BƠI TRÊN GIÒNG NƯỚC NGƯỢC

Phan Xuân Sinh

Tôi yêu Như khi còn đi học, cái nghề gia sư đã khiến tôi gần gũi với nàng. Ðúng như lời người dân ngoài tôi hay nói: “Thứ nhất lần đân, thứ nhì cận thân”. Ði cua gái mà chai mặt thì thế nào cũng dính, cứ chưởi bới tha hồ mặt vẫn trơ trơ như chẳng hay biết chuyện gì, xem lời chưởi mắng như lời thỏ thẻ dễ thương, thứ đàn ông nầy bao giờ cũng lấy được vợ đẹp. Còn loại thứ hai không được có cái mặt chai lì đó, nhưng kề cận người đẹp mãi ngày nầy qua ngày khác thì cũng lấy được vợ ngon lành. Tôi thuộc loại thứ hai. Tối nào tôi cũng kèm cho Như học, dần dần hai đứa tôi yêu thương nhau. Sau khi ra khỏi quân trường chúng tôi cưới nhau. Gia đình vợ tôi thuộc loại khá giả, vì thương con gái sợ con mình góa bụa sớm nên bằng mọi cách chạy chọt cho tôi trở về hậu phương làm việc văn phòng. Sớm chiều gần gũi với vợ con, mạng sống cũng được đảm bảo. Như luôn luôn kính nể tôi, chìu chuộng tôi, đúng là một người đàn bà Việt Nam phu xướng phụ tùy.

Năm 75 không có chỗ nào còn được gọi là an toàn từ khi VC mở cuộc tấn công qui mô và toàn diện, rồi sau đó Miền Nam hoàn toàn thất thủ. Tôi cũng như mọi người khác có chút quyền thế bổng lộc, có chút quan tước nên bị lùa vào trong những trại tập trung cải tạo. Quan tước thuộc loại tép riu, nhưng vì chạy chọt được ngồi trong phòng Quân Báo nên lãnh đủ hơn 5 năm cải tạo. Vợ tôi cũng lặn lội thăm chồng, cũng chính chuyên chờ đợi. Sau khi ra khỏi trại tôi mới thấy được là tôi diễm phúc hơn nhiều người bạn khác của tôi, gia đình êm ấm, không bị xức mẻ về hạnh phúc. Vợ tôi tuy cực khổ hơn xưa nhưng buôn bán cũng khấm khá, các con tôi vẫn đến trường đều đặn.

Rồi một hôm Như nói với tôi là gia đình tìm cách vượt biển, vì các con tôi đã bắt đầu vào đại học mà lý lịch của tụi tôi không cách nào chúng chen chân vào nổi. Vì tương lai của các con, chúng tôi nhất quyết tìm đường ra đi. Tôi đi Vũng Tàu, Phước Tĩnh, Long Thành.rồi xuống tận Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Rạch Giá để tìm đường mang vợ con chuồn ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi cũng bị những người dắt mối, chủ tàu lường gạt khá nhiều gần khánh tận. Còn bao nhiêu vàng chúng tôi đổ vào chuyến ra đi cuối cùng tại

Phước Tĩnh. Chuyến nầy đúng như dự định của chúng tôi, người tổ chức chu đáo và đàng hoàng. Gia đình tôi được ém quân trong một căn nhà quen biết tại thị xã Bà Rịa. Khi người đến rước chúng tôi di chuyển bằng xe lam đi Phước Tĩnh, họ bảo với tôi là gia đình nào cũng phải chia ra làm hai để tránh trường hợp rủi ro bị bắt có người ở ngoài thăm nuôi, nên gia đình chúng tôi chia làm hai toán. Vợ tôi và đứa con lớn ra đi trước, còn tôi với đứa con nhỏ ra đi sau. Trời nhá nhem tối xe lam đến rước toán của vợ tôi, còn toán của tôi đi chuyến sau lúc 9 giờ. Khi xe lam của tôi đến gần Phước Tĩnh trên bãi bốc người thì bị bể Công An đứng lố nhố, nên người chạy xe lam phải quay đầu chở chúng tôi trở về Bà Rịa. Ngày hôm sau có người dưới Phước Tĩnh lên cho biết vì phát hiện có Công An trên bãi nên tàu lớn đã ra khơi, chở theo tất cả những người đi đợt đầu trong đó có toán của vợ tôi. Tôi và đứa con nhỏ trở về Sài gòn ngay để hàng xóm chung quanh khỏi phát hiện.

