Bi kịch
Bùi Giáng
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
Mắt buồn – Bùi Giáng
Bất động trong vũng tối. Spotlight. Một luồng sáng phọt tới, nóng hổi. Vẫn không đổi tư thế, ủ rũ, đầu dấu kín trong vòng tay, mái tóc dài rối bời phủ đôi chân trần và vạt áo tơi tả. Chợt có tiếng reo hò huyên náo. Bật dậy. Ngơ ngác. Sợ hãi. Hốt hoảng. Cuống cuồng. Dợm chạy nhưng vấp, ngã sóng soài. Ngất lịm… Có tiếng chân. Chàng đến, kêu lớn :
– Nàng đây rồi !
Ðôi cánh tay vững chãi bế xốc tôi lên. Mắt nhắm nghiền, nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi thở dồn dập của chàng phà vào mặt. Chắc hẳn chàng đang nhìn tôi. Có tiếng tiểu đồng:
– Bẩm tráng sĩ, giặc Thát đã tràn quá Vạn Kiếp, xin ngài hãy mau cùng tiểu thư dời bước, trù trừ e sẽ nguy đến tính mạng.
– Còn mẫu thân…
Tiếng reo hò lại vang lên, dồn dập, gấp rút, ồn ã hơn. Chàng xoay người, cùng tiểu đồng chạy ngược về hướng cũ. Ðèn vụt tắt. Tối ụp.
ooOoo
Phong tắt máy, chống chân xuống đất. Tôi rời xe, kéo đầu Phong lại gần. Phong hôn tôi, đôi môi nóng, những chân râu đâm tê tê, kích thích. Phong nói nhẹ, như gió thoảng :
– Ngủ ngon. Tối mai anh đến.
– Anh không ở lại đêm nay hả ?
Ðôi mày hơi nhíu, Phong thoái thác :
– Anh hơi mệt. Ở lại đánh vật với em đêm nay là mai… hết diễn !
Tôi cười khẽ sau câu pha trò, nhận thêm một cái hôn rồi đợi cho tiếng xe mất hút ở đầu con ngõ mới mở khóa vào nhà. Như thường lệ, đã nửa đêm. Gia đình chú thím Sáu ngủ cả, nhà dưới tối om. Leo lên phòng. Căn gác xép bé như một cái tổ chim dòng dọc. Lại mở khóa. Bật đèn. Một lá thư dưới khe cửa. Mặt trước phong bì : Ðặng Thùy Mai – Vietnam, mặt sau phong bì : Huỳnh Thị Diệu – USA. Thư của Diệu. Cưng cứng. Chắc có hình. Ném lá thư lên mặt bàn. Ðể mai coi. Mệt nhoài… Soi gương. Mắt lơ đãng. Dấu son phấn chùi chưa sạch hẳn. Khuôn mặt kỳ dị, lạ hoắc. Thèm một cục xí muội. Tô cháo gà sau buổi diễn làm ngang bụng, không no, không đói. Cởi bỏ quần áo, vắt bừa lên ghế. Trời hầm, ngủ truồng cho mát. Rã rời. Cô đơn. Ðèn tắt. Tối.
ooOoo
Màn mở. Trời sáng. Tôi ngồi bệt trên đất, quay tơ. Có tiếng nhạc êm đềm, tiếng gà eo óc và tiếng lóc cóc của con thoi. Ngừng tay. Vén tóc mai. Thở dài. Mắt nhìn xa xăm. Lại thở dài rồi cúi xuống với guồng tơ. Người mẹ nuôi chống gậy bước ra. Dáng còng. Mặt vẽ nhằng nhịt như quả táo tàu.
– Con hãy nghỉ tay đã nào. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”, gió lại hiu hiu lạnh thế này, thể nào cũng có giông mất thôi. Dọn vào nhà đi con.
– Vâng, thưa mẹ.
Ðứng dậy, sửa lại xống áo, bước đến nâng vai mẹ già. Tia nhìn sắc lẻm đối chọi với giọng nói phều phào run run :
– Lâu nay, không thấy tin gì của thằng Hoạch, con nhỉ ?
