chuộc tội cho cậu đang ở tù,cậu sẽ mau về. ”
Anh Tám tôi thì nhớ rằng :
Cứ mỗi năm, gần ngày Tết, bà nội hay về mà nhắc mẹ ” đi tết Cụ Án, Cụ Tuần “.
Anh không biết là Ông Án nào, ông Tuần nào.
Tôi cũng hay hỏi mẹ tôi về ông Tuần Trác. Bá chỉ nhớ rằng :
— Ông Án. . . người phốp pháp. Da mặt hồng hào. Cái cổ ông to. . . Trông phía sau giống giống như là. . . cậu Tú vậy đó. Tiếng nói ông rỗng rãng lắm. Nhiều lần mẹ được ông Thông Tường dẫn vào hầu ở dinh ông Án, và dinh ông Tuần. . .
Lần sau cùng, mẹ nhớ rằng ông đã dạy :
” Bà gia của chị là đàn bà góa. Không răn dạy con dạy cái được. Chị là vợ, chị phải khuyên răn chồng. . .
“. . . Chị là em của Thủ khoa Phiên. Có phải vậy không ?
” Chị biết chồng chị bị tôi gì không ?
— Bẩm Quan lớn. . .
— Tự tư dĩ hậu. . . chị phải biết ăn ở phải đạo với mẹ chồng, với cô bác trong họ trong hàng nhà chồng. Phải lo nuôi con nuôi cái. . . Phải khuyên bảo chồng đừng có làm quốc sự. . .
Ông cho lính dẫn mẹ ra khỏi cổng. Lính đuổi mẹ đi. Đi. . . đi ! nhanh lên. . .
Mẹ tôi cũng hỏi tôi :
— Vậy con có biết. . . ông Tuần. . . à ?
Tôi thưa :
— Con đọc sách. Thấy người ta nói ông Tuần Trác, đậu Cử nhơn trường Thừa thiên.
(Cũng giống giống như mấy cậu. Cậu Thị, cậu Tú thi đậu ở trường Bình định. . . Ông Tuần Nguyễn Bá Trác, chắc nhỏ tuổi hơn cậu Thị. Nhưng đâu sớm hơn. Không ra làm quan, mà theo cụ Phan Bội Châu, làm cách mạng. Qua Tàu, qua Nhựt bổn. Rồi sau đó thì về nước, làm ông nhà báo ở ngòai Hà nội. Sau đó ông vô Huế, rồi vô Quảng nghĩa mình mà làm quan. Trước là Án sát, sau là Tuần vũ. . . )
— Hình như mẹ có nghe ông ngọai nói giống giống như vậy. . .
2/ Hai Bà Tổ Cô ( chị của ông nội ) của chúng tôi:
Một bà tên là Chinh. Bà là vợ ông Lê văn Phác, người làng Long Phụng. Ông và bà sinh được hai con gái. Ông Phác. . . làm giặc (theo người ta đi chém đầu Tây Thương chánh, Cổ lũy ). Rồi biệt tăm biệt tích. Có lẽ là vụ nỗi lọan của Cử Vịnh, Ấm Loan, năm 1895.
Một bà tên là Khuyến. Bà có chồng là Tú tài Cao văn Duy, người làng An mô. Ông bà cũng chỉ sinh ra tòan con gái.
Chính vì thế mà hai bà rất quý cậu ( cha tôi ). Là đích tôn, nối dõi tông đường.
Bấy giờ, nhằm vào các năm 1930/1931. Nghe nói, bà Khuyến phải giả dạng là người bán cá ( rong / rổi ) lên tận tỉnh lị, hằng ngày có mặt Trường Tập ( lính Sơn đá, lính Lê dương, lính khố đỏ tập đánh giặc ). Bà chờ xem trong đám tù khổ sai ở đấy. . . có ai quen thân hay không. Trong đó, hôm nay may mà còn thấy có thằng cháu gọi mình bằng cô. Ước gì nó còn được đi làm xâu ở đó hoài hoài.
