Hiểu ra một lần

Phan Nhật Nam

1. Với Tô Đông Pha,

Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Vị đáo bình sinh dạ bất triêu
Thử đáo hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều
Kìa khói non Lô, sóng sông Triết
Bình sinh không đến ngẫm hối tiếc
Tới rồi, quay lại thấy gì đâu
Núi tỏa khói mờ, sóng biền biệt

2. Giả sử người không chết

Một,
Giả sử không cái chết
Cuộc sống không đoạn kết
Người biết sợ gì nào?
Bên kia bờ không có!

Sự Ác lẫn Tính Thiện
Âu cũng chỉ chung tầm
Địa Ngục quả tận diệt
Thiên Đàng hẳn mất tiêu
Người lâm cảnh kiệt cùng
Biết về đâu.. Sống miết?!

Chết hóa ra cần thiết
Chết thật sự bất diệt
Người sống chờ gì nào?
Hậu nhiên lần được.. Chết?

Hai,
Hãy tưởng tượng giá như người không chết
Nỗi kinh hoàng lóe sáng khốc liệt đến bao nhiêu!
Kẻ sát nhân, đứa bất nghì (sẽ) không ngại lo phần trừng trị
Bậc hiền nhân, quân tử sống mãi với dụ ngôn, thuyếât giảng
không hề được “Đời sau-(Đời sau nào?)” ứng dụng, thực thi?!

Vị Khổng Tử có mặt khắp nơi
Nhưng bàn cãi sẽ không (ai) nên một lần thuyết phục
Những nại cớ nhân danh hẳn bày toang sự thật
Ai nói thêm gì nào khi “Khổng Tửï viết” đã hiển hiện giữa thế gian
Cùng cực phí phạm!
(Ai còn dạy được Ai)

Chúa Cứu Thế cho dẫu năm ba lượt đóng đinh
Ngài vẫn hiện sống với nhân quần không một khắc vắng mặt
Không phép lạ Phục Sinh
Mười Hai Chặng Đường Thương Khó trở nên hoàn toàn vô ích!
Trên Núi Sọ bầy kên kên tuyệt vọng bay tìm
Chúng thấy được những gì
khi không ai ngã chết?
Nơi chốn nguyền rũa ghê hồn hù dọa con người
suốt hai-mươi thế kỷ kéo dài thêm vạn triệu năm sau..

Và trần thế hẳn không là khởi đầu bi thảm,
Không phi lý đời nầy,
Không trông đợi đời sau,
Chẳng ai mất công phải chờ Thượng Đế!
Người toàn thể công bằng
Khi Sự Chết không khả năng săn đuổi con người
tại thời điểm cuối cùng – nơi ngưỡng cửa lâm chung.
..
Nhưng, cuối cuộc
Phải tới một ngày vọng vang câu hỏi,
Hỡi ơi Chốn Xưa nào là Cõi Chết?
Như con người hằng cố công tìm kiếm Thượng Đế Nơi Đâu?
Và hẳn người tận thâm sâu mong được thấy một lần.
Thượng Đế cùng Sự Chết.

Sống lại với người, chiến tranh

1. Với quân binh Thế Chiến lần Hai
“Em ơi, khi thức giấc
Hãy nhớ,
Sáng hôm nay…
Dăm phút ngắn chóng vánh
Ngàn trai trẻ tan thân(*)”

Nửa thế kỷ dần qua
Vẫn nghe ra tiếng thét
Người Lính giữa vũng lửa
Vịnh biển lềnh thây trôi.

Ôi phút giây kinh hãi
Chuỗi mìn giây nổ bùng
Thịt xương tung vươn vãi
Nước quánh lườm máu tươi.

Chiến địa chợt lắng xuống
Hồi kèn đồng chiêu hồn
Đội biệt động bật khóc
Chôn gã bạn mất đầu.

Binh lửa rồi cũng hết
Kẻ sống sót trở về
Giữa lặng thinh tê buốt
Giọt nước mắt muộn rơi…
(*) Lời Thủ Tướng Anh, Winston Churchill nói với Bà Clementine
buổi sáng 6 Tháng 6, 1944 khi Chiến Dịch Overlord bắt đầu.

2. Với Người Lính miền Nam
Súng, đạn, chập ba-lô
Chụp xuống hơn sức nặng
Nhẩy trực thăng gào khản
Bãi ruộng mìn, chông giăng.

