Gặp gở cuối tuần-Nhà văn Nguyễn Văn Xuân: “Viết sử làng khó nhất”Vĩnh Quyền
Vĩnh Quyền
Ông sinh năm 1921. Nhưng với tôi, ông chưa kịp già dù sự xuất hiện của ông trên đường phố không còn thường xuyên như trước nữa, nhất là mỗi khi trời đất chuyển mùạ Tôi muốn nói ông còn trẻ, còn khỏe trong suy nghĩ, trong những gì ông nói, ông viết ra hàng ngày… Một trong những bất ngờ là ông trở lại sáng tác sau hàng chục năm dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Tiểu thuyết “Quái nữ” viết về nàng Tống thị, một nhân vật làm đảo điên trong cung Chúa Nguyễn là kết quả của hơn 10 năm lặng lẽ sáng tác…
Những năm gần đây hình ảnh nhà văn Nguyễn Văn Xuân bốn mùa đội mũ cátkét, khoác áo dạ xanh phai bạc đối với tôi là “biểu tượng sinh động” của đất học Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi vẫn gặp ông ở quán cà phê buổi sáng, bàn rượu lúc hoàng hôn, bên ngọn đèn dầu lù mù gánh hột vịt lộn nửa đêm… ở đâu ông cũng ngồi với bạn trẻ văn chương, báo chí. ở đâu ông cũng thích có “một nửa của đàn ông” bên cạnh. ở đâu ông cũng say sưa nói chuyện văn, chuyện sử và cả chuyện tào lao thiên địa… Đã mấy lần giữa cuộc vui tôi thấy ông đứng lên đọc thơ tình “tiền chiến”, rồi cảm khái nhại thơ Xuân Diệu: “Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ, em ơi chàng Xuân sắp già rồi!”. Hôm nay, ở vườn khách sạn Faifo – Đà Nẵng, ông chợt nhắc nhở tôi về nghề: – Này, cậu cũng là nhà văn ham thích nghiên cứu. Đừng có mà như tôi, cứ nghĩ là dừng sáng tác một thời gian, dành cho nghiên cứu, sau đó tiếp tục, thật ra khó lắm, thường là không còn đường trở lại…
Tôi bảo thế thì phải nâng ly chúc mừng nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã tìm lại được với “Quái nữ” của mình. Cạn ly, ông bâng khuâng nhớ thời trai trẻ: Tôi đa (ng truyện ngắn sớm lắm. Năm 16 tuổi được giải thưởng truyện ngắn của báo “Thế Giới” ở Hà Nộị Sau đó, gần như cộng tác thường xuyên với báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”. Tiểu thuyết “Bão rừng” của tôi xuất bản năm 1956. Đó là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên viết về các đồn điền càphê Tây Nguyên. Gần đây tôi thấy chuyện cây cà phê và người trồng cà phê ở Tây Nguyên rất hay, cứ như “huyền thoại”, thế mà chẳng có tiểu thuyết tầm cỡ nào dành cho nó, hay là tại tôi không đọc hết? – Rồi ông cười, như tự cười mình – Nghĩ cũng lạ, trong “Bão rừng” thời đó và trong “Quái nữ” bây giờ tôi đều viết về phụ nữ. Mà hai phụ nữ này đều đẹp, đều hấp dẫn, đều dùng “vốn tự có” khuynh đảo cả thiên hạ!
Thực ra, theo tôi, ngay trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân vẫn có sự “ám trợ” đắc lực của một nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Xuân. Các nhân vật yêu thích của ông hầu hết được xây dựng từ những nguyên mẫu trong lịch sử. Và đôi khi, nghĩ về Nguyễn Văn Xuân, người ta thường thiên về nhà nghiên cứu nơi ông. Bởi trong lĩnh vực này ông có những đóng góp quan trọng. Nếu Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đi tìm tác giả đích thực của “Chinh phụ ngâm” bằng suy luận trên văn bản thì Nguyễn Văn Xuân có cái duyên tìm được bản gốc “Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc” của Phan Huy ích để nghiên cứu và công bố vào năm 1974. Những ai muốn tìm hiểu quá trình phát triển văn nghệ miền Nam không thể bỏ qua cuốn khảo luận “Khi những lưu dân trở lại” của Nguyễn Văn Xuân (NXB Thời
Mới, 1969). Nhưng có lẽ có giá trị nhất và cũng được ông chăm sóc nhất vẫn là tác phẩm biên khảo “Phong trào Duy Tân” do NXB Lá Bối in năm 1970 tại Sài Gòn. Trong sách này, trang nào, chương nào tôi cũng có thể nhận ra sở học uyên bác, nhất là quá trình và ý thức gắn bó với quê xứ miền Trung của tác giả. Không là nhà địa phương học, không thể viết ra một cuốn sách như thế. Và tôi muốn cùng bạn đọc trực tiếp nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nói về sử địa phương và địa phương học…
