Chuyện trò với Phan Nhật Nam

Lệ Hằng

Ðiều bất ngờ rình chờ ở đâu đó, thỉnh thoảng lại chụp xuống cho người. Những kẻ may mắn có đời bình an ổn định, bất ngờ kia gây nên kỳ thú; riêng người cầm bút, căn cốt tận lòng thèm muốn mới lạ, phiêu lưu, và hiện thực nên từng ngày với đời sống ào ào sóng gió. Họ đi trước đời thường, tiên tri, nghi hoặc; họ lầm lũi phía sau, sục sạo dĩ vãng với vô vàn biến cố nguy nan như trí tưởng tượng riêng tư đầy bất trắc.

Phan Nhật Nam và Lệ Hằng là hai người bạn văn; họ quen biết, thân thiết từ ngày dưới mái trường trung học. Ðời họ chia làm hai phần, những ban thưởng và những trừng phạt, ngọn roi đời bao phen quấn siết không thương tình, những biến cố kinh hoàng nhận chìm họ xuống… Hai kẻ viết văn tưởng chừng như đã có lần không chịu đựng nổi. Quả thực, không thể nào chịu nổi. Sau những đổi thay, đảo lộn thấm sâu ấn tượng và bàng hoàng trí nhớ… Hai người ấy cuối cùng đã gặp nhau trong cảnh huống kỳ lạ, rất đỗi xót xa. Không còn biên giới giữa hai người bạn. Không cách biệt của hai giới tính. Bởi, hai người bạn ấy có chung một NỖI ÐAU.

Lệ Hằng (LH)– Chào nhà văn, người bay lượn tung trời, mấy nghìn miles, vòng lên, vèo xuống khắp nước Mỹ, cuối cùng chạy trời không khỏi nắng, đến đất Úc để phe ta ở đây bắt tôi bày cuộc phỏng vấn gay cấn này. Hai mươi năm… Chúa ơi ! Bằng cả một đời con gái. Mới nghe thì tưởng là điều tự nhiên, nhưng hãy nghĩ lại… Hai mươi năm động trời khủng khiếp. Nhưng thôi, anh có vài lời với người đọc Châu Úc đi; bạn văn, bạn lính, bạn tù, kể cả bạn giang hồ của anh ở đây chắc cũng không ít hơn bên Mỹ; là đàn bà mà tôi nghe các ông ấy đồn đã từ lâu… Từ ngày anh ra tù, nhất là năm ngoái, khi có cái chuyện trời ơi gì bên ấy.

Phan Nhật Nam (PNN)– Tại sao lại không nói liền với bạn đọc về hai người cầm bút; chứ đừng bằng cách thưa gởi khách sáo… “ Chúng tôi xin thân ái chào quý vị độc gia … Chúng tôi rất cảm động được hầu chuyện cùng quý vị… Chúng tôi đền đáp tấm thịnh tình… Thỉnh thoảng lại cười cười… Xin quý vị cho tràng pháo tay !!”… Cứ như kép hát đang trên sân khấu Ðại Nhạc Hội. Tôi không quen vụ này, xin cho thông qua. Hỏi đi bạn nhỏ ơi.

LH– Rất đồng ý với anh.- Mười bốn năm tù đầy lăng nhục, khốn khổ của hai mươi năm nước mất nhà tan không làm tôi quên được… Vẫn nhớ như in, chính xác cảnh đau thắt của những ngày cuối tháng Tư, 75. Hôm tán loạn đó, nghe cô bàn chuyện đổi tiền, tìm đường di tản. Chuyện ấy mà thành, không biết giờ này cô đã ra sao ? Nói cho cô biết, tôi còn nhớ nhiều hơn nữa, những điều cô không ngờ. Cô nhớ lần chạm trán thứ nhất của hai kẻ viết văn sau đoạn thời gian thuở nhỏ, Phan Châu Trinh, Ðà Nẵng.- Tù đầy, đói khổ vẫn không bào mòn trái tim ông chứ, tôi hơi lo đấy, nhưng chuyện đó tính sau. Hãy nói về ông, về cuốn sách. Hôm ấy là lần trình làng chính thức MÙA HÈ ÐỎ LỬA.

