Đoạn Trường Sư Tử Hống

Thảo Trường

“…Những lúc buồn hãy trốn vào thơ.”
Thảo Trường

Chuyện bắt đầu từ lúc nhỏ. Nơi tôi sinh ra đi chừng dăm bảy phút có biển. Biển Thanh Bình. Cũng nơi đó, theo đường Gia Long chừng dăm bảy phút lại có sông. Qua sông có núi Sơn Chà, có Tiên Sa, có Ngũ Hành Sơn, có Non Nước và biển Mỹ Khê. Mẹ tôi hay gọi “biển đàng ngoài”. Biển “đàng trong” của mẹ ở đâu tôi chẳng biết.
Dì Năm tôi thuở ấy còn nhỏ, hay chơi đàn mandoline trước hiên nhà. Những Hòn Vọng Phu, những Giọt Mưa Thu đi vào hồn tôi từ đó như những khúc ca dao mẹ hát ru em. Không biết sao tôi nhớ hoài: “Cây vông đồng không trồng sao mọc. Anh trông thấy gái chưa chồng anh chọc anh chơi“.
Chuyện cũng bắt đầu từ lúc tôi thi đậu đệ thất vào học trường công lập độc nhất thị xã. Trường Phan Chu Trinh! Đà Nẵng ngày đó được học Nam Tiểu Học và trung học Phan Chu Trinh là chuyện lớn. Với ai không biết nhưng với mẹ tôi là niềm an ủi vô cùng như khi nhìn lúa trổ đòng đòng. Bố tôi chết ngày Sư Đoàn 2 Bộ binh còn đặt Bộ Tư Lệnh bên kia sông Hàn, đối diện tòa thị chính Đà Nẵng. Mười hai tháng tiền tử tuất mẹ buôn bán đắp đỗi nuôi con. Tôi chẳng có khái niệm gì về thi cử. Thầy Quyền dạy năm cuối ở trường Nam, chuẩn bị cho học trò thi vào trung học, bảo điền đơn thì tôi điền. Còn nhớ có hai mẫu đơn. Màu xanh lá cây dành cho thí sinh chọn Pháp Văn làm sinh ngữ chính. Màu vàng cho học trò chọn Anh Văn… Tôi là thằng nhỏ ngu ngơ và ham chơi. Thấy bạn bè chọn ngoại ngữ gì thì mình cũng vậy! Trần Đại Bửu Ngọc, dân học Pascal chuyển sang chương trình Việt Ngữ, bạn ấu thời học cùng lớp xúi tôi lấy… Pháp Văn. Thế là tôi theo lý luận của nó “văn chương Pháp hay hơn…” Chọn luôn. Nhưng mà nó lại chọn ban Anh Văn!
Vào trung học Bửu Ngọc học chung với Nguyễn Xuân Hiệp, Nguyễn Đông, Văn Công Tương bên thất 2. Bốn thằng này là bốn thằng học giỏi của lớp đó. Trần Đại Bửu Ngọc kẹt lại bên nhà. Còn hai thằng kế, Hi Yên và Đông Nhạc tôi đâu có lạ gì tụi nó. Tôi dính vào bên Pháp Văn, trúng ngay lớp thầy Lê Văn Tâm làm giáo sư cố vấn. Lớp Pháp Văn độc nhất đông quá, thầy giám thị bảo em nào muốn qua bên Anh Văn dơ tay lên. Nhìn thầy Tâm tôi đã muốn chuyển lớp để học Anh Văn. Nhưng may! Vì nhút nhát không kịp xin đổi, tôi ở lại lớp đệ thất 1, học như vẹt mớ tiếng Pháp để trở thành dân “Paris-Ninh” chính hiệu! Ngày đặt chân xuống phi trường Buffalo, Nữu Ước, nói chuyện với người bảo trợ. “Bonjour Monsieur. Comment allez vous?” tôi còn biết. Mr Nikko chuyển sang câu tiếp. Tôi ngọng. Đứng đực mặt ra!
Thầy Lê Văn Tâm rất nghiêm. Ngày khai trường tôi sợ lắm vì nghe tiếng các thầy giám thị bên Phan Chu Trinh. Thật ra thầy Lê Long Viên, tổng giám thị, quá hiền và thương học trò. Cũng như thầy Phương phụ tá giám thị vậy. Đây là người thầy mà tôi không nhớ họ sau thời gian dài. Tôi biết thầy dạy Anh Văn, nhà ở trong trường gần sân bóng rổ. Thời gian thầy Tâm làm giám thị, có anh học trò đệ nhị phì phèo thuốc lá. Thầy bắt gặp, bảo vất mà anh dám nghinh lại. “Ăn đục” ngay! Bạn tôi truyền miệng bảo thầy là cựu Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân. Mà “Biệt Động Quân” thì phải “sát…” nên ngó thầy ngầu thật. Sau học lâu trong trường mới biết thầy là người có lòng. Như thầy Nguyễn Tòng, thầy Nguyễn Văn Đáo, thầy Trương Đình Đức, thầy Trần Xuân Mai… cô Tôn Nữ Phước Định, cô Tôn Nữ Ngân.
Ngày đó vào lớp thầy Tâm nhìn một vòng. Đám con nít học trò mới lên từ tiểu học im thin thít. Thế đó lớp có trưởng lớp là Nguyễn Văn Mùi hay “Mùi ghẻ”, phó trưởng lớp Lê Đỡ, trưởng ban kỷ luật Nguyễn Kim Hoàng hay Hoàng ruồi… Và tôi thằng bị dính cái chức làm báo… lớp! Thơ tôi bắt đầu từ đó. Loại thơ con cóc, chữ “kêu nhưng rỗng tuếch” tự chọn tự đăng trên báo lớp. Tờ bích báo đầu tiên của tụi tôi làm năm đầu trung học trường Phan Chu Trinh.

