Dân Trí Dân Chủ
Hoàng Xuân Đài
Giá trị con người thế nào, giá trị định chế như thế ấy
(Tant vaut l’homme, tant vaut l’institution)
Dàn bài:
1. Xã hội dân sự
2. Dân trí dưới cái nhìn nhìn triết pháp của Hegel
3. Dân trí dưới cái nhìn nhân chủng học
4. Kết luận
Bài viết này không có mục tiêu tranh luận về những lý luận như muốn có dân chủ cần phải nâng cao dân trí trước, một leitmotiv của các chế độ độc tài, chậm tiến hay sử dụng để không thực thi dân chủ. Hoặc lý luận “dân Việt Nam dân trí còn kém, chưa đáng được hưởng dân chủ”, của một nhà văn Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tác giả bài viết không muốn làm một thứ thầy cãi cho quỷ.
Cứ thực thi dân chủ, thì người dân mới có dịp thực tập hành sử dân chủ. Vạn sự khởi đầu nan, không bắt tay thực hành thì không bao giờ làm được việc gì cả. Ðó là một nguyên tắc rất hợp tình hợp lý. Hãy để cho dân chúng có quyền bầu cử tự do, có giám sát quốc tế như cuộc bầu cử tháng bảy năm 2003 của dân Cămpuchia, thì đã là một tiến bộ vượt bực. Người ta có thể đặt câu hỏi phản biện, sau kết quả cuộc bầu cử tại Cămpuchia, hóa ra dân trí dân Cămpuchia cao hơn dân trí dân Việt Nam hay sao?
Thật ra, nền dân chủ phôi thai tại Cămpuchia chỉ là một nền dân chủ hình thức. Một quốc gia dầu có được trang bị bởi những định chế dân chủ chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để trở thành một quốc gia dân chủ thật sự. Không định chế, hoạt động của con người trở thành tuỳ tiện, độc đoán; quyền của cá thể dễ bị ảnh hưởng hoặc khuynh loát bởi những bất đồng hoặc xung đột với kẻ cầm quyền. Trái lại, định chế tự nó chỉ là khung cảnh, là nguyên tắc định hướng mà sự thực hiện sống động tuỳ thuộc vào hoạt động của con người, vào tương quan lực lượng giữa các tác nhân trong xã hội.
Do đó, ngay trong một xã hội được trang bị bởi các định chế dân chủ, muốn đi đến một nền dân chủ thật sự cần phải có một dân trí cao. Thời gian cần thiết để nâng cao dân trí nhiều khi rất dài. Cuộc cách mạng Pháp xảy ra năm 1789, nhưng nền dân chủ thật sự chỉ được thiết lập vào năm 1870, khi nền đệ tam Cộng hòa được thành lập sau cuộc bại trận tại Sedan của Hoàng đế Napoléon đệ tam, nghĩa là gần một trăm năm sau.
Bài viết này xin đưa ra một vài suy nghĩ về dân trí dưới ba góc độ:
1. Xã hội dân sự
2. Dân trí dưới cái nhìn nhìn triết pháp của Hegel
3. Dân trí dưới cái nhìn nhân chủng học
1. Xã hội dân sự
Trước hết, nên phân biệt xã hội công dân và xã hội dân sự.
Xã hội công dân cũng như xã hội dân sự được gọi là société civile theo tiếng Pháp hoặc civil society theo tiếng Anh-Mỹ, nhưng hai khái niệm này khác hẳn.
Khái niệm xã hội công dân là một yếu tố trong tổng thể bốn khái niệm: xã hội công dân, dân tộc, Nhà nước và chính phủ. Xin tóm gọn như sau:
Xã hội công dân: tập hợp những người cùng sống trong một xã hội, dưới những luật pháp chung.
Dân tộc (Nation): tập hợp những người cảm nhận một quá khứ và một tương lai chung, giữa những dân tộc khác.
Nhà nước (Etat): xuất phát từ xã hội công dân và đại diện cho dân tộc.
Chính phủ (Gouvernement): tập hợp những người được xã hội công dân ủy quyền một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quyền hành điều khiển Nhà nước.
Có bốn loại xã hội dân sự:
– Những tổ chức vùng hoặc tỉnh đòi hỏi dân chủ địa phương.
– Những tổ chức xã-hội-nghề nghiệp gồm các tác nhân xã hội như các công đoàn và các tổ chức chủ xí nghiệp
– Những hội văn học nghệ thuật và những câu lạc bộ tư tưởng
– Những tổ chức không chính phủ tranh đấu cho nhân quyển, bình đẳng giữa nam và nữ, chống nghèo đói, bảo vệ môi sinh, phát triển, văn hóa, tôn giáo . . .
Một thí dụ để phân biệt hai khái niệm. Một số tổng trưởng của chính phủ Pháp Jean-Pierre Raffarin không phải là những chính trị gia, hoặc là những thành viên của các đảng phái chính trị đã thắng cử, mà chỉ là những nhân vật hoạt động trong môi trường văn hóa hoặc kỹ nghệ như Francis Mer, Tổng trưởng Kinh tế Tài chánh, vốn là một kỹ nghệ gia (Chủ tịch Tổng giám đốc Arcelor, một hãng luyện thép lớn tại châu Âu), Luc Ferry, Tổng trưởng Giáo dục là một triết gia. Họ có thể là những nhân vật lãnh đạo nòng cốt của một số hội đoàn Pháp, như vô số hội đoàn hoạt động với mục đích vô vị lợi (association à but non lucratif) tại Pháp được thành lập theo luật 1901, những thành tố của xã hội dân sự, đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, văn hóa, bảo vệ môi sinh v.v. . . của nước Pháp.
Những nhân vật này được xếp vào thành phần của xã hội công dân (chứ không phải là xã hội dân sự). Họ đã rất lấy làm hãnh diện được sắp xếp dưới danh nghĩa này và đó cũng là một trong những sáng kiến được dư luận Pháp tiếp thu một cách khá thuận lợi.