PNN – Hay quá, sao lúc này cô khiêm tốn, dịu dàng, biết nhường nhịn cho người như thế; ngày xưa chỉ cứ nhìn đâu lên trời. Từ trời xuống đến là ta thôi…

LH– Ngày còn bé ai chẳng thế. Anh tiếp phần mình đi …

PNN– Vâng, phải nói rõ cho người đọc bây giờ được hiểu… Hôm đó, Nhà Hiện Ðại tổ chức ra mắt ba cuốn, THUNG LŨNG TÌNH YÊU, TÓC MÂY của Lệ Hằng và MÙA HÈ ÐỎ LỬA của Phan Nhật Nam. Tôi chẳng thể nào quên những buổi vui ấy; ngày đó cô nhỏ xíu mà cũng bày đặt khóc, cười, viết văn, làm báo… Sách cô toàn ô mai, xíu muội, bánh kẹo, tình thơ, ngày thơ… Sách tôi máu lửa, xác người; trang giấy khét lẹt thuốc súng. Tóm lại, không đồng dạng tí nào; vậy mà cô với tôi cùng chia chung chai sâm-banh, cắt chung một bánh ngọt hai tầng.

LH– Còn nữa chứ, cả ba cuốn sách đều do Ðằng Giao trình bầy, nhà xuất bản Hiện Ðại của Nguyễn Văn Thành lo phổ biến, quảng cáo, phát hành. Anh Thành và Hiện Ðại là bệ phóng khởi đầu rất hào phóng và dễ thương đối với người viết. 

PNN– Chỉ dễ thương thôi sao, anh ấy là gã tỉ phú đi chân đất, hàng đầu mã thượng, đúng nghĩa bằng hữu giang hồ. Cô có qua Mỹ, anh em ta, nghĩa là cả anh Thành, cô Huệ…Mình bày lại gánh hát 44/ 5 Công Lý… ưng đối với cô cái gì chẳng dễ thương, đất trời dễ thương, đàn ông dễ thương… Ðời nó hành cho tả ra như thế chưa đủ ngán sao ? 

LH– Chuyện đó hạ hồi phân giải. Ðáng nói ra, thuở xưa, chẳng ai nghĩ anh sẽ thành tay viết văn. Anh biếng học, ham chơi, ham đóng kịch… Anh biết mọi thứ trên đời; khổ thay cái đáng biết thì lại không; cái chuyện cơm áo gạo tiền, công danh chức phận. Những điều này anh mù tịt, làm sai be bét. Nhỏ Khanh, em anh, hai đứa cùng lớp, cùng tuổi; hôm hai đứa nhòm lên sân khấu xem anh đóng kịch cùng Nguyễn Bá Trạc, mặt mày vẽ than, làm trò, nhẩy múa… Cả hai chúi vào nhau, cười đau cả bụng. Rồi đến đêm kịch Bỏ Trường Mà Ði”, chẳng nhớ vở kịch đầu đuôi ra làm sao, chỉ biết có nhiều đoạn cảm động làm bọn con gái khóc thút thít, mùi soa chuyền tay nhau tới tấp… Nhưng thật ra, cả trường đều nức lên chứ chẳng phải riêng bọn này. Dân Phan Châu Trinh lúc đó đồn ầm … Phan Nhật Nam đóng kịch giống hệt James Dean !! Kể cũng may, có lẽ nhờ mẹ anh với nhỏ Khanh ăn ở hiền lành, nên dẫu qua vở kịch đầu đời tiền định, mặt anh lầm lì, tan nát như James Dean mà anh vẫn sống được đến ngày nầy …

PNN– Cô nhắc đến đêm kịch ở Ðà Nẵng… Trời đất ơi, sân trường ngày đó còn ngập đầy cát. Phải cát biển không nhỉ ? Tôi không nhớ rõ, nhưng Ðà Nẵng tuổi nhỏ của cô và tôi thì dày dặt cả một rừng dương. Rừng dương phía biển Thanh Bình mà ba mươi năm, bốn mươi năm sau vẫn phân biệt từng âm tiếng rì rào khi gió chuyển qua tàng lá… Chắc cô cũng thế thôi, đời đời cũng không quên nổi. Biết đâu cái mầm chủng tử văn chương của chúng ta đã được nẩy sinh từ những ngày thơ dại đó. Nhà cô ở phía Thanh Bồ, sát mé biển hẳn nặng dấu ấn hơn cả tôi. Coi chừng lại phát khóc chứ chẳng chơi. Vở kịch đêm đó đúng tên là “BỎ TRƯỜNG MÀ ÐI…ÐI XUỐNG CUỘC ÐỜI.” Kịch do Ðỗ Toàn viết chung với Võ Ý, cả hai sau này đều đi Không Quân. Ðỗ Toàn, Ðại Úy lái A 37, chết đúng ngày, đúng giờ ký kết “HIỆP ÐỊNH TÁI LẬP HÒA BÌNH TẠI VIỆT NAM”. Cũng tháng Giêng này hai mươi ba năm trước. Vở kịch như một điềm báo hiệu về định mệnh của mỗi người. Gặp cô lại hôm nay cũng là điều định mệnh. Con người cứ thế tự nhiên sống và chết thôi.