Lúc tôi làm thơ là lúc “có chuyện”. Thuở còn học đệ thất là chuyện làm báo lớp; lớn lên vào đời là chuyện “tình hành”. Làm báo lớp báo trường là những chuyện dài dễ thương không đoạn kết. Mới nghe đứa nào cũng hăng. Gần đến ngày hết hạn nộp bài, tôi lo sốt vó vì không có đứa nào viết. Thế đó tôi phịa tùm lum với đủ thứ tên. Nhưng khi có được bài thơ đầu đời tôi vui lắm, ký luôn với tên bố mẹ cho trong giấy khai sinh cho nó “hách xì xằng”. Giờ tôi không còn nhớ rõ “nó” nữa. Nhưng nếu nhớ thì chán chết. “Mới đệ thất mà đòi suy tư ‘như người lớn’ thì đời khổ con ạ!” Đó là bài thơ tự do. Tôi bắt chước cách làm của anh thằng bạn. Thằng Huỳnh Hương. Anh lớn nó học kỹ thuật Cao Thắng, có thơ xuất bản lúc còn ăn cơm bố mẹ. Anh Mai Rạng!
Thuở còn đọc Tuổi Hoa, tôi nhìn Sài gòn là một nơi xa. Muốn đến chắc khó! Thơ Trần Miên Trường là những bài tôi thích đọc. Sau này Nguyễn Thị Mỹ Thanh có viết bài về anh khi Trần Miên Trường hay Đỗ Tư Long, Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 11, tử trận ở Kampuchia. Anh họ tôi ở Huế cũng thích thơ Trần Miên Trường. Nhiều lúc về ngoài đó nghỉ hè, hai anh em cùng gặp ở điểm này khi nói về những cây bút ở Tuổi Hoa. Anh họ tôi cũng làm thơ. Có lần anh đưa tôi cuốn báo, chỉ vào trang trong bìa sau, chỗ bài nhận được, cho thấy tên anh. Tôi nhìn anh mắt tròn xoe khâm phục dầu chưa biết bài thơ có được tòa soạn chọn. Giấc mơ lớn của tôi lúc đó là được vào Sài Gòn, đi ngang qua 38 đường Kỳ Đồng để nhìn tòa soạn Tuổi Hoa! Còn chuyện có thơ được đăng trên báo là chuyện mơ xa.
Nhưng tôi tiếp tục làm thơ và đem dấu. Làm mà không biết làm cho ai. Thật vậy. Tôi viết vu vơ. Như bài thơ “Tháng Chạp” đăng ở báo lớp. Đi xa. Nhớ nhà nên viết cho đỡ buồn vậy. Thì ra lúc đó viết đã là một cách cho nguôi ngoai. Viết để “tống” buồn vào thơ. Ngày về ngang qua đường Lê Lợi, gặp Phù Chí Phát, tay viết nhạc du ca lớp TQ. Nó bảo thích bài thơ đó. Thì ra cũng được một người… Hên thật!
Cuối năm đó tôi ăn cái Tết với gia đình. Như mọi năm, mẹ tôi cho quét vôi lại tường nhà với nhiều hy vọng. Tôi xuất viện với một tuần phép, trở lại đơn vị vào cuối năm thì rời nhà sao được. Nên ở lì cho qua ba ngày Xuân. Quanh quẩn nghe đài phát thanh cho hát bài “Xuân Này Con Không Về” buồn thí bà. Nhưng mà “Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa, mời xuân đến với tôi. Giờ này còn nổi trôi, riêng tôi xin từ chối, hỏi xuân có gì vui...” nghe được lắm. Nghe mà hợp quá xá! Tôi không đi đâu cả đến độ dì Năm thắc mắc sao có phép mà không đi chơi. Thằng cháu cười buồn…
Tôi kiếm được cây bút nét chữ lớn, sẵn tường phòng ngủ mẹ mới cho quét vôi lại, làm được bài thơ nào tôi viết lên đó cả. Nguyên tờ bích báo thơ tôi. “…Mai ta đi cũng chẳng ai tiễn ta. Còn nhớ gì không nguyệt đêm tóc thả. Còn nhớ gì không khi xuân trăm ngả. Ta đi ngày mai bạn gió bên trời. Ta đi ngày mai lạc lõng giữa đời. Bằng hữu đó quay lưng không kẻ đợi…”. Đó là năm mười tám tuổi. Ngày tôi bỏ xứ mẹ còn giữ đến mười mấy năm sau. Bức tường phòng quét vôi màu xanh với những giòng thơ tôi viết mẹ cho quay video gởi sang cho thằng con vài năm trước khi đoàn tụ. Đó là những bài thơ cuối tôi làm được ở Việt Nam khi về lại căn nhà cũ, nhìn mẹ và các em nheo nhóc theo cuộc sống. Mộng lớn tôi không có. Mà có chắc chẳng còn trong thời bạn bè cùng lớp cứ theo nhau đi lính, vài đứa khai gian tuổi để trốn lính. Tôi bất lực trước hoàn cảnh. Tôi đau với những nỗi buồn câm nín không người san sẻ. Nên tôi làm những bài thơ “buồn thí mồ”!
Nhớ thuở đó thầy Lê Long Viên gặp thằng học trò trong hành lang. Học trò chào thầy con đi lính. “Con đi thứ gì?” “Dạ Thủy Quân Lục Chiến hay Nhảy Dù.” Thầy trố mắt. Đám học trò giỏi, tương đối ngoan đều chọn thứ dữ. Sau này Ngân “đen”, tay quậy nhất trường, tay du đãng thời còn đi học thì về làm Quân Cảnh, kiểm soát an ninh trật tự trong thành phố. Bởi vậy trông mặt bắt hình dong… trật lất!

