Cảm ơn Dallas
PHAN XUÂN SINH
Có ai đó bảo tôi rằng, sống ở Mỹ người ta coi thường nhau, ít quý nhau. Bởi một lẽ rất dễ hiểu là chúng ta đã tiếp cận ngay với một đời sống bình đẳng, không còn lệ thuộc vào những uy quyền của gia đình cũng như của xã hội. Miệt mài vào những công việc hằng ngày lo cho đời sống bản thân, nên mọi chuyện khác trở nên nhợt nhạt, kể cả đến việc giao tiếp. Chính sự việc nầy gây ra không ít nhiều sự ngộ nhận, mà chúng ta vừa là chủ quan vừa là khách quan phê phán vấn đề một cách gay gắt.
Chúng ta phải bình tâm nghĩ lại một cách chín chắn, chính đời sống buộc chúng ta vào bánh xe lăn của xã hội Mỹ, nên dù muốn thoát ra cũng không dễ gì thoát được. Tuy nhiên, chúng ta đến Mỹ định cư ở vào cái tuổi mà những thói quen cũng như văn hóa xã hội của Việt Nam đã ăn sâu vào mạch máu, tạo thành vết sẹo trong suy nghĩ, trong nhận thức. Không dễ gì khỏa lấp được. Khi đụng vào yếu huyệt nầy bỗng dưng mọi thứ như bừng bừng sống dậy, tình cảm phát tiết mãnh liệt, con người thật của chúng ta hiện lên trong môi trường thích hợp để hòa chung với mọi người. Cám ơn những đồng hương thân yêu, cám ơn những con người mang nặng tình quê hương ruột thịt trong người và cám ơn những tấm lòng rộng như trời biển, cư xử với nhau như bát nước đầy.
Chiều chủ nhật ngày 03-3-2002, một buổi chiều tại Dallas lạnh như cắt da ngoài trời, nhưng trong lòng của anh em chúng tôi thật ấm áp. Một buổi chiều mà suốt trong đời chúng tôi không thể nào quên được. Chúng tôi quả thật mang một lỗi lầm rất nặng là phải để cho mọi người phải chờ đợi quá lâu. Chúng tôi biết bất cứ một lý do nào biện hộ cho sự chậm trễ nầy cũng đều vô nghĩa, chúng tôi chỉ mong tất cả mọi người có mặt trong đêm hội ngộ đó hãy mở lòng tha thứ cho chúng tôi. Trong thâm tâm của chúng tôi nghĩ rằng chiều hôm đó Bác sĩ Hào chỉ mời hạn chế một số người thân tình, một số anh chị em gốc Quảng Nam gặp chúng tôi để hàn huyên tâm sự. Nhưng khi chúng tôi mở cửa bước vào, gần cả trăm người có mặt tại đó. Tự nhiên chúng tôi mất bình tĩnh và hổ thẹn, vì phải để cho mọi người chờ quá lâu. Hơn 3 giờ chúng tôi mới có mặt tại điểm hẹn. Một sự cố ngoài ý muốn đã làm chậm lại chuyến xe của chúng tôi từ Houston về Dallas, mặc dù anh em chúng tôi cố gắng vẫn không làm sao đúng hẹn.Thôi thì chỉ biết cúi đầu nhận lỗi sơ xuất của mình để mong quý đồng hương lượng tình tha lỗi.