LH– Không phải “đi xuống” đâu, đúng ra phải nói ông bị “đá xuống cuộc đời”. Ðời và sự ác, chúng hè nhau đá nát bấy người ông mấy phen chí mạng, như chỉ mành treo chuông. Ðúng không ? Thôi, bắt đầu từ đây, anh hãy nói tí ti về cuộc đời, sự nghiệp văn chương, ái tình nhớn, ái tình bé … Ðể người đọc có dịp chia sẻ vui buồn cùng ông 

PNN– Ông nhà văn !!- Ghê chưa, nói cho cô biết, từ nhỏ đến giờ, tôi chỉ quen truy lùng người ta, chưa hề bị ai hỏi cung, vặn vẹo đến mức tinh quái như thế này. Phải chăng, ỉ thế cùng môn phái nên bày trò khống chế, áp bức nhau !? 

LH– Chưa bao nhiêu đâu, anh còn bị dài dài. Thôi, mời ông tự khai làm Lý Lịch Trích Ngang, mười mấy năm đi tù, khai báo, tự kiểm chai cả tay rồi, chơi khó nhau làm chi anh Hai ?

PNN– Thì đây, chẳng việc gì cần phải dấu, mà cô còn lạ gì mặt tôi, sao cô không giúp tôi, nói luôn với Bạn Ðọc cho tiện. 

LH– Tôi nói hộ sẽ bị nghi ngờ (… cười); với lại người ta ái mộ anh cơ mà. 

PNN– Trình với bà…Thế này nhá, tôi tên thật Phan Ngọc Khuê. (Biết đâu mang cái tên hiền lành này, đời bớt phần khốn nạn…), sinh ngày 9 tháng 9, 1943, chánh quán thôn Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị. Chẳng biết lúc nào, tại sao, tên tuổi bổng nhiên thành Phan Nhật Nam, sinh ngày 28, tháng 12, 1942, làng Phú Cát, Thừa Thiên. Tóm lại, ngay từ đầu đã có gì bất thường, không thật. 

LH– Ðời anh nó đã thế, gắng mà chịu, kêu ca nỗi gì nữa. 

PNN– Thì tâm sự đôi điều với người đọc, cần gì kêu ca với ai. Từ cái “Phan Nhật Nam” dần hiểu ra, đời nó sẵn bày trò chơi nghiệt. 

LH– Nói rõ ra đi ông, gỏn lọn như vậy ai hiểu nổi. À nhớ ra rồi, đấy là cách lúc nhỏ ông đã làm một lần, lúc thi lục cá nguyệt, ông không làm bài được, biên đại đáp số vào với lý luận… Thầy là giáo sư thì phải biết chứ cần gì phải giải rõ ra từ A đến Z !! Ông chơi ngông như thế cả trường không ai không biết 

PNN– Cô có trí nhớ tốt đấy; nhưng vụ “Phan Nhật Nam” thì đáp số là thế này: “Phan Nhật Nam là phạm nhân nan hay phạn nan nhất, diễn nôm ra là : “Thằng Tù có thân phận nan giải nhất”. 

LH– Ðáng đời chưa, ai biểu kêu căng phách lối để đất trời ghét cho. 

PNN– Ta cũng không hề nhát gan, chấp nhận trận đánh thẳng mặt. Cũng như cái vụ đi lính Nhẩy Dù ấy mà … Ra trường đứng thứ 189 trên 191; như thế cũng chỉ là đậu chót thôi vì hai thằng cha cuối cùng kia được điểm … vớt. Nhưng dù đứng thứ 189 lại bắt được một chỗ thơm như…máy : Binh Chủng Truyền Tin. 

LH– Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Có lời mừng cho ngươi, chẳng phải khi nào cũng chỉ gặp điều khốn nạn… Phải không người bại trận ? 

PNN– Nhưng chính vì thế mới lộ ra điều… định mệnh !! 

LH– Anh học làm kép mùi từ lúc nào vậy ? 

PNN– Ðừng đùa trên khổ đau của “tha nhân”, thưa nhà văn… Nhà văn nữ hải ngoại !!

LH– Anh gọi như thế, tôi phóng đại anh thành “đại văn hào” cho biết tay. Nhưng thôi, đừng tố nhau nữa, ông nói rõ oan ưng về “cái gọi là định mệnh ấy đi”. 