“Gởi Trung Hậu” là bài viết cho tôi. Viết cho thằng bạn thân những ngày đơn vị nằm Túy Loan, Quảng Nam. Hai thằng sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm… Ở cùng thành phố. Đi học trường Nam Tiểu Học rồi trung học Phan Chu Trinh. Nó cũng như thằng Nguyễn Tiên Hoàng, Trần Ngọc Thịnh là học trò cưng của thầy dạy Việt Văn và Sử Địa số một trường tôi học. Thầy Trần Xuân Mai. Đến giờ thầy giảng bài học trò ngồi im lắng nghe. Chuông ra chơi reng rồi tụi nó cũng chẳng muốn rời lớp. Anh họ ngoại tôi, Phước “B”, tay sinh hoạt du ca Phạm Sĩ Sáu, có bài lục bát “Học Sinh Đà Nẵng” đăng báo Tuổi Ngọc cũng học lớp đó nhưng là dân “xóm nhà lá”. Bị phạt hoài. Vì thế cho nên anh Phước “B” không thích nhiều những đứa được thầy cưng, dầu rằng trong đó có thằng chơi với tụi tôi từ bé vì ở cùng xóm. Thằng Hoàng hay TQ sau này…
Thuở nó làm bài thơ “Những Ánh Mắt Nhìn Nhau” thầy Đông Trình chọn đăng ở Đặc San Hương Đất trường Phan Chu Trinh làm tụi tôi lác mắt. Nó thừa thắng xông lên chơi bài viết trong mục “Trên Bục Gỗ Dưới Bàn Thầy” ở Tuổi Ngọc. Bài rất cảm động. Đoạn nói về thầy Nguyễn Tòng dạy Lý Hóa và thầy Trần Xuân Mai làm chúng tôi bùi ngùi. Được nhuận bút, đi đánh bóng rổ về nó bao cả bọn nước đá chanh ngay góc Thống Nhất – Lê Lợi. Nó cũng là thằng đầu tiên trong bọn nhận được thù lao khi bài được đăng.
Vậy cũng còn vui hơn bên Mỹ. Viết “chùa”! Bài gởi đi theo điện thư đợi hoài chẳng thấy ai trả lời. Những năm 80 ở San Jose, có tờ tạp chí của những người chưa làm báo ở bên nhà nhưng cư xử rất đúng điệu. Bài gởi tới “cô Thủy Tiên” trả lời liền dầu thời gian đó chưa có email. Bài đăng có báo biếu để thay tiền nhuận bút vì đó là những người làm báo vì thích làm báo và chẳng phe chẳng nhóm. Tôi chưa thấy có người phụ trách thư tín tòa soạn nào mà dí dỏm mà xinh nhưng đôi khi đanh đá như cô này. Độc giả của Nhân Văn chỉ thích cô trả lời thư trên báo chứ không ai được thế chỗ. Bởi vậy anh chủ trương TNT đâu dám cho Thủy Tiên nghỉ việc. Bộ muốn báo chết hay sao!
Thời gian này tôi còn đi học. Cả bọn mười thằng thuê cái nhà ba phòng ngủ. Tiền chia ra mỗi tháng 49 đô la Mỹ cho một thằng sinh viên mà nhiều lúc lo chới với. Làm được bài thơ nào tôi gởi Nhân Văn bài đó. “Cal Poly, Cal Poly. Đường lên núi lạ người đi chưa về. Chiều trông mây chạnh câu thềà. Ngày thu trống rụng bên lề cỏ sương…” làm được lúc này trong thư viện trường. Về đến nhà trọ, tôi chép lại gởi lên San Jose. Anh chủ bút thời đó, nhậu số một, có nỗi băn khoăn vì không có gì “gởi bạn”. Anh lo xa quá thôi. Tôi làm vì tôi thích. Nghe thằng Trung Hậu, thằng Từ Đà Thành nói về anh, cho biết về tờ tạp chí… Thấy trúng tần số thì nhào vô. Tôi cắm cúi viết cho Nhân Văn vì thích đọc thư “cô Thủy Tiên” trả lời độc giả. Mục đầu tiên tôi dở ra khi nhận được báo là mục thư tín! Đó cũng là thời gian tôi viết được thơ “có lửa”.
Sau này xuất bản Tôi Chim Ngủ Đậu Cành Xanh và Thức, Buồn Chi, thằng Từ Đà Thành đọc, “dũa” nhẹ tôi vì thơ tình. Biết sao giờ. Tim tao nó đập làm sao thì tao viết vậy!
Trở lại chuyện thằng Trung Hậu những ngày còn làm tờ “Dấn Thân” bên Denver. Nó đăng “Tỉnh Dậy Đi Thôi Mộng Đã Qua Rồi” làm nhiều đàn anh giật mình… Có anh chàng nhạc sĩ “chôm” bài thơ, phổ nhạc để trở thành luôn “nhạc và lời của tôi”. Ngày hội Tết Việt Nam ở Denver, nhạc sĩ này từ California sang trình diễn. Bài hát làm nhiều người cảm động. Chỉ có hai thằng ngồi dưới xốn xang. Thiên hạ lấy thơ mình làm của họ. Nguyễn Bá Thạc hay Đinh Hoài Nam ra sau sân khấu gặp người nhạc sĩ này. Chẳng biết nó nói gì nữa nhưng băng nhạc phát hành đã lỡ in như thế rồi. Tôi “dị ứng” với ba cái vụ này lắm như khi nhìn CD nhạc, thấy tên bài hát mà không biết ai là tác giả. Người sản xuất “quên ghi” xuống! Thời gian sau này ở Mỹ thiên hạ quên vụ này hơi nhiều.
Toán thằng Trung Hậu những lần làm thuyết trình thầy Mai chịu lắm. Nhưng nó mê gái và thích đi lính thứ dữ như tôi. Xung phong mặc đồ rằn ri đến ngày “tan hàng cố gắng” chạy sang đến Mỹ. Sau này đến Nữu Ước hai đứa lại cùng bảo trợ. International Institute cóc cho đi học mà bắt đi làm… Cực như thế nên lúc nhận văn bằng ra trường mới rưng rưng nước mắt. Xin được việc, đi học tiếp cho đã! “Bố mẹ tao mày đều nghèo. ‘Con nhà lính tính liền’ nhưng học có thua ai…”. Hay những ngày nằm chốt ở Túy Loan, đêm khuya hai đứa co ro ngó đèn Đà Nẵng, nghe mày buồn buồn: “Tao hãnh diện được học Phan Chu Trinh và được đi Nhảy Dù”. Không phải rượu nói đâu. Hành quân trên núi làm quái gì có rượu!
“Thằng Viết Tay Trái” là tôi với nó đó. Thuở “hạt muối chia hai, hạt đường chia hai” làm sao quên được dầu bạn bè rất lâu không còn gặp trong cái lục địa mênh mông Bắc Mỹ này. Hai thằng đều thuận tay trái. Tôi “thằng viết tay trái”. Nó cũng là “dân tay trái”. Đi học mẫu giáo bị khẻ tay hoài vì “thấy ngược đời”. Chỉ khác tôi cao hơn nó nhiều nhưng mà tính cái đó làm gì!