“Cám ơn đời, cám ơn người
Tình sau nghĩa trước một trời bao dung
Giữa bấy nhiêu cái khốn cùng
Còn cho nhau chút thủy chung giữ mình”
Nói đến thủy chung, không có nơi nào “thắt lưng buộc bụng” bằng quê hương của chúng tôi. Cái nghèo, cái khó đã dạy cho chúng tôi biết cắn răng chịu đựng và giá trị của sự thủy chung, cái đó không thể nào mua được bằng tiền tài danh vọng. Trong triều Nguyễn dù sống trong nghèo khó, quê chúng tôi là một trong những vùng có tỷ lệ số thí sinh đổ đạt cao. Nói thế để biết sự hy sinh của người vợ Quảng Nam khéo léo nuôi chồng, hy sinh đời mình cho sự hiễn vinh của chồng, đến khi chồng thành đạt thì son sắc của mình không còn, cưới thêm vợ hầu để sửa túi nâng khăn cho chồng. Truyền thống thủy chung ấy ăn sâu trong huyết quản người dân Quảng chúng tôi. Thủy chung với người, thủy chung với đời. Trên đất Mỹ nghe những điều nầy có vẻ xa xôi dịu vợi quá, thế nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi thật gần gũi, bởi những hệ lụy nầy đã trở thành truyền thống. Cám ơn những người mẹ, người chị, người em Quảng Nam có mặt trong đêm hội ngộ nầy. Tôi đã gặp chị Phạm Thị Lập, giáo sư của trường Nguyễn Hiền Ðà Nẵng, cô giáo đáng kính của vợ tôi. Khi đi, vợ tôi dặn tới dặn lui nếu gặp cô Lập phải tới chào cô giùm em. Ðúng ra trong truyền thống, cô giáo của vợ mình cũng phải gọi bằng cô, thế nhưng tôi thì ở trong trường hợp ngoại lệ, vì trước đây tôi có quen biết với một vài người trong gia đình chị Lập. Thanh Hà vợ của BS Hào đứa em út của gia đình Nguyễn Hiền (Pascal) đến bảo với tôi rằng chị Thiên Nga của anh ngày xưa học giỏi nhất trường, tụi em ai cũng biết và phục chị ấy. Tôi trả lời nửa đùa nửa thật là Thiên Nga bây giờ cũng giỏi lắm. Trả lời xong tôi biết mình bị hố, đúng ra không nên khen vợ trước mặt mọi người. Xin lỗi Thanh Hà nhé.
Trong đêm đó, tôi gặp lại vài người bạn cũ. Trịnh Triệu Phú học một lớp với tôi thời trung học, sau đi sĩ quan Hải Quân. Có lần gặp Phú tại Sài Gòn sau 75, tôi định vượt biên và nhờ Phú làm hoa tiêu cho chuyến đi đó. Thế nhưng mọi việc bất thành. Tôi ở lại, còn Phú ra Quảng Ngãi lái tàu vượt biên năm 80, còn tôi đến năm 90 mới rời khỏi Việt Nam. Mới đó mà bây giờ đã 22 năm, lúc đó tôi và Phú còn rất trẻ, nên khi gặp lại bây giờ hai đứa cũng khó nhìn ra nhau. Ðứng phía trên nhìn xuống tôi thấy Phú nhưng còn ngờ ngợ, sau khi đứng chung chụp hình tôi mới nhận ra Phú. Tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Minh học hơn tôi vài lớp ở trường Sao Mai, sở dĩ còn nhớ anh vì lúc ấy anh đánh bóng rỗ rất hay và vóc dáng của anh cũng đẹp trai ai cũng biết.
Nhà thơ Hoàng Ðình Nam mà chúng tôi hay liên lạc với nhau trên internet, bây giờ mới thấy mặt trong đêm thứ sáu tại Tòa soạn Vietnam Weekly News và hôm nay anh cũng có mặt tại đây. Anh là một trong những người hoạt động năng nổ nhất trong Hội Ái Hữu Quảng Nam Ðà Nẵng tại Dallas, tôi quý anh ở cái chỗ anh thật thà và điềm đạm. Nhà thơ Phạm Cây Trâm, tôi nghe tiếng ông từ lâu và nhất là những đặc san của các Hội Quảng Nam Ðà Nẵng mà ông đã viết, ông bắt tay tôi thật lâu và nói một lời chân thật: ” Chúng tôi thua anh và anh Luân Hoán, vì các anh hy sinh trong cuộc chiến quá nhiều, xương máu và thân thể đã gửi lại trên quê hương nhiều quá”. Tôi cũng trả lời với ông cũng bằng một lời chân thật: ” Thưa anh, tôi nghĩ trong cuộc chiến đó ai cũng hy sinh hết. Nhưng chúng tôi không được may mắn nên đành chịu nhận hậu quả cay nghiệt của nó “. Tôi biếu ông tập thơ và các đặc san Xứ Quảng mà ông đã bị mất trong kỳ hỏa hoạn vừa rồi. Ngồi tâm tình với ông khá lâu, tôi thấy được trong ông có một điều đáng quý, ông chân thật và nặng tình với văn nghệ. Ông cho tôi biết là ông đã cất giữ những bài thơ của tôi khi bắt gặp đâu đó. Nghe lời ông nói tôi thấy thèn thẹn, có lẽ ông quý tôi vì ông biết tôi là dân Quảng Nam hơn là những bài thơ tôi làm. Người Quảng Nam nào cũng có óc bảo thủ, tôi cũng vậy. Người xứ khác làm thơ hay, nhưng nếu có người Quảng Nam nào đó cũng làm thơ như vậy thì cán cân sẽ nghiêng vê người của xứ sở chúng tôi. Người xứ khác rất nể mặt những nhà phê bình gốc Quảng, họ chẽ từng chữ, từng câu, lý sự đâu đó rõ ràng. Nhưng nếu người viết cũng là dân Quảng thì họ xề xòa tha thứ. Cái lạ trong ba thế hệ, những người nổi tiếng phê bình văn học đều là dân Quảng Nam. Tiền Chiến có Phan Khôi (được thiên hạ phong là Ngự Sử của văn đàn thuở ấy), Miền Nam trước đây có Ðặng Tiến và hải ngoại bây giờ có Nguyễn Hưng Quốc, đều là dân Quảng cả. Nói vậy để quý vị biết, dân Quảng chúng tôi óc bảo thủ cũng nặng nề lắm, cũng rất nguyên tắc và cũng rất phóng khoáng.
Ông Nguyễn Rô, linh hồn của Hội Quảng Nam Dallas, dù tuổi cao ông vẫn nhiệt tình với đồng hương. Ông là một trong những người đầu tiên sáng lập Hội và tờ Ðặc san của Hội. Trước đây, tôi nghe anh Hoàng Lộc nói lại là ông Rô muốn gặp tôi, nhưng không biết số điện thoại và địa chỉ. Nghe vậy tôi gọi ông để nói chuyện. Vài lần trao đổi nhau bằng điện thoại, tôi biết ông là người tha thiết với các hoạt động xã hội và nhất là xây dựng sự đoàn kết đồng hương Quảng Nam. Lần trước đến Dallas ông đưa tôi đi thăm một vài anh em văn nghệ trong đó có anh Nguyễn Xuân Thiệp (tờ Phố Văn), Trần Lộc (tờ Vietnam Weekly News), Thái Hóa Lộc (đài Phát Thanh). Ông Rô trước đây là cán bộ cao cấp của Bộ Thông Tin VNCH, là bạn của Nhà văn Võ Phiến. Gặp tôi lần nào ông cũng niềm nở. Tôi vừa kính trọng và cũng vừa quý mến ông. Một người tôi đã nghe danh từ lâu về sự hiếu học và đức tính khiêm nhường, đó là ông Nguyễn Hữu Lý. Qua Mỹ tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cắp sách đến trường. Nghe nói hiện thời ông đang theo học để trình luận án Tiến Sĩ. Khi gặp ông, tôi có đề cập về sự hiếu học nầy thì ông khoát tay, cử chỉ khiêm nhường và tự trọng của ông là một đức tính hiếm quý của kẻ sĩ. Người Quảng Nam hiếu học vì họ sống trong nghèo khó, muốn thoát được cảnh nầy chỉ có con đường học vấn mới cải thiện được đời sống khả quan hơn, đổ đạt ra làm quan. Nó trở thành truyền thống làm vinh danh cho gia đình và dòng họ. Ông mang truyền thống đó qua Mỹ, nhưng mục đích không phải là tiến thân mà làm gương cho con cháu. Một hành động vô cùng cao cả của một người Quảng Nam hiếu học.