Nghe đến tên chàng, mắt đã loang loáng nước. Ðưa vạt áo chùi vội, khẽ khàng đáp :
– Thưa mẹ, không ạ. Chắc chàng còn mải chiến đấu chốn sa trường ngăn chống giặc Thát. Con nghe đâu chúng đã chiếm cả kinh đô Thăng Long. Thế giặc đang mạnh như chẻ tre, con lo lắm, mẹ ạ.
– Ði với mẹ vào thắp hương lậy Phật đi con. Cầu Trời Phật phù hộ độ trì cho dân Việt ta có ngày chiến thắng lũ giặc ác.
Tôi dìu mẹ già vào nhà. Ðèn chớp tắt. Có tiếng sấm ầm ỳ, rồi tiếng mưa sàn sạt. Khung cửi bị bỏ quên, chơ vơ bên mái lá. Màn hạ. Vẫn đều tiếng mưa.
ooOoo
Mở mắt. Mưa gõ đều giọt trên mái tôn nhà hàng xóm. Bão rớt mấy hôm nay. Chín giờ thiếu năm. Chuông đồng hồ chưa reo. Ngồi dậy, vươn vai, đầu óc trống rỗng. Chiều nay không phải tập kịch bản mới, thư thả một chút. Làm gì ? Khoan nghĩ. Bụng đói, ăn cái đã ! Vệ sinh qua loa. Mở cửa sổ. Lá ướt mượt như thạch. Nhìn đã mắt. Nước mưa bay hơi, ẩm nồng, ngái. Xuống thang, dép nhép nước. Trời tạnh, nắng giành chỗ mưa, xóa dần vết. Thím Sáu đang lúi húi trong bếp, như mọi ngày, như suốt đời.
– Con chào thím.
Thím Sáu quay lại, mắt đỏ hoe, chắc lại khóc chuyện thằng Tèo bỏ nhà đi giang hồ vặt.
– … À, cô Mai, bưã nay có xôi đậu phọng, biết cô thích, tui chừa phần nhiều.
– Thím cứ chiều con, để thằng Ti con Toe ăn nhiều cho tụi nó mau lớn chớ !
– Tụi nó đã có tui lo, cơm nước ngày hai bưã đều đặn, chỉ có cô là ăn uống thất thường, lại còn đêm nào cũng khuya lắc khuya lơ mới về tới nhà. Phải giữ gìn sức khỏe nghe cô Mai, cứ cái điệu này hoài là có ngày không bịnh lao cũng đau bao tử cho coi, tui nói thiệt đó !
Câu nhắc nhở hàng ngày, chui vào lỗ tai này, lọt ra lỗ tai kia. Từ bé đến giờ, đã có bao nhiêu câu răn dạy còn ở lại trong đầu, và được tuân theo ? Nhiều người thích khuyên răn mà chẳng bao giờ thực hiện nổi lời mình nói. Thói đời vẫn vậy. Nói văng tê thì dễ ẹt, có đụng chuyện, mới biết đá vàng… Kéo ghế ngồi vào bàn. Ăn sáng ? Ăn trưa ? Thì cứ ăn cái đã, lẩm cẩm ! Xôi dẻo, đậu phọng bóng lẫy, béo ngậy, mặn một chút muối vừng.
– Cô Mai nè, nghe mấy bà hàng xóm khen lúc này cô diễn tuồng hay lắm, mấy bả coi mà khóc muốn hết nước mắt luôn vậy đó !
Tài năng diễn viên được đong đếm bằng nước mắt khán giả. Vậy đó ! Dù sao thì cũng vui vì lời khen thật thà, không ẩn ý, không mua chuộc.
– Bưã nào thím Sáu đi coi đi, con có vé mời mà.