Thuở đó Đà Nẵng còn có cầu Vồng nơi một lần trong đời những đứa bé sinh ra và lớn lên ở thành phố này đều có kỷ niệm. Đó là nơi để đứng coi “cọp” những trận đá banh ở sân vận động Chi Lăng hay thả xe đạp xuống dốc. Một hướng chạy về ga xe lửa đường Khải Định – Hoàng Hoa Thám. Hướng kia xe hết đà là thấy đường Đông Kinh Nghĩa Thục, đường Nguyễn Thị Giang, rồi trường Nữ Trung Học Hồng Đức, trường Phan Chu Trinh.
Đà Nẵng của những ngày Trung Hậu có phép:

                    Trèo lên cây dừa năm xưa ngày trở về con phố.
Bài thơ ‘Giấc Đá’ đăng Tuổi Ngọc hiền khô như nhịp banh bóng rổ sân trường.
Nhớ chiều nao qua sông ở Phước Tuy thằng nào nước ngập đầu gần chết.
Lại sống! Móc vội cái ba lô ngồi với đại đội bên đường chờ lệnh lạc nhào vô…

Hay như “Giấc Đá” của nó ngày nào đăng trang trọng trên Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh.

                    Ru em ngủ giấc đá vàng
Buồn anh gió chạy trên hàng cây nghiêng
Ru em một nửa giấc tiên
Chiều quên rủ lá vàng bên hiên chờ

Thế đó trong những cây kiền kiền con thời thơ ấu còn có Trần Ngọc Thịnh với “Neo Tình Đầu Dốc Mỏi”; Lý Văn Chương hay Nguyên Chương sau này với “Những Tình Khúc Mây”. Thằng này có thời mê bóng rổ, đánh chung đội với Trần Mãn, Phạm Ninh, Lê Văn Hiếu, Sử Duy Thuận. Thuận về “đề lô” cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh, chết đâu ở Quảng Nam những ngày có trận 1062. Tôi thân với Phạm Ninh, Trần Mãn hơn vì còn chơi với nhau. Thằng Chương bị mấy thằng kia “xù” khi ôm đàn theo thầy Trần Đình Quân, mặc áo du ca. Lúc đó mặt nó thấy nghiêm trọng như mặt thằng Nguyễn Hưng Minh Tâm khi đi ngang qua sân bóng rổ. Những khuôn mặt nghiêm và buồn! Còn tôi thuở đó hơi du côn vì dám kéo cả lớp đi đánh lộn. Trưởng lớp mà như thế không bị cấm túc là may.

