ÐÀ NẴNG CỦA TÔI

Phan Xuân Sinh

Từ lâu tôi chờ đợi một người nào đó viết về quê tôi, như Phan Nhự Thức viết về Quảng Ngãi, Nguyễn xuân Hoàng viết về Nha Trang, Trần Doãn Nho viết về Huế. Thế nhưng chẳng có ai làm điều nầy giùm tôi, hoặc có người viết rồi mà tôi chưa được đọc, thôi thì bây giờ tôi viết về Ðà Nẵng của tôi vậy. Thật tình thì Ðà nẵng cũng không có nhiều danh lam thắng cảnh, cũng ít nơi thơ mộng. Người dân chúng tôi nòi văn chương chữ nghĩa cũng ít, nhưng nói ” móc họng” thì nhiều. Danh nhân thì đếm trên đầu ngón tay các ông Thái Phiên, Án Nại.mà những người chính tông Ðà Nẵng cũng ít người biết. Còn ông Phan Châu Trinh, Trần Quý cáp, Nguyễn Duy Hiệu v.v.. tiểu sử các ông ai ai cũng biết.Thường thì Ðà Nẵng-Quảng Nam là một, nó dính liền với nhau cùng một thân một gốc, từ phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội và nhất là “cãi lộn” cũng đều y chang như nhau. Trong thời kỳ Pháp thuộc họ chia anh em chúng tôi ra làm hai cho dễ cai trị, nhưng chỉ mỗi một việc là hành chánh còn tất cả chỉ là một. Tôi còn nhớ khi học tiểu học, tôi học trường Hòa Vang, trường nầy thuộc tỉnh Quảng Nam mặc dù tôi là dân Ðà Nẵng, nhà tôi cách trường chừng bảy trăm mét. Họ chấp nhận cho tôi vào học tức là họ xem tôi là thành phần con cháu của Quảng Nam. Nói thế để quý vị các tỉnh khác biết rằng nói đến Ðà Nẵng tức là nói đế? Quảng Nam. Chớ dại thấy mấy ông Quảng Nam ngồi đó mà đụng chạm đến Ðà Nẵng thì quý vị sẽ bị phản ứng ngay lập tức, “cãi” cho tới cùng.

Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Nại Hiên Tây thuộc trung tâm của Ðà Nẵng,( Ðà nẵng lúc ấy chỉ có 7 làng tại trung tâm: Bình thuận, Phước Ninh, Nam Dương, Thạch Gián, Thạch Than, Hải Châu, Nại Hiên Tây), ranh giới phía tây là ngã ba Huế, Phía nam là Chợ Mới, đông bắc đều giáp biển. Làng tôi nghèo nhất thị xã, dân chúng phần đông sống bằng nghề khuân vác bến tàu hoặc các kho hàng, một số ít buôn gánh bán bưng. Tôi lớn lên giữa một phố nghèo xơ xác. Có ai đó nói rằng quê hương như vậy thì chẳng có chi là thơ mộng nên làm sao mà viết được. Bây giờ tôi mới hiểu ra được một phần, tôi có quá nhiều điều để viết về quê tôi, từ con người đến con đường, từ mái nhà đến góc phố v.v.trong lòng tôi tất cả đều khác những nơi tôi đã đi qua, nó dễ thương hơn, đẹp đẽ hơn, mật thiết hơn, vì đó là quê hương của tôi. Nó là hiện thân những cái gì trân quý nhất chất chứa trong lòng tôi, “Quê hương mỗi người chỉ một..” câu hát khi còn ở Việt Nam tôi thấy nó rất “sáo” làm sao ấy, thế mà qua Mỹ thỉnh thoảng nghe lại bỗng dưng tôi ray rức, cuống cuồng. Mỗi lần nghe bài nầy là Ðà Nẵng hiện ra trước mắt tôi, giòng sông Hàn đang lững lờ trong đầu tôi, khuôn mặt của những thằng bạn nhỏ chập chờn ẩn hiện. Như vậy mới biết quê hương luôn luôn nằm trong trái tim, luôn luôn chực chờ, phục kích đâu đó sẵn sàng tràn ngập khi có dịp.