Tham gia hoạt động xã hội dân sự, nghĩa là các tổ chức độc lập với chính quyền cho phép phát triển các khả năng sau đây:
– Khuyến khích sự bao dung và tin cậy lẫn nhau.
– Mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài.
– Phát huy khả năng tranh luận và lấy quyết định.
Các khả năng kể trên đóng góp vào việc xây dựng một tinh thần công dân được các nhà xã hội học gọi là cái «vốn xã hội», cần thiết cho tiến trình xây dựng dân chủ.
Michael Bernhard, trong cuốn «Civil Society and Democratic Transition in East Central Europe» cho rằng dân chủ hóa thành công ở một nước cộng sản dứt khoát phải bao gồm việc thành hình một xã hội dân sự vì các xã hội dân sự này sẽ giảm thiểu vai trò độc quyền của Nhà nước Cộng sản. Nhưng ông ta cũng thêm rằng xã hội dân sự là điều kiện cần nhưng không phải luôn luôn là điều kiện đủ để dân chủ hóa. Tại Ba Lan, một xã hội dân sự vẫn có thể sống chung với một chế độ chuyên chính không quá khắc khe. Công đoàn Ðoàn Kết (Solidarnosc), một xã hội dân sự, là lực lượng của xã hội công dân đối đầu với chế độ, tác động vào chế độ và cuối cùng đã thanh toán chế độ. Trái lại, một số biến động chính trị lớn muốn thành công cần có sự ủng hộ của xã hội công dân. Giáo sư Tony Saich, trong tập «The search for Civil Society and Democratic in China» (Current History 9/1994, trang 260), cho rằng cuộc nổi dậy 1989 tại Bắc Kinh, phát động và lãnh đạo bởi các sinh viên và thanh niên Bắc Kinh, một hình thức xã hội dân sự bột phát, nhưng thất bại vì xã hội công dân Trung Quốc đứng đàng sau yểm trợ không đủ mạnh.[1]
Trong một bài khảo cứu nhan đề «Civil Society and Social capital in Viet Nam» của Russel J. Dalton (Giáo sư Chính trị học) và Nhu-Ngoc T. Ong (sinh viên luận án tiến sĩ) của Center for the Study of Democracy, University of California, Irvine, Hoa Kỳ đã trích dẫn kết quả cuộc Ðiều tra Giá trị Thế giới 2000-2001 của Viện Nghiên cứu Xã hội Ðại học Michigan do Viện Nghiên cứu Con người tại Việt Nam thực hiện (lấy từ website www.democ.uci.edu)
Các tác giả bài viết đã đưa ra một số nhận định khá bổ ích trong việc tìm hiểu thực trạng xã hội dân sự tại Việt Nam.
Nếu chỉ đếm số những hội đoàn mà một người có thể tham gia, sự tăng trưởng kinh tế, xã hội làm gia tăng mật độ tham gia các hội đoàn. Chẳng hạn hội viên sẽ đông hơn một cách đáng kể trong số những người có lợi tức hoặc học vấn cao.
Thông thường, mật độ tham gia tăng theo tuổi tác hoặc gánh nặng gia đình hoặc nghề nghiệp. Tại Việt nam, không có mối liên hệ này.
Ðiều này chứng tỏ tuổi trẻ Việt Nam tham gia các hội đoàn theo sự phát triển xã hội và kinh tế.
Những người trẻ có khuynh hướng tham gia một cách tích cực trong các hội liên hệ đến giáo dục, thể thao và các công tác thanh niên.
Trong khi đó thì các người già tham gia ít hơn vào các hội liên hệ đến sức khỏe, các dịch vụ phúc lợi cho người già, các hoạt động cộng đồng địa phương.
Người miền Bắc tham gia tích cực vào các hội đoàn được điều động bởi Nhà nước, như các hội thanh niên và phụ nữ.
Người miền Nam tham gia tích cực vào những hội có thể đặt vấn đề cho chế độ: hội tôn giáo, các nhóm bảo tồn môi trường, quyền động vật, các hoạt động cộng đồng địa phương.
Theo kết quả các trả lời của bảng câu hỏi (V39-V53-A) [2.1], một số lớn tham gia mạnh vào các hoạt động của các hội giáo dục, văn hóa, hiệp hội nghề nghiệp, các liên đoàn lao động và các công tác thanh niên. Người Việt Nam điển hình tham gia 2.33 tổ chức, khá cao đối với Trung Quốc (0.91), Nhật Bản (1.41), Phi Luật Tân (1.93). Ðiều này được giải thích là có nhiều người vì lý do muốn làm vừa lòng chính quyền có chính sách khuyến khích dân chúng tham gia các hội đoàn, đã ghi tên vào nhiều hội đoàn một lúc, nhưng không hoạt động tích cực, nhiều khi ghi tên vào các hội như hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên hiệp Thanh niên Thành phố HCM, Hội các Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam . . . thân chính quyền, để được yên thân hoặc dễ tiến thân. Ðiều này được kiểm chứng dựa vào kết quả kém hơn của bảng thăm dò (V39-V53- B) [2.2]
Theo kết quả các trả lời của câu hỏi (V 25) [2.3] chỉ có 41% cho rằng có thể tin cậy vào người khác, 59% cho rằng phải thận trọng khi tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, nếu so sánh kết quả Ðiều tra Giá trị Thế giới 1995-98, trung bình 26% cho rằng có thể tin cậy người khác. So sánh với các nước Á châu khác, Nhật Bản 42%, Ðài Loan 41%, Trung Quốc 52% và Phi Luật Tân 6% cho rằng có thể tin cậy người khác. Chỉ số khá cao này của người Việt Nam được giải thích đó là hậu quả của chính sách hô hào tham gia các hội đoàn của chính quyền. Bằng cớ là những kết quả về lòng tin cậy theo số hội đoàn tham gia, chẳng hạn 40% những ngưởi không tham gia một hội đoàn nào tin cậy người khác, 49% nếu tham gia một hội đoàn, 48% nếu tham gia hai hội đoàn, nhưng những ngưởi năng động (tham gia trên năm hội đoàn) chỉ có 27% là tin cậy người khác. Ðiều này được giải thích là những người năng động thường tham gia, ngoài những hội đoàn thân chính quyền để làm bình phong cho những hội đoàn khác độc lập hơn như các hội tôn giáo, các nhóm bảo tồn môi trường, quyền động vật, các hoạt động cộng đồng địa phương. Những người này biết rằng phải dè dặt vì có thể là đối tượng theo dõi của công an.
