Bùi Giáng, một vùng đất hẹp và một thế giới lớn *

Nguyễn Hoàng Văn

Nhớ lại cái lần ngược dòng sông Thu năm ấy, cái lần “Lạc về đầu rú khe truông” mà lòng vẩn vơ mơ về những thị thành thấp thoáng trời xa. Thuyền qua Trung Phước, một bên là Đại Bình với những vườn cam đỏ ối, một bên là chợ quê một sớm mai náo nhiệt. Núi Cà Tang sừng sững trước mặt. Dòng sông đã xanh mà hai bờ cũng xanh. Xanh với những bãi ngô, dâu và những rặng tre già lặng lẽ soi mình. Thuyền ngược nữa, ngược nữa. Mỏ than Nông Sơn thấp thoáng bờ xa với những mái ngói nhấp nhô sườn đồi, chói chang dưới ánh tà huy. Và cậu thanh niên mới lớn nhưng lắm mơ mộng phải nhăn nhíu đôi mày để hình dung cho ra những phố xá kinh kỳ dọc theo Danube đôi bờ, con sông xanh mơ màng của những điệu luân vũ rập rờn sóng nước mây chiều…

Rồi cái đêm hôm ấy, trên chiếc ghe neo dọc triền sông. Ngược lên, về phiá Mưa Nguồn, là Dùi Chiêng, Trà Linh, là Hòn Kẽm, Đá Dừng, những cái tên đã đi vào ca dao: Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi. Không gian trầm lại, thoang thoảng mùi rượu nếp chua chua. Tiếng cá quẫy nước. Làn gió vi vu trên những giọt trăng lấp loáng đùa sóng. Khung cảnh êm đềm quá, êm đềm như thể lạc lối thiên thai. Nhưng lòng Lưu Nguyễn vẫn vướng nợ trần, không chút tha thiết với cảnh trăng nước bồng lai mà cứ mơ tưởng về những ánh sáng kinh kỳ trời xa, những đại lộ náo nhiệt hay những mái ngói rêu phong già hàng thế kỷ, những tháp chuông cổ kính dọc theo hai bờ con sông xanh chảy qua bảy nước.
Đã mười mấy năm rồi kể từ ngày ấy. Cái ngày mà mái đầu hãy còn xanh ngắt và tâm hồn luôn ấp ủ giấc mơ về đôi cánh bay lên và những phương trời thật xa. Nhưng lúc đó, và cả trước đó cũng như bao nhiêu năm sau đó nữa, có một đôi mắt hun hút sâu, một tâm hồn si dại hoài niệm luôn hướng về mảnh đất có con sông mang tên Thu Bồn chảy qua. Thân xác phiêu bạt ở một góc trời cách xa. Tâm thức còn phiêu bồng xa hơn nữa. Cùng hoàng tử bé của Saint-Exupéry la đà bay qua những tinh tú chi chít trên giải Ngân Hà. Chắp cánh sang tận vòm trời tư tưởng Âu Châu để băn khoăn cùng những Heidegger, Hoelderlin hay Camus và lui về hai trăm năm trước để thổn thức cùng Tố Như.

Đó là Bùi Giáng. Con người với đôi mắt và nguyên khối tâm hồn đăm đăm về nơi “đầu rú khe truông”, nơi đêm nào cậu trai mới lớn cảm thấy tù túng mà mơ tưởng về những chân trời góc bể xa xăm:

Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ cuốn phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng
(“Nỗi lòng Tô Vũ”)

Mảnh đất đó gắn chặt với Bùi Giáng đến nỗi nửa thế kỷ Sài Gòn không hề làm loãng đi chất giọng Quảng Nam Doáng bô nhiêu tuổi Doáng già. Nơi một Doáng trẻ đã từ giã và một Doáng già đau đáu nhớ nhung:

Nhắm mắt mơ màng thấy viển vông
Thấy tình rộng biển nghĩa dài sông
Vu vơ khắp ngả nghe chim hót
Ca khúc phì nhiêu đất ruộng đồng
(“Nhắm mắt”)

Đó, mảnh đất của “tình biển nghĩa sông” mà nhà thơ đã:

Non nửa thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần
Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
Nước non Nam Việt chiếm gần trọn tim
Về Trung biết chốn nào tìm
Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi…
(“Tâm sự”)

Non nửa thế kỷ với biết bao là phù du dâu bể, biết bao là tử biệt sinh ly? Nhưng quê nhà vẫn chờ đợi đứa con lưu lạc “Sài Gòn quyến rũ tôi chưa chịu về”:

Gió trăng sông núi đợi ta
Chờ sương nhị nguyệt màu hoa dâng mùa
Một mình vào núi đợi mưa
Đợi nghe chớp biển xế trưa mưa nguồn
Phồn hoa có nhớ đèo truông?
(“Nhớ Mông Lung”)