Có thời gian tôi “lặn” mất tiêu. Lúc đó tờ Nhân Văn đình bản. Thơ viết được tôi để đó. Có bài gởi “mùa hè của tôi”. Có bài buồn đem xé. Người nào đó chuyên môn đi phỏng vấn gọi đến nhà hỏi xin thơ. “Để làm gì vậy? Tôi không có!” “Thơ đăng nhiều vậy mà không có?” “Không có là không có!” Thì ra tuyển tập văn chương hải ngoại đang định trình làng sau 20 năm nên ông này lăng xăng tiếp như thời gian gởi bài đăng ở Nhân Văn. Tôi đâu có muốn ba cái vụ này khi viết. Ngưng điện thoại. “Mùa hè của tôi” nhìn ngạc nhiên. “Anh đâu có viết nữa mà chỉ ‘lách’!” Đến khi ông này gọi điện thoại rủ đi uống cà phê để đưa câu hỏi phỏng vấn về hai tập thơ vừa in thì tôi quê. Uống cà phê thì đi uống. Còn câu hỏi dẹp qua một bên. Tôi viết vì không giữ được trong đầu! Đâu phải in sách ra để mong được phỏng vấn cho nổi tiếng. Chấm hết!
Lúc viết lại tôi ký tên khác, như bút hiệu dùng khi “tản mạn với tôi” vì nó có liên quan đến nơi bố tôi sinh ra và lớn lên. Nơi tôi đã về những ngày thơ ấu, lặn ngụp và uống nước sông Hương đầy một bụng. Nơi tôi chắc chắn sẽ gặp lại nay mai khi lũ “răng đen mã tấu” đi chỗ khác chơi cho dân đỡ khổ. Nơi đó làng Dương Nổ. Nơi đó là quận Phú Vang. Nơi từ thành phố Huế đi về Thuận An, phải qua Vỹ Dạ, chợ Mai rồi chợ Nọ. Cũng vì áy náy với bố, chết lúc ở quân đội ngày tôi còn bé, nên tôi tìm những gì có liên quan đến bố để ghi lại. Chiều nay đi làm về, mẹ tôi lại nhắc về bố. “Bác Lăng nói ba mi ru mi mà hò Huế hay lắm. Mi phải nhớ mà thương ông già mi. Ổng thương mi lắm. Đi đánh “bôn” mà cũng bồng mi một tay. Còn tay kia thì…” Mẹ tôi đưa tay vung nhẹ để diễn tả cách đôi “bôn” của bố tôi. Giờ tôi chỉ còn nhớ bố qua cái hình đội nón “bê rê” trên bàn thờ gia đình.
Lúc đầu định chọn tên làng để ký vào bài thơ viết cho bố nhưng Dương Nổ nghe sao đó. Lại sợ nổ quá! Thì thôi lấy tên quận vậy. Sau mới biết anh Hồ Minh Dũng thích cái tên này. Ký bút hiệu mới còn có lý do vì tôi không muốn ai biết mình viết và thử coi bài có được chọn. Không được thì thôi viết làm gì cho tốn giấy computer và giờ của sở! Nhà văn Hồ Minh Dũng hỏi anh chủ bút tờ tạp chí có đăng bài thơ về tôi. Sau này gặp nhau, anh Dũng cười cười: “Anh thích những bài thơ ngắn của em nên hỏi thăm. Hắn nói đó là bài trong nước gởi ra!” Nhắc lại cho vui đấy thôi. Anh chủ bút này là dân hào sảng, là người tốt bụng và biết đánh lộn vì bạn bè. Ngày hôm qua tôi dọt sớm khỏi sở chạy vào bệnh viện thăm anh. Chân anh hơi khó cử động vì tai biến mạch máu nhưng anh vẫn cười như những lúc ngồi ngoài cà phê Factory. Thôi mong cho anh chóng bình phục để về làm số báo này. Email Thu Thuyền cho biết anh sợ báo ra trễ.
Nhắc đến anh lại nhớ đến đơn vị cũ mà thương thằng Trung Hậu. Đêm đóng quân ở Đá Bạc ngoài Huế trăng sáng vằng vặc trên đồi. Thường vụ đại đội nhậu xỉn, đập lều poncho không cho tụi nó ngủ để nghe tao ngâm thơ.

                    Em giết hồn ta từ dạo đó.
Một linh hồn nhỏ lắm đam mê.
Đêm nghe trong gió về hiu quạnh.
Nhạt nửa vầng trăng trái nỗi thề…

Anh ta người Huế. Chữ “nhỏ” đọc thành “dỏ” nhưng có thất tình mới thấm đòn với bốn câu thơ này. Tôi nhớ của Nguyễn Tấn Lộc nhưng Trung Hậu bảo là thơ Kim Tuấn. Có lộn xin lỗi các anh trước.
Những ngày ở Quảng Trị, Trung Hậu ngồi chung hố với đích thân Đinh Tường hay Tường Vi (danh hiệu truyền tin). Trung Úy Tường là đại đội trưởng mới lấy vợ. Đích thân có được con đầu lòng nên thương lắm. Tường Vi làm thơ cho con khi hành quân, đưa Trung Hậu coi: “Cha thương con chinh chiến vẫn còn. Ngoan con nhé, me yêu con đấy” hỏi “có được không mày”. Nó đọc tôi nghe sau này trong trại tỵ nạn ở Indiantown Gap. Tôi nhớ đến giờ cũng như chuyện ông tiểu đoàn phó đi xuống xóm, về làm thơ “tình kỹ nữ” bắt tà lọt mang đến tặng em. Em này chắc khác xa em anh Cao Tần tả:

Anh tìm vui nghe em hát cải lương“.