Trả lời câu hỏi V 169-V 172 [2.4], hội viên các hội tương đối độc lập với chính quyền như các tổ chức tôn giáo, thể thao hoặc giải trí cho rằng dân chủ tại các nước tây phương có thể có vấn đề, nhưng còn tốt hơn bất kỳ hình thức lãnh đạo nào khác, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội được xem như là do chính quyền huy động, rất ít người ủng hộ dân chủ. Một điều khác hẳn các lý thuyết về xã hội dân sự là tại Việt Nam những ngưới ủng hộ dân chủ là những người không tin cậy kẻ khác.
Trả lời câu hỏi V 168a [2.5], kết quả trái ngược hẳn với kết quả câu hỏi V 169-V172 [2.4] .
Có những dấu hiệu cho thấy rằng xã hội công dân đang thành hình tại Việt Nam. Càng nhiều người tham gia các tổ chức độc lập với chính quyền, không khí chính trị sẽ càng ngày càng thuận lợi cho việc thành lập xã hội công dân.
Nhưng chúng ta phải công nhận một thực tế phủ phàng và đau lòng là cộng đồng Việt Nam trong cũng như ngoài nước rất thờ ơ với chính trị, Thái độ này thể hiện trong chọn lựa không tham gia các hoạt động chính trị, không theo dõi thời sự, ngay cả trong đại đa số giới trung lưu hoặc trí thức, đến nổi không nắm vững được một số khái niệm căn bản về chính trị nói chung và dân chủ nói riêng.
Một thí dụ điển hình, tờ Thế Kỷ 21, xuất bản tại Hoa Kỳ, trong số đặc biệt «viết về Hà Nội», số 173- tháng chín, 2003, có đăng bài «Hà Nội trong mắt người trí thức, Trò chuyện phỏng vấn giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thực hiện bởi Ðào Tuấn (đã được phổ biến trên mạng lưới Web Talawas)»
Trong số những câu hỏi của Ðào Tuấn về xã hội, văn hoá v.v. . . của đất Thăng Long, nghìn năm văn vật, có một câu hỏi chính trị về dân chủ:
«Ðào Tuấn: Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát sống dưới thời phong kiến. Mà thời phong kiến thì không thể nói là có dân chủ được. Nếu có thì chỉ là sự manh nha, nhờ một điều kiện hãn hữu nào đấy. Vậy lý do chính là thiếu dân chủ. Vì thiếu dân chủ mà người ta không nói được nên bị kìm nén. Nhu cầu giải thoát tư tưởng là nhu cầu tự nhiên nhất của con người. Với trí thức, nhu cầu ấy còn mãnh liệt hơn. Cụ Nguyễn Văn Siêu chắc phải bức bách lắm mới phải viết lên trời xanh. Cái áp lực “không được là mình” nó phải lớn lắm đúng không ạ? Hà Nội bây giờ có thế không?»
Câu hỏi này đã được giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời như sau (câu trả lời rất dài, sau đây chọn những nét chính):
«Nguyễn Huệ Chi (NHC): Nếu nhìn trên tổng thể, chúng ta đã có một xã hội công dân từ hơn 50 năm nay, bởi vì một nước đã gọi là “dân chủ cộng hoà” tức là có dân chủ. Có xã hội công dân tức là có quyền làm chủ tư tưởng của mình, có quyền phản bác người khác hay là người trên mình, và đặc biệt có một lớp người cấp tiến, đại diện và phát ngôn cho tư tưởng của mình. Nhưng xem kỹ một chút thì mọi thứ ấy đều có mà chỉ chưa có năng động tính. Không có một nền công nghiệp cao, một nền kinh tế thị trường thật phát triển thì cái nhu cầu bức bách vận hành thật hoàn hảo, liên tục và tự động “cỗ máy” xã hội công dân cũng làm gì có . . .
Tôi nhớ trong đám tang của Trung tướng Trần Ðộ, mọi người đến rất đông, tôi cũng đến, nhưng đến nơi mới biết hóa ra lòng mong muốn được bày tỏ niềm thương tiếc người mình kính trọng cũng có khuôn phép của nó cả. Thế nên khi mà người con trai tướng Trần Ðộ phát biểu từ chối lời điếu văn vừa đọc trước đấy thì tự nhiên như một tiếng lòng kêu gọi, cả ngàn con người đột ngột vỗ tay như sấm ran. Bởi vì nỗi bức xúc phải dồn nén lại những tình cảm thiêng liêng ở trong mỗi người đã ứ tràn, nên có cơ hội là lập tức bùng phát. Ngay người đọc điếu văn hình như cũng chỉ làm một việc không thể không làm. Giọng đọc đều đều của ông càng khiến người ta bức xúc hơn. Khi nghe đến chỗ phê phán người đã khuất thì nhiều người đều bật khóc, trong đó có tôi. Về sau tôi cứ thử giải thích lý do vì sao mình đã khóc nức nở mà đành chịu, không hiểu vì sao.»
