Đọc những bài thơ thời chiến của Nguyễn Nam An

Trần Hoài Thư

Người đọc Trần Hoài Thư
Tác phẩm đọc: Biển Thuở Chờ-Ai, thơ, Văn xuất bản

Một điều hết sức ngạc nhiên và lạ lùng là dù đã 25 năm sau khi miền Nam bị mất, giữa lúc người ta KHÔNG DÁM nhìn lại quá khứ, nhớ lại quá khứ, thì những tác phẩm viết về cuộc chiến và viết về những người đã từng tham dự, càng lúc càng tiếp tục xuất hiện đông đảo tại hải ngoại. Nhất là vào năm 2000. Từ hồi ký chiến trường như Trở Lại Mật Khu Sình Lầy của Nguyễn Bửu Thoại hay thơ văn thời chiến như Vùng Đồi của Phạm văn Nhàn hay Đại Đội Cũ & Trang Sách Cũ và Thế Hệ Chiến Tranh của Trần Hoài Thư hay Qua Sông Mùa Mận Chín (thơ) của Trần Hoài Thư.
Vì sao những tác phẩm viết về tuổi trẻ của họ vẫn tiếp tục có mặt mặc dù sách báo văn chương đang có khuynh hướng lãng quên hay đang khai thác hiếu kỳ của độc giả. Từ những sách bán chạy như tôm tươi về phong thủy, tử vi, địa lý, đến những hồi ký về thâm cung bí sử, những chuyện bí ẩn đàng sau dinh trướng hay những loại sách thương nhớ đồng quê vô thưởng vô phạt, cho phép ta được nghĩ đến chữ nghĩa bây giờ mang theo dollar và cái dấu ấn kiểm duyệt to tướng vô hình “Được phép về thăm quê hương” trên trang đầu của tác phẩm.
Bây giờ lại thêm một tác phẩm mà người lính được dành cho một chỗ rất trang trọng. Đó là thi phẩm Biển Thuở Chờ Ai của Nguyễn Nam An.
Bài này được viết trong một lời hứa tự nguyện. Bởi vì, trước khi thi phẩm được xuất bản, tôi đã đọc được bài thơ Vài Ba Tháng Chân Đi của Nguyễn Nam An.
Tôi đã không thể cầm được nước mắt. Tôi thương lấy tuổi trẻ của An, của tôi, và tôi tự hào cùng tuổi trẻ chúng tôi. Chính niềm kiêu hãnh này đã giúp chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình mà chúng tôi theo đuổi. Viết cho bạn bè, đồng đội, viết về thế hệ hôm qua, để cho con cháu lẫn những người không hiểu gì về chiến tranh, kể cả Nam lẫn Bắc, hiểu rõ tại sao chúng tôi phải chiến đấu, và chúng tôi đã chiến đấu như thế nào, trong những điều kiện nào.
Tôi đã xin phép tác giả được đưa bài thơ này lên trang nhà của tôi trên Internet bên cạnh Khoa Hữu. Điều này đủ nói lên tấm lòng ngưởng mộ của tôi, về người lính dù (?) Nguyễn Nam An và người thơ Nguyễn Nam An.
Bài thơ như sau:

Tháng hai Hoà Ninh,/ tháng ba Nam Ô
Những ngày quân qua/ miền Trung cằn khô
Một bước quê hương/ một vùng đất khổ
Xơ xác trong nhau/ những ánh mắt chờ

Tấm áo ngụy trang/ bạc ngày gió núi
Che nắng lửa trời/ che tháng mưa rơi
Đêm trũng Túy Loan/ trùng trùng bóng tối
Pháo giặc bay ngang/ Đà Nẵng ngậm ngùi

Phố cũ xa ơi/ vàng đèn có nuối
Ngột ngạt đêm hè/ tiếp giấc mong manh
Vẫn sống cầm hơi/ trong vòng đai hẹÏp
Thêm bước qua ngày/ vàng mộng hay xanh

