Bố Cái Đại Vương (791) Tấm Lòng Phụ Mẫu Chi Dân
Vương Trùng Dương
Sau khi dẹp được cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và thanh trừng đồng giảng kéo dài suốt mười năm (755-765), kế thừa Đường Huyền Tông là Đường Túc Tông (756-762), Đường Đại Tông (762-778), Đường Đức Tông (780-805)… chính sách cai trị của nhà Đường càng thêm khắt khe để ngăn chận sự tạo phản và vơ vét tài sản, của cải dân chúng nhằm đền bù vào thiệt hại bị đổ vỡ trong thời tao loạn. Vai trò Tiết Độ Sứ càng ngày càng đầy uy quyền và tệ trạng cường hào ác bá được bảo vệ bởi quan chức chính quyền làm cho dân tình khốn đốn.
Tình trạng đất nước An Nam, sau hai thập niên Mai Hắc Đế qua đời, năm 742 bị rơi vào Bắc thuôïc lần thứ tư, ách thống trị lại đè đầu trên người dân An Nam.
Đầu năm 783, nhà Đường áp dụng chính sách thuế má nhằm thu vén lợi tức của người dân gây nên tình trạng khốn khổ.
Nhân cơ hội đem quân sang cai trị ở Cửu Chân, quan Đô Úy Cao Chính Bình giữ vai trò đô hộ An Nam, hùng cứ một phương, tung hoành, tác quái, quân lính được thể, lộng hành, cướp bóc. Chính sách sưu cao, thuế nặng do Cao Chính Bình áp dụng làm cho người dân An Nam điêu đứng, đói rách!
Ở Đường Lâm, Phong Châu (nay là Ba Vì, Hà Tây) có gia đình họ Phùng, trước kia đã theo ngọn cờ khởi nghĩa của Mai Hắc Đế.
Ông bà Phùng Hạp Khanh có ba anh em là Phùng Hưng, tự là Công Phấn, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Cả ba anh em đều có sức khỏe phi thường, gan dạ, lanh lẹ, mưu chước, nổi tiếng với tài săn bắt thú dữ, mọi người đều thán phục.
Tiếp nối dòng máu quật cường của thân phụ nên khi cha mẹ qua đời, Phùng Hưng giữ vai trò thủ lĩnh ở Đường Lâm.
Trước nỗi thống khổ của người dân, Phùng Hưng chiêu tập nghĩa binh, dân làng, khởi điểm từ Đường Lâm, nổi dậy chống với quan quân nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa từ làng, xã đã mang mạng thắng lợi, theo lời kêu gọi, dân quân các vùng lân cận đồng lòng hưởng ứng công cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Cao Chính Bình đem quân đàn áp nhưng bị thất bại, kéo dài từ năm nầy sang năm khác cũng không dẹp được thế lực vừa hư vừa thực, lúc ẩn lúc hiện của nghĩa binh Phùng Hưng.
Năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, xưng là Đô Quân, Phùng Hải là Đô Bảo, cùng hai tướng là Phùng Dĩnh và Bồ Phá Lặc cùng quân sư mưu lược là Đỗ Anh Hàn đem năm đạo quân đến đánh thành Đại La, còn gọi là Tổng Bình (nay là Hà Nội). Cao Chính Bình đem bốn vạn quân dàn trận để nghinh chiến, sau vài ngày giao tranh, quân Cao Chính Bình nao núng nên rút vào trấn thủ thành.
Chiếm được thượng phong, Phùng Hưng cho nghĩa binh vây kín để cô lập, Cao Chính Bình hoàng sợ, phát bệnh rồi chết, Phùng Hưng chiếm được thành trì, phong cho Phùng Hải làm Thái Úy, con của Phùng Hưng là Phùng An làm Đô Phủ Quân. Giữ được thành một thời gian ngắn, lo chỉnh đốn công việc triều chính cho giai đoạn quang phục, chẳng may, Phùng hưng bị bệnh, qua đời. Dân chúng thương tiếc, lập đền thờ ở vùng Thịnh Hào (nay là Đống Đa, Hà Nội), tôn xưng là Bố Cái Đại Vương (bố là cha, cái là mẹ, xem như bậc phụ mẫu).
Dân chúng và quân sĩ muốn lập Phùng Hải nhưng nội bộ lủng củng, Bồ Phá Lặc lập con của Bố Cái Đại Vương là Phùng An lên nối nghiệp để tiếp tục vai trò của thân phụ đang còn dang dở. Theo mưu kế của Bồ Phá Lặc, Phùng Hải bị lưu đầy ra ở động Chu Nhan. Phùng An cầm quyền được hai năm nhưng không gầy dựng được thế lực hùng mạnh để đương đầu với quân nhà Đường.
Nhà Đường phong Lý Phục làm Tiết Độ Sứ và Triệu Xương làm Đô Hộ đem đại quân sang uy hiếp. Lão tướng Triệu Xương dùng phương kế vừa đe dọa vừa cho người chiêu dụ, nhận thấy khó đương cự nên Phùng An xin đầu hàng.
Đất An Nam lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư.
Theo lời truyền, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh, giúp dân chúng mỗi khi hoạn nạn. Sau nầy sự hiển linh đó giúp cho Ngô Quyền khôi phục được sơn hà, lập đền thờ Bố Cái Đại Vương ở Quảng Bá (Hà Nội), Triều Khúc (Hà Tây), ở Đại Ứng, Phương Trung, Hoạch An (Hà Tây)… lưu truyền cho hậu thế.
Các triều đại sau đều phong tặng danh thần, gọi Bố Cái Đại Vương là Phu Hựu Vương Tín Sùng Nghĩa Đại Vương.
Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca tóm lược cuộc đời Phùng Hưng qua các dòng thơ:
“Đường Lâm mới có Phùng Hưng
Đã tài kiêu dũng, lại lưng phú hào
Cõi Tây nổi việc cung đao,
Đô Quân tôn hiệu, Tảo Thao hiệp tình
Đem quân thẳng đến vây thành
Đại La thế bức, Chính bình hồn tiêu
Nhân phủ trị, mở ngôi triều
Phong châu một giải nhiếp điều mấy niên
Đế hương phút trở xe biền
Đại Vương Bố Cái, tiếng truyền muôn thu
Phùng An con nối thơ ngu
Nghe quan nhu viễn, bày mưu hàng Đường”
Sau khi thống trị đất An Nam, nhà Đường tạo được thế mạnh nên đem quân trấn áp nước Lâm Ấp. Riêng đất An Nam, nhà Đường vẫn lo mối nguy cơ cho cuộc nổi dậy nên vào giữ thế kỷ thứ IX, nhà Đường sai Cao Biền, vừa là tướng giỏi, vừa là nhà địa lý, phù thủy cao tay ấn, sang làm Tiết Độ Sứ. Vua nhà Đường đổi An Thanh làm Tỉnh Hải, Cao Biền trấn ém nhân tài đất Nam và áp dụng việc cai trị có phép tắc, ít tàn bạo hơn những quan chức trước kia. Sau khi Cao Biền trở về làm Tiết Độ Sứ ở Tứ Xuyên, người cháu là Cao Tầm được thay thế. Bước sang đầu thế kỷ thứ X, lá bùa của Cao Biền trấn ém “Lĩnh khí ở phương Nam” không còn hiệu ngiệm?. Vẫn có ngọn cờ làm rạng danh trang sử với hình ảnh Ngô Quyền cùng quê cha đất tổ ở Đường Lâm.
Vương Trùng Dương