PNN– Ðây nói rõ để “thông cảm nỗi lòng” : Ðược chỗ lính truyền tin bình yên kia như người khác thì mừng húm, về nhà bảo bu đi hỏi vợ, sinh con, đợi ngày lên quan lớn và tìm cách… tham nhũng !! Nếu phải chết chỉ do đút tay vào cầu chì bị điện giật thôi. Nhưng ở đây, tôi lại cạy cục xin xỏ thằng bạn cùng khóa, thằng cha này chọn được chổ nhẩy dù. Tôi nghiêm trọng chỉ cho hắn ta tương lai (rất bảo đảm) nằm thẳng cẳng “huy hoàng” trong xe tang hoặc vinh quang lên thiếu tá đi “xe jeep bọc nệm trắng”!! Anh cu sau phút hăng tiết đầu tiên đâm ra lạnh cẳng, thế là chịu hoán đổi cho tôi chỗ nhảy dù. Hôm ra mắt sách ở Atlanta, Georgia hồi tháng 7 vừa qua, gặp lại, anh chàng cảm động khóc nức lên trước đám đông với lời thống thiết. ”…Ông Nam nầy gánh hết tai họa đời lính, đoạn trường tù đày 32 năm từ ngày ra trường cho tôi … Hắn ta tên Trần Tử Duy, người Nha Trang. 

LH– Ðúng là “phúc cho kẻ nào không thấy mà … ham”, ông Duy kia và anh. Ðôi bên đều có lợi, phải không nào ?

PNN– Hắn ta đi du học Mỹ, đậu kỹ sư điện tử, nói như thế nghe xuôi, chứ tôi thì được cái gì, dăm cuốn sách và lon đại úy nhiệm chức, tức cũng chỉ là trung úy thôi, trung úy thực thục, bởi nhà binh không có trung úy tạm thời, nhiệm chức. Ðại uý nhiệm chức-Trung úy thực thụ, mười hai năm kể từ ngày ra trường, nghĩa là lên được…một lon rưỡi !! Cám ơn nhà binh. Sang thật !! Cũng may, vi-xi nó vào sớm, muộn một chút nữa, biết đâu chỉ còn khoảng trung sĩ, thượng sĩ. 

LH– Không phải người lính nào cũng là chiến sĩ đúng nghĩa. Nhìn lại đời, anh không thẹn với những bông Hoa Mai của anh là được rồi. Hơn nữa, đời lính đã giúp anh tạo nên một sự nghiệp khác…Gì cũng là nhà văn chứ bộ, nhà văn trẻ đang lên của quân đội … Danh xưng nghe khiếp quá.

PNN – Ai truyền cho cô cái tước kinh hoàng ấyđấy !!?

LH – Ông Chiêu, Nguyên Vũ chứ còn ai vào đây nữa, nhưng đâu phải mỉa mai, xiên xỏ gì anh.- Có lý do cả đấy, vì ông ta là người lancer Dấu Binh Lửa, chẳng lẽ lại tự thú mình đã in một cuốn sách tầm phào ?!- Ðừng làm bộ khiêm tốn để tôi phải ca anh, không hẳn chỉ có Nguyên Vũ đâu, mà Ðỗ Quý Toàn đã giới thiệu nồng nhiệt, cảm động trên Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật ở Ti-vi Sài Gòn và ông Võ Phiến dành cho một địa vị đáng kể trong Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam và Ký, Bút, Kịch Miền Nam …

PNN – Ðương nhiên Dấu Binh Lửa có giá trị riêng của nó. Cuốn sách đầu tay cũng là giòng chữ đầu đời, đọc lại thấy thương vô cùng.

Thôi gấp sách lại lòng nhủ thầm
Ai qua sống sót kẻ hành nhân
Chỉ chiếc bóng ta trên đường vắng
Vạn dặm dậy mờ hơi sương dâng

Ðó cũng là lý do thúc đẩy tôi quyết định sửa chữa và tái bản Dấu Binh Lửa đầu tiên ở hải ngoại trong mùa hè vừa qua. 

LH– Ơ hay ông thành … “nhà thơ” bao giờ thế nhỉ ?! 

PNN– Không phải một sớm một chiều đâu cô ơi, bởi “thi tất cùng nhi hậu công”; ông Tô Thùy Yên nếu không đi tù thì chưa chắc đã thấm hiểu…

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe động từ tâm lượng đất trời

Và Ðỗ Phủ ngày xưa khó mà viết được Bành Nha Hành, Vô Gia Biệt nếu không nhiều phen sống dở, chết dở, khổ đau, khắc khoải..