Nhà tôi gần Cổ Viện Chàm, những buổi trưa hè oi bức rủ vài thằng bạn vào đây ngồi dưới tượng Chàm mát rượi, chạy trốn cái nóng của gió Lào đang vật vã quê tôi, mỗi lần vào đây tôi thấy trong người lâng lâng, những hình tượng đầu voi, mặt khỉ không làm cho tôi sợ mà tôi lại thấy thân quen. Tôi thường hay ra ngồi những bậc tam cấp dưới những hàng sứ già nhìn ra sông Hàn, những con thuyền buồm trắng qua lại dọc trên sông thật thơ mộng. Hình như khi tôi biết những hình ảnh qua trước mắt tôi “thơ mộng” thì chính lúc đó tôi cũng bắt đầu làm thơ. Những câu thơ “con cóc” đầu tiên ra đời chuyên chở những thứ lãng mạn tưởng tượng. Hồi học lớp nhất đăng được một bài thơ trên báo Tuổi Xanh ở Sài Gòn mang vào lớp khoe với chúng bạn đến tai cô giáo, cô gọi tôi lên đưa tờ báo cho cô xem, cô không cho tôi một lời khen nào mà phán một câu: “Học hành chẳng ra chi mà bày đặt thơ với thẩn”. Cô giáo đã bóp chết tài năng của tôi vừa chớm nở. Từ đấy vì quá mắc cở với bạn bè tôi không dám làm thơ, không làm thơ nhưng học hành cũng chẳng ra chi, thi trượt vào đệ thất trường Phan Châu Trinh, đành phải mài lũng đít quần ở trường Tây Hồ và Sao Mai. Ðây là khoản thời gian đẹp nhất của tôi, để lại cho tôi biết bao kỷ niệm buồn vui nhất trong đời, cái thuở học trò vừa mới lớn, yêu thầm nhớ trộm, mơ mộng viễn vông.

Cũng như những thành phố khác Ðà Nẵng cũng có những con đường dễ thương, tình tứ, một bờ sông nên thơ mà những kẻ yêu nhau để lại ở đó biết bao kỷ niệm. Thuở còn đi học thỉnh thoảng trong lớp thường tổ chức những cuộc picnic bằng xe đạp, từng đoàn học sinh đạp xe lượn vòng trên các con đường đi Sơn Chà, Tiên Sa, Mỹ Thị, Non Nước, Nam Ô, Khuê Trung, Cẩm Lệ.những địa danh thân thuộc mà mấy chục năm xa rời Ðà Nẵng tôi vẫn nhớ rành rọt từng gốc cây, con đường, bãi cát. Những quán cà phê Diệp Hải Dung, Cà phê Hạ, cà phê Ngọc Lan, cà phê Thông Tin, mà tôi đã ngồi hàng giờ để nhìn những giọt cà phê rơi xuống đáy ly. Kiosque bên kia đường của cà phê Thông Tin là tiệm bán kính đeo mắt, có một người con gái rất đẹp tên là Ðông, đã làm điêu đứng biết bao thằng học sinh trồng những gốc”si” tổ bố, hình như lúc ấy tôi cũng ở trong nhóm lóc nhóc nầy. Rồi một ngày nào đó nghe tin Ðông lấy một ông sĩ quan Hải quân và vắng mặt ở tiẹ? kính bên kia đường, lúc ấy tụi tôi cũng không còn thích thú uống cà phê ở góc đường Thông Tin nữa.

Làm sao tôi quên được những cái tên Trương Thị Ngọc Thật, Lâm Thị Sâm, Phan Thị Sách, Nguyễn Thị Thy, những người một thời đã làm rớm máu trái tim “mới lớn” của tôi, đã nâng tôi lên chín tầng mây rồi nửa chừng thả tôi rơi xuống hố thẳm, cho tôi nếm thử mùi vị ngọt ngào, cay đắng của một thứ tình yêu tưởng chừng như không thật, cho tôi những tháng ngày buồn vui rộn rã, bơm cho tôi no tròn nhưng cũng đâm cho tôi xì hơi xẹp lép và cũng bắt đầu từ đó tôi sợ hãi những người con gái có chút nhan sắc nhưng lại tính toán chi li trong tình yêu, đem tình yêu làm trò tung hứng nô đùa. Ðà Nẵng giết mòn mõi tôi của những ngày mới lớn, đẩy tôi đến tận cùng bờ tuyệt vọng của cuộc đời. Thế mà với tôi luôn luôn và bao giờ tôi cũng trân quý, thương nhớ đến thành phố nầy. Ngoài trừ bài học đầu tiên về tình yêu còn tất cả nơi đây đã tập và dìu dắt tôi từ bước đi đến lời ăn tiếng nói, từ một tấm lòng dành cho tha nhân đến căn bản đạo đức làm người, nghĩa là Ðà Nẵng là một biểu tượng cao quý nhất chiếm hầu hết những suy nghĩ của tôi.