Mỗi tuần, có người này bị xử bắn, có người kia chết trong tù. Mỗi tuần, có những chuyến đưa tù Chánh phạm đi an trí, đi đày ở ma thiêng nước độc ( Gi lăng, Ba tơ, Lao bảo, Kon tum ).
Hai bà tổ – cô tôi, đốc thúc bà nội tôi bán ruộng lấy tiền. . . lo cho quan gia trên tỉnh. Người ta giúp cải đổi cái tôi danh Chánh phạm thành Tòng phạm.
— Ví tui nói với mợ xã. . . ” Của” cha mẹ làm ra. “Của” cha mẹ để lại. Giữ được của mà mất người thì để làm chi. Bán bớt ruộng mà cứu nó. Nó khỏi tù khỏi tội. . . Mợ kiếm mối bán ruộng. Ví tui ký tên. . . Mợ mà không chịu bán ruộng. . . Ví tui ” la làng lên ” bây giờ. . .
.
Bà nội tôi bán một dãy ruộng Sáu mẫu ruộng sâu / ruộng rộc. Rộc Ông Kèo. Lấy một ngàn hai trăm đồng bạc trắng. Đổi thành bạc giấy, mà bó trên mình cho chị Hai tôi mang vào trong Thành, như đã nói trên.
Thân sinh của tôi là một chánh phạm hai năm rõ mười. Vậy mà lại thoát tù, thóat tội, thóat chết
Mẹ tôi thường nhắc lại cái ơn sâu dày của hai bà Tổ cô này.
3/ Bộ chén ngọc nhà Ông Ngọai tôi:
.
Ông Trần Phiên, và em là Trần Tuân là hai ông cậu tôi. Trúng đồng khoa Cử nhơn, trường Bình định. Nhờ vây mà ở tỉnh này, người ta biết tiếng.
Ông Thủ khoa Phiên có một thời làm quan Nam triều tại Bình định. Về hưu năm 1931.
Năm 1929, nhân lễ Thất tuần của Ông ngọai tôi, một người bạn,quê quán Bình định đã biếu cậu tôi một món cổ ngọan.
Đó là một bộ chén ngọc, để uống rượu. ( hay để uống trà (? ). Cậu tôi đích thân mang về quê mừng thọ ông ngọai tôi.
Ông ngọai đã cho mẹ tôi ” bộ chén ngọc không có trôn “. Mẹ tôi, đi Tết cụ Tuần vào một vài năm sau đó. Cha tôi được an trí tại gia cho tới ngày mất.
4/ Bộ Chén ngọc trong tâm trí Ông Vương Hồng Sển
Năm 1958, hay 1959, ông Vương Hồng Sển Giám đốc Viện Bảo Tàng Sài gòn có nhắc đến một bộ chén ngọc ( ngọc trản ),từng có ở phủ Chúa Trịnh hay Cung vua Lê. Nó có một đặc điểm : các chén này, chuốc bằng ngọc thạch. Không có ” khu chén”. Khi đặt chén xuống bàn, nó có thể ” đứng nghiêng nghiêng “. Khi rót nước / rượu vào thì nó “đứng ngay lên ”
Bộ chén ngọc này đã thất tung thất tích trong bộ sưu tập ở Hà nôi, ở Sài gòn ngày nay. Cũng không thấy có ở Nhật, ở Pháp hay ở Đài loan.
Ông đề ra một giả thuyết :
” Tây sơn,dựng cớ phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc cùng ra bắc năm 1787/1788 Khi trở về có chuyên chở khá nhiều của cải tóm vét được ở phủ Chúa. . . . Quan quân Tây sơn có thể đã đem bộ chén “ngọc trản” này về Bình định ?. Có thể tìm lại được nó ở Bình định về sau này chăng ?
5/ Cái Chén ngọc trong tủ, nhà ông Võ Lóat, Quảng ngãi :
Năm 1970 hay 1971, nhân có việc liên hệ đến một người bạn, tôi phải đến thăm ông Võ Lóat, ở Thị xã Quảng ngãi. Tôi biết ông có cái thú sưu tập “đồ xưa “.