Đèo truông vẫn còn đó, trong lòng người phồn hoa. Và cả gió trăng, gió trăng vẫn đợi; nhưng sao người đi cứ mãi chần chờ:

Trút đi bất tuyệt triền miên cõi bờ
Thị thành thiên cổ thành thơ
Thôn làng thiên lý chần chờ chiều hôm
Một hôm bất chợt một lần
Rụng rời ký ức bạch tần rong rêu.
(“Rong Rêu”)

Chần chờ bởi cứ mãi nâng niu niềm vui hạnh ngộ, như thể nâng niu như một thứ gì quý giá. Bởi sợ nó sẽ tan biến, sẽ mất đi:

– Ủa! Anh Sáu Giáng! Anh về lúc nào?
– Mới vừa về một phút
– Ở Sài Gòn về chơi, anh đi bằng phương tiện gì? Xe đò? Tàu bay?
– Anh đi bộ. Đi bằng hai chân.
– Đi trong bao lâu mới tới?
– Ròng rã suốt hai tháng trời.
….
– Sao anh không đi xe đò cho chóng tới nơi?
– Anh muốn từ từ thong thả. Vừa đi vừa ngắm phong cảnh dọc đường. Và cũng cố ý kéo dài để dành?
– Để dành cái chi?
– Cái gì quý trọng. Tỷ như đùa bé để dành cái bánh, viên kẹo của người ta cho mình.
– Còn anh để dành cái chi?
– Để dành cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa nhau. Đừng gặp vội….
(Thôn nữ – Chuyện chiêm bao”)

Và thế, ngày về với Bùi Giáng cũng chỉ là những hẹn hò, những đính ước cùng biển nước mây trời:

Ngày nào có nắng gió mưa
Anh về trở lại làng xưa tỉnh nhà
Gặp em như mới hôm qua..
(“Anh Sẽ Về Thăm”)

Nhưng bao giờ mới có “gió nắng mưa”? Khác nào Hồ Dzếnh với những hẹn hò lần lữa Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé? Khác nào khúc nhạc dạo cho bản romance một đời người mà những tiểu thư đài các ngồi mơ màng chờ đợi bên cửa sổ? Cái ngày về “để dành” lần lữa ấy cũng chờn vờn lảng đảng khác nào mộng mị chiêm bao? Khác chăng, là đoạn prelude mở đầu cho khúc romance một đời người của các tiểu thư bao giờ cũng ướt đẫm những hương hoa và loạt soạt xiêm váy lụa là; với Bùi Giáng, giấc chiêm bao ấy trở nên cụ thể, mộc mạc và chân tình

Đi về làng xóm năm xưa
Viếng thăm quê cũ người chưa quên người
Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến đây?”
– “Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về!”
– “Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?”
– “Và cô có phải cô Bông năm nào?”
– “Anh còn nhớ rõ! Ôi chao!
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu”
(“Đi về làng xóm”)

Trong Bùi Giáng, quê nhà vẫn nguyên vẹn. Nguyên vẹn như ngày mới cất bước ra đi cho dù bể đời phù du đã đầy vơi mấy chặng. Nguyên vẹn như tấm lòng của vợ chồng cô Bông “cũng lúc nào nhớ anh”. Nguyên vẹn với những địa danh gắn chặt với tình yêu ban đầu:

Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên
Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu
Vĩnh Trinh Lệ Trạch Thanh Châu
Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người
Người đầu tiên đã mỉm cười
Nhìn tôi tưởng thấy niềm vui vô cùng…
(“Ký Ức”)

Vọng về nẻo quê xưa, ấy cũng là vọng về cái thời trẻ dại đã đánh mất:

Xuân xanh về khóc giữa giòng
Tuổi già quá cỡ, tấm lòng quá vui
Chần chờ tôi bước thụt lùi
Tới bao giờ gặp lại thằng tuổi thơ…
(“Bé già nua khóc”)

Và quê hương đâu chỉ có hình ảnh bến nước cây đa hay tuổi thơ đánh mất? Quê hương còn gợi nhớ cái thuở ban đầu lưu luyến. Một Bùi Giáng thanh niên hay một Bùi Giáng trung niên có thể cười cợt hoang đàng với một Bardot chênh vênh đồi núi, một Monroe ẩn khuất khe mương. Nhưng ở chốn sâu thẳm nhất của tâm hồn đó hẳn phải là hình ảnh người thôn nữ Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên đường mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con. Cái chết của người vợ trẻ hẳn đã để lại một vết hằn không thể nào xoá nhoà để rồi ở một Bùi Giáng lão niên, những ký ức dồn nén từ trong sâu thẳm tâm hồn ấy có dịp thăng hoa để trở thành những day dứt triền miên bất tận trong lứa tuổi xế chiều:1