Trước khi đưa ra một số nhận định về câu trả lời trên đây, xin đưa ra một số dữ kiện về giáo sư Nguyễn Huệ Chi: sinh năm 1938, hiện sống tại Hà Nội, trưởng ban văn học cổ cận đại, Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học viện Văn học trong hai nhiệm kỳ, 7 năm, đã xuất bản rất nhiều tác phẩm nghiên cứu văn học, «Thơ văn Lý Trần», « Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi » . . .
Khi cho rằng «Nếu nhìn trên tổng thể, chúng ta đã có một xã hội công dân từ hơn 50 năm nay, bởi vì một nước đã gọi là “dân chủ cộng hoà” tức là có dân chủ », giáo sư NHC có một trình độ khôi hài rất lớn hoặc một kiến thức chính trị sơ dẳng hoặc một cái lưỡi gỗ rất cứng.
«Có xã hội công dân tức là có quyền làm chủ tư tưởng của mình, có quyền phản bác người khác hay là người trên mình».
Một xã hội công dân còn có quyền hơn thế nữa, -quyền thay đổi nhân sự chính trị đang nắm quyền cai trị-, nếu chế độ thật sự dân chủ, chứ không phải chỉ có quyền phản bác, vì họ đã được xã hội công dân ủy quyền lãnh đạo Nhà nước qua các cuộc bầu cử. Theo Tuyên ngôn Ðộc lập của Hoa Kỳ ban hành ngày 4/7/1776 : «Chính quyền do nhân dân lập ra và được trao phó một số quyền hành cai trị là để bảo vệ những quyền căn bản của con người (quyền sống, quyền tự do và quyền mưu tìm hạnh phúc). Người dân lúc nào cũng có toàn quyền thay đổi và bãi miễn những người cầm quyền do họ bầu ra nếu nhà cầm quyền không tôn trọng, không bảo vệ hoặc xâm phạm những quyền căn bản làm người của các cá nhân trong xã hội».
Nhưng khi đọc đến câu: «Không có một nền công nghiệp cao, một nền kinh tế thị trường thật phát triển thì cái nhu cầu bức bách vận hành thật hoàn hảo, liên tục và tự động “cỗ máy” xã hội công dân cũng làm gì có. . . », thì chúng ta thấy rõ ràng giáo sư NHC đã nhầm lẫn khái niệm xã hội công dân và xã hội dân sự. Xã hội công dân, như trên đã nói, là tập hợp những người cùng sống trong một xã hội, dưới những luật pháp chung, dưới bất cứ thể chế nào, độc tài hay dân chủ, không cần «có một nền công nghiệp cao, một nền kinh tế thị trường thật phát triển». Trái lại, đây là điều kiện cần thiết để phát triển xã hội dân sự.
Trong vụ đám tang tướng Trần Ðộ, «Khi nghe đến chỗ phê phán người đã khuất thì nhiều người đều bật khóc, trong đó có tôi. Về sau tôi cứ thử giải thích lý do vì sao mình đã khóc nức nở mà đành chịu, không hiểu vì sao». Trước kia, người trí thức Descartes từng nói : «je pense, donc je suis -Ego cogito ergo ego sum» mà giáo sư Cao Xuân Huy vốn là thầy học của giáo sư NHC đã dịch «Tôi hữu tri (tư tưởng) vậy thì tôi tồn tại» [3]. Giáo sư NHC không hiểu vì sao «đã khóc nức nở, khi nghe đến chỗ phê phán người (Trần Ðộ) đã khuất», hoặc đó là một thái độ ngây thơ, hoặc sợ bị trù dập hoặc vì đã không tư tưởng, tìm hiểu đến nơi đến chốn. Khi đã không tư tưởng, người ta có quyền đặt câu hỏi về cái «hữu thể (être)» của con người NHC.
Một nhà đại trí thức như giáo sư NHC mà lại có những hiểu lầm về những khái niệm căn bản về chính trị như vậy, nên nếu đại đa số thầm lặng có những nhầm lẫn tương tự thì cũng là một điều dễ hiểu.
Chính sách giải chính (dépolitisation) [4] của Nhà nước Việt Nam hiện nay có mục tiêu làm lợi cho nền trật tự đã quy định, cho tình trạng bất động, cho tinh thần bảo thủ. Sản phẩm của chính sách giải chính này là con người giải chính (homme dépolitisé), xa lánh và chán chê chính trị, dấu hiệu khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội Việt Nam (trong và ngoài nước)
2. Dân trí dưới cái nhìn triết pháp của Hegel
Hegel (1779-1831), triết gia Ðức, sinh tại Stuttgart, giảng dạy về Reichtsphilosophie (Triết Pháp, Principes de la philosophie du Droit, Pholosophy of Right) lần đầu vào năm 1818 tại đại học Heidelberg sau khi hoàn tất bộ Wissenshaft der Logik. Vì vậy cuốn Reichtsphilosophie là sự nới rộng của Logik để nói về chính trị và pháp lý. Cho đến năm 1821 Reichtsphilosophie mới được xuất bản. Hegel tiếp tục giảng dạy cuốn này cho đến năm 1825. Năm 1831, Hegel lại giảng dạy Reichtsphilosophie lần thứ bảy, nhưng bị bạo bệnh trong vòng một tháng và qua đời tại Berlin.
Theo Nguyễn Hữu Liêm [5], ở Việt Nam, triết học Hegel được giới thiệu đồng lúc với chủ nghĩa Mác-xít, vì vậy không có một nghiên cứu bằng Việt ngữ nào về Hegel mà không bị nhiễm « vi khuẩn » Mác-xít. Cuốn Reichtsphilosophie được chuyển ngữ sang tiếng Việt dưới tựa đề « Triết học về Pháp quyền và Nhà nước của Hegel ».