Đọc lại những bài thơ đã viết thời gian lưu lạc có bài tôi vẫn còn thích. Có bài… dẹp qua một bên hay tại mình không còn sống được những phút giây mình đã sống. Nhưng khi nhớ về những ngày nằm Nam Ô, những ngày ở Trảng Bom chuẩn bị hành quân, hay buổi sáng nhảy trực thăng vào Xuân Lộc tôi vẫn còn ấn tượng mạnh. Anh thiếu úy Trần Xuân Mỹ, trung đội trưởng trung đội tôi hiền như gì. Thiếu úy trẻ tuổi, đẹp như lai Tây, chịu chơi và chịu nhậu không ai bằng. Lúc thằng Trung Hậu qua sông ở Phước Tuy, nước lút đầu gần chết. Không có thiếu úy Mỹ kéo lên là nó “rửa cẳng theo thủy tề”, xuống đó làm thơ cho “little mermaid“. Giờ không biết đích thân ở đâu nữa. Đích thân có bình yên. Nhắc đến Nam Ô lại thấy “Đứa bé bên giòng sông Nam Ô chiều mang gì lưng rỗ… Nam Ô dựa rừng, em nhỏ dựa ai! ”
Có lần nhà văn Thảo Trường hỏi “Chuyện cháu giờ sao? Đừng thèm buồn nữa. Nếu buồn thì trốn vào thơ”. Và tôi trốn vào thơ thật. Trốn hết lòng nên có những đêm ngủ không được tí toáy làm thơ. Có thêm: “Thành phố có con sông không chạy vòng mà thẳng. Có nắng đoản hậu mùa hè, gió bấc lạnh thấu… mùa đông. Đạp xe vòng vòng mười lăm phút hết. Nhưng anh theo em về xưa cũng mệt quá chừng. Em đạp xe mimi chiều đi đâu chở gió. Cho áo lộng đôi tà thiên hạ rớt xa xa. Em tóc demie-garcon của thời anh rất lạ. Như em Bắc Kỳ nay đến đi hành hạ anh giờ“.
Tôi thấy TiCi qua đó. Tôi thấy núi thấy rừng thời chinh chiến, đèo lũng những ngày đi Bắc về Nam. Tôi thấy: “Anh từ thung lũng vàng hoa. Bước ra đụng phải đường xa muốn về” khi cơm chỉ mút mùa lệ thủy ở San Jose. Nhưng mà: “Khi về không biết về đâu. Hôm trước là núi hôm sau là rừng“.
Thuở còn làm việc xa nhà, mỗi thứ sáu sau giờ cơm trưa tôi ghé ngang Lyon Plaza ở San Jose tìm mua ly cà phê. Nếu cần mua thêm thuốc lá, ít đồ ăn vặt. Lên xe, bỏ sáu CD nhạc vào máy rồi xuôi Nam. Qua hết đường 152 để vào xa lộ 5, CD nhạc thứ 2 bắt đầu. Ý Lan, Khánh Hà, Tuấn Ngọc chịu khó theo tôi giang hồ, đi trễ về sớm trên đoạn đường bốn trăm dặm Nam – Bắc, Bắc – Nam này cả năm trời.
Nhiều lúc “năn nỉ” Ý Lan hát lại Vết Sâu; “one more time” Khánh Hà với Cát Bụi-Tình Xa, hay Tuấn Ngọc qua “chiều nội trú mưa bay thương đôi mắt ai ngày nào tao ngộ.” Thấy cũng không công bằng thật với những tiếng hát gởi đời nên tôi đang tìm “lên non tìm động hoa vàng ngủ say” để nghe cô Thái Thanh hát. Thời gian sau này hình như cô ở ẩn nên không còn thấy CD nhạc nữa. Đường thì xa, thỉnh thoảng Lưu Bích líu lo “Hoa Vàng Mấy Độ” làm tôi muốn có chỗ về. Muốn lắm mà chẳng biết về đâu. Đời khó thật!
Xin cám ơn những người hát tình ca tôi thích. Cũng xin cám ơn những giòng nhạc đã nuôi nấng hồn tôi từ thuở nhỏ, lúc mới lớn theo bước quân hành dặm trường, và giờ theo mùa cơm áo giang hồ đường xa ngủ đậu. Cũng cám ơn em, những ngày Houston lo lắng. Cám ơn phố biển sương mù cho tôi về đi giữa mưa trong. “Ngoài kia có chú bé nghèo canh me mắt hoe tròn lắng nghe...” Tôi thích câu này trong bài hát cũng như em đang ngồi mơ mặt trời bé con.
Có hôm dự định đi ngủ sớm để mai về lại San Jose. Điện thoại reo. Tôi ôm phone đến gần bốn giờ sáng. Năm giờ thức dậy lái xe về phương Bắc. Ngang phi trường Los Angeles buồn ngủ quá chịu không nổi. Tấp vào trạm xăng ngủ một giấc rồi tiếp tục lái. Tôi bụi đời, tôi giang hồ và đây là thời gian tôi viết được nhiều nhất. Hai cái truyện ngắn tôi thích: Tiểu Triệu Minh và Hoàng Dung Nhỏ thứ tự chào đời ở Santa Maria và Santa Ana. “Hai đứa bé” có những cái chung và những điều riêng “sống để bụng chết mang đi”.
Đang chạy đua với xe khác trên đường cho đỡ chán với mấy trăm dặm thì có điện thoại. Ai vừa thức dậy đâu đó, gọi xa bầu bạn để “anh đỡ buồn ngủ” khi lái xe một mình. Tôi chậm lại đấu hót qua điện thoại. Coi như để tên kia thắng khúc đường này. Chừng năm phút, thấy “ông thần cảnh sát” đang chớp đèn. Tên lái xe đó lãnh giấy phạt là cái chắc. Hú vía! Nếu ai đó không bấm “số phone chín nút” để gọi thì tôi bị dính rồi. Trước đó mấy tháng:

                     Tao đi Bắc về Nam gặp ông thần cảnh sát.
Đã nghèo bị cho ticket cầm chơi.
Ôi nếu em một hôm thành police.
Gọi phạt một lần anh trả gấp đôi!

Thường thường đi hết đoạn 152, tôi ghé vào trạm xăng 76 để nghỉ. Người bán hàng đã quen mặt. Khoảng giờ đó chiều thứ sáu ông già thấy thằng nhỏ chường mặt ra nơi đây. Và cũng khoảng sau một giờ sáng tối chúa nhật lại thấy nó xuất hiện.
Tôi rửa mặt cho tỉnh ngủ. Mua ly cà phê nóng. Ra ngoài đứng nhìn trời hiu quạnh!

Theo mùa mưa đêm đứng bên đường.
Đổ xăng ngó nỗi buồn góc núi.
Nơi chốn cũ mùa vui em còn đợi.
Có còn người đưa đón thuở tình vơi.

Anh đã biết đèo dốc cao vời vợi.
Trắng mây giăng nhưng nhớ cứ chạy về.
Những thứ sáu qua lối nhà em tối.
Con sông buồn bao nỗi kể gì vui…