Đêm bỏ Hòa Ninh/ đêm bỏ Nam Ô
Tháng ba quân đi/ đường dân đứng chờ
Phi cơ đậu im/ giữa lòng khuya mở
Thì giã từ quê/ ai mấy kẻ ngờ

Tháng ba Sài Gòn/ tháng tư Xuân Lộc
Đêm trăng âm thầm/ đơn vị Trảng Bom
Đất đỏ bụi mù/ quân đi về núi
Chiến trận gần xa,/ ai biết mất còn

Tháng tư lạnh trăng/ bạc đêm Bình Giả
Sống chết đường hoang/ một ngã lui quân
Đất Đỏ chào nhau/ còn đây sự sống
Đồi trọc nhìn quanh/ lính mơ thị thành

Thôi Sài Gòn ơi/ đã không về nữa
Qua phố chào gì/ Bà Rịa Phước Tuy
Xôn xao bồ câu/ vui trên tháp nước
Đường xa đóng quân/ tháng tư chờ gì

Vài ba tháng đi/ vài ba tháng nhớ
Chân cầu vừa gãy,/ Cỏ May chơ vơ
Nằm bên này sông/chị cho cơm trắng
Đôi nắm lót lòng/ đợi chiến trận to

Vài ba tháng đi/ đứng đây bỡ ngỡ
Bến Đá pháo về/ bạn chết như mơ
Thả súng biển xanh,/ khóc anh, ngần ngại
Sau lưng Gò Công/ trước biển, dặm mờ

Cuối một đường xa/ tháng không từ tạ
Chỉ cặp thẻ bài,/ lủng lẳng theo ta
Số súng – số quân -/ số nhà – số tuổi
Chưa biết số ngày/ nương tạm phương xa

(Chú ý dấu / người viết thêm vào để chứng minh thể thơ và cách xữ dụng thơ 8 chữ đặc biệt của tác giả)

Người viết xin được trích lại toàn bộ bài thơ. Bởi toàn bộ bài là một sự kết hợp chặt chẻ từ ngôn ngữ đến ý tưởng, nối lại nhau không thể tách rời. Thứ hai là do lòng ham muốn của người viết, muốn người đọc thưởng ngoạn hết những cái hay cái đẹÏp cũng như cảm nhận hết những gì mà bài thơ và tác giả đã chuyên chở.

Đọc bài thơ càng hiểu rõ hơn thân phận của người lính. Họ đánh giặc như thế đó, chỉ vài ba tháng, mà cả những tấn lịch sữ mang trên mình, trên vai. Tuổi trẻ của họ như thế đó. Chỉ là những chiến trường khốc liệt, chỉ là những ngày những đêm trong địa ngục. Họ chỉ biết tuân phục, không phải là một con cừu non, mà bởi vì trong họ âm ỉ tiếng gọi của đất nước, quê hương. Và cuối cùng họ bị đẩy ra biển bỏ lại quê hương, và

Cuối một đường xa tháng không từ tạ
Chỉ cặp thẻ bài, lủng lẳng theo ta

Chỉ cặp thẻ bài, lủng lẳng theo ta. Như vậy, tại sao lại không nhớ được. Hỡi các người sợ quá khứ bởi vì các người đâu có niềm tự hào hãnh diện, các người làm sao biết được thế nào là

Tháng ba quân đi đường dân đứng chờ

hay

Nằm bên này sông chị cho cơm trắng
Đôi nắm lót lòng đợi chiến trận to

hay

Em qua bên này một thân may còn sống
Ngóng không thấy gì chỉ ngày khói Phước Tuy
Chị cho miếng cơm cầm trong lá chuối
Ngồi ăn chợt ngậm ngùi thời binh lửa mênh mang

