Hà-Nguyên-Dũng, Ngưòi-làm-thơ, khổ-lụy
Trần Yên Hòa
Tôi đi tìm đường Sơn Hưng, phường 12, quận Tân Bình thiệt khổ, con đường nằm phía sâu sau chợ bà Hoa, thuộc khu Bảy Hiền, trên bì thư của người bạn ở Mỹ nhờ tôi chuyển đến địa chỉ : “Gởi Hà Nguyên Dũng 96/53 đường Sơn Hưng”. Tôi chạy xe qua lại nhiều lần, đó là một con đường hẹp, có thể gọi là đường được không ? hay là hẻm ?. Rất lâu, hình như tôi đã chạy xe qua bốn năm lần gì đó, tôi mới thấy một căn nhà nhỏ, có địa chỉ trên, tôi dựng xe ngoài đường vì căn nhà sát với mặt đường, không có khoảng trống để chổ dựng xe. Tôi gõ cửa, môt gương mặt đàn ông đầu tóc rối bù thò ra, đúng rồi, Hà Nguyên Dũng.
Trước đây, tôi gặp Hà Nguyên Dũng chỉ một lần, ngày còn ở Việt Nam, tại quán nhậu của vợ chồng nhà thơ Phan Nhự Thức. Hôm đó có rất đông anh em văn nghệ Quảng Nam như Hà Nguyên Thạch, Cung Tích Biền, Phổ Ðức, Phan Lạc Giang Ðông, Trần Thế Phong, Huy Tưởng, Thành Tôn, Ðinh Trầm Ca, Trần Yên Hòa, Hoàng Lộc… Tất cả đang say sưa uống rượu, say sưa đọc thơ, thì có một bạn văn đến trể, người đàn ông độ khoảng trên dưới bốn mươi lăm, đầu đội bê rê đen, vóc dáng trung bình, nói giọng Quảng Nam còn đặc sệt. Anh Phan Nhự Thức giới thiệu: “Ðây là anh Hà Nguyên Dũng”. Trong đám văn nghệ, tuy chưa biết được mặt nhau, nhưng nghe đến tên là biết ngay. Hà Nguyên Dũng đến chào tất cả anh em và sau đó có lên đọc một bài thơ của anh mới viết.
Mới đó mà đến bây giờ đã bảy năm, những ngày ở Mỹ tôi có nghe bạn bè kể lại nỗi bi đát trong cuộc sống của Hà Nguyên Dũng. Anh quá nghèo khổ dù thơ anh được một giải thưởng của một tạp chí đang bán chạy ở Sài Gòn. Với tất cả cố gắng, anh nhờ bằng hữu giúp sức, anh đã in được hai tập thơ, tôi chưa biết tên, nhưng như vậy là một hiến dâng quá lớn cho THƠ của Hà Nguyên Dũng.
Tôi còn nhớ một đoạn thơ anh đã viết:
“Dù nên hư tôi dốc chí phù thơ
Lòng vẫn biết Nhà Thơ dù thất tán
Cuộc trăm năm của tôi gần mãn hạn
Biết đất trời có cảm tấm lòng tôi ?!”
Hà Nguyên Dũng rất vui khi gặp lại tôi. Khi vào trong nhà, ngồi trên ghế tôi mới thấy sự nghèo nàn của gia đình anh. Hình như không có gì ngoài cái bàn thờ người mẹ và những câu thơ được viết lớn như những câu đối, thế thôi. Có thể anh ngượng với tôi về cảnh sống, nhưng với tôi thì tôi hiểu, tôi cũng vừa thóat ra cảnh nghèo khổ như anh từ ngày qua được Mỹ.
Hà Nguyên Dũng nói anh bị thất nghiệp cả năm nay, ở một đất nước người làm thơ chân chính không có đất đứng, và mọi công việc lao động chân tay cũng quá khó khăn, nên anh tìm không ra công việc. Vợ anh nấu xôi đem ra ngoài ngã ba đường Tân Hưng, Nguyễn Bá Tòng bán kiếm sống, nuôi chồng, nuôi hai đứa con trai, một đứa mười sáu tuổi bị tâm thần, luôn luôn bị động kinh, những năm trước anh đã gởi con vào bịnh viện Chợ Quán để chạy chữa, nhưng bịnh tình không thuyên giảm. Thời gian chữa chạy quá lâu, phần không đủ tiền, phần không có ai thường xuyên chăm sóc nên nên vợ chồng anh phải đem con về nhà. Bây giờ Hà Nguyên Dũng ở nhà có bổn phận chăm sóc đứa con này, một hai ngày thì lên cơn kinh phong một lần, mỗi lần như thế là đứa con co giật chân tay, mắt trợn trừng, miệng mũi sùi bọt, ỉa đái trong quần, anh phải ôm lấy con, nắn bóp chân tay, thay áo quần, giặt giủ. Còn đứa con thứ hai, khoảng mười hai tuổi, bị đau bao tử, luôn bị ói mửa, mà không có thuốc để chữa thường xuyên nên bịnh càng ngày càng nặng.