Tôi đem kiến văn vụn của mình về môn sưu tập cổ ngọan để được ông vui vẻ mở lòng mở dạ, và chỉ cho xem bộ sưu tập của ông.
— Thưa, bác có cái chén. . . ngọc. Trông lạ quá. . . Bác có nó. . . Cơ hội nào mà bác có nó ?
— Năm 1952, tôi lo việc Đào Kênh, phủ Tư Nghĩa. Tôi ghé nghỉ trưa ở nhà một người ở xóm Cửa Đông. Thấy nó ngồ ngộ. Tôi này ( nài nỉ ). . . được chén này.
— Chỉ có một cái ? Những cái khác. . . thì sao ? Ông ấy. . . có nói cái lai lịch. . . của nó không ?
Ông Võ Lóat thấy tôi vồn vã, bèn cố nhớ ra thêm vài chi tiết :
— Tôi nhớ thì. . . y như rằng lão ta. . . có bảo : Hồi năm khởi nghĩa ( 8/ 1945 ). dân chúng ở Cửa Đông. . . ùa vào trong Thành. . . Mạnh ai nấy lấy. . . Trong Dinh ông Sứ, trong Dinh Ông Tuần, trong Dinh ông Án. . . có cái gì họ cũng lấy. . . Cái chén này. . . không hiểu vì sao mà nó lại có ở trong nhà mình. . . y không nhớ. . . Nhưng thấy nó ngồ ngộ, thì giữ chơi. . . Cất trên bàn thờ. . . Có ai đến thì đem ra khoe. . .
Thú thật, rằng tôi thiếu lương thiện đối với bác Lóat. Tôi dấu nhẹm những ý tưởng, những liên tưởng. . . những mưu toan mà tôi có trong bụng mình.
— Sẽ có một ngày nào đó, mình cũng sẽ. . . tìm ra cách. . . phỉnh ông già Lóat. Ông để làm gì trong nhà ” một cái chén. . . vô tích sự “. . . Chọn mặt gửi vàng. Tôi sẽ đưa mẹ tôi đến nhà ông cho bà xác định lai lịch của bộ chén ngọc. Bộ chén ngọc làm ông Vương Hồng Sển thao thức. Ông Lóat sẽ hài lòng vì mình đã biết bảo tàng một chứng tích lịch sử.
Khi nào mình có dịp, thì mình sẽ mang cái thành tích khảo cổ này vào Viện Bảo Tàng Sài gòn mà khoe với ông thầy, ông Giám đốc Vương Hồng Sển. Khoe rằng :
Vua Tàu đem bộ chén ngọc không trôn, mà ban cho Vua Lê. Vua Lê dâng cho Chúa Trịnh. Anh hùng áo vải cờ đào, dấy nghĩa ở Tây sơn, phù Lê, diệt Trịnh. Long nhương tướng quân,lấy bà Công chúa. . . và bộ chén ngọc. Đem chén ngọc dâng vua Thái Đức. Vua Thái Đức, hay là. . . vua Gia long. . . đã để lọt bộ chén ngọc vào tay một nhà quan, một nhà dân ở Bình Định. Nhà quan, hay nhà dân ở Bình định đem. . . tặng biếu nhà Ông ngọai tôi. Ông ngọai tôi có thằng rễ, là cậu/cha tôi làm quốc sự. Ông Ngọai tôi cho mẹ tôi. Mẹ tôi ” đi tết ” Ông Tuần để cho chồng khỏi tội, khỏi vạ.
Ông Tuần, từng là một nhà nho yêu nước, Đông du. Trở thành danh sĩ với bài Hồ trường trong những ngày còn phiêu bạt ở Nhật bổn.
Ông về nước, làm báo. Làm quan ở Quảng ngãi.
Ông Án, ông Tuần ở trong thành ( Cẩm thành ).Chị Hai tôi mang bạc bán ruộng Rộc ông Kèo vào. . . để chuộc tôi cho cha.