LH– Thế là anh đã … “nhất trí” cùng với Phùng Quán,

Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.

PNN – Chẳng phải nhất trí, mà tôi còn hiện thực tình cảnh “ dùng dao viết thơ trên đá”, ở đây tôi không có đến con dao, mà phải trở ngược cái cán chiếc thìa để vạch lên tấm bệ nằm….May là chiếc thìa inoxidable của Mỹ nên “viết” bao nhiêu cũng không …mòn. Cái thìa nầy dùng để khuấy sữa cho thằng bé con, ngày đi tù tôi mang theo, đến bây giờ vẫn còn. Lẽ tất nhiên chỉ viết tắt các đề mục để có thể nhắc, nhớ lại…Mỗi ngày “làm thơ” một bận…Cứ như tập thể dục vậy…Luôn cả lúc thức giấc, chẳng biết đêm hay ngày vì khi nào cũng mờ mờ nhân ảnh… Ngày mới qua Mỹ, ở Tòa Soạn Người Việt, tôi đã nói với các ông, bà phe ta … Ðược làm thi sĩ là nhận một ân huệ lớn … Tôi không nói quá đâu. 

LH– Nhưng nếu không làm thơ được thì sao ?

PNN– Thì sống dở, chết dở, sống không ra dạng người, chết không yên nấm mồ. Bỏ cuộc cũng là cách chịu khổ. Nhưng rồi tất cả chỉ vô ích thôi, không giải quyết được gì cả. Nhưng chính trong cơn hấp hối kinh hoàng kia, phe ta vẫn lời lớn !! 

LH– Khổ đau là ngọn lửa luyện kim, chẳng lẽ lại không xóa được biên giới tạm bợ, không thực giữa phe ta, phe nó hở nhà văn ? Anh đã từng dựa lưng nỗi chết, chênh vênh bên bờ vực, thách thức với cả đao thủ phủ của anh, chẳng lẽ anh lại không dám nhảy một cái quyết định để đưa anh thành một nhà văn lớn thuần thành và đúng nghĩa – Người không bị quẩn chân, vướng cẳng với những chuyện thời sự tẹp nhẹp, bình thường đáng sợ của mỗi ngày chung quanh ?! 

PNN– Cô nói cũng phải, nhưng thù hận, thống khổ cũng phải được tôi luyện và hóa giải đi, nếu không, nó trở nên thành cái nghiệt cho chính cá nhân mình hoặc rộng lớn hơn cho cả dân tộc. Tuy nhiên, cũng tùy cách giải quyết, tùy phản ứng từng lúc. Có thể nặng ngàn cân tưởng như núi đè chặt người xuống, tình cảnh những năm đầu tiên của giai đoạn kiên giam lần thứ hai, 80, 81, 82… Nhưng rồi sau quen dần và trạng thái huyền nhiệm có thật xẩy ra…Thời gian, không gian như được lọc sạch, nhẹ tênh. Những đêm mùa đông, từ phòng giam Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, sát biên giới Lào – Việt nhìn ra… Màu trăng, dáng núi, giây khắc cùng hòa vào nhau trong nguồn biền biệt toàn khối bất hoại, hiện thực nên dòng tâm cảnh kỳ diệu, cảm động …

Chỉ còn Chúa KY-TÔ
Ðể cùng tôi nói với
Chúa căng thân Thánh Giá
Tôi ngậm khổ từng giờ…

LH – Ðấy phải chăng là nguyên do để người ở Mỹ cáo buộc anh tội kiêu ngạo Phạm Thánh, đặt mình ngang hàng với Ðức KY-TÔ ? 

PNN– Tôi lại nghĩ đấy là những lời ca ngợi xứng đáng và mỹ lệ của một kẻ ngoại đạo dâng lên Con Thiên Chúa – Con Người Khổ Ðau Jesus Nazareth. Do được thực chứng 

LH– Người chỉ tiến vào nước Trời qua khung cửa hẹp, hòa nhập cùng Thiên Chúa từ khổ đau, với khổ đau. – Ngoài những suy tư huyền nhiệm Thần Học đó, anh làm gì với bảy năm tám tháng trong hầm kiên giam?