Xa Ðà Nẵng gần 30 năm, mỗi lần gặp ai đó cùng quê nhắc lại hai chữ Ðà Nẵng là tự nhiên lòng tôi quay quắt muốn trở về. Tự nhiên những hình ảnh những người thân của tôi hiện lên. Ba tôi , một thầy giáo hiền hòa, suốt đời tận tụy với nghề nghiệp, suốt đời sống trong bần cùng nhưng trong sạch, người dân làng Nại Hiên quý trọng ông, ước ao của ông cũng bình dị như những người dân nghèo quê tôi là mong cho con cháu nên người, còn cái khổ cực của bản thân ông không đáng kể. Khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ vài tháng thì được nghe tin Ba tôi mất, ông chưa kịp hưởng được những đồng đô-la do tôi gởi về thì ông vội vàng ra đi, sống trong nghèo khổ chết trong thanh bạch. Ba tôi trước đây có một người bạn thân thiết như anh em ruột . Chú đúng là hình ảnh người Quảng Nam chân chính. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của chú, mỗi lần trong quê ra Ðà Nẵng dự đám giỗ kỵ, Chú mang khăn đóng áo dài, đôi guốc mộc bao giờ Chú cũng kẹp nách chứ không mang. Vào đến nhà ngồi trên ghế đàng hoàng, bắt đầu Chú phủi hai bàn chân vào nhau rồi nhè nhẹ đặt chân vào guốc, nếu xỏ mạnh như sợ đôi guốc bị đau. Từ bến xe về nhà tôi cũng xa, trưa nắng như đốt đường cái nóng sôi, thế mà chú Kết của tôi không sợ da chân bị lột, bị bỏng, mà sợ đôi guốc bị mòn. Có lần đến bên Chú hỏi về điều nầy, Chú mộc mạc trả lời, đi chân đất quen rồi mang guốc khó đi, hơn nữa đi xa sợ guốc mau mòn. Ðó là hình ảnh tiết kiệm cố hữu của những người dân quê tôi.

Ba tôi thường ngồi kể cho tôi nghe những chuyện về con người, tập quán, phong cách, ăn uống của người Quảng Nam Ðà Nẵng qua cái nhìn mang chút hài hước của ông. Có lần nhìn chú Kết, ông nói với tôi, các thư sinh Quảng Nam ngày xưa ra Huế đi thi, làm sao mà mang guốc lội bộ qua năm cái đèo, phải đi bằng chân đất như Chú Kết bây giờ vậy, ra đến Huế thì đoàn thư sinh Quảng Nam không giống ai hết, quần thì ống cao ống thấp, áo thì vắt vai, guốc thì kẹp nách, giọng nói rổn rảng khó nghe có phần cộc cằn, đôi lúc “móc họng” người ta. Thế mà các tiểu thư Huế lại chịu cái loại đàn ông nầy, đàn ông thật thà chất phát, ăn cục nói hòn nhưng trong bụng đầy kinh thư chữ nghĩa. Bằng chứng là năm ông quan đầu triều Nhà Nguyễn được phong” Ngũ Phụng Tề Phi”. Người Quảng đi đâu, ở đâu mỗi lần nhắc nhở về quê hương, họ cũng đều hãnh diện, sướng rân lên với cái xứ sở ” Ngũ Phụng Tề Phi” của họ. Ðể an ủi cho cái nghèo, cái thiếu ăn, họ cho rằng đất của họ ” nhân tài mọc nhiều quá lúa mọc không nổi”, nên cái chuyện quanh năm không đủ gạo phải ăn độn là chuyện bình thường. Nói đến cái ăn thì quê tôi “kỵ” nhất là đồ ăn có nước nhiều lỏng bỏng mau đói, mì Quảng thì rau phải xắt nhỏ để chứa được nhiều, nước lèo chan vừa đủ thấm. Không có nơi nào ăn mặn bằng dân Quảng Nam, mắm phải mặn cho đở hao. Mít thì thích ăn mít ướt để ăn được nhiều còn mít ráo vài múi thì đã ớn. “Ăn chắc mặc bền” đó là câu thực dụng nhất cho quê tôi. Khi còn ở Sài Gòn tôi có một cơ sở làm ăn nhỏ, thỉnh thoảng cũng làm mì Quảng, bánh đập để đãi công nhân. Theo thói quen mì chan ít nước giống như ngoài mình, nhưng dân Nam Kỳ ăn như vậy không quen họ phải chan nước cho đầy như bún bò hay phở, còn bánh đập họ không chấp nhận được vì bánh đập trong Nam có thịt bò nướng kẹp vào, bánh tráng bánh ướt trống trơn chấm mắm thì chẳng có chi hấp dẫn. Có một lần về lại Ðà Nẵng các bạn tôi dẫn đi Cẩm Lệ để ăn bánh tráng cuốn thịt heo, khi chấm vào chén mắm cái, tôi mới giật mình vì mắm quá mặn, khẩu vị của tôi không còn thích hợp vì mấy chục năm sống trong Nam tôi quen với mắm nêm có vị lạt hơn, ngọt hơn.