Xe nghỉ đúng mười phút, lại cực, vì phải lên đường với tôi. Nhiều lúc thấy thương “nó”. Ngày mưa bão ở Santa Barbara, “thầy trò” xém chết khi xe quay vòng vòng “lane” bên phải rồi “lane” bên trái, vượt qua khoảng đất giữa hai hướng xa lộ. Khi bánh sau lún bùn, xe dừng lại. Đầu xe nằm ngay mép xa lộ 101 chiều Nam-Bắc. Trước đó vài chục giây tôi “đi Bắc về Nam”, tay lái tay thuốc lá! “Thầy trò” đều ngáp ngáp khi Ngọc Lan còn hát “Buồn như ly rượu đầy không có ai để cạn...”
Sau lần đó tôi thấy đời sống quá bọt bèo. Thơ làm được, nếu có thể, tôi mang in vì “có gì sao mà lo cho kịp!” Bởi vậy “hai đứa con chào đời năm 96” rồi TiCi, Biển Thuở Chờ Ai của năm 2000, xuất bản một lần không phải “chơi bạo… nghèo luôn” hay “chơi bạo lấy … tiếng ngu!” Chẳng qua vì muốn “viết một chút cho một người”.
May quá lần đó còn sống, tôi tìm đường vào chỗ nghỉ chân, đứng nhìn trời mà mong hết mưa lớn để đi tiếp. Mẹ tôi còn ngủ ở phương Nam. Đâu có biết thằng con chới với… “Thấy ngựa nhìn xe thương chiến mã. Theo ta đường xa đời thấp tè. Gầm lên vượt dốc đêm qua núi. Lối về xa lắc những mây trôi… Đêm bỏ phương Nam em về lại.Trong ngực nằm yên tiếng thở dài.”
Đó là “Trong Ngực Nằm Yên”, tôi làm được gởi TNT thời gian cắt đoạn đường giang hồ được một nửa. Santa Barbara! Đi và về vẫn còn xa.

Thường thường tối chúa nhật tôi lại đi. Mẹ cho ly cà phê, lăng xăng hỏi đồ mang có đủ chưa? Lái xe nhớ cẩn thận. Tôi dạ rồi rời nhà dầu không muốn đi chút nào. Chạy ngang đường Fifth, ngoái lại ngó con sông Santa Ana bốn mùa nước cạn. Ngó lại hy vọng thấy căn nhà của ai đó: “Nơi anh đến mùa tháng hai xanh lá. Nơi anh về em ngát một cành hoa. Đã bao mùa giàn hoa cũ phôi pha. Trong trí nhớ em vẫn là rất lạ“.
Có lúc nghêu ngao bài thơ “Vài Ba Tháng Chân Đi” trong lòng xe trống trên đoạn đường dài, tôi ứa nước mắt nhớ lại những người dân ở Hòa Ninh, tháng hai 75, lúc lui quân. “Các anh đi mô tụi tui đi theo nớ”. Đó là những phần thưởng vô giá dành cho lính. Như Tết trước đó, bô lão ở quận Đại Lộc mang cái đơn thỉnh nguyện có hơn trăm chữ ký của dân làng, với con bò để xin tiểu đoàn ở lại ăn Tết cùng dân. Đại đội 92 Dù đánh đồi 383 ở Đại Lộc đẹp quá nên dân thương. Tiểu đoàn 9 Sư Tử Nhảy Dù lại hợp với núi. Đánh nhau chỗ nào có núi là ăn tiền! Mồng Một Tết truyền tin đại đội phải lên máy, ghi lại bài thơ tiểu đoàn phó viết tặng đại đội rồi gọi vào chúc Tết: “383 pháo ta cùng pháo giặc...” [Tôi quên mất câu sau rồi đích thân].
Ở Hòa Ninh, dân tụ về quanh đoàn quân xa. Dân đi theo lính. Đại đội ra hết sau khi bàn giao vùng cho tiểu đoàn bạn. Thủy Quân Lục Chiến, tiểu đoàn 11, vừa đến từ miền Nam. Đoàn quân xa chạy về hướng Túy Loan nhập với bộ chỉ huy tiểu đoàn. Đến khuya trở đầu chạy xuống ngã ba Phước Trường, theo đường qua chợ Mới về phi trường Đà Nẵng. Vận tải cơ C130 chờ sẵn. Tụi tôi đi mà không biết đi đâu. Buôn Mê Thuộc đang đụng nặng. Có thể Lữ Đoàn về cao nguyên hay Sài Gòn. Chẳng thằng nào biết. Ngồi trong lòng phi cơ, tôi thấy quan tài của lính tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Thời gian đó tiểu đoàn bạn vào thế cứ điểm 1062 ở Thượng Đức, Quảng Nam.
Một giờ đêm phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở Hoàng Hoa Thám. Gia đình binh sĩ từ trại gia binh ra đón thân nhân. Tôi nghe loáng thoáng một thành ngữ rất nhà binh: “Hoan hô ba về má có đồ chơi!”
Lệnh ứng chiến ban ra. Về Sài gòn kỳ này không phải để nghỉ phép. Lữ Đoàn I ứng chiến cho mặt trận Đức Hòa – Đức Huệ tỉnh Hậu Nghĩa. Lữ Đoàn IV Nhảy Dù đang vào vùng nơi đó. Tôi mù mờ không có chút khái niệm về Hậu Nghĩa. Tỉnh này nằm hướng nào của Sài Gòn. Đâu cũng được vì nơi nào cũng là hậu cứ:

                    Hậu cứ tôi giờ đã xa xôi
Đâu, đâu đó bềnh bồng trong ký ức
Giấc ngủ em xa xưa giật mình đêm pháo kích
Thao thức Sài Gòn nhớ gì xa

Hậu cứ tôi dường tiếng gọi thiết tha
Là góc núi bìa rừng nơi quê quán
Vàng điện thị thành bàn tay đưa đón
Nước ngập bước quân hành những ruộng đất bỏ hoang

Quán ven đường em sống tạm mùa sang
Tô mì gói vài con khô xị đế
Bè bạn đụng trận trở về nguyên thân thể
Vô vài ly vung vít để mừng nhau

Hậu cứ tôi đêm thành phố chìm sâu
Chiến trận ven đô Sài Gòn thức đợi
Sài Gòn của em đêm về bóng tối
Những mặt người dáo dác kiếm tìm quanh