Mỗi giây phút mỗi bất ngờ
Mỗi đêm tưởng tượng thẹn thò tình em
Tình em bao xiết êm đềm
Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường…
(“Thôn Nữ”)

Đó là người thôn nữ yểu mệnh đã đi thiêm thiếp trong cõi sa mù. Đi biền biệt. Gặp lại chăng, chỉ là những thoáng chiêm bao “suốt cứ sơn khê lâm tuyền”. Nhưng khác nào những mộng mị “trông vời quê cũ”, hình ảnh hư ảo dồn nén trong ký ức ấy cũng là những gì dễ tan vỡ:

Bất ngờ gặp lại người quen
Từ muôn năm đã từng quen biết rồi
Giật mình tỉnh giấc than ôi
Trùng phùng trong mộng muôn đời tiếc thương…
(“Chiêm Bao”)

Khi đã đánh mất, khi đã “tỉnh giấc than ôi”, còn biết làm gì hơn? Thôi thì lặng lẽ một mình:

Nàng đi mất hút cuối miền thời gian
Tôi ngồi khóc lóc hoang mang
Một mình cô độc muôn ngàn tương tư…
(“Một nàng tiên”)

Nếu đã chắt chiu “dành dụm” ngày về đến cả nửa thế kỷ thì cái cảnh tử biệt sinh ly lúc tuổi chỉ mới chớm đôi mươi ấy còn gắn chặt vào tâm hồn kia si dại kia đến nhường nào? Năm mươi năm trời đằng đẵng với bao chuyện chớp biển mưa nguồn, bao cảnh phù du dâu bể, nhà thơ vẫn lẽo đẽo bên mình một hình bóng. Âm thầm. lặng lẽ. Và chung thuỷ:

Gặp em từ ấy tới giờ
Năm mươi năm chẵn như tờ lặng im
Biết bao dâu biển nổi chìm
Đôi lần con mắt lim dim nhớ gì
Bảy mươi tuổi quá nặng nề
Còn em đã sáu tám rồi em ơi
Ngày mai vĩnh biệt cõi đời
Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly
(“Tặng Gái Quê”)

Như thế, giờ đây Bùi Giáng hẳn đã thực sự ra đi để “trùng lai” trong cảnh “cuối trời sinh ly”. Còn sống, người ta đã nói nhiều về ông. Ra đi, người ta càng nói nhiều hơn nữa. Họ nhắc lại những giai thoại mà không ai có thể đoan chắc tính chất xác thực và họ kể lại những kỷ niệm gặp gỡ. Chỉ một số ít e dè về cách cảm thụ thơ Bùi Giáng, và ít hơn nữa những người đãi sạn tìm vàng trong khối ngôn-ngữ-thơ Bùi Giáng.

Bùi Giáng, đó là chú hoàng con la đà bay qua những tinh tú rong chơi nhưng lòng vẫn đau đáu nỗi nhớ về miền đất hẹp đầu nguồn. Bùi Giáng, đó là gã đàn ông giọng đặc sệt Quảng Nam, lang thang trên những vỉa hè Sài Gòn mà vẫn có thể đem triết học Đông Tây về với ca dao lục bát, vẫn có thể quàng vào thân thể của Bardot hay Monroe những xiêm y của Xuân Hương, vẫn an nhiên tự tại đưa thơ vượt qua những chuẩn mực ngôn ngữ. Với mảnh đất chật hẹp “cuối cùng quêâ” ấy, Bùi Giáng có cả một vũ trụ dệt nên từ những hoài niệm về thuở ban đầu. Trong một thế giới rộng lớn để thả hồn rong chơi, Bùi Giáng có một mảnh đất của kỷ niệm để chiêm bao mộng mị!

Nên, nhớ về cái đêm trăng sông nước trên thượng nguồn dòng sông Thu năm ấy, dòng sông chảy qua mảnh đất chiêm bao mộng mị của Bùi Giáng, tôi cứ hình dung nhà thơ trong phút giây “Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly” với người thôn nữ độ nào. Mà không hẳn chỉ là nơi ấy. Nhà thơ sẽ nắm tay cô thôn nữ năm xưa, thung thăng rong chơi cùng những Heidegger, Hoelderlin, Saint-Exupéry… la đà bay qua những tháp chuông cổ kính rêu phong hai bên dòng sông Danube hay những vì sao rực rỡ trên dải Ngân Hà:

Mai sau còn dự hội nào
Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông
Chắc là vậy…

Sydney.11.98
* Đăng lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu, số đặc biệt về Bùi Giáng

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button