Một lần về thăm Ðà Nẵng, ngồi trước nhà người bạn ở đường Ðộc Lập, một chuyện thật tức cười làm tôi thấy thương và tội nghiệp cho quê tôi. Ðường Ðộc Lập xưa nay chỉ chạy một chiều, xe đang chạy thuận giòng bỗng dưng có một thanh niên từ đâu chạy ngược chiều và tông vào một xe khác. Hai bên thả xe ra giữa đường to tiếng cãi nhau suýt ấu đả, phải trái gì không biết cứ cãi nhau, đúng ra chỉ một lời xin lỗi thì mọi chuyện đều xong, vì hai xe chẳng thấy hư hại gì, thế mà họ “tiết kiệm” một lời xin lỗi và dùng thoải mái lắm lời cho việc cải vã. Ðúng là xứ Quảng Nam hay cãi của tôi, về Sài Gòn kể lại chuyện nầy với anh Tường Linh, bằng cái giọng lý sự rất Quảng Nam của ảnh vừa nói chơi vừa nói thật: ” ông bà của mình ngày xưa tội đồ của Triều đình bị đày vào xứ Quảng Nam, trên đe dưới búa, thấp cổ bé họng, sự uẩn ức lâu ngày đè nén nên khi tràn ra được thì cứ tràn, cãi nhau không cần phải trái trắng đen, miễn sao cho hả được giận. Nên tụi mình có cái “gen” nầy.” Người xứ khác làm sao hiểu được cái “kỳ cục” nầy của người ngoài mình, họ chỉ thấy sự ương ngạnh ngang ngược, câu nói mang hai ba nghĩa mạt sát, thọc gậy, móc họng đối phương. Họ làm sao hiểu được cái bản tính dứt khoát, chịu đựng, chung thủy của mình. Yêu, ghét, bạn, thù phân minh. Hồi còn nhỏ tôi sợ nhất là những ngày giỗ kỵ hay chạp mã, thế nào trong bữa ăn cũng có cãi lộn, cũng to tiếng, cũng nói móc, xỉa xói với nhau, hình như đây là cái tật và đúng dịp để mọi người tự do phát biểu, nói ra được các điều u uất trong lòng cho vơi đi chút tự ái, thua thiệt.