– Thôi cô ơi ! Tui cũng muốn đi coi cô diễn lắm chớ, bị cái ông Sáu nhà tui đó, ổng chỉ khoái có cải lương hà, còn mấy thứ khác, ổng chê tuốt luốt. Người gì mà cổ hủ quá chừng ! Mà cô nghĩ coi, ổng không đi, hổng lẽ tui xé lẻ đi coi một mình, kỳ lắm cô Mai ơi, hổng được đâu, người ta nói chết !
Ở cuối thế kỷ hai mươi này mà vẫn còn thím Sáu, mẫu mực đàn bà “tam tòng, tứ đức”, phục thiệt ! Vậy mà cứ nghĩ tới câu nói của Hồng : “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, tử tử tòng tân phu !”. A ha, con gái thời nay có khác ! Mà cứ gì con gái thời nay, cứ đem so với câu “Có chồng càng dễ chơi ngang…” của nữ lưu thời trước thì còn thua xa lắc xa lơ…
– Cô Mai ăn không ngon miệng hay sao mà ngồi thừ ra vậy ?
– À… đâu có thím Sáu, xôi ngon lắm chớ, bị con hơi mệt…
– Ðó, tui nói có sai đâu, cô hổng chịu giữ gìn sức khỏe gì hết trơn hết trọi, rồi mai này…
Nên cám ơn hay nên bực dọc ? Tốt hơn hết là im lặng. Im lặng có nghĩa là chấp nhận. Im lặng cũng có nghĩa là phủ nhận. Im lặng là vàng, còn ồn ào là kim cương… Tầm bậy tầm bạ !
– Thím Sáu có cần gì không, con giúp một tay, chiều nay con rảnh…
– Thôi thôi, thây kệ tui ! Cô lên nghỉ đi, mặt mày xanh lè hà ! Nhớ uống át-bi-rin đó ! Bộ mặt diễn viên thiếu son phấn sao mà bệnh hoạn như dân phi xì ke, dị hợm, thấy mà ghê!
Có cái cớ để tót lên lầu mà lương tâm khỏi cắn rứt. Nghỉ ngơi và trang điểm. Không, trang điểm rồi nghỉ ngơi.
ooOoo
Tiếng nhạc ngũ cung vang lên trầm bổng, ray rứt. Âm hưởng Trung Hoa. Tôi ngồi trên đôn sứ, phục sức tiểu thư Tàu, trang điểm rực rỡ nhưng mày chau mặt ủ. Lấy khăn chậm nước mắt. Ðứng dậy, bước đến tựa song cửa, nhìn mông lung, chợt ôm mặt khóc nức nở. Nhạc chậm dần, ai oán, rồi ngừng tiếng. Không gian câm. Có tiếng trống lệnh. Tôi ngừng khóc, hốt hoảng. Viên tướng Mông Cổ bước đến, áo mão cân đai, oai vệ, hiểm ác. Lả lơi, cười cợt. Lẩn tránh. Chớt nhả, xàm xỡ. Lại lẩn tránh. Dồn ép. Một cái tát tai. Một cái tát trả. Tôi ngã vật xuống sàn, vội ngửng đầu, trừng mắt nhìn kẻ thù. Hắn giận dữ. Ðe dọa :
– Một tuần trăng nưã, nếu nàng không ưng thuận, sẽ biết tay ta. Lúc đó, đừng trách sao ngọc nát vàng tan !
Quay lưng bước thẳng. Tôi vùng đứng dậy, rút chiếc trâm nhọn gài trên tóc, giơ cao, định đâm vào cổ. Nhạc mạnh, gấp rút, kích thích sự chú ý. Bất động. Buông rơi chiếc trâm. Buông người bệt xuống sàn, hai tay ôm mặt, vai rung rung. Ðèn mờ dần, mờ dần, rồi tắt hẳn.
