Giữa Xứ Người, Hẹn Với Quê Hương

Tâm bút Trần Trung Ðạo

Bắt đầu từ đó. Từ Camp Tiên Sa, eo biển Sơn Chà trong những ngày cuối tháng 3, mùa bão lửa, năm 1975. Mẹ lạc cha. Vợ lạc chồng. Anh mất em. Những đứa bé bị bỏ quên đứng khóc một mình trên đường Hùng Vương, trong Chợ Cồn, trong đêm tối trời trên bờ biển. Những hình ảnh đau thương 28 năm sau vẫn còn chập chờn trong giấc ngủ.

Bắt đầu từ đó. Từ cửa biển Thanh Bình, Mỹ Khê, Cửa Đại …, những chuyến hải hành vô định trên biển Đông trùng trùng gió bão, tiếng niệm Phật, lời cầu kinh, đói khát, lo âu, rên siết trong bàn tay hải tặc. Bay về đâu hỡi những cánh chim không còn tổ ấm.

Bắt đầu từ đó. Từ trại tỵ nạn Palawan, Pulau Bidong, Sungei Besi, Bataan, White Head, Panat Nikhom, Galang. Những địa danh xa lạ đã trở thành thân thiết. Ngữa tay cầm chén gạo tình thương. Thank you, merci, danke, gracias. Tuổi hai mươi, ba mươi, và ngay cả năm mươi mới bắt đầu tập nói. Những câu tiếng Anh bập bẹ, những dòng chữ Pháp, Đức, Tây Ban Nha ngập ngừng.

Bắt đầu từ đó. Từ những buổi chiều âm thầm nhìn qua bên kia biển, nơi mặt trời đang lặn, tự hỏi, phải chăng hai chấm đen cuối chân trời đó là Hội An và Đà Nẵng. Một cánh hoa hồng được thả trôi trên biển để nhớ nhau trong ngày cưới. Một con búp-bê được nhẹ nhàng đặt trên mặt nước xanh trong ngày sinh nhật của con. Vợ đã chết và con đã chết trong một lần vượt biển sau anh.

Bắt đầu từ đó. Từ đêm giao thừa đầu tiên. Không bánh chưng xanh. Không rượu nồng pháo đỏ. Không một lời chúc tụng của bà con. Chỉ có tiếng hú của cơn bão tuyết đang dội vào khung cửa kính. Hai ngọn nến nhỏ, một bó hương thơm và những giọt nước mắt nhỏ xuống trong đêm giao thừa cô độc. Ðứa bé mười ba tuổi lần đầu tiên tập cúng mẹ mình. Cúng về đâu và lạy về đâu. Trong lòng biển đông sâu thẳm mẹ có còn nghe được tiếng khóc của đứa con đang lạc loài trên đất lạ.

Bắt đầu từ đó. Từ hành lang phi trường Đà Nẵng, phi trường Tân Sơn Nhất. Người lính già HO xứ Quảng gạt nước mắt chào tạm biệt thân nhân, tạm biệt quê hương, nơi một lần máu mình đã đổ. Thượng Đức, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Ðiện Bàn, Hiếu Nhơn, Ðức Dục. Những tên tuổi địa danh hằn sâu trong ký ức. Ra đi. Ra đi, để lại sau lưng tuổi xuân xanh trong ngục tù xiềng xích. Để lại sau lưng bao nhiêu đồng đội, chiến hữu, anh em đang tiếp tục đếm những ngày dài trên quê hương bất hạnh.

Và từ đó những người con trai, con gái xứ Quảng lần lượt ra đi. Tiếng guốc không còn khua trên đường Cường Để Hội An. Hàng cây sao đã héo trong sân trường Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản. Những trụ đèn khuya trước cỗng trường nữ không còn ai đứng đợi. Những ô cửa của lớp học và cũng của đời mình đã đóng. Những gốc phượng già không còn đỏ mỗi mùa hè trong sân trường Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Bồ Ðề, Nguyễn Duy Hiệu, Duy Xuyên, Ðông Giang, Thánh Tâm. Những người em trường nữ Hội An, Đà Nẵng, Hồng Đức, Sao Mai của một thời mơ mộng đã không còn trở lại. Thu Bồn, Hải Vân, Nam Ô, Vĩnh Điện, An Hải, Mỹ Khê, Thanh Khê, Thanh Bình, Nam Phước chỉ còn là kỷ niệm. Và cả một quê hương thân yêu cũng chừng như đã chết. Ra đi……Ra đi.

Nhưng không.

Như thiền sư Mãn Giác đã từng viết:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Tối qua, sân trước một cành mai.

Cơn bão lửa dù mới qua đây, để lại nhiều đổ nát nhưng với ý chí vượt qua, mỗi người con xứ Quảng còn sống sót, thay vì ngồi thở ngắn than dài cho số phận, đã dìu nhau đứng dậy, đi lên, sống một cuộc sống tích cực, làm những công việc tích cực cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước. Và nhờ đó, sau đêm tối trời của vận nước và đời mình, họ đã tìm thấy một cành mai của hy vọng ở xứ người.

Những Hoàng Trúc Ly, Tạ Ký, Bùi Giáng, Vũ Hữu Định từ trong nước, những Lê Phương, Trầm Tử Thiêng, ngoài nước, đã qua đời. Đau buồn vẫn còn đó nhưng sức sống văn hóa Quảng Nam không phải vì thế mà ngừng lại. Hàng trăm tờ báo do người Quảng chủ trương đã và đang phát hành khắp nơi trên thế giới. Hàng chục tác phẩm văn học của các tác giả Quảng Nam vẫn được xuất bản mỗi năm. Nhiều nhạc phẩm của các nhạc sĩ xứ Quảng vẫn tiếp tục ra đời và được hát.