Ðối với triết học và logic Hegel, ý niệm Geist (trí năng, tinh thần, Tạo hoá) là quan trọng nhất. Geist bao gồm nhiều ý nghĩa : từ khái niệm Thượng đế trong truyền thống Cơ đốc giáo, đến tính thể lý năng của Tạo hoá và ngay cả tinh thần cộng đồng xã hội. Nhưng Nguyễn Hữu Liêm cho rằng Hegel chưa bao giờ làm sáng tỏ Geist là gì, do đó đề nghị thay Geist bằng danh từ Ðạo lý (Tao li) của Lão tử.
« Con người , qua năng lực ý thức, là sự hợp nhất giữa tinh thần và vật thể mà hiện hữu thân xác là thực tại tính Ðạo lý. Khả năng cao nhất mà con người có là trí năng- qua ý thức, trí năng chúng ta tự khám phá chính mình, thế giới khách quan, quy luật vật thể bằng khoa học- chúng ta biết đến chính mình và vũ trụ nhiều hơn….
Ðời sống con người là một nỗ lực không ngừng để tìm về với chính mình trong quy luật Ðạo lý qua trí năng. Trong quá trình vật lộn với thiên nhiên và chính mình, qua thời gian, qua khách thể, lịch sử được kiến tạo.
Lịch sử là tiến trình biến hoá của ý thức Ðạo lý qua thời gian,cũng như thiên nhiên là tiến trình tiến hoá của Tạo hoá qua không gian. Lịch sử là chuổi dài tiến hoá của trí năng Ðạo lý, tự phát triển, tự khám phá ra chính mình trong năng lực tự ý thức. Nhưng Ðạo lý tự bản chất là tự do, vì vậy, lịch sử là bánh xe chuyển động của ý thức tự do. Tự do là nội dung thiết yếu của tinh thần Ðạo lý, nhưng qua lịch sử, con người là chiến sĩ của tự do, phải vật lộn với chính mình (đời sống nội tâm) và thế giới (chính trị, xã hội, công ăn việc làm) để có được tự do, Tất cả để vì lý tưởng tự do….
Mỗi cá nhân, những con người lịch sử, những anh hùng của quá khứ và thời đại, Hegel nói, lăn vào cuộc đời, kiến tạo lịch sử, không phải vì ý thức lịch sử, mà vì những lý do chủ quan, của khát vọng cá nhân, của hoàn cảnh đưa đẩy, của những yếu tố tâm lý, mà phần lớn là vụn vặt. Nhưng đây chính là bối cảnh và nội dung lịch sử khi mà nhân loại chưa có ý thức tự do- mà Hegel gọi là «tính giảo hoạt của trí năng Tạo hoá » (List der Vernunft). Mỗi cá nhân theo đuổi khát vọng và mục đích chủ quan, nhưng lại chỉ phục vụ cứu cánh lịch sử để hiện thực hoá tự do. Chúng ta lớn lên, thèm khát ăn uống, vun bồi bản ngã, cho cái Ta là nhất, rồi đến tình cảm, dục vọng danh tiếng đều có vẻ như là mỗi chúng ta theo đuổi một cuộc đời riêng. Nhưng không, tất cả đều nằm trong cái dự án lớn lao của năng lực Ðạo lý muốn hiện thực hoá tự do qua lịch sử và con người.. ».[5]
Khát vọng được thừa nhận cái Geist do Hegel đưa ra có vẻ là một khái niệm mới mẻ, nhưng thật ra nó rất xưa như truyền thống triết lý chính trị phương Tây và là một bộ phận của nhân phẩm con người. Platon, triết gia Hy lạp (428-348 trước Công nguyên) cho rằng đời sống con người có ba thành tố: thành tố ham muốn (partie désirante), thành tố lý luận (partie raisonnante) và thành tố tinh lý của cuộc đời (esprit de vie). Sự ham muốn lôi kéo con người tìm kiếm những điều ở ngoài bản thân, lý luận giúp họ thấy những phương tiện tối hảo để đạt được những điều họ tìm kiếm. Nhưng con người còn tìm kiếm sự công nhận hoặc thừa nhận (reconnaissance) nhân phẩm, những giá trị của chính mình, hoặc của dân tộc mình, thành tố này được gọi là tinh lý của cuộc đời và được Platon gọi là « thymos ».
Francis Fukyama [6] giải thích sự sụp đổ của các chế độ cộng sản của Liên Bang Xô Viết và đông Âu, cũng như biến cố Thiên An Môn tại Bắc Kinh bằng khát vọng của quần chúng đòi hỏi cái Geist, cái Thymos của mình được thừa nhận.
Người ta không thể nào hiểu một cách toàn diện các hiện tượng cách mạng, nếu không đánh giá một cách công bằng những tác động của cơn thịnh nộ «thymotique» của quần chúng và những đòi hỏi được thừa nhận của họ, theo sau các khủng hoảng kinh tế của các chế độ cộng sản. Nếu chúng ta xem xét kỹ những chế độ cộng sản đã sụp đổ, chúng ta nhận thấy rằng những biến cố đã kết tinh những cuộc cách mạng táp nham này, hầu như không vì những lý do kinh tế mà thật ra là những phản ứng «thymotique». Ðó là một đặc trưng đáng để ý của những tình huống cách mạng: những biến động thúc đẩy người dân lấy rất nhiều hiểm nguy và đưa ra bộ máy lật đổ chính quyền ít khi là những biến cố mà các nhà sử học xem như là căn bản mà là những dữ kiện nhỏ, bề ngoài có vẻ như là ngẫu nhiên, đột xuất.
