Cù Lao Chàm, vương quốc của chim Yến

Hoa Ngõ Hạnh

Chỉ có 3 giờ đồng hổ đi từ phố cổ đến Cù lao Chàm. Rồi đây con tàu này sẽ đưa khách du lịch ra cù lao. Du lịch Hội An đâu chỉ là phố cổ…

Sau ba tiếng bồng bềnh giữa biển khơi, Cù lao Chàm đã hiển hiện ra xanh ngắt với 7 hòn đảo lớn nhỏ. Cù lao Chàm được nhiều thương gia châu Á và phương Tây biết đến từ hơn mười thế kỷ với nhiều tên gọi khác nhau. Có giả thuyết cho rằng Cù lao Chàm là nơi giam giữ tù binh của vương quốc Chămpa trước kia. Song, một số nhà nghiên cứu không đồng ý với giả thuyết này trên cơ sở Cù lao Chàm là đất thiêng của người Chăm nên không thể dùng làm “trại” tù binh được. Vừa qua khi san ủi mặt bằng để làm đường người ta phát hiện ra nhiều hiện vật Chăm tại Hòn Lao. Ở bãi Hương có một miếu thờ mà dân gian thường gọi là Miếu Thái Giám. Theo phỏng đoán của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân có thể đây là miếu thờ ông Trịnh Hòa- một quan thái giám của Trung Hoa được mệnh danh là Christoph Colomb của châu Á (!). Cũng theo một giả thuyết của ông Nguyễn Văn Xuân thì Cù lao Chàm đã từng là Hồng Kông… hụt. Sự việc có thể tóm tắt như sau: Năm 1793 ba chiến hạm lớn của Đặc sứ đặc mệnh toàn quyền Anh Macarthay bỏ neo tại cảng Đà Nẵng trong vòng một tháng. Phái bộ Anh đã cử đoàn đi khảo sát Cù lao Chàm và có tường trình kỹ về đảo này. Năm 1804, đại diện cao cấp của công ty Anh quốc đóng tại Quảng Châu-ông Robert được phái sang thương thuyết với vua Gia Long nhưng thất bại. Mãi đến năm 1821, đặc phái viên John Crawfurd lại được cử sang Huế để thương thuyết với vua Minh Mạng nhưng cũng bị từ chối. Ba lần thương thuyết không thành công. Mục đích của người Anh là xây dựng một căn cứ để dễ bề tiếp xúc với Quảng Châu và các quốc gia khác. Đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra (1839-1842) và kết thúc là hiệp ước Nam Kinh đã giúp người Anh có được Hồng Kông.

Như vậy, giả thuyết nếu triều đình Nguyễn chấp nhận sự thương thuyết của người Anh thì lịch sử đã có một dòng chảy khác và Cù lao Chàm đã có một số mệnh khác. Nói như vậy để thấy rằng Cù lao Chàm có một vị trí quan trọng đặc biệt. Nằm ở một vị thế hiểm trở, từ lâu Cù lao Chàm đã là vương quốc của loài chim Yến. Chim yến bay đến làm tổ và sinh sôi nảy nở trong nhiều hang đá cheo leo. Nghề khai thác yến sào cũng đã có từ lâu đời. Sách “Phủ biên tạp lục” có ghi:

“Xã Trung Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Qủang Nam có nghề yến sào…”.

Yến sào ngày xưa là một trong 16 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hội An, giá trị của nó chỉ sau sừng tê giác. Tương truyền về nghề yến ở Cù lao Chàm như sau: Vợ chồng ông Trần Công Tiến đi câu bị bão đánh dạt ra đảo. Bị kẹt lại nhiều ngày, hết lương thực ông bèn bứt lấy tổ yến để ăn. Ăn xong thấy người khỏe hẳn ra. Sau khi thoát nạn ông đã tổ chức khai thác loại sản vật quý hiếm này.

Truyền thuyết kể như thế nhưng đội khai thác yến đầu tiên mới được thành lập vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long do ông Hồ Văn Hòa làm quan chuyên quản. Ông này sau được triều Nguyễn sắc phong “Quản linh tam tỉnh yến hộ”. Hiện ở bãi Hương có miếu thờ ông Hồ Văn Hòa và lễ tổ nghề yến diễn ra hàng năm vào ngày 7 tháng 3. Theo anh Đinh Hồng Sơn- khai thác yến Cù lao Chàm- yến ở đây gồm có 4 loại: “Quang- thiên-bài- địa”. Yến làm tổ chủ yếu ở các hang: hang Khô, hang Tai, hang Tò Vò, hang Cả và hang Trăn. Trong đó hang Khô là hang lớn nhất.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button