ooOoo
Giật mình thức dậy. Màu đen nhờ nhờ chung quanh. Ðồng hồ trên tường chỉ một giờ hai mươi phút. Mới qua nửa đêm. Bắt đầu một ngày mới. Trở người qua trái. Thân thể trần trụi của Luân duỗi thẳng, hơi thở dài, nét mặt bình thản trong giấc ngủ say. Nghĩ đến Phong. Thỉnh thoảng, nằm bên Luân lại nghĩ đến Phong, hay ngược lại, và so sánh. Phong với nỗi hân hoan, cuồng nhiệt của tuổi trẻ, với thân thể cường tráng, sinh lực dồi dào của tên thanh niên hai mươi mấy tuổi. Luân với tính tình điềm đạm, chín chắn, với sự săn sóc, rào đón hào phóng, với những kinh nghiệm từng trải của kẻ tráng niên bốn mươi mấy tuổi. Có điều… Nhìn xuống chiếc nhẫn cưới của Luân. Có điều Luân đã có gia đình, tôi chỉ là kẻ đến sau. Còn Phong, như cơn gió chướng, không thể nhốt kín trong tay được. Tôi, con thiêu thân, bị thu hút bởi nỗi đam mê của hai gã đàn ông từ hai phía. Tôi nhắm mắt lao theo lòng ham muốn, không chọn lựa, không do dự và không dám nghĩ đến ngày mai, khi Luân trở về với gia đình và Phong vuột khỏi tầm với. Tôi sẽ mất Luân. Tôi sẽ mất Phong. Nhưng hiện tại, tôi có cả hai. Phong để thương yêu và chiều chuộng, Luân để được thương yêu và chiều chuộng. Tôi ở giưã, tham lam bắt cá hai tay, những con cá trơn nhẫy, đầy gai ngạnh châm chích… Luân ngáy khẽ. Con thú đã no mồi. Khuôn mặt có vẻ trẻ hơn, khi say ngủ. Những vết nhăn trên trán, hai bên khóe mắt hình như giãn ra. Con mắt nhanh sắc bị lấp sau làn mi khép. Khoé miệng đểu giả không nhếch lên, không trề xuống, mà nằm ngay ngắn, như một nét kẻ thẳng. Hình như con người, khi say ngủ và khi say rượu, là chân thật hơn cả. Cái đểu giả điệu bộ của Luân, cái sở khanh đỏm dáng của Phong, sao mà đáng yêu ! Những thứ trang sức thô thiển đó làm cho gã đàn ông giàu có hơn và tự tin nơi mình hơn. Còn tôi, tôi sẽ có gì để phủ lên bề ngoài tàn tạ? Chiếc mặt nạ son phấn, những bộ quần áo tùy vai trò, tùy màn cảnh của vở kịch, và những giọt nước mắt, rất dễ tuôn rơi. Ủa, tại sao lại khóc ? Ðâu có khán giả đâu mà khóc ?
ooOoo
Tôi bước ra. Ðầy người. Ðèn chói chan. Thị nữ theo sau cầm quạt dài, phe phẩy. Viên tướng Mông Cổ lớn tiếng :
– Ta mời phu nhân đến đây xem xử tội.
Tử tội vào. Gông cổ và hai tay. Xiềng chân kêu loảng xoảng. Tóc rũ rượi. Áo quần rách bươm. Ngẩng mặt. Tôi lảo đảo, buột miệng :
– Chàng !
Tử tội lùi một bước, nhưng lại tiến lên, ngoảnh mặt, nhìn thẳng viên tướng giặc. Tôi dựa hẳn vào thị nữ, rũ như hoa héo. Tiếng đối đáp, quát tháo lao xao, cuối cùng kết thúc bằng tiếng hét lớn :
– Chém!