Vài ba tháng chân đi tôi ghi như nhật ký từ miền Trung đến những ngày đánh Phước Tuy cái chết cận kề. Tôi biết đi rồi tôi vẫn còn nhớ căn nhà nhỏ của chị. Nơi đó chị nấu từng nồi cơm, đón lính và dân vừa về từ bên kia cầu Cỏ May cho ăn. Tụi tôi mới tấp bi bên kia phố Phước Tuy. Thức trắng con mắt cả đêm. Từ chỗ giữ pháo gần Long Thành, đại đội móc vô, Phước Tuy là hướng tiến. Mới hôm nào trở về từ quận Đất Đỏ, ngang qua phố thấy bồ câu vui vầy trên tháp nước giữa thành phố. Mới hôm nào ở trường trung học Châu Văn Tiếp, thống đốc Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam Lê Quang Uyển đưa phái đoàn ra khao quân. Đại đội được thưởng, nghe nói nửa triệu vì trận đồi 383 Đại Lộc. Mấy cô trong phái đoàn hỏi các anh uống bia? Thằng nào trả lời “nước xá xị”. Hai cô bỏ két bia xuống đi tìm nước xá xị con cọp. Trở lui thì bia đã chui vào bàn học trò nơi đám “dù hoa lạc lối” đang ngồi. Cũng được một ngày vui. Lúc đó trường Châu Văn Tiếp đóng cửa. Chính quyền địa phương đang chuẩn bị đón dân chạy loạn từ các tỉnh khác.
Buổi tối trở lại chiếm Phước Tuy mới thấy pháo Bắc quân bắn nát thành phố. Trung đội ngang qua cầu Long Hương, vào lô cốt thấy có nồi cơm của ai nấu để lại. Vốc vài miếng ăn cho đỡ đói. Đám lính gác cầu hôm qua hôm kia rút đi đâu mất! Sáng ra đang ngồi gần chợ Mới Phước Tuy, có bà cụ với đứa con gái mang trái cây ra cho. Dở nón sắt xin má miếng dưa hấu, miếng thơm. Má nghe giọng trọ trẹ của tôi hỏi con ở miền nào. Gia đình con ở ngoài Trung. Mất cả rồi. Súng lại nổ. Ông tiểu đoàn phó ngồi M113 chạy đến. Gặp “con cái đại đội 92” bảo ra ngay bờ ruộng, lập tuyến hướng về phía Công Binh xưởng. Dân đang băng qua ruộng cỏ, có tụi “răng đen mã tấu” phía sau. Tụi nó đang lùa dân chạy vào tuyến mình. Ác thật! Ai nỡ bắn dân. Đến gần tuyến dân liều chạy tạt ngang. Khai hỏa bắn đám mặc quần Cảnh Sát Dã Chiến. Tụi nó giả dạng đó.
Gặp Tuấn bên Trinh Sát I Nhảy Dù hỏi tin thằng cháu họ. “Thằng Trung ở Sài Gòn”. Thôi khỏi lo cho nó. Nhớ ngày nào về từ miền Trung, nó đến trại Trần Trung Phương rủ thằng chú đi uống bia ngoài chợ Sư Đoàn Dù rồi khóc. Cháu tôi lớn hơn tôi và đi Nhảy Dù lâu hơn vài ba năm. Đến ngày sắp sửa vào Xuân Lôc nó bảo chú nhớ cẩn thận. Cả họ ngoài Huế chỉ còn chú với cháu!
Đang đánh ngon lành thì có lệnh rút ra khỏi thành phố. Qua sông xém chết “vì nước”. Mất gần hết trang bị thì lại được lệnh trở vào lấy Phước Tuy. Lệnh với lạc vào những ngày cuối. Khi đi ngang qua chỗ chị đồ hành quân còn dính đầy bùn dưới sông. Tôi còn nhớ chị cho vắt cơm đựng đỡ trong lá chuối vì nhà không đủ chén. Có thằng hỏi chị sao không di tản thì chị cười. Tối đó căn nhà chị ở nằm giữa tuyến hai bên đang đụng nhau. Đạn từ phi cơ Hỏa Long nổ đỏ mặt đường nhựa. Đạn từ M113 của Thiết Đoàn 15 thắp sáng trời nhưng có tiếng la của nhiều thằng bảo đứng bắn về hướng đó. Hướng căn nhà của chị. Người ân của Nhảy Dù!
Mờ mờ sáng chị lúi húi gánh đứa con và ít đồ về hướng Vũng Tàu. Tôi thấy chị đi qua con đường đất và từ đó không biết chị lạc về đâu.
Chị đâu biết tôi có bài thơ viết cho chị trong những bài lục bát ghi lại ngày tháng ở Phước Tuy. Sáng khao quân ở trường Trung học Châu Văn Tiếp. Tối nằm giữ pháo binh trên quốc lộ 15 và ăn pháo của tụi nó. Có ngày tôi với thằng Trung Hậu đi dọc theo đoàn xe di tản tìm người chạy loạn vào từ Đà Nẵng để hỏi thăm tin tức gia đình. Ai cũng lắc đầu mệt mỏi và lo sợ. Tụi tôi tìm kiếm vô vọng. Tôi viết. Tôi nhớ trong đầu. Đó là những gì tôi biết tôi mang theo đời sống.
Có người rất thân đã hỏi “Anh làm thơ cho ai?”, rồi cười. Câu trả lời lúc đó dễ lắm: “Anh làm cho tiếng cười khúc khích của em!” Nhưng giờ nhận lời “tản mạn với tôi” về câu hỏi này, tôi viết lạng quạng không là gì cả để trả nợ… Khó thật! Tôi biết tôi làm thơ cho ai-vì ai-và ít ra bài tôi viết cũng được một người khen và chê ngay từ bản thảo. Người đã nói: “Đáng lẽ anh phải cám ơn em vì nhờ em anh mới có TiCi!”

AnPhúVang
24.11.00 – 30.11.00

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button