Những con nước nhỏ dưới chân cầu Vĩnh Điện, Câu Lâu, Bà Rén, đã theo ngã Hàn giang, Cửa Đại mà trôi ra biển lớn. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước Thu Bồn ngày xưa, vẫn hẹn một ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Quảng thân yêu đã nhiều năm đại hạn. Người dân xứ Quảng, dù sinh sống ở đâu vẫn giữ được tính đặc thù xứ Quảng: lòng yêu nước thương nòi, tính cương trực thẳng thắn, tận tụy hy sinh cho con cái, tâm hồn văn chương phong phú và chí hiếu học nên người.

Những thuyền nhân tí hon trên những chiếc ghe bằng gỗ monh manh ngày xưa bây giờ đã lớn. Các em đã thành những kỹ sư, bác sĩ tài ba, những khoa học gia lỗi lạc trong nhiều ngành. Có em đã đổ cả bảy văn bằng đại học trong một năm tại Viện Kỹ Thuật MIT nỗi tiếng thế giới. Ai đã dạy em nên người ? Cha mẹ. Vâng. Thầy cô. Vâng. Nhưng còn hơn thế nữa, còn từ trong dòng máu Quảng Nam, từ tinh thần bất khuất của Trần Quý Cáp dù bị chém làm 3 đoạn nhưng vẫn bất tử, từ khí tiết của Hoàng Diệu mà giới sĩ phu Bắc Hà đã ca ngợi trong câu đối:

Kìa thành quách, kìa giang san
Trăm trận phong trần trơ đất đỏ
Là trời cao, là sông núi
Mười năm tâm sự thấu trời xanh.

Và vào cuối tuần ngày 24, 25 tháng 5 năm 2003 tới đây, những cành mai, những con én sống sót sau mùa bão lửa sẽ hẹn nhau dựng lại mùa Xuân tại thành phố Dallas, bang Texas, Hoa Kỳ trong Ngày Văn Hóa và Hội Ngộ Quảng Đà Hải Ngoại. Trách nhiệm nặng nề nhưng đầy hứa hẹn này sẽ do Hội Quảng Đà Dallas-Forthworth với con chim đầu đàn là Bác Sĩ Nguyễn Văn Hào (214-536-5052 , xuquang.com, www.quangda-df.org), tự nguyện gánh vác. Hãy gởi email cho anh Nguyễn Văn Hào, hãy vào Internet để đọc thêm chi tiết, hãy gọi về số điện thoại trên để sắp xếp việc đón đưa ăn ở. Xin đừng ngần ngại. Có thể đã quen và có thể chưa quen nhưng không ai xa lạ. Vẫn một giọng nói, một tiếng cười, một ngọn núi, một giòng sông.

Ngày 24 tháng 5 tới đây, hẳn nhiên không phải là buổi hội thề Lũng Nhai để bàn chuyện dời non lấp biển và cũng không nên kỳ vọng đó sẽ là nơi gặp gở của tất cả kỳ hoa dị thảo trong hàng trăm ngàn dân xứ Quảng hải ngoại. Không. Nhưng đó cũng sẽ là một ngày quan trọng trong đời sống của người dân xứ Quảng còn quan tâm đến truyền thống Quảng Nam. Một ngày để mỗi chúng ta có cơ hội được cầm lấy tay nhau, nhìn lại mặt nhau sau gần 30 năm xa cách, chia xẻ nhau những vui buồn trong đời sống, những ưu tư trăn trở về quê hương đất nước.

Một ngày để được nghe thỏa thích giọng Quảng Nam chính thống, “chui choa”, “chi lọa”, có thể đã lạ tai dần nhưng vô cùng thân thương, tha thiết. Để được nghe những bài hát “Xuân và Tuổi Trẻ”, “Một Ngày Việt Nam”, “Cho Lần Cuối” của La Hối, của Trầm Tử Thiêng, của Lê Phương, những nhạc sĩ không còn ở lại với chúng ta, và cả những bản nhạc hay nhất của những nhạc sĩ còn sống mà những nốt nhạc của họ được viết bằng màu đất nâu đậm Quảng Nam như Đổ Kim Bảng, Lê Trọng Nguyễn, Nhật Ngân, Trần Quảng Nam v.v…

Một ngày để những áng văn đầy hào khí Quảng Nam được đọc lên sang sảng, những bài thơ thắm đượm tình yêu, tình người, tình đất nước được diễn ngâm từ sâu thẳm của con tim. Những nhà văn, nhà thơ xứ Quảng, tuy thuộc nhiều thế hệ, có thể không biết nhau, nhưng đã từng uống chung nước một giòng sông và từng lớn lên trên một vùng đất, nơi đó, giới sáng tác thường gọi là nơi “văn chương mọc còn nhanh hơn cả lúa”.

Một ngày để các thế hệ trẻ Quảng Đà hải ngoại hiểu thế nào là địa linh nhân kiệt và hãnh diện về quê cha đất tổ nghèo nàn nhưng bất khuất của các em. Rồi mai sau, khi những bụi tre già không còn nữa, những búp măng non kia sẽ lớn, các em sẽ ngồi lại với nhau, có thể ở Dallas, Cali, Paris, London, Berlin, Boston hay một nơi nào đó, thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên và hẹn với nhau rằng “sang năm, nhớ trở về thăm lần nữa nghe em”.

Quê hương mình cũng từ đó lớn cao thêm.

Hẹn gặp.

Trần Trung Ðạo

 

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button