PNN– Cô nghĩ tôi có thể làm gì khác ngoài việc vận động những CHỮ trong đầu… Nguyễn Mạnh Côn khi còn ở Trại Z30D, Hàm Tân đã từng nói : “Thay vì viết “HÒA BÌNH, NGHĨ GÌ, LÀM GÌ…nên sửa lại Ở TÙ, NGHĨ GÌ, LÀM GÌ ?!!”. Và tôi nghĩ, cũng trong giòng so sánh này, chẳng phải riêng mình Nguyễn Mạnh Côn mà số đông người Miền Nam cũng đã không chuẩn bị đủ cho tình hình tồi tệ sau “hòa bình 73” ; lại càng thảng thốt phũ phàng với “hòa bình thống nhất 75.” Kẻ sĩ, người có học, có lòng là những nạn nhân đầu tiên không đường cứu thoát. Nguyễn Mạnh Côn là điển hình về nỗi “thất bại tuyệt vọng” cực độ bi thảm này. Cái chết cũng hoàn toàn vô ích.- Nhưng anh vẫn còn sống đấy ?- Tôi có cách tự cứu riêng. Bí kíp sống còn ở trên bàn tay ấy …

Tôi là kẻ chỉ quen viết văn
Nhưng giấy bút đã bị người lấy mất
Ðêm đen thăm thẳm lạnh căm
Làm THƠ trên mười ngón tay tính nhẫm …

Cứ thế mà qua mười bốn năm với tình cảnh chết người như thế này …

Bước đằng trước ba bước
Bước đằng sau ba bước
Ngang dọc hai mươi mốt gang
Căn phòng chìm ảm đạm
Ta là ai họ Phan ?
Người Nam giam đất Bắc
Ðôi lúc chợt bàng hoàng
Phải chăng năm thứ tám … ?!!

LH– Năm thứ tám là như thế, bây giờ năm hai mươi mốt, anh còn gì lo lắng, trăn trở như thuở ấy không ? 

PN– Chỉ mong đừng bị cáo buộc, yêu cầu này nọ … 

LH– Dựa vào những tiêu chuẩn nào để đòi hỏi, cáo buộc một người – Ở đây là một “người lính- viết- văn-bị cầm tù”? Nhân danh ai và ai có thẩm quyền ? Phải chăng anh muốn nói : “Những người kia không muốn anh “được quyền trưởng thành trong khổ đau của chính mình” như ngày xưa anh đã kinh qua gian khổ lửa đạn hay sao ?” 

PNN– Cô cứ đọc trên sách, nhất là báo ở Mỹ thì rõ. Tại Úc này, hy vọng tình thế khác hơn. Ở đây, các bạn trẻ làm báo có nhiều nỗ lực rất đáng quý. Họ có cách thức của các ông ÐNgYn, TrDT, VnLh, AhQn… Những người làm báo chuyên nghiệp của Sài Gòn thuở xưa. Tôi muốn nói đến nhật báo, lãnh vực ngày trước của tôi, hôm nay của cô. Ở Mỹ, số lượng, phẩm chất báo đúng định nghĩa, đếm không quá bàn tay; chỉ riêng vùng Orange county có hơn hai trăm hội đoàn, số lượng báo cũng phải sấp sỉ như “nhu cầu hội đoàn” này. Tôi có cảm giác những người làm văn, làm báo ở đấy đang phải chịu đựng một áp lực tồi tệ… Lực trấn áp cấu thành do “công tác phối hợp nghệ thuật” giữa Bộ Thông Tin Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa (Tưởng như đang còn tồn tại ở Mỹ với những giới chức không hề quen việc và cực độ khắc nghiệt) và Phòng Phản Gián Ðặc Trách Văn Nghệ Sĩ PA 15 của Việt Cộng. Sau 30 tháng 4, 75 cô có đi học cái lớp “bồi dưỡng chính trị” hẳn đã nếm mùi PA 15 của phe thắng trận nó vô luân và phi nhân như thế nào. Còn ngoài nầy, đáng lẽ đã ở Mỹ lâu, những người “làm báo, viết văn, làm chính trị…” kia không nên lập lại những trò kiệt cùng, nghiệt ngã tầm phào ấy. Cái trò mà tôi không muốn gọi ra tên…Nếu ở trong nước tranh Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội bị Trường Chinh phê bình “… thiếu sinh hoạt xã hội chũ nghĩa…”; thì ở Mỹ có cáo buộc khi viết “Người Lính Việt Nam là một nhiệm mầu…” tôi là…cộng sản nằm vùng, vì thiếu chữ “cộng hoà”( mà phải là cộng hoà viết hoa, chữ romain mới được). Cũng một phần những ông “tổ sư chống cộng” nầy không đọc…sách và nghe nhạc bao giờ. Bởi lẽ, đấy là chương cuối của “ Mùa Hè Ðỏ Lửa”, và bài hát Phạm Duy cũng phải nên sửa lại…Cộng hoà, cộng hoà…Cô nhớ khi viết văn!!