Tôi nhũn người. Thị nữ buông quạt, ôm chầm lấy tôi, rối rít. Tôi được dìu vào trong, bên tai còn văng vẳng tiếng trống rền và giọng chàng vang dội :
– Ta thà chết chứ không hèn hạ cúi đầu. Thăng Long sắp đến ngày nhìn bọn bay tháo chạy nhục nhã. Dân Việt muôn năm ! Nước Việt muôn năm !
ooOoo
Nằm đọc thư Diệu. Diệu với Tường mới làm đám hỏi. Nhìn hình, thấy mặt hai đứa già quá, so với hồi… Ừ, mà gần mười năm rồi còn gì, không già sao được ! Bạn bè cũ thời trung học. Còn lại mấy đứa ở cùng thành phố mà cả năm nay có gặp đứa nào đâu. Mà bây giờ có gặp, cũng không biết nói gì, chắc chỉ lại lôi ra nhắc chuyện trường lớp ngày xưa. Ngày xưa, cứ nghe như trong cổ tích ! Có tiếng gõ cửa. Phong vào, không đợi cho phép.
– Hề hề, chào người “dẹp”, mười giờ sáng rồi mà còn nằm nướng hả, bộ không tính đi tập chiều nay sao?
– Em không thích kịch bản mới lắm, tại…
– Tại không có màn khóc lóc chớ gì ! Biết hết !
– Xí, cái đồ vô duyên, chưa chi đã nhảy vô họng người ta kê tủ đứng hà !
– Tủ đứng tủ ngồi gì! Ai chứ em thì tim đen tim đỏ chi, anh cũng nhắm trúng bóc hết, đúng không ?
– Không thèm nói chuyện nưã ! Mới tới mà đã chọc quê người ta rồi ! Ðồ bất lịch sự, đồ không biết ga-lăng, đồ… đồ…
– Ðồ hộp! Em thấy anh giống hộp sưã ông thọ hay sao mà rủa hoài vậy ? Thôi mà, cho moa xin lỗi mà, không thôi moa lại leo lên đầu toa, moa…
Giận Phong sao nổi, dễ thương quá mà! Chận câu nói nham nhở bằng một nụ hôn. Mùi thuốc lá trong miệng nồng nồng quen thuộc, quyến rũ. Những ngón tay lùa vào tóc mơn man. Mắt nhắm nghiền để quên đi thực tại, để bay vào trời tình say đắm, với chiếc thảm thần là ngọn lưỡi mềm quấn quýt. Cứ thế, Phong cuốn tôi vào tình yêu bằng những cơn lốc của trận bão cuồng. Tôi mê muội trong vòng tay xiết, trong sự cọ xát rướm máu của thân thể. Tôi rên rỉ mở rộng cõi riêng của tôi, để nhận vào đầy ắp cõi riêng của Phong, như Adam và Eve, như đàn bà và đàn ông trên cõi đời này đã, đang và sẽ mãi mãi làm như vậy. Và nếu có chết, xin cho tôi được chết lúc này, khi đã nhập thành một khối với người yêu. Khi ấy, cái chết sẽ không cô đơn, không lạnh lẽo. Tôi muốn nói đến cái chết thật, một lần trong đời, chứ không phải là cái chết trên sân khấu, nằm trong bóng tối để nghe tiếng vỗ tay, tiếng huýt gió tán thưởng, để nghĩ đến tô cháo gà sau buổi diễn, để cảm thấy thân thể nhừ mỏi và mắt lóa vì ánh đèn nóng chói… Mở mắt. Phong đang đứng ở cửa sổ, lơ đãng nhìn vào vòm lá, tay cầm quả chuối và trên người chỉ độc chiếc quần lót nhỏ. Phong của tôi. Phong sẽ không chết mỗi đêm sau tiếng “chém !” tàn bạo. Phong hồn nhiên và vô tình như cánh gió, đến rồi đi. Còn tôi cứ bị hút chặt trên mặt đất, đứng tại chỗ mà chờ đợi, mong mỏi, cầu xin. Xin cho Phong đừng quên tôi. Xin cho Luân đừng quên tôi. Xin cho tôi đừng quên tôi.
