chỉ một mùa xuân

truyện ngắn Trần Trung Ðạo

Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ nằm dọc theo một nhánh sông của sông Thu Bồn. Làng tôi có cái tên gọi dễ thương là làng Châu Hiệp theo nghĩa trong câu “Châu về hợp phố” nhưng mọi người thường biết dưới một tên khác quen thuộc hơn là làng Mã Châu. Sở dĩ làng được nhiều người biết đến vì nơi nầy nổi tiếng về nghề ươm tơ dệt lụa.

Làng tôi không lớn lắm, chỉ chừng vài cây số vuông, chạy dài từ giếng Tứ Trụ đến Chùa Ba Phong. Theo nhà thơ Trung Nhân, thì dù cùng uống nước chung một giếng nhưng dân ở bên nầy đường nói giọng khác dân ở bên kia đường. Tôi vẫn dặn lòng mai nầy có dịp trở về sẽ tìm cách kiểm nghiệm lời anh Trung Nhân kể. Tuổi thơ của tôi gắn liền với màu áo lam hiền hòa của Gia Đình Phật Tử, với những bài hát dễ thương, những cái gút, những tiếng còi, tiếng ve, những trò chơi lớn, những đêm lửa trại và cả tiếng chuông chiều, kinh tối của chùa Ba Phong, trung tâm sinh hoạt tinh thần cho cả làng.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử, cha tôi may một bộ đồ đoàn sinh gồm một chiếc áo lam và một quần ngắn có hai chiếc dây quàng tréo qua vai. Tính cha tôi hà tiện nên may phòng hờ khi tôi sẽ lớn hơn vẫn còn mặc được. Nhưng khổ nỗi ông lại quá lo xa nên bộ đồ đoàn sinh vừa rộng và cũng vừa dài trông chẳng khác gì mặc đồ người lớn. Nhất là cái quần. Quần ngắn mà trông chẳng khác gì quần dài. Trông thật chẳng giống ai. Tôi phản đối kịch liệt nhưng cũng biết đời nào ông ta chịu đem đi tiệm sửa ngắn lại. Và cứ thế, giống như bao nhiêu đứa bé khác trong làng, thời thơ ấu của chúng tôi được che mát dưới mái chùa Ba Phong của làng Mã Châu tơ lụa.

Nhưng mái chùa cũng chẳng che chở được bao lâu thì chiến tranh tràn đến. Làng Mã Châu không còn những ngày tháng thanh bình như trước. Những trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra. Tiếng súng đêm đêm đã vọng về từ bên phía kia sông. Trong làng đã có vài thanh niên chết trận. Màu hỏa châu soi bói và đe dọa đã thay thế cho ánh trăng vàng thân thương quen thuộc. Nhiều đơn vị lính Mỹ từ Đà Nẵng đã đổ lên và thỉnh thoảng dừng lại ở làng Mã Châu vài hôm. Sự hiện diện của người Mỹ, ít nhiều, đã làm xao động nếp sống bình thường của dân chúng trong làng. Họ thiện cảm với người Mỹ thì ít mà nghi ngờ thì nhiều. Điều đó chẳng có gì lạ, kinh nghiệm để lại từ suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam, chưa hề có một ngoại bang nào đến để thật sự giúp đỡ, khai hóa, nâng cao dân sinh, dân trí. Tất cả chỉ nhằm đồng hóa, nô lệ và bóc lột dân tộc tôi mà thôi. Nếu thực dân Pháp, trước đây, có xây một chiếc cầu, đắp một con lộ chẳng qua là để họ dễ dàng chuyển quân, để họ nhanh chóng trấn áp những cuộc nổi dậy của ông bà tôi. Nếu họ có xây một trường học cũng chỉ để gieo rắc ảnh hưởng thực dân vào tâm hồn Việt Nam. Nếu họ có mở ra những phong trào thể thao thể dục như giải “Đua xe đạp vòng Đông Dương”, giải “Quần vợt Đông Dương”, giải “Túc cầu Đông Dương” chẳng qua nhằm ru ngủ dân tộc Việt Nam, để ông bà tôi sống trên những hào quang giả tạo mà quên đi thân phận nô lệ của mình.

Trong gia đình Phật Tử chúng tôi, thì tôi và Hương là thân nhau nhất. Cô bé trạc tuổi tôi, cùng học một trường và cùng đi về chung một đường. Nói chung, ngoài khi ăn khi ngủ, chúng tôi chia xẻ nhau hết những thời gian còn lại. Chúng tôi đi chùa chung, học bài chung, tập hát chung. Hương thích nghe kể chuyện nhưng tôi cũng chỉ là một cậu bé thì biết chuyện gì mà kể. Cũng may tôi thuộc loại “cái miệng sinh ra trước cái đầu” nên bịa ra trăm thứ chuyện để làm vui lòng cô bạn nhỏ. Chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng Hương bao giờ vẫn chăm chú nghe một cách thích thú.