Bạn bè của tôi phần đông ở các quận Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Hội An nên nhà tôi ở Ðà Nẵng là trung tâm vãng lai của bạn bè. Hạ Ðình Thao, Lê văn Trung, Vũ Ðức Sao Biển, Kiều Uyên, Ngô Thi, Ðỗ Hơn, Nguyễn Thang, Thái Tú Hòa. Ðó là những người khách thường xuyên nhất của tôi khi còn học sinh, chúng tôi có với nhau những kỷ niệm sâu đậm của thuở hàn vi, các “thi hào” nầy dần dần rụng mất sau cái thời Tiểu Thuyết tuần san của ông Nguyễn Thiện Dzai đình bản, chỉ có một hai người còn đeo đuổi nghiệp viết lách như Vũ Ðức Sao Biển, Lê Văn Trung. Cái thời học sinh thật dễ thương, mang nhiều mộng mỵ, thư tình viết tràng giang đại hải không biết mệt, thuốc lá hết điếu nầy sang điếu khác hút không kịp thở. Ở Sài Gòn nhà tôi sau nầy cũng trở thành nhà khách cho các bạn cũ ở Ðà Nẵng vào và thêm các anh Hà Nguyên Thạch, Ðinh Trầm Ca, Phan Nhự Thức, Uyên Hà. Tôi có dự đám cưới của anh Phan Nhự Thức hồi còn ở Sài Gòn, ngồi cùng bàn với Anh Chị Hồ Thành Ðức và Bé Ký (nhưng lúc ấy tôi không quen với anh chị và cũng chẳng có ai giới thiệu cho tôi biết). Anh Tường Linh sau 75 cùng làm việc với tôi ở một tổ hợp sản xuất Bột trẻ Em Ðông Phương ở đường Bạch Ðằng Bình Thạnh. Còn anh Ðinh Trầm Ca cùng làm với tôi ở kem đánh răng Mimosa. Ðó là những khuôn mặt văn nghệ của xứ Quảng mà tôi đã quen và thân thiết.

Tôi lập gia đình tại Sài Gòn, vợ tôi là người Bắc, khi quen nhau không biết rằng vợ tôi trước đây sống và lớn lên ở Ðà Nẵng, xuất thân từ Trường Pascal. Khi hai đứa đến hồi “gở không ra” thì tôi mới phát hiện vợ tôi biết quá nhiều về quê tôi, kể vanh vách cho tôi nghe từ con đường góc phố, từ ly chè Ngã Năm đến tô bún bò Bà Ðào, từ bánh bèo chén trường Nam Tiểu Học đến bánh xèo đường Lê Ðình Dương, từ bến đò Hà Thân đến bãi biển Thanh Bình. Và cuối cùng phán cho một câu: “Em sợ cái xứ đó quá rồi chạy vào đây mà cũng không tránh khỏi”, lời trách móc đáng yêu đó tôi nhớ suốt đời. Con gái Bắc tế nhị, khéo léo bao nhiêu thì con trai Quảng Nam cộc cằn, độc đoán bấy nhiêu, họ kín đáo, thầm lặng bao nhiêu thì mình hoạch toẹch, ồn ào bấy nhiêu. Ôi cái xứ mình tạo ra những con người như thế, quá thẳng thắng, quá cứng rắn, mà cái gì “quá” thì nó cũng căng dễ đứt, không hay. Vừa phải chừng mực thì tốt hơn. Thế nhưng người Quảng thì không chịu thái độ không dứt khoát nầy, chấp nhận tràn đầy chứ không thể lưng chừng. Ðó là một đức tính rất tốt nhưng khi xử thế rất ít thành công. Một lần về thăm lại Ðà Nẵng chở vợ đến nhìn lại ngôi trường Pascal, đứng trước cổng trường vợ chồng tôi xúc động ghê ghớm, không ngờ một ngôi trường đẹp đẽ hiền hòa đã bị tàn phá thô bạo như vậy, thảm cỏ xanh mướt ngày nào bây giờ thành bãi chất cây cối ngổn ngang, những lớp học ngày xưa biến thành chổ sản xuất. Vợ tôi không còn can đảm đứng nhìn thêm, cúi đầu rưng rưng nước mắt. Tới trường Sao Mai đứng ở cổng sau (đường Lê Ðình Dương) nhìn vào, ngôi trường hằng mấy chục năm không được tu bổ, tường rêu phong loang lổ, học sinh ăn mặc lếch tha lếch thếch, thầy cô giáo cũng chẳng hơn gì. Nhớ ngày xưa các thầy của tôi đứng trên bục giảng oai phong biết mấy, quần áo tươm tất, cà vạt hẳn hoi. Làm sao tôi quên được hình ảnh đó của các thầy cô: Trương Thị Thúy, Mai văn Bộ, Hoàng Vinh, Hà Thúc Lễ, Vĩnh Linh, Lâm sĩ Hồng, Hồ Sĩ Hùng, Lê văn Nghĩa, Nguyễn văn Hương, Nguyễn Tàu, Lê Chương, Ðức Cha Lê Văn Ấn, Cha Vũ Như Huỳnh, những người dìu dắt tôi cho tôi những kiến thức để sống với đời, những căn bản đạo đức để sống với người. Bao giờ trong tôi các thầy cũng để lại một sự kính trọng không thể phai nhạt được. Sau một vòng thăm lại các trường cũ trở về, vợ chồng tôi ngậm ngùi đau xót, Ðà Nẵng của tôi tang thương như vậy sao, tâm trạng vợ chồng tôi lúc ấy giống như Trần Doãn Nho đã viết: ” Tôi đi trên thành phố thân thương mà như đang phiêu du ở vùng đất xa lạ”, hoặc ” Tôi sống giữa quê hương mà như người khách lạ.”. Nơi đó cũng còn lại những người bạn học cùng tôi thuở nào: Liêu, Ký, Bích, Dũng, Quang, Kim Sơn, Hường, Trang , Thùy Dương, Nga,Thư. Mỗi lần có dịp về lại Ðà Nẵng họ tiếp đón tôi như một người thân. Bạn trai, bạn gái trong tiệc rượu nâng ly cụng với nhau chẳng nệ hà, sống lại với nhau những ngày xa cũ.