6/ Rộc Ông Kèo :
Năm 1975, tôi đi trình diện học tập. Bỗng ngồi chung hàng với một người bạn học cũ. thời 1950. Anh Võ Đình Diệp, quê quán ở Vạn an, Tư nghĩa, Quảng ngãi. Anh đi trình diện với tư các là Giáo sư trường Đại học Kiến Trúc, Sài gòn. Anh và tôi sống gần nhau trong suốt sáu tháng cuối năm 1975.
Hai đứa tôi thường rủ với nhau ra bờ ra bụi, quét lá cây mục làm phân, trồng rau cải họat. Và dạy nhau :
” Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
” người khôn, người đến chốn lao xao ”
.. . ” hồ hởi phấn khởi “. . . “thành thật khai báo với Cách mạng “. . . ” trở thành người công dân hữu ích “. . . Còn lâu ! Chớ ! Chớ. . . !
Một hôm tôi hỏi Diệp:
—. . . mấy năm 1952,.. . 1954. . . tui làm ruộng ở xóm Sông, Vạn an. Hồi đó, ông làm gì ở đâu. . . Sao tui không gặp.
—. . . tao suốt ngày. . . vắt đất cho ra nước, thay trời làm mưa, cứu lúa cháy khô ở Rộc Ông Kèo.
—. . . Có phải. . . dãy ruộng rộc. . . năm sáu mẫu, liên bờ, sát mé mương nước. Ruộng đó. . . nước tháo mà. Ruộng đó. . . là đệ nhất điền. . .
—. . . sao mi biết. . . ?
— Có phải. . . mẹ con nhà ông Xu Lang. . . mua sáu mẫu ruộng. . . của bà nôi tôi không ? Hồi năm 1930, 1931 ?
— Bà nội mi là bà xã Uyển hả ?
— Sao ông biết ? Ủa. . . hình như ông là con ông Xu Lang có phải không. . .
— Sao mi biết tên ông già tao.
— Sao Ông biết tên bà nội tui ?
— Thì tao nghe bà nội tao nói Rộc Ông Kèo mua của bà Xã Uyển gì đó. Sáu mẫu. một ngàn hai trăm đồng bạc. Bạc bảy quan. . . Ông già tao. . . đem tiền ở Đà lạt về cho bà nội tao. . . mua. Chắc là hồi đó.
— Mà hồi đó thì ông chưa có mặt trên đời,sao ông biết. . .
— Tao nghe bà nội, nghe mẹ tao kể lại. Chỉ vì. . . sáu mẫu ruộng đó mà tao hận ông già tao lắm. Vì nó mà bà nội tao thành địa chủ, tao là cháu nôi, cũng thành địa chủ luôn. . . Mấy năm đó. . . tao làm bật xương sống. Suốt ngày ở Rộc Ông Kèo. . . mà không sao đủ lúa nạp thuế Nông nghiệp. . .
—. . . rồi sao nữa, nói nghe coi. . .
—. . . sau năm 1954. ông già bán. . . sạch, cho tao đi học. . . Mà sao mầy cũng biết Rộc Ông Kèo.
— Bà Cố tôi ăn mắm mút dòi, mua ruộng của nhà Ông Kèo. Bà nội tôi bán cho nhà bà nội ông. Lấy tiền. . . mà nạp cho Ông Tuần Trác. . . Mẹ tôi kể lại như vậy. . .
7/ Tự cổ Thánh hiền giai tịch mịch.
Những người mà tôi ngẩu nhiên nhắc đến trên đây, từ ông vua bên Tàu, ông quan bên ta đến hai bà Tổ cô của tôi đều là những bậc Thánh hiền. . . có lẽ.
Họ đều đã đi vào cõi tịch mịch.
Duy chàng trai lưu lạc “nguyễn bá trác” ngây ngất nghiêng rót ” hồ trường “. . . vẫn còn lưu kỳ danh.
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Liễu hạ thị.
(8/ 2003)