Ba tôi cũng dành cho Hương một tình thương chân thành như tình thương dành cho người con. Có cái gì ngon ông cũng để dành cho cô bé một phần. Hương không có cha nên thường dùng những lời khuyên nhủ và sự săn sóc của ba tôi như một niềm an ủi tinh thần tự nhiên và cần thiết. Có lần tôi hỏi Hương có phải cha cô ta đã chết thì Hương lại lắc đầu, quay đi và trả lời là không biết. Tôi hỏi dì Năm, mẹ Hương, thì dì Năm cũng không trả lời, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Tôi về nhà hỏi ba tôi thì ba tôi cũng không trả lời. Tôi cảm nhận ra có một chuyện gì đó không ổn về số phận của cha Hương nhưng vẫn không tìm đâu ra một lời giải đáp thỏa đáng. Còn tôi thì không có em gái nên bao nhiêu tình thương tôi chỉ dành cho Hương, một tình thương của tuổi thơ tự nhiên và thánh thiện.

Chiến tranh cũng đã hạn chế rất nhiều sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Không còn những đêm trăng sáng quây quần bên lửa hồng. Không còn những buổi đóng trại ở lại suốt hai ba ngày đêm. Đến những năm 1966, 1967 thì phần cuối của làng, trong đó có chùa Ba Phong, đã trở thành vùng tranh chấp. Chúng tôi vẫn đi chùa nhưng phải về nhà sớm hơn. Chúng tôi vẫn cấm trại vào những ngày lễ lớn nhưng trại thường bế mạc trước khi trời tối.

Một chủ nhật nọ chiến trận bùng nổ ác liệt. Cả đoàn chúng tôi, ngoại trừ các anh huynh trưởng, đều phải ở lại chùa đêm đó. Suốt đêm chúng tôi không ai dám ngủ, chỉ nằm sát dưới chánh điện, chờ cho trời sáng và ngưng tiếng súng để ra về. Có vài đoàn sinh sợ quá miệng không ngớt niệm hồng danh Đức Quan Thế Âm. Vài cu cậu khóc thét lên đòi mẹ. Khoảng nửa đêm thì một toán du kích Cộng Sản đột nhập vào chùa. Ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ trên bàn thờ Phật không sáng lắm nhưng cũng đủ để biết là có người đeo súng đi vào phía chánh điện. Toán du kích đi vào chùa từng người như những bóng ma trơi trong truyện kinh dị. Hai chị huynh trưởng biết có chuyện nên ngồi dậy và bước ra phía trước. Tôi không nghe hai chị nói gì với họ nhưng sau đó thì một chị bước về phía Hương và khẻ lay Hương dậy. Chị dắt Hương đi về phía người du kích lớn tuổi, có vẻ là người chỉ huy của toán. Người du kích già nầy để súng xuống và ngồi bên cạnh Hương. Ông ta đưa tay vuốt tóc cô bé một cách trìu mến. Họ nói chuyện với nhau chừng vài phút, sau đó, tôi nghe tiếng Hương khóc lớn. Thế là sự thắc mắc bấy lâu nay về số phận của cha Hương đã được giải tỏa. Một hồi sau người du kích già đứng dậy và lặng lẽ ra đi. Hương trở về chỗ ngủ.

Sáng hôm sau hai đứa chúng tôi trở về nhà nhưng Hương không còn vui vẻ, tươi tắn như hôm trước nữa. Cô bé dường như đang bâng khuâng, lo sợ một điều gì.

Khi tôi lên mười bốn tuổi thì Hương cũng đã mười ba. Chúng tôi đã từ giã trường tiểu học Xuyên Châu để cùng lên Trung Học Duy Xuyên vài năm trước đó. Tình bạn giữa chúng tôi mỗi ngày cũng lớn lên cùng năm tháng. Mối quan hệ tự nhiên, vô tư và thánh thiện của thời thơ ấu cũng bị thời gian làm mất dần đi ý nghĩa. Hương dưới mắt tôi không chỉ là một cô gái nhưng còn là một cô gái đẹp. Hương đẹp thật. Cô bé có đôi mắt thật tròn, mái tóc học trò đen lánh trong chiếc áo dài lụa màu trắng ngà. Những cái đụng chạm chân tay dù vô tình cũng đã bắt đầy gây cho tôi những cảm giác nhẹ nhàng êm ái. Chúng tôi vẫn đi chung nhau một đường mỗi ngày hai buổi nhưng đã biết phải đi xa xa nhau một chút. Chúng tôi vẫn thường ra bờ sông coi bà con đào hến nhưng cũng đã bắt đầu thấy ngượng ngùng khi gặp một người khác có cái nhìn tò mò soi bói. Giống như tôi, Hương cũng đã bắt đầu biết ước ao, mơ mộng, xây dựng tương lai bằng những tháp ngà. Và chúng tôi cũng ý thức rằng bên kia khu vườn thơ mộng của tâm hồn hai đứa tôi là một bầu trời đầy mây đen và giông bão. Chiến tranh đã làm tuổi thơ Việt Nam già nhanh hơn tuổi tác của mình.

