Ðịa Lý: Quảng Tín
Quảng Tín phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông là Đông Hải, phía Nam giáp hai tỉnh Quảng Ngãi và Kontum, phía Tây sát biên giới nước Lào. Diện tích 5.454 cây số vuông. Tỉnh lỵ đặt ở Tam Kỳ.
Phía Tây toàn rừng núi thuộc Trường Sơn, vùng đồng bằng chạy dọc phía Đông. Những ngọn núi đáng kể là Ti On 2.010 thước, Kon Voi 1.063 thước, Lum Heo 2.045 thước, Hòn Sóc Sét 1.068 thước, Chúa 1.362 thước, Ngok Peng Tauk 1.599 thước, Bang Lim 677 thước, Trà Đôi 650 thước, Hòn Bà, núi Nàng….
Trường Giang là sông chính của tỉnh, chảy song song phía Đông Hải. Ngoài ra là các sông Thu Bồn chảy từ Quảng Nam xuống, có các chi lưu sông Khang, sông Tranh; sông Tam Kỳ, sông Quan, sông Trâu, sông Tram, sông Dak Mi, sông Dak Me^k, sông Giang…. Hai vũng lớn thuộc bờ biển Quảng Tín là vũng An Hòa, vũng Dung Quất.
So với Quảng Nam, Quảng Tín ít mưa hơn. Các tháng thường mưa nhiều và lụt lội là Chín, Mười, Mười Một. Vùng gần biển và rừng núi, thời tiết thay đổi luôn.
Hai quốc lộ 1 và 14 nối Quảng Tín với các tỉnh khác. Có hai phi trường ở Tam Kỳ và Dok Nhe.
Dân Cư – Kinh Tế
Đồng bào Kinh sinh sống phần đông ở đồng bằng; trên vùng cao, núi rừng có người Thượng sắc tộc Khatu, Dié, Kor. Các tôn giáo chính là đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, thờ phụng Tổ tiên, Thần linh….
Dù đồng bằng ít nhưng việc trồng lúa trong tỉnh vẫn là căn bản. Một số hoa màu phụ được trồng khá nhiều là khoai lang, sắn, ngô…. Các loại cây công nghiệp hồ tiêu, dâu nuôi tằm, lạc, quế trồng tập trung tại Trà My, Tiên Phước, Thăng Bình và ven sông Thu Bồn. Những loại cây ăn trái như dứa, chuối và bòn bon cũng được trồng nhiều. Tiêu ở quận Tiên Phước và dứa Chiên Đàn ở quận Tam Kỳ nổi tiếng.
Rừng trong tỉnh mang lại khá nhiều gỗ quý như cẩm lai, lim, gỗ mun và các loại tre, nứa, phi lao, song, mây, cây làm thuốc. Thăng Bình là nơi có nhiều tràm để nấu dầu khuynh diệp. Đặc biệt là rừng quế ở Trà My.
Khoáng sản có một vài mỏ như chì, kẽm và đồng. Bồng Miêu là nơi có mỏ vàng. Trong những loại gia súc, trâu vùng Tiên Phước nổi tiếng to lớn. Ở các vũng và ngoài biển có nhiều tôm, cá ngừ, cá thu, cá nục, cá cơm, cá hồng, mực, tôm hùm…. Nghề làm muối rất thịnh hành trong các vùng gần sông ngòi và ven biển.
Di Tích – Thắng Cảnh
Những con sông lớn như Thu Bồn, Trường Giang hợp với cảnh núi rừng hùng vĩ khắp tỉnh đã tạo nên phong cảnh thiên nhiên hết sức độc đáo.
Di tích bia, tháp, tượng Chàm còn khá nhiều trong tỉnh.
Tỉnh có nhiều suối nước nóng quanh năm, gần núi Chúa đã có sáu suối.