Anh đứng dẹp biểu tình
Anh chống phe đão chính
Trần trụi giữa đạn khói
Chửi, gào, đá.. ném nhanh

Nuốt vội gói cơm sấy
Từ vũng lửa điêu linh
Góc đồn nhỏ hẻo lánh
Ôm vợ chờ thai sinh.

Thật với sức “nên Thánh”
Anh chiếm lại Cổ Thành
Đánh giải vây An Lộc
Phá đả viện Kontum.

Đóng quân đêm chỗ lạ
Trên chiếc võng cơ hàn
Dụi điếu thuốc cháy dỡ
Thầm tiếng thở tân toan

Buổi cuối cùng thống nhục
Bên lề đường nghĩa trang (*)
Cởi giây chạc đeo đạn
Bật khóc với Sàigòn!!

GI coming home!
Tung vòng hoa ngũ sắc
Lính Việt biết đi đâu?
Chập chùng vây cờ đỏ..
(*) Đường Phan Thanh Giản, Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi Sàigòn,
sáng 30 tháng Tư, 1975.

3. Hậu chiến nơi Sàigòn
Giữa lòng đường nghẹt xe
Ầm vỡ lầy bụi đất
Thân người mặc áo rằn
Che nửa phần cùi cụt

Người lính mất hai chân
Nằm đủ tấm ván hụt
Chống lên trời ngón loét
Không một tiếng kêu than.

4. So sánh việc và người xưa, nay
Ngũ Tử Tư âu lo vận nước ngỗn ngang
Thức qua đêm…
Tóc hốt nhiên trắng xóa.

Y Sĩ Đại Úy Quân Đội Cộng Hòa
Tên Kim Long
Người miền Nam
Họ Nguyễn.
Ngồi suốt ba- trăm sáu-mươi lăm ngày
dài qua năm,
nơi Trại Long Giao.
Trừng mắt nhìn khoảng trống
Mòn khô chiếu mủn rộng hai gang.
Chuyển ra Bắc.
Hộc máu tươi,
Uất khí chết dần..

Huyệt cạn lấp hốc núi
Đêm khuya tăm tối trời không trăng.

5. Trí nhớ của một người đàn bà Việt Nam
nhân ngày Tết ở Mỹ.
Không khói giòng sông.. ngày Mồng Ba
Không hơi pháo mờ lung ngõ nhỏ
Áo mới rách tơi, quai dép dứt
Bồng em khiếp hoảng càn đạn, bom.

Mẹ, cha chết thảm giờ Giao Thừa
Bàn thờ xô sập ông bà nội
Bát hương, đèn, nến thấm máu tươi
Màu đỏ nhừ.. cờ ai mới nhướng

Ba mươi-bảy năm nghiệp phận tân toan
Hai mươi lăm năm căng thân xa xứ
Buổi xuân ngồi lặng nơi quê người
Hiểu rằng.. sống cũng gây nên tội.

Cách mạng là gì.. cách mạng mùa Thu?
Di cư “năm- tư”.. cờ nào giải phóng?
Trí nhớ khởi đi từ lần Mậu Thân
Người chập người dầm sôi vũng lửa.

Sống sót phải chăng hẳn nhiên phép lạ
Suốt năm “bảy-hai” bao đợt pháo xung
Qua bãi Hải Lăng, qua trầm Mỹ Chánh
Tay che, tay đỡ, nhỏ em run khan

Chân yếu mỗi ngày cố gượng đứng
Nuôi em, nuôi thân lượng máu kiệt dần
“Bảy-lăm” lội nhào ra vụng biển
Đầu, tóc, tay, chân quấn xoắn xà lan

Những đêm vượt biên thấy hiện quỷ ma
Những ngày lưng chén thiếu thoảng hơi gạo
Bùn hôi, nước uế, bàn tay trần
Bốc bãi lầy xây mau lên chủ nghĩa

Trại tỵ nạn hiểu thêm phận người
Miếng ăn khổ nhục nuốt với lệ rơi
Đêm đêm gió biển luồng qua đồi
Sơ ngày mai.. mong ngày đừng tới

Năm mươi tiểu bang nước Mỹ rộng
Xa lộ trùng trùng lạ lẫm mênh mông
Bóng tối thầm thì khuya khoắt khắc khoải
Đã có một lần.. tuổi trẻ, quê xưa

Cứ tưởng như câu chuyện không thật
Hãy nghĩ tựa giấc mơ chưa tỉnh
Nhìn lên ngày Tết bức tranh Tàu
Câu chúc lạnh khô chữ, nghĩa Mỹ.

Mồng Năm Âm Lịch,
Ất Dậu. Tết 2005
Phan Nhật Nam

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button