Ba tôi có ý định gởi tôi ra Đà Nẵng học và cũng đề nghị dì Năm dắt Hương đi Đà Nẵng ở luôn để tránh phiền hà, sách nhiễu và cũng để lo cho Hương ăn học an toàn nhưng bà ta không chịu. Mẹ Hương là một bà mẹ nhà quê truyền thống, khái niệm gọi là chọn lựa dường như không có trong suy nghĩ của bà.

Mùa Xuân năm 1968, các trận đánh nhau diễn ra ác liệt hơn. Đâu đâu cũng có đánh nhau. Súng lớn súng nhỏ nổ đinh tai nhức óc. Chúng tôi nằm ngay giữa mặt trận và chịu đựng suốt bốn ngày đêm liên tiếp. Với tôi, đây lần đầu tiên tôi xa Hương lâu nhất. Bốn ngày đối với tôi tưởng chừng như vô tận. Tôi chỉ mong trận chiến sớm tàn để còn đi gặp Hương. Ngồi trong góc hầm trú ẩn tôi thầm cầu nguyện cho Hương được bình an. Sau trận chiến nầy, tôi tự nói với mình, nhất định sẽ cố thuyết phục Hương cùng đi Đà Nẵng học với tôi như ba tôi đã hứa. Chúng tôi sẽ học thật giỏi và đỗ đạt thật cao. Một ngày thật đẹp trời chúng tôi sẽ trở về với thôn làng xinh xắn của chúng tôi, về với giòng sông Thu Bồn, với bến đò Chợ Vạn, với tình thương yêu của ba, của mẹ và của bà con thân thuộc. Hương sẽ là một cô giáo như cô bé thường mơ ước, và tôi sẽ là một kỹ sư xây dựng. Quê hương chúng tôi sẽ không còn tiếng súng, không còn tiếng khóc, chúng tôi sẽ gầy dựng lại quê hương từ muôn vàn đổ nát.

Đến khoảng mùng sáu tháng Giêng thì tiếng súng đã tạm yên. Ba tôi dường như cũng thông cảm cho tình bạn chúng tôi nên gật đầu đồng ý cho tôi đi sang nhà Hương. Trên đường đi tôi nghĩ thế nào cô bé cũng mừng đến khóc khi gặp lại nhau. Cả tuần lễ rồi chứ ít oi gì. Chúng tôi chưa bao giờ xa nhau lâu như thế. Chưa bước chân vào nhà tôi đã cất tiếng gọi Hương ơi thật lớn. Cánh cửa mở, dì Năm bước ra nhưng không có Hương theo sau như mọi ngày. Cả bầu trời như tối sầm lại khi dì Năm kể tôi nghe chuyện của Hương, trong khi rút đi, ba của Hương dắt Hương theo bất chấp lời van xin cầu khẩn của dì Năm. Lúc đó tôi mới để ý thấy đôi mắt dì Năm đỏ hoe. Chắc dì đã khóc vì nhớ Hương nhiều lắm.

Tôi chạy ra phía bờ sông. Dòng sông im vắng, không một bóng người. Tôi ngồi xuống bên bờ sông quen thuộc và ôm mặt khóc. Chỉ năm ngày mà quê hương tôi và cả cuộc đời tôi đã hoàn toàn đổi khác. Cuộc chiến đã biến thôn làng tuyệt vời của chúng tôi thành một nơi hoang tàn đổ cháy. Vắng bóng Hương, từ đó, dòng sông cũng trở nên cô độc.

Và tôi cũng ra đi. Ba tôi quyết định bỏ làng ra đi lánh nạn. Một buổi sáng mùa Xuân, sau khi giao nhà cửa lại cho một người bà con coi sóc, gia đình tôi đáp xe đi Đà Nẵng và sau đó thì vô Sài Gòn lập nghiệp. Thời hoa niên với mối tình, không hẳn nên gọi là tình yêu nhưng dĩ nhiên vượt xa ý nghĩa của tình bạn, đã bị cắt đứt trong một nốt nhạc buồn như thế.