Chẳng hạn, tại Tiệp Khắc, chính sự việc Havel bị cầm tù đã làm cho dân chúng phẫn nộ và đã đem đến việc thành lập tổ chức đối lập Diễn đàn Dân sự (Forum civique), tuy rằng đã có những cố gắng của chính quyền cộng sản đang lâm nguy để tự do hoá nên kinh tế. Quần chúng đã tụ họp đông đảo trên các đường xá của thủ đô Prague vào tháng 11 năm 1989, khi có tin đồn (sau đó được kiểm chứng là một tin đồn thất thiệt) là một sinh viên đã bị lực lượng công an giết. Tại Ru-ma-ni, những biến cố đã làm sụp đổ chế độ Ceausescu bắt đầu bằng những cuộc biểu tình tại thành phố Timisoara để phản đối sự cầm tù cha Tokes, một tu sĩ gốc Hung, đã phát động một cuộc vận động năng nổ để bênh vực cho quyền của thiểu số dân Hung sống tại Ru-ma-ni. Tại Ba Lan, sự căm thù Liên Xô và các đồng minh cộng sản người Ba Lan cầm quyền được nung nấu bởi lý do Moscou từ chối không nhận trách nhiệm trong vụ thảm sát các sĩ quan Ba lan vào năm 1940 tại khu rừng Katyn. Khi Liên đoàn Ðoàn kết Solidarnosc tham gia chính phủ sau hội nghị bàn tròn vào mùa xuân năm 1989, họ đã đòi hỏi Liên Xô phải cung cấp một báo cáo đầy đủ về vụ tàn sát Katyn.Tại Liên Xô cũng là những quá trình tương tự, những người sống sót từ những tại tập trung man rợ, đẩm máu của Staline đã đòi hỏi công lý đối với những kẻ sát nhân và sự phục hồi nhân phẩm của những nạn nhân. Những cuộc phẫn nộ đối với những cán bộ apparatchiks địa phương vào những năm 1990 và 1991, không những bắt nguồn từ các thất bại kinh tế của chế độ mà còn là những thối nát, tham nhũng cá nhân và thái độ xấc láo, khinh người của những cán bộ địa phương của đảng Cộng sản, chẳng hạn tên Bí thư thứ nhất của Volgograd đã bị dân chúng đuổi cổ ra khỏi chức vụ vì đã thâm lạm công quỷ, lấy tiền của Ðảng để tậu một xe Volvo cho chính mình.
Tại Ðông Ðức, chế độ Honecker đã vô cùng suy yếu bởi hàng loạt biến cố vào năm 1989: khủng hoảng của hàng trăm ngàn dân tị nạn trốn sang Tây Ðức, Liên Xô bỏ rơi, và cuối cùng sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Vào thời điểm này, chế độ vẫn còn hiện hữu và chưa ai có thể nói là chế độ Cộng sản Ðông Ðức sẽ chết. Nhưng biến cố đã quét đi chế độ là sự phổ biến đời sống sang trọng của Konecker tại lâu đài Wandlitz. Dân chúng Ðông Ðức đã phẫn nộ khi xem các cảnh này trên truyền hình, các hình ảnh này cho họ thấy cái đạo đức giả trắng trợn của các lãnh đạo vẫn vỗ ngực là phụng sự một xã hội bình đẳng cho mọi người dân, đã xúc phạm nặng nề cái tâm thức công lý của họ và họ đã phẫn nộ xuống đường để thanh toán chế độ cộng sản Ðông Ðức.
Tại Trung Quốc, các sinh viên đã biểu tình vào năm 1986 đòi hỏi nhiều dân chủ hơn và vào năm 1989 để kỷ niệm ngày mất của Hồ Diệu Bang. Trong cuộc biểu tình năm 1989, họ đã đòi hỏi rất nhiều điều, nhưng phần lớn không liên hệ gì đến những quyền dân chủ như Tây phương và nhiều khi còn trái ngược lại tinh thần cải cách kinh tế theo đường lối tự do. Họ phẫn nộ vì lạm phát quá cao, gây khó khăn cho cuộc sống sinh viên, vì tham nhũng cá nhân của các đảng viên và nhất là tham nhũng đã đạt đến một mức độ kỷ lục ngay trong gia đình Ðặng Tiểu Bình. Cuộc biểu tình càng được phát động mạnh mẽ, họ lại càng phẫn nộ khi không được quần chúng ủng hộ, thái độ dửng dưng nếu không muốn nói là khinh bỉ của đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ, không thừa nhận họ cũng như sự chính đáng của các đòi hỏi. Họ yêu cầu được gặp Ðặng Tiểu Bình, và các lãnh tụ khác và đòi hỏi trong tương lai những gặp gỡ được định chế hoá. Khó mà xác định rằng sự đòi hỏi định chế hoá này ngấm ngầm mang ý nghĩa một hình thức dân chủ đại diện, nhưng điều chắc chắn là qua đòi hỏi này, họ muốn được xem là đứng đắn, như những người trưởng thành mà ý kiến, trong một chừng mực nào đó, phải được xem trọng.
3. Dân trí dưới cái nhìn nhân chủng học.
Các nhà nhân chủng học dựa vào các tương quan giữa cha-con, anh-em, vợ-chồng để xác định các tiến trình phát triển trên các địa hạt ý thức hệ, văn hoá và phát triển. Tương quan uy quyền giữa cha-con ảnh hưởng trên cả hai lãnh vực ý thức hệ và văn hoá. Tương quan bình đẳng hoặc bất bình đẳng giữa anh-em là căn bản cho các phân tích về ý thức hệ. Tương quan vợ-chồng, nhiều hay ít tính chất phụ nữ quyền, sẽ là yếu tố chính cho những phân tích về phát triển.
Có bốn khái niệm chính cần phải được định nghĩa:
– Theo dòng mẹ (Matrilinéarité): đặc tính của hệ thống gia đình trong đó người mẹ có đặc quyền liên hệ gia tộc, truyền chuyển của cải, sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
– Theo dòng cha (Patrilinéarité): đặc tính của hệ thống gia đình trong đó người cha có đặc quyền liên hệ gia tộc, truyền chuyển của cải, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
– Theo cả hai bên (Bilatéralité): đặc tính của hệ thống gia đình trong đó người cha hoặc người mẹ đều có chỗ đứng tương đương, truyền chuyển của cải không khác biệt qua người cha hoặc người mẹ, vai trò của người cha cũng như người mẹ ngang nhau trong việc sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục.
