Trần Cao vân và Cuộc khởi nghiã chống Pháp của vua Duy Tân

Lý Thuần kỳ

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Vua Duy Tân xảy ra cách đây đã hơn 80 năm đã phai dần trong ký ức người Việt nam, qua các biến cố lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, ít người hiểu rõ nội dung của cuộc cách mạng do nhà Vua chủ trương, nội dung của cuộc khởi nghĩa, các nhân vật then chốt của cuộc khởi nghĩa và những lý do thất bại.

Năm 1916 dân tộc Việt nam chịu nhiều đau khổ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp càng ngày càng nặng về chế độ cai trị hà khắc của chính quyền Bảo Hộ, phần thì sưu cao thuế nặng, kinh tế khó khăn, lùa dân bắt lính để lập những đoàn quân nhân Việt nam đưa qua Pháp tăng cường cho quân đội Pháp đang có chiến tranh với Đức và bị quân Đức đánh bại từ trận này đến trận khác trong những năm đầu của cuộc Đệ nhất Thế Chiến (1914-1918). Sau khi các phong trào kháng sưu chống thuế của Quảng Nam bị thẳng tay đàn áp và Pháp đã khủng bố trắng trợn đồng thời ra lệnh bắt hàng loạt các thân hào nhân sĩ trí thức. Năm 1915 các giới trí thức nhân sĩ còn tồn tại của cuộc khủng bố đã thành lập Hội Việt Nam Quang Phục và Hội đã ủy quyền cho hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên liên lạc với Vua Duy Tân để tổ chức cuộc khởi nghĩa mà thời điểm trong nước và tại chính quốc Pháp đã chín mùi.

Linh hồn lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa dự trù nói trên là Cụ Trần Cao Vân và Cụ Thái Phiên. Cụ Trần Cao Vân người làng Tri Phú, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam là một nho sĩ rất thông minh uyên bác, biệt hiệu là Chánh Minh, Hồng Việt và Bạch Sĩ khi chống Pháp đổi tên Trần cao Đệ thành Trần cao Vân. Trước những biến cố dồn dập của vận nước, Ông bỏ luôn cuộc thi cử và dấn thân vào cuộc cứu nước. Ông mở trường dạy học để chiêu tập chiến sĩ, đào tạo cán bộ, từ giã Quảng Nam để vào hoạt động ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dấu chân Ông từng dẫm qua các vùng Trung châu và núi rừng các tỉnh này. Tại đây Ông làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa võ trang của Võ Trứ, thầy chùa Đá Bạc ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa thất bại nhờ Võ Trứ đã khẳng khái nhận tất cả hậu quả do mình gây ra, và bị tù 3 năm. Ra tù chưa được hai năm thì ông lại bị bắt giam vì vụ án “Trung Thiên Dịch” bị kết tội “tạo mê tín dị đoan, gieo yêu thơ, tà ngôn” xúi dân phiến loạn, đưa về giam ở Quảng Nam đến năm 1907 mới được trả tự do.

Năm 1918 phong trào Cách Mạng chống Pháp lên cao, ông bị bắt giam một lần nữa và kết án đày ra côn đảo 6 năm đồng thời với các Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyên Thành, Phan thúc Duyện, Châu thượng Văn và Lê bá Trinh về tội “hô hào dân trí, cổ võ dân quyền, xúi dân dấy loạn”.