ooOoo
Lả người trên chiếc đôn sứ, sát góc phải. Vẫn áo quần lộng lẫy, nhưng tóc đã xổ tung. Một ngọn đèn nhỏ hắt sáng từ dưới chân, đủ để thấy nhân dáng theo dạng khối. Blacklight. Ánh sáng tăm tối. Gió rít. Nhạc thê lương. Chàng hiện ra từ lúc nào không biết. Quần áo trắng bắt đèn, chuyển sang tím. Mặt và hai bàn tay ngả màu đen bẩn, gần tiệp với phông màn. Chỉ còn đôi mắt, trắng tím, long lanh. Tôi gào lên, hai tay chới với nhưng không thể dứt người ra khỏi đôn sứ. Chàng quắc mắt, lớn tiếng :
– Nàng đã phản bội giống nòi, phản bội tổ quốc, nàng nỡ phụ tình ta, còn oan ức gì nưã mà kêu gào khóc lóc? Im tiếng đi ! Ta không muốn tai vướng bẩn vì tiếng nỉ non giả dối của nàng.
Cố hết sức, bật dậy, chạy về phía chàng, hai tay dang rộng, áo bay phất phới. Nhưng đột nhiên, khói. Khói vây phủ tứ phía. Chàng biến mất. Tôi hét lên, quay cuồng, mất phương hướng, ngã nhào, ngất lịm.
ooOoo
Kéo mạnh. Tấm hình dấu trong chồng sách lòi ra. Choáng váng. Phong và Liễu ôm nhau, tươi cười. Ngồi bệt xuống ghế. Hình ảnh cứ lướt qua, lướt nhanh trong trí. Những tia nhìn trộm lấm lét của Liễu ở phòng hóa trang, con mắt dữ trừng trừng khiêu khích trên khuôn mặt nhăn nheo của người mẹ nuôi giưã sân khấu. Và sự lơ là của Phong. Vẫn biết Phong phóng túng, nhưng sao lại là Liễu ? Sao có thể là Liễu được ? Phải làm gì bây giờ? Có quyền ghen hay không ? Tôi giữ trong tay cả Phong lẫn Luân. Hoán chuyển vị trí giưã Phong và tôi, thay Luân bằng Liễu, bài toán hình như cùng lời giải. Phải làm gì bây giờ ? Giữ nguyên tình huống, với bộ mặt cười, đóng cho tròn vai kịch ? Tôi sẽ không nghe, không thấy, không nói gì cả, bịt tai, che mắt, bưng miệng để cố nhốt cơn gió hoang. Hay tôi sẽ tung hê, hét toáng sự thật vào mặt mọi người để khỏi vụng về trong vai kịch, khi lòng héo rưã ? Tôi phải làm gì đây, phải sắm thêm một vai kịch cho chính mình nưã hay sao ?
ooOoo
Khói tan. Ðèn sáng. Trang trí nội thất cung đình ước lệ. Tiếng trống chiêng. Choàng dậy. Ngơ ngác nhìn quanh. Tỉnh hồn, vội sửa sang xiêm áo, vén gọn tóc tai rồi phủ phục ở lối vào. Viên tướng Mông Cổ đến, nâng tôi lên, âu yếm dìu vào sập gụ. Một khay rượu được dâng. Ðàn sáo. Múa hát. Ðối ẩm. Say sưa. Hắn gục xuống. Tôi lả người nhưng còn tỉnh trí, rút chiếc trâm đâm vào cổ hắn. Ðộng tác nhanh, gọn. Hắn dẫy lên một cái, một cái nưã, rồi nằm im. Tôi run giọng: – Thiếp đã trả thù nhà, đền nợ nước, đừng nghi oan cho thiếp kẻo tội. Xin đợi thiếp theo cùng với, chàng ơi ! Ðèn tắt ụp. Spotlight rọi một vũng sáng tròn, gói trọn tôi vào giưã. Chiếc trâm lại giơ cao, hạ xuống vùng ngực. Mắt nhắm, mặt nhăn, nhưng môi vẽ một nét cười. Chết. Tối đầy. Tiếng vỗ tay rào rạt. Màn hạ.
ooOoo
Tấm hình bóp nát trong tay, nhưng trái tim tử thương, hấp hối dãy dụa. Ðau.
Cổ Ngư
PARIS, 08.1992