– Đến bây giờ nhiều người còn coi nhẹ cái gì thuộc về “địa phương”. Viết sử quốc gia, sử thế giới nghe lớn lao hơn viết sử địa phương. Tôi thì không nghĩ thế. Những gì chính xác và mới mẻ đã tìm được và viết ra, dù là “sử thế giới” hay là “sử làng”, đều có giá trị. Lại có thể nói viết sử địa phương như người đi khai hoang. Tôi nói giả dụ để dễ hiểu: Nếu viết một cuốn sử thế giới cần 5 năm, một cuốn sử quốc gia cần 10 năm thì viết sử một ngôi làng cần cả một đời. Một đời sống chết với nó, thu nhặt từng chút tài liệu mới toanh về nó vì khó lòng dựa dẫm vào ai trước đó, cũng không thể khai thác ở thư viện nào để… “xào xáo”. Viết sử địa phương rất khó, nhất là ở Việt Nam. Vì người Việt Nam tuy quý công quả tiền nhân nhưng lại không có truyền thống ghi chép tỉ mỉ, cụ thể các sự kiện chung quanh và càng không dụng tâm lưu giữ tài liệu lịch sử, không biết quý bả n gốc. Trong khi đó lịch sử địa phương có quan hệ đặc biệt đối với lịch sử quốc gia. Vì vậy, cứ nhìn vào các bộ sử hiện lưu hành ở nước ta thì thấy rõ sự nghèo nàn. Ngay như công tích bảo vệ tổ quốc là phần sáng chói của lịch sử dân tộc thì cũng chỉ được ghi lại bằng những nét chính theo con mắt của một nhóm, thậm chí của một người làm sử của triều đình hay của thế lực cầm quyền. Mười năm kháng chiến của Lê Lợi chỉ còn ghi lại một số trận mạc, tiểu sử tóm tắt của mấy vị văn thần, võ tướng cùng một ít văn thư ngoại giao, một vài sáng tác, như “Bình Ngô đại cáo”… Bao nhiêu xương máu, kinh nghiệm, sáng kiến bị tiêu hủy dần qua thời gian. Bây giờ muốn nghiên cứu giai đoạn cận đại cũng khó lòng tìm thấy những bản gốc liên quan. Và nếu có tư liệu gốc nào may mắn sót lại thì chưa chắc được tiếp tục bảo quả n tốt. Tình trạng này có nguyên nhân sâu xa từ nền tảng giáo dục. ở nước ta, học sinh trung học, thậm chí sinh viên đại học khoa sử, khoa văn cũng chưa được dạy bảo kỹ các vấn đề về bản gốc trong nghiên cứu. Đọc sử, người VN thường thích đọc sách biên khảo (vì có lớp lang, có người dọn sẵn) hơn là đọc trực tiếp các bản gốc. Trong khi bản gốc mới thật sự giúp ta
tìm thấy chân diện mục của vấn đề và ta được tự do suy nghĩ, đánh giá vấn đề, không lệ thuộc sở thích, xu hướng của nhà sưu tầm, biên khảọ Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ bản gốc phải cỡ như gia phả. Thật ra sổ chi tiêu gia đình cũng là tư liệu quan trọng. Nó là cửa sổ nhìn vào tình hình kinh tế thịnh suy một thời. Ông Phan Châu Trinh học được đức tính quý trọng tư liệu của người Châu Âu. Từ Pháp về, ông mang theo nhiều rương chứa tư liệu, kể cả cái vé tàu cũng không bỏ sót. Một vấn đề nữa gây trở ngại trong công tác sưu tầm, khai thác bản gốc là hiện nay có rất ít bạn trẻ đọc hiểu chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp là phương tiện thể hiện chính của hầu hết tư liệu liên quan đến lịch sử, văn hoá, văn học VN. Ây là chưa nói đến văn học nghệ thuật dân gian, nguồn tư liệu bổ sung quý giá cho công tác nghiên cứu cũng chưa được quan tâm đúng mức trong giáo dục…
Lắng nghe nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Xuân nhận xét buồn về tình hình nghiên cứu sử địa phương vắng vẻ cũng như ý thức lưu trữ bản gốc còn yếu kém, bỗng tôi nhìn ra một “bản gốc Nguyễn Văn Xuân”. Vâng, bản thân ông với bề dày vốn sống, tình yêu và sự tích lũy kiến thức uyên bác về vùng đất miền Trung, về Việt Nam cũng là một “bản gốc” mà lớp nghiên cứu trẻ và các nhà xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản địa phương, cần kịp thời “khai thác”. Chia tay nhà văn, trong tôi còn văng vẳng giọng đọc thơ nhái hóm hỉnh mà cảm khái của ông: “Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ, em ơi chàng Xuân sắp già rồi!”…