Tự Lực Văn Ðoàn : Hoàng Ðạo
Hoàng Đạo, tên thật là Nguyễn Tường Long, là em ruột nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, quê quán Quảng Nam, sinh năm 1906 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, trước Thạch Lam 5 năm, sau Nhất Linh 1 năm, sau Khái Hưng 10 năm.
Thời bé học tiểu học ở Cẩm Giàng, sau lên Hà Nội học ban trung học, chỉ 2 năm ông đỗ bằng cao tiểu, rồi 2 năm kế đó đậu tú tài vừa mới 17 tuổi. Ông quay ra tìm việc làm, thi đỗ tham tá kho bạc, vừa đi làm vừa đọc sách, vừa học Hán văn, vừa viết văn. Năm 1930, Hoàng Đạo thì vào học Trường Luật Hà Nộị Khi đỗ cử nhân Luật khoa, ông được bổ làm tham tá lục sự ở tòa án Đà Nẵng, rồi sau đổi ra Hà Nội, nhưng vẫn tích cực hoạt động cho nghề văn.
Từ năm 1932, ông cộng tác cùng anh là Nhất Linh, với các ông Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ viết báo Phong Hóa, lấy tên là Tứ Ly. Năm 1935, nhóm này lại ra 1 tờ thứ hai nữa là tờ Ngày Nay, chủ trương tiến bộ và mới mẻ hơn. Trong 2 tờ báo này, Hoàng Đạo vẫn là cây bút sắc sảo già dặn, chủ trì những mục bài đã kích phong kiến và thực dân, đã gây nên xúc động mạnh mẽ trong quốc dân, nhất là giới thanh niên và trí thức.
Năm 1937, tờ Phong Hóa bị đình bản chỉ vì 1 bài phóng sự đặc sắc của Hoàng Đạo về Hoàng Trọng Phu. Từ 1937 trở đi, Hoàng Đạo lần lượt cho ra đời những bài về xã hội, kinh tế, chính trị rất có giá trị, tính cách phản phong (phản phong kiến), phản đế (chống đế quốc) thực cao : Trước Vành Móng Ngựa, Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, Vấn Đề Thuộc Địa, Vấn Đề Cần Laọ Ngoài ra, trong mục “Người và Việc” hằng tuần, Hoàng Đạo luôn luôn bênh vực cho đám dân quê, mạnh dạng tố cáo bọn tham quan ô lạị Ông cũng là tác giả 1 cuốn văn đả kích Bảo Đại và Nam triều; ông thực xứng đáng là 1 chiến sĩ tiền phong, làm cho tên tuổi văn sĩ trở thành 1 thời danh, làm vẻ vang cho ông, cho cả nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Năm 1939, Hoàng Đạo cho đăng tiểu thuyết Con Đường Sáng, là 1 truyện dài ông đã cùng viết chung với Nhất Linh.
Năm 1940, Hoàng Đạo, cũng như số đông các nhà văn nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tích cực hoạt động trong đảng Đại Việt Dân Chính của Nhất Linh. Sự việc bại lộ, ông bị Mật thám Pháp bắt đưa đi an trí ở Vụ Bản, Hòa Bình, cho đến năm 1943 thì tha về Hà Nộị
Năm 1945, Hoàng Đạo giúp em là Nguyễn Tường Bách khôi phục tờ báo Ngày Nay, và đeo đuổi công cuộc vận động cứu quốc. Tháng 6/1945, ông đi Việt Trì rồi lên Lào Cay, được Võ Nguyên Giáp mời gia nhập Tổng Bộ Việt Minh. Nhưng vì chính kiến bất đồng, ông bèn từ khước. Sau này, khi Nguyễn Tường Tam giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên Hiệp kháng chiến ngày 14/2/1946, thì Hoàng Đạo bấy giờ thỏa thuận tham gia Hội Liên Việt với tư cách ủy viên, đại diện cho VN Quốc Dân Đảng.
Nhưng từ sau Hội nghị Đà Lạt ngày 17/4/6 thất bại, trong khi Nguyễn Tường Tam âm thầm rút lui ra khỏi chính phủ, thì Hoàng Đạo cũng từ giã Hội Liên Việt giả hiệu mà bôn ba sang hoạt động bên Trung Hoa. Tháng 8/1948, Hoàng Đạo chẳng may lại bị đứt mạch máu chết trên chuyến xe lửa Hongkong – Quảng Châu, khi xe ngang qua trấn Thạch Long, hưởng dương 42 tuổi.
One Comment