Vào thời đại quân chủ chuyên chế cực thịnh bên cạnh một chính phủ Bảo Hộ vua là Đấng chí tôn đối với thần dân thế mà tiếng gọi của non sông là một sức mạnh thiêng liêng đã vượt ra khỏi thành trì cung điện để làm môi giới cho cuộc gặp gỡ của Vua Duy Tân mà tâm sự và ý chí đã tỏ rõ với hai nhà chí sĩ. Trần Cao Vân và Thái Phiên nhờ trung gian của Phạm hữu Khánh, người tài xế của Vua Duy Tân, một đảng viên ưu tú của Hội Việt Nam Quang Phục, Tài xế Phạm hữu Khánh đã chuyển đến tay Vua Duy Tân một bức thư kể qua tình trạng của dân và đất nước với những lời lẽ lâm ly cảm kích. Đoc xong bức thư trần tình của hai chí sĩ nói trên, Vua Duy Tân tức tốc cho mời Cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên vào gặp ở một nơi ở Hậu Hồ. Đúng giờ đã hẹn, Vua Duy Tân vi hành đến đó để gặp hai nhà chí sĩ đã trá hình làm hai người đi câu cá và hai nhà cách mạng đã tâu rõ tình thế trong nước và đầu đuôi của công việc tổ chức chuân bị khởi nghĩa mà cuộc Hội nghị toàn kỳ họp suốt mấy ngày ở cửa Đông Ba thành nội Huế đã trù liệu. Sau ngày gặp Vua Duy Tân, các Cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, Cử Ngung và Cử Thụy triệu tập các yếu nhân toàn kỳ trong một cuộc họp tại nhà một đồng chí ở tỉnh Quãng Ngãi. Sau cuộc thảo luận ráo riết, toàn thể đã đưa ra một quyết nghị đại khái như sau:

Kiểm soát và chỉnh đốn chặt chẽ các tổ chức trong các tầng lớp dân chúng tại mỗi tỉnh như lính Nam Triều, lính Tập Bảo Hộ, lính Mộ sắp đưa sang Pháp tham chiến để các lực lượng này quay súng làm chủ lực tiên phong cho cuộc khởi nghĩa.
Tổ chức sẵn sàng các bộ máy hành chánh cai trị để thay thế các cấp Quan lại Nam Triều và Bảo Hộ khi chính quyền đã về tay Cách Mạng.
Huy động sức người và tiền bạc sung vào việc chế tạo vũ khí, mua sắm quân nhu, quân cụ và tạm đúc 4 cái ấn kinh lược: Bình Trị, Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Thuận để dùng trong các văn thư chỉ thị.
Về ngoại giao, phái đại diện sang Thái Lan, vận động với các Đại sứ Đức nhờ chính phủ Đức viện trợ võ khí và cử bác sĩ Lê Đình Dương vận động qua linh mục Bàn Gốc mật giao với viên Thiếu tá người Đức đang chỉ huy liên đoàn Lê Dương Pháp đóng ở Mang Cá.