Gần một tháng sau, tôi nhận được một cái điện tín dưới dạng mật mã mà chỉ có vợ chồng tôi mới biết, như vậy là vợ tôi đã đến Mã Lai an toàn với đứa con lớn của tôi. Vừa mừng vừa tủi, thôi như vậy cũng an ủi một phần nào. Tôi yên tâm lo kế nghiệp chuyện buôn bán của vợ, chờ vài năm sau vợ bảo lãnh cha con tôi. Chuyện làm ăn của tôi ở Sài gòn tương đối ổn định, vợ tôi chi viện tương đối cũng khá nên cha con tôi sống phè phỡn chờ ngày bảo lãnh để ra đi trong vòng trật tự. Hơn 5 năm sau tôi được xếp vào diện tù binh cải tạo nên ra đi theo diện HO. Trước ngày lên máy bay tôi lo sắm sửa đủ thứ, tôi đến đường Tự Do may một bộ veste chiến nhất, để khi đón tôi tại phi trường vợ tôi thấy tôi vẫn còn phông độ, tôi chải chuốt như một công tử . Tôi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc gặp gỡ, trong đêm đầu tiên tôi sẽ nói với vợ tôi những sự nhớ mong, những thương yêu và lòng tôi nôn nóng biết bao khi gặp lại nàng. Tôi cũng sẽ hồi hộp, ôm nàng trong tay, hôn nàng đắm đuối như đêm tân hôn. Tôi sẽ thấy lại những nâng niu chiều chuộng, những cung cách quen thuộc dễ thương mà trước đây nàng đã dành cho tôi. Tôi sẽ đường đường là một gia chủ, con kính cẩn vợ nể nang. Tôi sẽ là một cột trụ vững chắc của gia đình, tôi sẽ cày sâu cuốc bẩm để bù lại những gì mà nàng đã hy sinh cho tôi. Bây giờ có tôi sẽ đỡ đần rất nhiều, nàng sẽ có thời giờ nghỉ ngơi, có thời giờ trang điểm lại dung nhan mà tôi nghĩ rằng vì bao năm phải lo cho chồng con nàng không để ý tới.

Tôi bước xuống phi trường San Francisco, tôi đã choáng ngợp cách bài trí sang trọng, cách tổ chức khoa học, những người ăn mặc rất lịch sự. Tôi thấy mình như một giống dân thuộc một bộ lạc thiếu văn minh trôi dạt đến đây. Và lúc ấy tôi mới hoảng sợ , linh tính cho tôi biết những gì sẽ chờ đón không thuận lợi cho tôi. Nhìn đứa con nhỏ đi theo, tôi thấy nó ngơ ngác thật tội nghiệp. Nó nắm lấy tay tôi như tìm một sự che chở: ” Ba ơi, anh Hai với Má có ra đón mình không ba?” . Tôi trả lời với con: “Có chứ con, họ không ra đón mình sao được”, Nói thế nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi. Tôi đến nơi nhận hành lý và làm thủ tục nhập cảnh, rồi cha con tôi kéo va li ra bên ngoài. Nhìn thấy lố nhố thân nhân đang đứng đợi, người nào nước da cũng hồng hào, ăn mặc sang trọng đúng mốt Mỹ. Nhìn lại cha con tôi, nước da vàng vàng đen đen, ốm tong ốm teo, áo quần ngồi trên máy bay quá lâu xốc xa xốc xếch, chẳng giống ai, tôi thấy thật thảm hại, tủi thân. Tôi và đứa con đảo mắt nhìn quanh, chẳng thấy ai đến đón chúng tôi, chẳng thấy khuôn mặt nào thân quen. Tôi buồn bã kéo va li ra bên ngoài ngồi chờ, cha con tôi nhìn nhau rớm nước mắt, bây giờ tôi mới thật sự lo lắng. Nếu vợ và con tôi không đến, cha con tôi không biết phải đi đâu, giữa một nơi đất khách quê người, tiếng anh tiếng u còn ngọng nghịu như đứa bé mới tập nói.