Có lẽ người cuối cùng tôi muốn nói, chính là chủ nhà của đêm hạnh ngộ nầy: Bác sĩ Nguyễn Văn Hào, Hội Trưởng Hội Ðồng Hương Quảng Nam Ðà Nẵng. Hào còn rất trẻ, thế hệ thứ hai của người Việt lưu vong. Xuất thân tại Hoa Kỳ nhưng phòng mạch khám bệnh của Hào lại phục vụ cho đồng hương. Hào rất năng nỗ trong mọi công việc liên quan đến xã hội, văn hóa và đồng hương. Trong ngày 4 tháng 7 năm 2001, Hào tổ chức thành công Ðêm Họp Mặt Liên Trường Ðà Nẵng tại California. Từ một tiểu bang xa Cali thế mà dám đứng ra tổ chức một công việc tương đối lớn, mang tính thuyết phục. Như vậy chúng ta phải công nhận rằng Hào có khả năng, có tài và nặng tình. Ba đức tính nầy rất khó tìm thấy ở Mỹ, nhất là ở cái tuổi của Hào. Trong nhiều lần nói chuyện trong điện thoại và vài lần gặp gỡ, được biết Hào còn nhiều trăn trở về những công việc sẽ làm để phục vụ đồng hương, mong ước của Hào là được mọi người ủng hộ để đẩy công việc đến thành công. Một ước mơ thật đơn giản nhưng cũng thật khó, làm sao hết thảy mọi người đều vừa lòng không gây ra một tai tiếng. Người Việt chúng ta ở đâu cũng gặp một vài chống đối. Tốt cũng chống, xấu cũng chống, nên người tổ chức nếu không có bản lĩnh, dễ dàng bị chán nãn. Hy vọng rằng Hào có thừa khả năng hiểu thấu đáo tâm tính của đồng hương. Cám ơn Hào rất nhiều đã tạo được một buổi gặp gỡ thân tình giữa chúng tôi với đồng hương, một buổi chiều thật đẹp mà anh em chúng tôi không bao giờ quên được.
Còn rất nhiều, rất nhiều người nữa mà chúng tôi không làm sao viết ra đây cho hết được. Với bài viết vài trang giấy hạn hẹp trong khuôn khổ, với chữ nghĩa thô thiển của một người khô khốc quê mùa, làm sao tôi mô tả hết được những tình cảm của quý đồng hương dành cho chúng tôi, những thiết tha ấp ủ trong lòng chúng tôi dành cho đồng hương. Chúng tôi chỉ biết cúi đầu và xin mọi người nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của chúng tôi. Lời anh Trần Doãn Nho phát biểu khi chúng tôi lên xe ra về: ” Không có người nào nặng tình như đồng hương Quảng Nam”, lời ngắn gọn ấy của một người Huế hàm chứa, gói ghém, tất cả những gì mà người Quảng chúng ta chất chứa trong lòng.
Lý do chúng tôi đến Dallas, bởi những người bạn, những người mà chúng tôi không biết phải dùng bao nhiêu lời “cám ơn” mới đủ. Những người bạn văn nghệ mà tấm lòng họ đã trải rộng với tha nhân. Chính vì lẽ đó trong chuyến đi Texas chúng tôi chọn Dallas, mặc dù trên danh nghĩa chúng tôi phải đi Houston tham dự 5 năm ngày xuất bản tạp chí Văn Hóa. Anh Nguyễn Xuân Thiệp người chủ trương tạp chí Phố Văn, Luật sư Nguyễn Xuân Phước, Trần Lộc chủ trương tờ Vietnam Weekly News và Ðinh Yên Thảo, nhà văn. Những lời cám ơn dù có chân thành bao nhiêu, cũng không đủ đầy cho những cảm tình mà các anh đã dành cho chúng tôi. Những cái tình cảm hiếm quý đó khó tìm thấy trên một đất nước mà vật chất định đoạt con người. Nói gì cũng không đủ cám ơn những thịnh tình của các bạn:
“Lâu lâu cũng thèm một bữa rượu
Mấy khi ngồi đủ mặt bá quan
Mấy khi được uống cùng bằng hữu
Lòng bạn, lòng ta cứ mở toang.”
Một lần nữa, chúng tôi xin giửi lời cám ơn Dallas, thành phố đã cưu mang những con người Việt Nam xa xứ, sống thực lòng với trái tim và thủy chung với quê hương. Thành phố đã đùm bọc những người bạn, những bà con ruột thịt, những người cùng chung nơi chôn nhau cắt rốn với tôi. Cám ơn thật nhiều, thật nhiều…/
Boston, ngày 6 tháng 3 năm 2002
PHAN XUÂN SINH