– Theo dòng thẳng đứng (Verticalité): đặc tính của hệ thống gia đình trong đó có một sự phụ thuộc mạnh mẽ giữa cha mẹ và các người con trưởng thành.Tính chất này được biểu lộ qua các gia đình nông dân truyền thống trong đó sống chung những gia đình ‘thẳng đứng’ gồm có ít nhất ba thế hệ : cha-mẹ/con/cháu. Trong chế độ này uy quyền được biểu lộ một cách mạnh mẽ qua cha-mẹ.
Ngoài các đặc tính chính trên đây, các nhà nhân chủng học lại còn chia ra một số đặc tính phụ: theo cả hai bên thẳng đứng (Bilatéral vertical), theo cả hai bên không thẳng đứng (Bilatéral non vertical), theo dòng cha thẳng đứng (Patrilinéaire vertical), theo dòng cha không thẳng đứng (Patrilinéaire non vertical), theo dòng mẹ thẳng đứng (Matrilinéaire vertical), theo dòng mẹ tiềm tàng (Matrilinéaire latent, polygamie africaine) và chế độ hỗn hợp. Trong mỗi chế độ theo dòng cha hay theo cả hai bên lại có thể có thêm sắc thái dòng mẹ.
Emmanuel Todd [7] chia thế giới ra làm nhiều kiểu tương quan gia đình sau đây :
– Bắc Mỹ, Anh, Úc châu, Tân Tây Lan, Thái lan, Miến Ðiện, Ai Lao, Cao Miên, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân: Theo cả hai bên không thẳng đứng (bilatéral non vertical) có sắc thái theo dòng mẹ (matrilinéaire). Sumatra : theo dòng mẹ thẳng đứng (Matrilinéaire vertical)
– Trung Mỹ, Nam Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha: Theo cả hai bên không thẳng đứng (Bilatéral non vertical)
– Bắc Âu: theo cả hai bên thẳng đứng (Bilatéral vertical)
– Bắc châu Phi và Trung Ðông: Theo dòng cha không thẳng đứng (Patrilinéaire non vertical)
– Trung và Nam châu Phi: theo dòng mẹ tiềm tàng (Matrilinéaire latent, polygamie africaine)
– Nga: theo dòng cha thẳng đứng (Patrilinéaire vertical) có thêm sắc thái dòng mẹ.
– Nhật Bản, Triều Tiên: theo cả hai bên thẳng đứng (Bilatéral vertical)
– Nam Ấn Ðộ: chế độ hỗn hợp, Kérala và Sri Lanka: theo dòng mẹ thẳng đứng (Matrilinéaire vertical)
– Trung Quốc và Bắc Ấn Ðộ: theo dòng cha thẳng đứng (Patrilinéaire vertical)
– Việt Nam: theo dòng cha thẳng đứng (Patrilinéaire vertical) có sắc thái theo dòng mẹ (matrilinéaire)
Emmanuel Todd cho biết thiên hướng (propension) phát triển văn hoá của mỗi kiểu chế độ gia đình như sau:
Kiểu chế độ gia đình
Thiên hướng phát triển văn hoá
Theo cả hai bên thẳng đứng
Rất mạnh
Theo dòng mẹ thẳng đứng
Mạnh
Theo cả hai bên không thẳng đứng
Trung bình
Theo dòng cha thẳng đứng
Trung bình
Theo dòng cha không thẳng đứng
Yếu
Theo dòng mẹ không thẳng đứng
Yếu nói chung
Bảng xếp hạng các chế độ gia đình đông Á theo tiềm năng phát triển và vị trí
Kiểu chế độ gia đình
Vị trí
Thiên hướng lý thuyết phát triển văn hoá
Theo cả hai bên thẳng đứng
Nhật Bản, Triều Tiên
Rất mạnh
Theo dòng mẹ thẳng đứng
Sumatra, Kérala và Sri Lanka
Mạnh
Theo cả hai bên không thẳng đứng
Thái lan, Miến Ðiện, Ai Lao,
Cao Miên, Mã Lai, Java
Nam Dương, Phi Luật Tân
Trung bình
Theo dòng cha thẳng đứng
Trung Quốc, Việt Nam
Trung bình
4. Kết luận
Nhìn dưới góc độ triết pháp của Hegel, cái Geist hay thymos của dân Việt Nam ai cũng biết là rất lớn, lịch sử đã chứng tỏ điều này. Nhưng bao giờ cơn thịnh nộ «thymotique» của dân Việt Nam bùng nổ như dân Ðông Âu hay Liên Xô cũ. Thời gian sẽ trả lời.
Nhìn dưới góc độ nhân chủng học, Việt Nam theo dòng cha thẳng đứng (Patrilinéaire vertical) có sắc thái theo dòng mẹ (matrilinéaire), do đó thiên hướng lý thuyết phát triển văn hoá sẽ phát triển mạnh nếu xã hội Việt Nam đi theo con đường gia tăng phụ nữ quyền, vì hiệu năng giáo dục gia đình được quyết định bởi uy thế của bà mẹ. Cái uy thế này tùy thuộc vào hai yếu tố nhân chủng khác biệt: mức độ chung của uy thế cha mẹ và cương vị tương đối của bà mẹ trong gia đình.