Chừng một giờ sau mọi người đều ra về hết, thì vợ và con tôi mới vào tới nơi. Trông thấy nàng nhưng tôi cứ ngỡ một người nào xa lạ, từ khuôn mặt đến vóc dáng, từ lời nói đến phong cách đã thay đổi hoàn toàn, nói chuyện thỉnh thoảng chêm một câu tiếng Mỹ. Hơn 5 năm nước Mỹ có thể tạo ra một con người hoàn toàn xa lạ như vậy sao? Thằng con trai lớn của tôi cũng chẳng thua gì mẹ nó, gặp tôi nó “Hi dad”, rồi bắt tay tôi như một thằng Mỹ chính thống. Những gì mà tôi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ hôm nay, những gì mà tôi đã hình thành trong đầu óc một cách lãng mạng, những tính toán thêu dệt cho một cuộc sống đầy hứa hẹn. Tất cả đều vỡ tung, đều chết ngắt trong lòng tôi. Lên xe đưa tôi về nhà, nàng cho tôi biết sở dĩ đến trễ vì kẹt xe ở đầu cầu Bay Bridge gần hai tiếng đồng hồ, tôi nhìn nàng lái xe như bay trên xa lộ 101 về hướng Oakland. Nhớ ngày nào đây xe honda không biết cỡi, đi đâu tôi cũng phải chở, thế mà bây giờ lái xe thành thạo như một tay đua chuyên nghiệp, qua San Francisco xe bị kẹt lại tôi thấy nàng chưởi thề bằng tiếng Anh. Tôi thót người, chẳng lẽ tôi nghe lầm. Một người khi ở Việt Nam kính chồng yêu con, nhu mì hiền lành, chỉ mới có 5 năm đã trở thành một thứ vô loại như vậy sao? Tôi lắc đầu thở dài cho sự bất hạnh của mình. Ước gì cho tôi được trở về Sài gòn, cho tôi sống lại những ngày nghèo khổ nhưng thân thương, thắm đọng tình người. Tôi đang sống với vợ con ở đây mà tôi cảm thấy lạc lỏng, nhạt thết. Vật chất nó đã hủy diệt căn bản làm người, nó đã giật phăng bật gốc nền đạo đức đã ăn sâu tận xương tủy con người. Chỉ có vài giờ đồng hồ đặt chân trên đất Mỹ sao tôi thấy ngao ngán, dị ứng làm sao.

Nhà vợ tôi thuê là một apartment trong khu Mỹ đen chỉ có một phòng ngủ, tôi mang va li vào rồi tắm rửa thay một bộ pyjama ra ngoài hiên đứng hút thuốc. Thằng con lớn chạy ra kêu vào, nó nói với tôi là ba đừng mặc như thế đứng bên ngoài, hàng xóm người ta cười. Tôi không ngờ ở Mỹ lại khó khăn như vậy. Khi ngồi ăn cơm tôi mới quan sát kỹ vợ tôi, khuôn mặt của nàng từ mắt, mũi, môi đều được mỹ viện sửa lại hết. Hèn gì mà thấy khác lạ, với cái tuổi gần 50 của nàng, mà da dẽ thẳng căng, hồng hào. Trong khi đó những người đàn bà cùng trang lứa với nàng ở quê nhà thì già lủ khủ. Tôi hỏi nàng chắc sửa như vậy tốn tiền lắm, nàng trả lời tỉnh bơ là bao nhiêu tiền đều đổ vào vụ nầy. Bắt đầu nàng giảng cho tôi nghe cách sống ở đây, như thế nào là người lịch sự, ra ngoài không được nhảy mũi, phải dợt lại nhảy đầm để cuối tuần en-joy, ngày mai phải ra Macy’s sắm sửa lại áo quần, còn mấy bộ đồ ở Việt Nam đem qua, ngày mai cho nhà thờ. Người ta mới qua Mỹ ai cũng đi từ hạ tầng đến thượng tầng, áo quần thì phải từ Goodwill, K-mart, PC penny rồi mới tới Macy’s. Ðồ đạc thì từ Chợ trời, Yard sale rồi mới tới Sears. Còn tôi thì được vợ qua Mỹ trước vài năm nên không trải qua từng thứ bậc nầy. Nàng nói với tôi: ” Tối nay anh ngủ trên sofa ngoài phòng khách, từ lâu em ngủ một mình quen rồi, nằm chung em ngủ không được”. Ðó cũng là lối sống kiểu Mỹ nữa sao? Tôi cũng hay xem phim Mỹ mà đâu như vậy. Thế là từ đó tôi sống với vợ như bạn bè.