Tôi nghe Hà Nguyên Dũng kể về tình trạng gia đình cuộc sống luôn luôn đói khổ của anh tôi nghe đau lòng hết sức. Anh em văn nghệ còn lại đa số là nghèo. Trần Dạ Lữ sau một thời gian dài đi bán rau muống nay lại chuyển nghề, hiện anh giữ xe ở chợ Trần Hữu Trang, Ðinh Trầm Ca thì lang bang, thất nghiệp, các ca khúc của anh được thu casette, CD, Video, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại rất nhiều, nhưng anh thu tiền bản quyền chẳng được bao nhiêu, vợ anh phải đi may hàng chợ thuê, nuôi anh và con sống cầm hơi. Huy Tưởng không còn bán quán cà phê ở đường Bà Lê Chân nữa, nay ở nhà gói trà. Hà Nguyên Thạch trôi dạt về Bà Rịa Vũng Tàu với vợ. Anh em làm thơ viết văn trước năm 75 ai cũng sống lây lất, nhưng với tôi, tôi thấy Hà Nguyên Dũng là bế tắc nhất.
Hôm sau Hà Nguyên Dũng đến nhà biếu tôi tập thơ mới in. Dũng nói: “Tất cả là của anh em, bạn bè thân hữu góp lại, cho mình in chứ mình có tiền đâu”. Tập thơ có tên là: “hột muối bỏ sông” (không viết hoa), bìa màu huyết dụ, không có trình bày tranh, phía sau ký họa chân dung tác giả do Trần Tuy vẽ, tập thơ nhỏ, trình bày rất trang nhã.
Ðây không phải là bài tôi viết về thơ Hà Nguyên Dũng, nên tôi không có ý phê bình, tôi viết về anh vì một tấm lòng, xin bạn đọc hiểu cho, tôi xin trích một vài bài thơ của Hà Nguyên Dũng trong tập thơ “hột muối bỏ sông” mà tôi tâm đắc:
Cuộc Chia ly
Tặng Hoàng Lộc
Hôm nay bạn tụ quanh đầy chiếu
Ly bia trào bọt vui vui thay
Mai này ngó lại thấy quanh đời thiếu
Ðầu sông ngùi nhớ người chân mây
Cái ngùi ngùi của đêm chia tay
Như sương nhim tê tê tâm sự
Nụ cười chia biệt cành hoa rũ
Rụng xuống lòng nhau mấy thưở tàn
Ta đứng buồn như dấu chấm than
Cái bắt tay mạnh như dấu chấm
Dấu chấm hết nửa đời lận đận
Nửa đời người toan dựng nhiệp thơ !
Giờ người đi như nước thoát bờ
Ta còn chảy quẩn quanh trong nội
Nguồn ngọn đã chia xa mấy đỗi
Mà nghe róc rách mãi trong lòng
Ta ước chi, ta là con sông
Gặp lụt tràn lên chảy thỏa lòng
Ứ hự, ta như con nước kẹt
Trong đìa cỏ mục với rêu rong !
Hoặc:
Tâm sự cùng Hạng Võ (trích)
Lưu Bang dồn ông vào chỗ cố cùng
Ông thoát được băng tìm về cố xứ
Dù người cố xứ chưa vomg phụ
Ông thẹn lòng, ông tự xử mình
Do khi đi ông có vạn hùng binh
Nay trở lại thân tàn danh liệt
Ông, đại trượng phu – trang hào kiệt
Hán đế thù ông cũng chạnh lòng
Tôi thiệt không dám sánh cùng ông
Nhưng cạn nghĩ thấy có đôi chỗ giống
Ông, cùng Hán tranh hùng, tôi, cùng đời tranh sống
Ông thua thời, tôi, lỡ vận : tay không.
Tôi về tới quê còn vỏn vẹn tấm lòng
Nằm úp mặt vào lòng quê, tủi hổ
Quê hương và tôi như hai người cùng khổ
Ôm nhau nằm : trằn trọc đợi bình minh
Tôi kém Ông, không tỏ chí khí mình
Sống hiển hách quyết lòng không sống nhục
Tôi đứa thất phu, đầu mù đục
Giữa trận đời ngậm ngãi làm ngon !
Hà Nguyên Dũng nói với tôi thật chân tình: “Bây giờ tôi chỉ mong được có bốn năm triệu đồng (VN) sắm một tủ thuốc lá để ở đầu đường bán kiếm tiền phụ với vợ độ nhật, bán ở gần nhà có thể chạy ra chạy vào trông đứa con bị bịnh.”
Tôi nói thêm:
“Và có thì giờ làm thơ nữa chứ.”
Dũng cười vui:
“Dĩ nhiên, đó là cái nghiệp mà.”
TYH (California)