LH – Thì cũng có lằn ranh an toàn kiểu “vệ sinh công cộng chứ” ; chẳng lẽ cả một nền văn học, văn nghệ, báo chí hải ngoại sau hai mươi năm thử thách khổ nạn chỉ sản xuất rặc loại văn hóa Take Away hay Food to Go ? 

PNN– Chẳng những chỉ “to go” mà không biết đến cả “Go Về Ðâu”. Tôi lại có thêm một ý nghĩ, chỉ một đoạn di tản dọc Tỉnh Lộ 7 từ ngày 15 tháng 3, 1975, đoạn đường Pleiku về Tuy Hòa qua sông Ba… Chỉ khúc sông này thôi cũng đủ cuốn trôi toàn thể những gì của khối lượng văn chương, thi ca Miền Nam trước ngày mất Ban Mê Thuộc, bỏ Tây Nguyên. Ðấy là tình trạng của trước 1975. Nay sau hai mươi năm ở hải ngoại… Cô cứ kể ra đi ?! Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng nơi Biên Khảo, Tạp Chí Văn Học, bởi người đi từ Miền Nam vốn thủ đắc được cái ở phía Bắc không có – Tự do tư tưởng và rộng rãi kiến văn.

LH – Công bằng một chút đi anh, giòng cuốn ấy cũng phải xóa luôn cái gọi là “văn chương giải phóng, hiện thực xã hội chủ nghĩa” ở Miền Bắc, cũng như của những tay “thợ viết” thuộc Cục R, Miền Nam.

PNN– Lẽ tất nhiên, nhưng tại vì cô đang đề cập đến văn học, văn hóa hải ngoại với những người viết phát xuất từ Miền Nam như cô và tôi ; nên từ một phản ứng đã thành thói quen, tôi mới nhắc đến một cội nguồn, so sánh việc và người của, giữa chúng ta. Ở đây tôi nêu rõ một thí dụ, hai mươi năm sau ngày 30 tháng Tư, người ta vẫn muốn và tiếp tục làm sống lại “người và việc” chung quanh người lính VNCH (Như trước 1975 – Coi như không có một chút nhỏ thay đổi.) Nhưng thực tế đau đớn của Miền Nam, của quân lực VNCH đã chứng nhận rằng : “Người Lính đó đã bị bức tử từ cao nguyên, nơi cầu tàu Ðà Nẵng, trên bến phà Thuận An, Huế… Người lính đó đã bị đặt vào tình trạng bi phẫn “tự lột truồng” ngay buổi sáng 30 tháng Tư.” Cao Xuân Huy, Hà Thúc Sinh và rất nhiều người đã kể lại rõ, đủ, chính xác cuộc bức tử gớm ghê này. Nếu người lính ấy (trong đó có tôi), còn tồn tại hay chăng… Thì cũng chỉ hiện hữu với trái tim hóa đá bi thảm của chính họ. Nhưng văn học, văn nghệ hải ngoại hình như vẫn muốn phục sinh loại hình “ngộ nhận thê thảm” này bằng cách gán cho người lính những “tính lịch sử, tính xã hội”; những ngôn ngữ, cảnh sống họ không hề thực hiện kiểu “anh tiền tuyến, em hậu phương” của Sài Gòn trước 1975, hoặc những món ăn tâm lý, siêu hình nhẫn tâm vô dụng, bất khả thi… Trên chiều hướng này, văn học hải ngoại mà tôi dự phần trong hai năm qua đã và đang đặt nên những vấn đề “giả” với những nhân vật, sự kiện tiểu thuyết hiện thực hai tình trạng quá độ : Những nhân vật lịch sử được canh tân hóa qua ngôn ngữ hiện đại để giải quyết những vấn đề không hề cần thiết đối với sinh mệnh hiểm nghèo của dân tộc. Hoặc những người Việt được “Mỹ hóa” ở những khía cạnh tầm phào, những sinh hoạt bọt bèo, những phản ứng quảng cáo… Tất cả bày nên một bức tranh tuyệt vọng, cũng không hề có hy vọng phục hồi, bồi dưỡng tính chất Việt Nam đang trôi tuột sau hơn hai mươi năm nơi đất Mỹ cạn kiệt ngặt nghèo. Ở Trại Tỵ Nạn khắp vùng Ðông Nam Á vẫn đầy ắp hằng vạn thuyền nhân Việt Nam. Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại cũng như đa số các dân tộc trên thế giới hầu như đã khô kiệt tình thương. Văn Học Hải Ngoại cũng rơi vào cách bất lực thảm hại này. Cảnh khổ đã ở vào tình trạng bão hòa, kín đọng. Con người bất tác động bởi lực Nhân Ái và im lặng cùng sự Ác. Người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cầm quyền được do từ điểm chí tử oan nghiệt này. Người trong nước cũng thế thôi. 