Tôi đâm ra ít nói, mấy ngày đầu vợ tôi đi làm, thằng con lớn chở tôi đi chơi cho biết quang cảnh thành phố, đến mấy tiệm cà phê Việt Nam, nó tập cho tôi lái xe. Dần dần tôi thích nghi với cuộc sống mới, nhưng trong lòng tôi vẫn buồn rười rượi. Tôi thấy có một cái gì đó không ổn, nó làm cho tôi áy náy khó chịu. Nàng đi làm về rất trễ, có đêm tới khuya mới về, nàng như một chiếc bóng ẩn hiện trong gia đình một cách mù mờ, tôi cũng không cần để ý. Không khí trong gia đình rất nặng nhọc khi có nàng hiện diện. Thằng con nhỏ nhìn thấy được hoàn cảnh nầy, mỗi lần mẹ nó dạy tôi phải như thế nầy, phải làm thế nọ mới thích hợp với cuộc sống ở Mỹ, là nó xỏ ngay: “Mẹ ạ, ba quê mùa lắm, nhưng con thích cái chất phác quê mùa đó”. Tôi như một thứ hình nộm, dưới mắt nàng là một cái gai, một thứ báo cô. Tôi nhẫn nhục chịu đựng và tôi biết tình trạng như thế nầy không thể kéo dài. Rồi một ngày nào đó tôi sẽ ra đi, tôi không thể sống với một người vợ mà lúc nào cũng nói như xát muối vào mặt chồng, coi chồng như một thứ phế thải. Tôi hứa với lòng tôi, tôi sẽ câm lặng không gây gổ, không phản ứng đến một ngày nào đó tôi lặng lẽ ra đi. Sẽ trả lại cho nàng mọi tự do, mọi sự thải mái.

Rồi ngày đó đã đến, sau mấy tháng sống chung. Tôi đã liên lạc được vài người bạn tìm cho tôi một cái job bỏ báo ban đêm. Lúc ấy các con tôi đi học, nàng đi làm. Tôi viết một lá thư để lại cho nàng và các con, tôi mang theo vài bộ đồ cũ sắm ở Việt Nam rồi ra đi. Thành phố của tôi đến cư ngụ cũng ở California, nhưng cách chỗ ở của vợ tôi chừng 3 giờ chạy xe, chừng một hai gia đình Việt Nam đang sống ở đây. Tôi được một gia đình người Mỹ quen thân với người bạn của tôi cho ở tạm thời gian ngắn ở garage xe, rồi sau đó tôi share một căn phòng với một người Mexico. Việc bỏ báo của tôi kiếm chừng 800 dollars mỗi tháng, làm việc từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Ban ngày lúc đầu còn ngủ bù, sau nầy không biết làm gì cho hết giờ nên tôi ghi danh học ở Communnity College. Một cái chợ Việt Nam nhỏ cách chỗ tôi ở chừng 1 giờ lái xe, mỗi tháng tôi đến đó một lần để kiếm vài tờ báo Việt Nam và mua một ít đồ cần dùng. Một hôm tôi đọc trên tờ báo Mõ thấy các con tôi nhắn tin tìm tôi, đại khái lời lẽ: “Má đã hối hận, Ba về gấp.” Tôi đắn đo, bao nhiêu đêm suy nghĩ tôi muốn ngã lòng, muốn trở về. Nhưng rồi nghĩ lại cảnh trước đây nàng đối xử với tôi, coi tôi chẳng ra gì, và nhất là lời hứa của tôi trong thư là khi nào tôi ổn định cuộc sống tôi mới tìm lại các con. Tôi âm thầm tiếp tục đi học, tiếp tục bỏ báo ban đêm để kiếm tiền.