Thời gian trôi qua, vết thương thời thơ ấu cũng nguôi ngoai dần. Cuộc sống mới và tuổi trưởng thành, dĩ nhiên, ít nhiều cũng làm phôi pha những ước mơ của thời thơ ấu. Có điều tôi không thể nào quên Hương được. Hương là chiếc bóng không rời trong thời hoa niên nhiều kỷ niệm của tôi. Sau ngày Cộng Sản chiếm trọn miền Nam, qua tin tức từ một số người quen từ ngoài Trung vào cho biết thì ba Hương đã trở thành bí thư Xã quyền uy và sang trọng. Nhiều người vào ra nhưng không hề nghe ai nói gì về Hương hay nghe Hương nhắc nhở gì đến tôi. Thời gian đồng nghĩa với lãng quên. Lòng người cũng đổi thay theo thời thế. Tôi nhiều lần tự nhủ như thế. Tôi viết cho cô ta vài lá thư nhưng vì tự ái nên viết xong thì lại xé bỏ. Hương bây giờ hẳn nhiên không còn là nữ đoàn sinh Gia Đình Phật Tử nết na xinh xắn của bảy năm về trước, không còn là Hương của thời đuổi bướm dọc bờ sông.

Thế nhưng còn đôi mắt, giọng nói, tiếng cười, vầng trán và nhất là tính tình nhu hòa đôn hậu của Hương thì sao. Ánh mắt và tính tình của Hương tôi tin rằng không ai có thể làm thay đổi được. Suy nghĩ như vậy nên tôi quyết định về quê gặp Hương một lần. Thành thật mà nói một phần cũng vì thôi thúc của kỷ niệm nhưng một phần khác cũng chỉ vì tò mò, muốn tận mắt nhìn thấy những đổi thay từ một con người con gái đã một thời gần gũi nhất của mình.

Tôi không ghé nhà ba của Hương nhưng tìm về căn nhà cũ với hy vọng mẹ Hương vẫn còn lui tới. Định bụng là nhờ dì Năm nhắn cho Hương đến để tôi thăm. Quả đúng như vậy, căn nhà vẫn còn đó. Dì Năm bước ra mở cửa. Dì già hơn nhiều và ngạc nhiên nhìn tôi một hồi như không thể nào tin còn có ngày tôi trở lại nơi nầy. Dì im lặng mở cửa và ra dấu mời tôi vào nhà.

Căn nhà khá tối nên dì phải thắp đèn dù trời chưa tối. Ngọn đèn vừa bật sáng là tôi cũng là lúc tôi cảm thấy mình vừa hụt chân rơi vào khoảng không vô tận. Một chiếc bàn thờ nhỏ đang thờ một cô gái chừng mười hai, mười ba tuổi trong chiếc áo trắng học trò. Người đó không ai khác hơn là Hương. Tấm hình nầy Hương chụp ở một tiệm ảnh ở Nam Phước khi cô bé vừa lên lớp sáu. Hương cũng tặng tôi một tấm hình như thế nhưng chẳng may bị lạc mất.

Hương chết thật rồi. Con chim họa mi nhỏ trong khu vườn thơ ấu của tôi đã chết. Theo lời dì Năm kể, ngày Hương bị ba của Hương bắt theo, và sau đó thì gia đình tôi cũng từ bỏ xóm làng ra đi nhưng dì vẫn một mình ở lại chịu đựng bom đạn để chờ ngày Hương trở lại. Thời gian vẫn trôi và Hương vẫn miệt mài tin tức. Mãi cho đến tháng 4 năm 1975, ba của Hương trở về với đoàn quân chiến thắng. Ông ta không ghé về nhà nhưng đóng quân ngoài quận lỵ. Dì Năm khó khăn lắm mới tìm gặp ông ta để hỏi thăm tin tức của Hương thì ông ta chỉ trả lời vỏn vẹn: “Con Hương hy sinh rồi”. Bản thân ông ta cũng đã có vợ khác từ những ngày còn ở trong bưng. Quan hệ của họ từ đó chẳng còn gì với nhau nữa.

Dì Năm một mình về sống trong căn nhà cũ dột nát với tuổi già bóng xế, với hương hồn của đứa con gái duy nhất của bà. Bà không khóc dù đang kể lại quãng đời bi thảm của một kiếp làm người. Đôi mắt dì Năm như một dòng suối khô mùa hạ. Những giọt nước mắt cuối cùng của một bà mẹ Việt Nam đã nhỏ xuống cho đứa con thân yêu và cho quãng đời cơ cực của mình.

Tôi từ giã quê hương đau thương và khốn khổ của tôi để trở vào Nam. Xe chạy ngang cầu Câu Lâu. Bên kia đụn cát là nơi chôn giấu của chúng tôi mùa xuân thời thơ ấu. Mùa Xuân đó đã qua đi và sẽ không bao giờ trở lại. Những cụm lục bình, giống như số phận đầy bất hạnh của thế hệ chúng tôi, đang âm thầm trôi ra biển.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button