Trong trận đánh cuối cùng, tác giả sống sót trở về, người lính trở về, lẽ ra tâm trạng phải nổi loạn, phải chua chát, đau đớn lắm. Lẽ ra anh cần những viên thuốc ngủ để khỏi nhớ đến cái ác mộng: “Đường ta về ngày mưa khô, đạn dập xác hơn lần, dìu dắt tạm bợï nương” nhưng lòng anh bỗng ấm lại, bởi vì ít ra anh còn nếm được tình nghĩa, dù chỉ là miếng cơm trong lá chuối. Đó chính là nụ hoa vĩnh cửu mà người lính sẽ phải giữ mãi, nưng niu mãi. Nó giúp cho chúng tôi cứ viết hoài viết mãi về hôm qua. Bởi vì, ít ra nó cũng còn giúp chúng tôi ngẫng cao đầu cùng lịch sử và cùng thế hệ con cháu. Cho dù chúng tôi là những đứa con sinh lầm thế kỷ, chẳng may gánh trên vai những tấn nợ nghiệp của lịch sử.
Thử đọc bài thơ đóng mở chốt quốc lộ 15 trong tập thơ Biển Thuở Chờ Ai để hiểu rõ hơn tại sao 25 năm sau 1975, cuộc chiến đấu vẫn còn như in trong tâm trí của người thơ:

Tháng tư quốc lộ 15
Đường quân vô núi đường dân âm thầm
Đường đôi nơi đã tịch âm
Đi không chốn đến ì ầm pháo vang
Về Phước Tuy đã muộn màng
Những bàn chân cứng cũng bàng hoàng đau

Xin mời đọc câu cuối. Những bàn chân cứng cũng bàng hoàng đau. Tại sao là cứng? Cứng bởi vì chân ta chưa quị. Chân ta vẫn còn trăm dặm lên đường. Chân ta vẫn còn sức mạnh vượt những cận kề sinh tử. Chân ta vẫn ngang tàng băng trảng băng đồng xung phong diệt chốt, chiếm mục tiêu. Dù là tháng tư đại nạn. Dù là tháng tư thoi thóp. Dù là những con đường oan khiên đầy ngập xác người. Dù là bờ biển Thuận An, bờ biển Qui Nhơn, Đà Nẵng, xác người phơi như rạ. Người lính có đôi chân còn cứng là người lính còn sức mạnh để lên đường chiến đấu. Người lính vẫn chưa chịu dừng chân. Ngay cả bây giờ.

Tại sao những bài thơ thời chiến của Nguyễn Nam An lại có sức thu hút như vậy?

Theo tôi, cái tài hoa là ông đã xữ dụng chữ nghĩa rất bình dị nhưng rất ý nghĩa. Ví dụ như Phố xá xa ơi chân đất ngày thơ. Bỏ vào ba lô anh đi lên núi . Tại sao lại không bỏ vào trái tim, vào túi áo trận, mà lại bỏ vào ba lô. Đó mới là cái tài hoa của tác giả. Thứ hai là thơ ông có rất nhiều chất liệu. Chất liệu lấy từ Hoà Ninh, Nam Ô, Tuý Loan, Cỏ May, Phước Tuy, Xuân Lộc, tháng ba tháng tư, dưới biển trên núi, mây trời, nắng lửa, địa ngục thiên đàng. Đó là chất liệu sống. Chúng là những nguyên liệu ròng chứ không phải làm dáng hay như cái thùng rỗng kêu to.
Thứ ba là kỷ thuật về cấu trúc thơ. Ví dụ bài thơ vài ba tháng quân đi mà tôi vừa trích. Nó là loại thơ tám chữ nhưng mỗi nhịp là bốn chữ. Khi đọc, âm nhạc mang theo cùng cảm xúc, nhịp nhàng, thoải mái, dễ nhớ, dễ cảm nhận.
Đọc thơ thời chiến của Nguyễn Nam An, chúng ta càng hiểu chúng ta còn mắc một món nợ. Món nợ đối với những người đã đổi ngày tháng thanh xuân để cho chúng ta và con cháu chúng ta được có cơ hội như ngày hôm nay.

Trần Hoài Thư

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button