Nhiều hôm nhớ con, tôi lái xe trở lại nhà cũ hơn ba tiếng đồng hồ, ngừng xe từ đằng xa ngồi hằng giờ mới trông thấy chúng bước ra bước vào, rồi tôi lại lái xe trở về. Thằng con nhỏ của tôi gần 20 tuổi, nó cao lớn to con hẳn ra và bây giờ đang năm thứ hai đại học. Thằng con lớn đã ra trường hơn một năm, đã đỡ đần cho mẹ và giúp đỡ em nó rất nhiều. Nếu Như đừng có tính đoi đòi, đừng có thay đổi tính tình, đừng có se sua thái quá thì gia đình tôi hạnh phúc biết bao. Sống vài năm trên đất Mỹ, tôi đã nghiệm ra được những điều thật cần thiết, chỉ sống bình thản, sống thật lòng với suy nghĩ, trung thực với mọi người, đó là giềng mối đạo đức từ đông sang tây cũng chẳng có chi khác nhau. Chỉ có những con người luôn luôn quan trọng hình thức, lấy bề ngoài che đậy cho chút phẩm giá thối tha, thứ nầy thì đâu đâu cũng bị khinh khi. Tôi không hiểu Như đã biết những lý do vì sao tôi không chịu đựng được cái tính tình kỳ cục của Như hay không. Tôi đau lòng khi phải ra đi, thế nhưng không còn con đường nào chọn lựa khác hơn. Tôi biết trước đây Như đã hy sinh cho tôi, cho con. Tôi cũng biết bây giờ Như có thể nghỉ ngơi, để tôi và các con làm việc để bù lại những gì mà suốt mười mấy năm trường vất vả của Như. Thế nhưng tôi không thể chấp nhận sống trong một gia đình mà cái tôn ti trật tự bị chà đạp, vợ mắng chồng, con cãi cha mẹ. Tôi không phải người quá cổ hủ, thế nhưng tất cả lề thói đó đã ngấm sâu vào mạch máu, thớ thịt của tôi. Thà chết chứ không bao giờ tôi chấp nhận những điều mà theo tôi thuộc vào loại vô đạo đức.

Thỉnh thoảng vợ chồng anh bạn đến thăm tôi, mời tôi về nhà dùng cơm và nhất là khuyên tôi không để phí một thời gian nào, nghĩa là phải học. Với cở tuổi của tôi thì học không có nghĩa để tiến thân, mà học để tăng thêm sự hiểu biết. Tôi thấy lời khuyên rất chí tình, và hơn nữa trong hoàn cảnh của tôi, thời gian trống vắng sẽ rất nguy hại, sẽ làm cho những bức xúc của tôi nổ tung có thể đưa tới tình trạng điên loạn. Tôi có năng khiếu về máy móc khi còn nhỏ, tự mình lúc ấy tìm hiểu và sửa chữa được các loại máy móc đơn giản như máy may, máy hát dĩa, nên tôi không ngần ngừ chọn ngành cơ khí. Tôi đi học rất chuyên cần, chịu khó tìm hiểu, rỗi rảnh là tôi vào thư viện tìm tòi. Tôi biết tuổi của tôi bây giờ không còn nhanh nhẹn, đầu óc lú lẫn, nên tôi phải học gấp đôi so với tuổi trẻ. Việc học của tôi cũng rất khó khăn, nhiều lúc muốn buông tay. Thế nhưng tôi phải gắng gượng vì tôi nghĩ rằng tôi không đi học, thì tôi phải làm gì cho hết khỏang thời gian nầy, nên tôi lại càng cố gắng hơn.

Tôi cảm thấy trong những năm sống trên đất Mỹ, tôi như một người bơi trên giòng nước ngược, đứng lại nhìn còn thấy hoảng sợ. Tôi đến đây mọi thứ đều trở ngại không suông sẻ, từ gia đình cho đến học vấn, từ công việc cho đến cách sống, nó đã hành hạ đọa đày tôi. Tôi luôn luôn sống trong lo âu, trong thua thiệt, thế mà tôi đã cố gắng vượt qua. Thấm thoát 6 năm trên ghế nhà trường, tôi cũng được ra trường như mọi sinh viên khác. Ngày nhận lãnh văn bằng tôi mời vợ chồng người bạn đến tham dự cho vui. Tuổi của tôi nhiều khi già hơn một vài ông thầy, tôi thấy vui vui không mang trong lòng một mặc cảm. Những người chung quanh cũng rất quí mến tôi, cho tôi là một người hiếu học. Tôi nhìn quanh vẫn không thấy vợ chồng người bạn, đến khi lãnh xong văn bằng đi xuống. Thằng con nhỏ của tôi từ đâu chạy lại ôm tôi, nó vừa khóc vừa cười: “Ba giỏi thiệt, Ba giỏi thiệt”.Tôi ôm nó mà nước mắt của tôi cũng chảy dài. Nó chỉ tay ra phía sau, tôi trông thấy vợ chồng anh bạn, vợ tôi và đứa con lớn của tôi đang vẫy tay về phía tôi.