Ngoài ra, sử gia người Anh Lawrence Stone [8] đã tìm thấy một dữ kiện chung cho cả ba cuộc cách mạng Anh, Pháp và Nga: trước khi các biến cố này phát động, tỷ suất biết đọc biết viết của phái nam lên tới 50%. Theo E. Todd đây là một khám phá căn bản cho phép kết hợp một cách nghiêm túc hiện tượng cách mạng và sự tiếp cận tân tiến, và tránh được cùng một lúc những giả thiết cũ kỹ và không kiểm chứng được về vai trò của giai cấp thợ thuyền (chẳng hạn chủ trương cho rằng cuộc cách mạng Nga, cũng như các cuộc cách mạng cộng sản tại các nước khác trên thế giới -Trung Quốc, Việt Nam v.v…- là cách mạng vô sản do thợ thuyền và nông dân nắm vai trò quan trọng), và vấn đề của nội dung tư tưởng hệ khác hẳn nhau trong ba cuộc cách mạng này. Trong mỗi trường hợp, sự biết đọc biết viết của đại đa số quần chúng đã mở đường cho một khuấy động, một kích động tư tưởng của quần chúng.
Emmanuel Todd [7] đã lập một bảng cho biết liên hệ giữa tỷ suất biết đọc biết viết của phái nam và kiểu xã hội.
Tỷ suất biết đọc biết viết của phái nam
Kiểu xã hội
0 –> 5%
Thần quyền
5 –> 50%
Quan liêu tiền sử
50 –> 100%
Dân chủ
Theo những thống kê được xem là nghiêm túc, dân Việt Nam đã đạt trên 50% biết đọc biết viết của phái nam, nghĩa là kiểu xã hội Việt Nam là dân chủ.
Nhìn dưới góc độ xã hội dân sự, có lẽ đây là điểm yếu kém cần phải phát triển nhiều hơn nữa để Việt Nam đi đến dân chủ.
Hoàng Xuân Ðài
Paris 20/02/2004
GHI CHÚ.
[1] « Việt Nam một số góp ý cho tương lai », tuyển tập tham luận, 1995, Hoa Kỳ
[2.1]
V39-53 Hãy xem kỹ danh sách các tổ chức và hoạt động tự nguyện sau và cho biết
A . Bạn thuộc tổ chức nào?
V39 Các dịch vụ phúc lợi xã hội cho người già, tàn tật và người túng thiếu
V40 Các tổ chức tôn giáo
V41 Các hoạt động giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc hoặc văn hóa
V42 Các liên đoàn lao động
V43 Các tổ chức, đoàn thể chính trị
V44 Hoạt động tại cộng đồng địa phương về các vấn đề như nghèo khổ, việc làm, nhà cửa, bình đẳng chủng tộc
V45 Các tổ chức phát triển thế giới thứ ba
V46 Các nhóm bảo tồn môi trường, quyền động vật
V47 Các hiệp hội nghề nghiệp
V48 Các công tác thanh niên (tức là các câu lạc bộ thanh niên, hướng dẫn viên, Hướng đạo sinh….)
V49 Thể thao hoặc giải trí
V50 Các nhóm phụ nữ
V51 Phong trào vì hòa bình
V52 Các tổ chức tình nguyện liên quan đến sức khỏe
V53 Các nhóm khác
[2.2]
V39-53 Hãy xem kỹ danh sách các tổ chức và hoạt động tự nguyện sau và cho biết
B . Và hoạt động nào mà bạn hiện đang làm tự nguyện không lương?
V39 Các dịch vụ phúc lợi xã hội cho người già, tàn tật và người túng thiếu
V40 Các tổ chức tôn giáo
V41 Các hoạt động giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc hoặc văn hóa
V42 Các liên đoàn lao động
V43 Các tổ chức, đoàn thể chính trị
V44 Hoạt động tại cộng đồng địa phương về các vấn đề như nghèo khổ, việc làm, nhà cửa, bình đẳng chủng tộc
V45 Các tổ chức phát triển thế giới thứ ba
V46 Các nhóm bảo tồn môi trường, quyền động vật
V47 Các hiệp hội nghề nghiệp
V48 Các công tác thanh niên (tức là các câu lạc bộ thanh niên, hướng dẫn viên, hướng đạo sinh….)
V49 Thể thao hoặc giải trí
V50 Các nhóm phụ nữ
V51 Phong trào vì hòa bình
V52 Các tổ chức tình nguyện liên quan đến sức khỏe
V53 Các nhóm khác
[2.3]
V 25. Nhìn chung, bạn có thể cho rằng phần lớn mọi người đều có thể tin tưởng được hay bạn cần phải thận trọng khi giao thiệp với họ.
– Phần lớn mọi người đếu có thể tin tưởng được
– Cần phải rất thận trọng
– Không biết
[2.4]
V 169 Ở nước dân chủ hệ thống kinh tế hoạt động tốt
V 170 Các nước dân chủ không quyết đoán và có quá nhiều điều tranh cãi
V 171 Các nước dân chủ duy trì trật tự không tốt
V 172 Các nước dân chủ có thể có vấn đề, nhưng còn tốt hơn bất kỳ hình thức lãnh đạo nào khác
[2.5]
V 168a Với quyết định thêm chữ «dân chủ» vào mục tiêu phấn đãu của đất nước: «Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh», bạn thấy như thế nào?
– Rất hài lòng
– Hài lòng
– Không hài lòng lắm
– Không hài lòng chút nào
[3] Cao Xuân Huy, «Tư tưởng phương Ðông, gợi những điểm nhìn tham chiếu», Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
[4] Maurice Duverger , «Chính trị nhập môn», Nguyễn văn Tạo dịch, Ðại Nam, 1969, Sàigòn
[5] Nguyễn Hữu Liêm, «Tự do và Ðạo lý», Biển Mới xuất bản tại Hoa Kỳ
[6] Francis Fukuyama , «La fin de l’Histoire et le dernier Homme», Flammarion
[7] Emmanuel Todd, «L’enfance du monde-Structures familiales et développement», Seuil, 1984
[8] L. Stone, «Literacy and Education in England, 1640-1900», Past and Present, 1969