Đọc “GIẤC MƠ VIỆT NAM” của TRẦN TRUNG ĐẠO
Lương Thư Trung
Nhắc đến Trần Trung Đạo, người đọc sách cũng như những người quen biết luôn nghĩ rằng anh là một nhà thơ với hai thi phẩm Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Thao Thức, là một người trẻ làm thơ sớm nhứt trên liên mạng toàn cầu vào những ngày đầu hệ thống liên mạng điện toán mới thành hình, ít ai nghĩ đến anh đã viết văn xuôi. Và rồi người đọc lại ngạc nhiên bắt gặp tác phẩm thứ ba của anh không phải là thơ mà là một tập tùy bút và tâm bút, tác phẩm “Giấc Mơ Việt Nam”.
Tùy bút là một thể loại khó nhứt trong mọi thể loại làm tác phẩm thành công. Tâm bút là một dạng văn chương khác không thuần nhất là văn chương nhưng không dễ gì ai cũng viết hay vì không đơn giản là những dòng chữ trau chuốt bóng bẩy. Hai thể văn khó với một người cầm bút trẻ là hai thử nghiệm trên bước đường chữ nghĩa.
Trần Trung Đạo biết rõ hơn ai khi anh đặt bút viết những dòng chữ ấy qua hai thể văn ngắn nhất mà cũng khó khăn nhứt này. Điều đó không có nghĩa tác giả vốn thích phiêu lưu hay mạo hiểm. Và cũng không hẳn tác giả muốn trong tiểu sử của mình có thêm nhiều tác phẩm để làm con toán cọng gia tài. Mà ở đó tác giả đã trang trải cả một tấm lòng đối với quê hương, với tuổi trẻ, với những cảnh đời bạc phước do hoàn cảnh đất nước đã đưa đẩy nên những bèo giạt quá thương tâm.
Như đã trình bày, tâm bút là một thể văn không có tấm lòng không thể nào viết hay được. Trần Trung Đạo đã mang vào những dòng chữ của anh bằng trái tim tuổi trẻ đi vào đời bằng chính thân phận của mình, nên anh đã làm cho người đọc không chỉ đọc những dòng chữ, những mẫu chuyện kể như những ghi chép mà bằng những băn khoăn ứa lệ từ trái tim mình. Nhật Ký Ngày Giỗ Cha, ai không buồn vương chút thương cảm cho người Cha xấu số và đứa con côi cút lúc tuổi còn quá bé bỏng để bước những bước chông chênh trên đường đời nhiều ma quỷ.
Rồi đến Đứa Con Của Biển ta sẽ thấy thương người Mẹ bất hạnh biết dường nào! Câu chuyện về một người Mẹ quá thương tâm mà người viết mấy dòng này nhiều lúc không dám lược kể vì không đủ can đảm lập lại một mảnh đời nhiều nước mắt. Xin bạn đọc hãy tìm đọc rồi sẽ nhận ra cảm nhận của tôi chắc không khác gì các bạn. Nhưng không vì thế mà chúng ta buồn chán bi quan. Qua ngòi bút tác giả, tình mẫu tử là một tấm gương mà nếu chúng ta chưa từng nhìn qua văn chương của tác giả, ta nên tìm đọc. Ở đó là một hạnh ngộ kỳ thú, là tình mẹ dành chon con ở thời nào cũng còn và lòng hiếu đạo dù có qua gia nan thử thách bao bận rồi “đứa con trên biển” vần trở về với Mẹ, sống gần bên Mẹ như một bông hoa đẹp đã nở vào những ngày băng giá nhất của dòng đời.
Trong “Giấc Mơ Việt Nam” nhiều đoạn văn ứa nước mắt, đầy tình tự con người; những lời tâm tình hết sức ngọt ngào, khúc chiết mà rất lạc quan đầy hy vọng. Và đặc biệt tác giả đề cập đến những người trẻ đã thành tài nơi xứ người mà lòng vẫn một mực thương nhớ Việt Nam qua những dòng bút ký ngắn “Xin Đừng Quên Nơi Đây” như một tin vui cho bạn đọc về thế hệ trẻ lớn lên bên ngoài đất nước.
Và còn nhiều nhiều lắm những kỷ niệm thật, rất thật về những chuyến đi, những bến bờ dừng lại, mỗi mỗi là mỗi vấn vương hoài niệm, nó làm thành những dòng tâm bút tha thiết của tác giả.
Trong một bài viết khác dưới dạng truyện ngắn nhưng chỗ chúng tôi nhận ra đây cũng là một dạng tùy bút với tựa “Đôi Mắt”, nhằm ghi lại tình cảm hết sức nồng ấm qua cuộc gặp tình cờ không hẹn ước của hai người bạn tù một trai, một gái, rất nên thơ giữa nhân vật xưng tôi và cô gái có tên Bích Vân trong một trại giam thị xã Bạc Liêu, vừa cảm động vừa lãng mạn. Qua vỏn vẹn 11 trang sách, tác giả đã lột tả được thân phận một cô giáo tiểu học rồi ra cũng phải lao vào vòng tù tội vì manh áo miếng cơm mà không đánh mất lòng nhân hậu thương người với tất cả tấm chân tình để không cầu mong gì hơn là chỉ có thương người cùng cảnh ngộ.
Đọc Giấc Mơ Việt Nam của Trần Trung Đạo, tôi liên tưởng đến Nước Mắt Trong Tim của Lê Đại Lãng(1), một tập bút ký ghi lại những mảnh đời tị nạn của người Việt Nam trong các trại cấm ở Hồng Kông sau giờ khắc định mệnh:“0 giờ ngày 16 tháng 6 năm 1988”, giờ khắc của những trại cấm mọc lên rải rác khắp các nước vùng Đông Nam Á.