Có lẽ trời sinh ra đàn ông để tha thứ, tôi không mang trong lòng chút oán hận nào về vợ tôi, tôi cho đây chỉ là sự nông nỗi nhất thời, dạy cho nàng một bài học và cũng dạy cho tôi một bài học làm người. Sống với nhau phải lấy sự thủy chung dù ở chân trời góc bể nào cũng vậy, phải tương kính nhau, phải tha thứ cho nhau. Tuổi đời chúng tôi không còn nhỏ, không còn cái kiểu đứng núi nầy trông núi nọ, không còn bao nhiêu năm sống trên cõi đời nầy, niềm vui của chúng tôi là nhìn các con vững vàng trên cuộc sống, trông đợi chúng lập gia đình, mong chúng được hạnh phúc, nên tôi trở về sống lại với gia đình. Tôi xin việc nhiều nơi với cái nghề cơ khí của tôi, nhưng chẳng có nơi nào nhận bởi tôi trông già quá, kỹ sư già mà lại không có một ngày kinh nghiệm cũng khó tìm chuyện làm. Sau đó tôi apply vào một cơ sơ điện tử để gác ban đêm, tôi thấy rất thích hợp với nghề nầy, dù sao trước đây tôi cũng là một người lính chuyện canh gác cũng nhuần nhuyễn. Ban ngày ở nhà tôi lo cơm nước cho vợ con.

“Ðến Mỹ lúc đầu ai cũng cảm thấy khó khăn, nhìn tương lai phía trước sao mà nhiêu khê diẹ? vợi quá. Chúng ta nghĩ với tuổi đời hơi lớn của mình khó có thể vượt qua. Chúng ta thấy sự thành công của những người đi trước làm ta choáng ngợp, ước gì ta được một phần như họ. Ta phải bắt đầu với bàn tay trắng trong lúc trách nhiệm với gia đình to lớn phía sau, làm thế nào phải vượt qua? Ðó là tất cả các suy nghĩ và tâm trạng những của người lính già như chúng ta, khi mà tuổi tác không còn cho phép ta bay nhảy, tung hoành. Những người không chuẩn bị kịp sự chống đỡ, không thích nghi ngay với hoàn cảnh mới, thì thế nào tinh thần cũng bị suy sụp, dễ dàng buông tay và một điều quan trọng chúng ta sống lại với thời quá vãng quá nhiều, những tiếc nối với những hào nhoáng xưa cũ làm ta cảm thấy đau đớn, nhức nhối và rất hổ thẹn khi làm những công việc tầm thường. Muốn thành công chúng ta phải gạt bỏ tất cả, phải quên đi chúng ta là ai. Phải xăn tay áo lao mình, chúng ta phải đối đầu với cuộc chiến tranh mới, chúng ta không được quyền buông tay.”

Cuộc đời qua Mỹ của tôi chính là cuộc đời của các bạn, chỉ khác nhau một vài tình huống, một vài cá biệt. Chúng ta đều bị sự khó khăn hoành hành đày đọa. Chúng ta không thể ngã ở chiến trường nhưng chúng ta có thể ngã ngay trên vùng tự do nầy. Chính vì vậy tôi phải viết ra để tất cả các bạn, cùng cảnh ngộ, cùng một môi trường, để chúng ta cùng thấy những nghịch cảnh mà anh em mình phải chịu. Chúng ta phải ngoan cường chiến đấu với cuộc sống hiện tại, cũng như trước đây chúng ta đã từng cầm súng chiến đấu chống lại quân thù.

Boston, mùa Giáng sinh năm 1998

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button