Theo kế hoạch khởi nghĩa toàn bộ thì đúng giờ Tý ngày mồng hai tháng tư năm Bính Thìn tức là 3/5/1916 thì cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu từ Kinh đô Huế, bằng các phát súng thần công báo hiệu cho Quảng Trị, đồng thời ở đèo Hải Vân nổi lửa cho hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi biết để khởi nghĩa.
Huy động các đạo quân Thừa Thiên hưởng ứng trợ oai cho các đội binh sĩ chiếm kinh đô Huế.
Dân quân của Quảng Nam-Quảng Ngãi hợp lực với binh sĩ chiếm giữ cửa khâu Đà-nẵng để tiếp võ khí của tàu Đức viện trợ, và các tỉnh khác thì theo kế hoạch bạo động cướp chính quyền.
Nếu các cuộc tấn công bị thất bại, thì đạo quân Quảng nam rút về vùng núi phía tây Đà-nẵng chiếm Bà-Nà làm khu chiến, và đạo quân Quảng-ngãi kéo về miền Gió Rứt để làm căn cứ.
Cụ Trần Cao Vân và Cụ Thái Phiên phân nhiệm cho các nhân vật, chiếm các tỉnh, còn hai Cụ điều khiển việc chiếm Thủ Đô, rước Vua Duy Tân ra khỏi Thành Nội Huế, đi vào phía Nam chờ bình định xong sẽ phò Vua trở lại ngôi.
Công cuộc khởi nghĩa sắp đặt xong chờ ngày khởi nghĩa thì cơ mưu bại lộ do một viên cai lính khố xanh tên Võ An, một đảng viên trong hàng ngũ Cách Mạng tiết lộ cho một người em là Võ Huệ ở ngạch lính giảng tại Dinh Tuần Vũ Quảng Ngãi biết và dặn em nên xin phép về nhà nghỉ vào ngày khởi nghĩa. Việc xin phép đột xuất của Võ-Huệ gieo một sự nghi ngờ, bị Án Sát Quảng Ngãi vặn hỏi hăm dọa và phải khai thật, và sự việc đã được cấp báo cho Toà Công Sứ Quảng Ngãi biết. Được biết cơ mưu của cuộc khởi nghĩa, viên công sứ Quảng Ngãi điện cho tòa khâm sứ Huế tại tỉnh, cơ quan tỉnh và các đồn trại lính có lệnh cấm và thu vũ khí vào kho và các cửa trại đều đóng chặt. Đêm mồng một rạng ngày mồng hai vào khoảng mười một giờ đêm, Vua Duy Tân cải trang thường dân ra khỏi Hoàng thành đến Bến Thương Bạc thì nhà Vua gặp Trần Quang Trứ, một viên phán sự tại tòa Công sứ Thừa Thiên, một người đã được đảng Cách Mạng kết nạp, thấỵ được và y đã lật đật qua Tòa Khâm Sứ báo. Tuy Tòa Khâm Sứ Huế biết trước âm mưu của cuộc khởi nghĩa do tỉnh Quảng Ngãi thông báo, nhưng không ngờ đến câu chuyện tày trời là Hoàng Đế Duy Tân bỏ ngai vàng ra khỏi Hoàng Thành tham gia điều khiển cuộc khởi nghĩa, đến khi nghe Phán Sứ báo cáo rõ ràng, cả Tòa Khâm và Triều Đình kinh ngạc, cho nên tức tốc điều động nguồn máy Nam Triều phái quân đuổi theo tầm nã các tay Cách Mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên tìm Vua đem về. Biết cơ mưu đã bị bại lộ, hai Cụ vội đưa nhà Vua ra khỏi làng Hà Trung theo đường mòn rừng núi, nhắm phía Nam thẳng tiến để đưa vào các địa điểm đã dự tính ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi để tùy cơ xử dụng hoặc đưa nhà Vua ra nước ngoài lưu vong. Nhà Vua bị các toán quân truy nã bắt lại tại chùa bên núi Ngũ Phong và đưa về cầm giữ tại đồn Pháp ở Mang Cá, các Cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu đưa về Huế tống giam. Tại các tỉnh, Pháp đã phát động một cuộc thanh trừng tàn khốc.

Cụ Trần Cao Vân bị bắt giải về giam ở ngục lao Thừa Thiên, biết đời Ông đến đây là kết liễu, tuy nhiên từ ngày bị bắt và ra pháp trường, Ông vẫn thanh thản và luôn luôn bày tỏ nỗi ưu tư thống thiết lo lắng cho Vua Duy Tân, và tìm cách che chở cho các đồng chí bằng cách nhận tất cả công việc bạo động do hai Ông chủ xướng và xin lãnh tất cả trách nhiệm.

Nhà chí sĩ Trần Cao Vân đã làm tròn nghĩa vụ của người trai nước Việt, đã nêu cao tinh thần Cách mạng tranh đấu không ngừng. Từ năm 20 tuổi, bỏ việc thi cử, giã biệt gia hương, 27 tuổi đặt chân trên đường tranh đấu, 35 tuổi vào ngục Bình Định, 37 tuổi vào lao ngục tỉnh Phú Yên và Quảng nam, 43 tuổi đày ra đảo Côn Sơn, đến năm 51 tuổi, ngày 16 tháng 4 đền nợ nước tại làng An Hòa, cách thành phố Huế một vài cây số cùng 3 đồng chí Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu cùng lên đoạn đầu đài, đền nợ núi sông.

Mùa hè năm 1916, cả non sông nước Việt đều nuốt thảm đeo sầu được tin vua Duy Tân xuống tàu đi đày ở đảo Reunion ở Phi Châu, và sau đó một ngày, non sông ấy lại cùng với bao tiếng than khóc thê lương của nhân dân miền Trung hướng về phía làng An Hòa để tán dương và vĩnh biệt các chí sĩ đã vì Tổ Quốc và Dân tộc ghi thêm một trang sử oai hùng của một dân tộc đòi tự do, muốn độc lập, trong ấy hai Cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên là hai cây cột của cuộc khởi nghĩa chống Pháp của vua Duy Tân năm 1916.

Boston, Mùa Thu 1999

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button