Tôi ở vùng ngoại ô Boston, Bạn của tôi là mấy ông Quảng Nam rất cực đoan ở cách xa nhau, họ cho tôi là thứ Quảng Nam mất gốc bởi cái tính ba phải cả nể của mình, “thằng mô không phải là chưởi dô mẹt hắn, chớ đừng nhân nhượng ốt dột như rứa”. Chỉ có Trần Trung Ðạo hay bênh vực cho tôi, không có bao nhiêu người mà mỗi lần gặp nhau cãi nhau như mỗ bò. Thế nhưng tuần nào có làm món ăn Quảng Nam là gọi nhau ơi ới, nhà anh Dư Mỹ hay nấu những món đặc sản Quảng Nam và vợ chồng tôi là khách thường xuyên. Nhà anh Nguyễn Ngọc Thanh thì hay sưu tầm các loại mắm Quảng Nam, cho đến bây giờ tôi cũng không biết làm cách nào mang các thứ ấy vào Mỹ, những thứ mắm cái cá nục, cá cơm còn nguyên con đỏ au mùi vị y chang như mắm ở ngoài mình, quý lắm thân thiết lắm như tôi với anh Dư Mỹ mới được xớt một chút ít. Ở quê mình vài con mắm một trái ớt là xong bữa cơm, chẳng cần chi cao lương mỹ vị, quả thật dân mình quá khổ. Ði xa càng thấy nhớ và càng thương cho những con người không thể rời bỏ quê cha đất tổ, mồ mã ông bà. Những con người suốt cả cuộc đời bám chặt với ruộng vườn, không màng đến vật ngon của lạ, khoai sắn là chất độn trường kỳ. Ngồi đây mỗi lần nghe tin bên quê nhà gặp thiên tai bão lụt là lòng tôi thóp lại, cái cảnh màn trời chiếu đất khi còn nhỏ đã chứng kiến tự nhiên hiện lên trước mắt tôi, chỉ còn biết cách cầu trời khẩn phật cho quê tôi sống bình yên. Ðó là điều rất khó bởi lẽ giãi đất Miền Trung nơi chịu nhiều tai họa, chỉ có nhiều hay ít, chứ không thể nào có bình yên thật sự.

Ðà Nẵng của tôi, làm sao tôi trang trải hết được tấm lòng của đứa con xa xôi, nghĩ về quê me.?rên những giòng chữ làm sao tôi mô tả sự dấu yêu, thương cảm, mà tôi đã dành hết cho giãi đất chôn nhau, cắt rốn thân yêu nầy. Chữ nghĩa của tôi cũng hạn hẹp, không đủ, thì làm sao tôi diễn đạt những điều ray rức của nhớ mong trên những trang giấy. Thôi thì, có viết thêm cũng không thể nào viết hết. Ðà Nẵng cho tôi xin cúi đầu từ biệt.

 

Boston, mùa hạ 1998.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button