LH– Hình như anh vẫn còn bị kẹt trong cái bẫy sập của lưỡng cực mà quân- dân ; thắng- bại ; họ- ta là những thí dụ điển hình. Qua sách đã viết, anh làm người ta liên tưởng đến E. Maria Remarque với Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh. Nhưng anh hãy chú ý, Remarque chỉ cho người đọc thấy NGƯỜI LÍNH chứ không quan tâm mấy đến phân biệt người lính Ðức, người lính Pháp ; thế nên cuốn sách mỏng đó đã đưa Remarque lên đài bất tử của văn học thế giới. Rồi Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du, cũng chỉ mấy trăm câu mà đủ cho nỗi đau của tất cả kiếp người. Nào có phân biệt gì đâu ?!! Giả sử trong trận Waterloo, có một trong số bảy mươi hai ngàn quân thiện chiến của Napoléon được sống sót. Kẻ sống sót ấy chắc hẳn sẽ viết mấy ngàn trang cho đủ? Anh là kẻ sống sót sau cuộc chiến lâu dài, lớn lao gấp bội…

PNN– Cô lên lớp anh cô quá thể !! Ðau nhưng đúng quá. Tôi cũng biết, nếu không vượt lên trên, làm khác đi thì văn chương cũng chỉ là chuyện vụn vặt, thường tình, cho nên mấy mươi năm, tôi vẫn cố gắng là “nhà văn đang lên” như lời cô nhắc hồi nãy ; nhưng dù sao cô cũng đừng quên, anh cô luôn là người lính với cái ba-lô chèn nặng những khổ đau. 

LH– Những khổ đau, uất ức đó có làm cho anh trở thành “anh hùng” không ? Thiết nghĩ bản chất người lính là tuân lệnh, như Tôn Hành Giả đội vòng kim cô trên đầu… Biết thua nhưng lệnh tiến vẫn phải tiến ; biết thắng nhưng lệnh bảo rút thì vẫn lui… Vậy cái gì làm nên anh hùng ? Như trường hợp lính của viên trung úy Caley, sư đoàn America Mỹ ; lệnh vào Mỹ Lai (Quảng Ngãi) bắn phải đàn ba , trẻ em … Lính Việt Cộng giết người dân vô tội ở Huế, Tết Mậu Thân 1968 – Giết theo lệnh  – Lệnh từ những kẻ không hề bóp cò, cầm súng. Chính anh là người trả lời vấn nạn thảm khốc này : Anh hùng chỗ nào ? Ở đâu ? Chiến tranh thời nào cũng tàn độc, kẻ cầm súng tham chiến – Người Lính chỉ là nạn nhân. Chính kẻ khai chiến mới thật xứng đáng nhận lời kết án từ người viết văn – Người Viết Văn ca ngợi Tính Thiện bởi Lòng Thành – Bảo vệ, chiến đấu giữ gìn Sự Thật, và Phẩm Giá Con Người. Từ trước tới nay, anh chỉ ca ngợi Người Lính ; anh mới làm được nửa công việc. Phải xét đúng, đủ về kẻ khởi chiến, gây cuộc đau thương, để thế hệ sau không rơi vào nhầm lẫn của chúng ta. Ðiều này là sứ mệnh Người Lính Viết Văn như anh…

PNN– Tôi nghĩ câu hỏi này đã được trả lời khá đủ qua truyện ngắn Hai Người Lính…Sau Một Lần trong Những Chuyện Cần Ðược Kể Lại. Vấn đề đúng quá nặng nề. Như một cuộc tra tấn. Tôi cũng không ham gì cực hình này.

LH– Nhưng ít nhất anh cũng còn ham một chút gì chứ… Tình yêu chẳng hạn, tiền của chẳng hạn ?? 

PNN– Thôi, xin cô tha…Cô cho “qua”… Qua đây khốn khổ nguy biến quá nhiều. Quá đủ.

LH
– Cám ơn nhà văn. Người đọc sẽ tìm ra những điều anh muốn nói, chưa nói kịp, nói đủ, trước khi đi tù qua những cuốn mới xuất bản gần đây.

 

Hai anh em tôi gởi “ôn”, Vn Gi, Australia.
Tháng 1, 1996.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button