Cùng với lối văn bút ký, tùy bút, tâm bút mà rất tha thiết, gần gũi, viết bằng trái tim giàu lòng nhân ái, cả hai tác giả đã mang đến cho người đọc những cảnh đời đau xót làm xúc cảm mạnh mẽ trái tim người đọc đôi lúc vì dòng sống gấp gáp, vội vàng, bề bộn làm cho nhiều kỷ niệm một thời như chìm vào quên lãng.
So với Nước Mắt Trong Tim của Lê Đại Lãng, không gian trong Giấc Mơ Việt Nam không chỉ gói ghém trong hoàn cảnh đất nước sau tháng 4-75, rồi đến các trại tị nạn các nước vùng Đông Nam Á hoặc những cảnh đời thê thiết nơi xứ sở tạm dung, mà Trần Trung Đạo còn mở rộng ra những bến bờ thân ái cũ, những địa danh chỉ nghe nhắc đến thôi đã làm xao xuyến con tim. Nhưng cả hai tác giả đều cho những cảm xúc của mình chảy tràn lên trang giấy bằng tất cả cõi lòng thương người tha thiết. Họ chìm vào đời thật để biết mình sống thật. Họ chìm vào nỗi bất hạnh của đồng bào ruột thịt để thấy chính mình cũng bất hạnh khôn cùng.
Bạn đọc có thói quen đọc sách là tìm hiểu một cốt truyện hay một tư tưởng được lồng vào cốt truyện ấy. Thêm nữa, người đọc cũng thường tìm ra những điểm trau chuốt hay vụng về qua các câu văn trong bút pháp của tác giả để mà cảm hay không cảm, rồi đánh giá tác phẩm qua cảm thức của mình. Trong khi đó ít ai chịu khó tìm hiểu tấm lòng của tác giả.
Trong các tác giả có tiếng cũng thường phân chia người đọc làm hai nhóm “cảm tính” và “lý tính”, mà các nhà phê bình văn học thường thường nghiêng về “lý tính”. Theo đó, trong phê bình văn học không để tình cảm xen vào. Văn chương là văn chương. Tình cảm là tình cảm. Nhưng khổ nỗi, văn chương không có người đọc thì văn chương có còn ích lợi gì không, có còn kích thích nhà văn nhà thơ sáng tác không hay chỉ là những luận án treo trên trời để ngàn năm xa cách trần gian này như Chị Hằng và Chú Cuội trên cung trăng. Đẹp thì đẹp đó! Hay thì hay đó! Nhưng thiên thu vạn cổ vầng trăng và chú cuội chỉ là những ảo ảnh của đời sống. Mà con người khổ một điều là không thể sống bằng những ảo ảnh. Thấy đó mà không rờ mó được. Đẹp đó mà như không thiết thực. Do đó, những tác phẩm thuần lý tính, thuần nghệ thuật không nhất thiết phải có, không có không được. Điều đó đã có nhiều tranh luận từ hơn nữa thế kỷ trước, nhưng tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Và đây là một đề tài khác, ngoài bài viết này.
Tuy nhiên, qua sách vở, chúng tôi có được niềm vui là hai tác giả Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê không nhất thiết chỉ dùng “lý tính” để bàn về giá trị một tác phẩm qua các bài phê bình hay các bài đề tựa sách.
Với Võ Phiến, qua bộ Văn Học Miền Nam dày 3229 trang(2), đặc biệt phần Thơ, tác giả rất chú tâm đến tấm lòng của các tác giả được đề cập trong bộ sách của mình trong khi biên soạn.
Với Nguyễn Hiến Lê khi đề tựa tập sách “Quê Hương”(3) của NGUIỄN HỮU NGƯ, ông cũng đặc biệt chú trọng đến tấm lòng của tác giả:”Tôi không chắc rằng có nhiều độc giả thích cuốn “Quê Hương” này, nhưng riêng tôi cho nó là một kì thư, chưa hề thấy trong văn học Việt Nam, và tất cả những bạn của anh Nguiễn Hữu Ngư tất đều phải nhận như tôi rằng cuốn này biểu lộ rõ nhất- tuy chưa hết- tâm hồn khả ái và cái tình dào dạt của anh. Người sau có muốn chép lại đời anh- một đời đau khổ nhất mà cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại- tất phải dùng nó làm tài liệu chính.”(4)
Mừng và rất mừng là trong cõi văn chương còn có một chỗ cho những tấm lòng của các tác giả được nâng niu, và trân trọng. Điều ấy cho thấy một tác phẩm văn chương không nhất thiết phải rời xa con người, thuần nghệ thuật tác phẩm mới hay, mới tuyệt diệu!
Với “Giấc Mơ Việt Nam” của Trần Trung Đạo, tôi cũng nhận ra một cõi lòng bao la dạt dào mà tác giả đã gởi vào những trang sách mới của mình. Những tâm tình được gởi cho cha cho mẹ, cho anh cho chị, cho thầy cho bạn và cho quê hương xứ sở không có cao vọng làm nên giấc mơ lớn lao nào khác hơn là một “que củi nhỏ để ngọn lửa hy vọng, tình người, tình đất nước, trong lòng mỗi chúng ta đừng tắt!”(5).
Đẹp thay một tấm lòng!!!
Lương Thư Trung
Boston, tháng 7- 2003.