Bên Bờ Thác Yaly

Hà Kỳ Lam

Cái trò uống rượu vậy mà đôi khi đâm ra hay – năm ngoái nó đã đem lại cho tôi một câu chuyện thật lý thú. Vị trưởng lão trong bàn nhậu là người mà tôi không thể nào ngờ lại có ngày cung cấp cho tôi nguyên cả một truyện ngắn, từ đầu đến cuối, có phân đoạn, có bố cục chặt chẽ! Tôi biết ông ta khá lâu trước đó, nhưng không nghĩ có ngày cùng ngồi một mâm, một chiếu với ông. Lý do đơn giản là cách biệt tuổi tác. Và trong số năm thính giả đêm đó không biết có ai còn giữ lại trong ký ức câu chuyện “tầm phào” kia như tôi!

Một hôm đại đội tớ dừng quân đêm bên bờ thác Yaly, thuộc vùng rừng núi Pleiku. Bấy giờ là mùa khô nên con sông Yaly không lồng lộn, không sũi bọt trắng, không réo gọi ầm ầm, man dại như những lần trước bọn tớ qua đây; trái lại, nó rót nhẹ nhàng xuống các phiến đá, đủ tạo nên những hoa nước trắng phau rãi đều khắp mặt sông, cùng một chuỗi thanh âm rì rào liên tục dễ ru thần trí vào một cõi êm đềm… Ở đoạn này lòng sông lởm chởm đá và có một độ nghiêng khá dốc làm cho giòng nước chảy xiết hơn những khúc khác của con sông nên đã tạo nên con thác Yaly. Từ bờ này sang bờ kia ước lượng khoảng ba trăm thước. Hai bên bờ toàn là những tảng đá đủ cỡ nằm chen chúc lên nhau. Mặt nước cũng lố nhố vô số mỏm đá. Trong đời mình, tớ chưa từng thấy một nơi nào nhiều đá như thế. Cả một vùng bao la chỉ có đá, đá, và đá. Rừng bị đẩy lùi xa bờ nước hằng mấy trăm thước. Các bạn chắc khó cảm thông được cái thanh thản cộng với cái choáng ngợp trong tâm hồn tớ lúc bấy giờ khi vừa tới bìa rừng thoáng thấy một khoảng không gian chan hòa ánh sáng. Cùng với âm thanh rì rầm của nước chảy, tớ nhìn thấy giòng Yaly trước mặt, ở một quãng xa. Không phải lần đầu tiên tớ biết con sông kia. Nhưng bao giờ cũng thế, sau bao ngày trong rừng rậm với cây lá, đỉnh nhọn, lũng sâu, với cái âm u, mát lạnh cố hữu của nó, khoảng trống đầu tiên đem lại tớ cái cảm giác kia, dù khoảng trống chỉ là một lòng chảo nhỏ hay một thung lũng rộng, nói chi đến con sông Yaly với đôi bờ bát ngát đá ghềnh này! Trong cuộc sống đường rừng, một khoảng trống với kích thước kia hẳn là hiếm quí vô cùng, theo tớ nghĩ. Ôi, tớ yêu giòng thác Yaly buổi chiều đầu tiên dừng quân biết bao. Ấy vậy mà buổi sáng hôm sau…

*

* *

Tớ là một trung đội trưởng. Trong tình hình bình thường hiện tại đã có người trung đội phó và các tiểu đội trưởng điều hành công việc, tớ không phải dậy sớm, và muốn nằm nấn ná trên võng ngủ tiếp để “dưỡng sức”. Nói là dậy muộn chứ thực ra cũng đã bảy giờ sáng rồi, khi tớ rời võng. Binh sĩ trong trung đội của mình và các trung đội khác thì đã tỉnh táo, nai nịt gọn gàng từ năm giờ sáng.

Tớ vắt khăn mặt trên cổ, cầm chiếc ca uống nước của nhà binh cùng với bàn chãi và ống thuốc đánh răng tiến ra bờ sông. Không một bóng người bên bờ sông lởm chởm đá và rộng mênh mông. Dễ hiểu thôi: từng toán nhỏ, cả đại đội đã thay phiên nhau, kẻ trước người sau ra bờ sông giải quyết nhanh công việc đánh răng, rữa mặt, lấy nước uống và nấu ăn, xong đâu đó lại biến vào vị trí dừng quân trong bìa rừng – nguyên tắc phân tán và ẩn núp. Tớ là người cuối cùng làm công việc đó. Tớ bước ra xa bờ vài chục thước bằng cách nhảy trên các mỏm đá nhô lên trên mặt nước để khỏi ướt giầy. Tớ “ổn định” ở một điểm có mức nước hơi sâu. Ðứng dang chân trên hai tảng đá nhỏ cách nhau khoảng bốn tấc và trên mặt nước độ một gang tay, mặt hướng về phía bờ bên kia, tớ bắt đầu đánh răng. Lập tức tớ nghe một tiếng súng, và hình như từ hướng bìa rừng đằng sau lưng. Tớ quay phắt lại hỏi với một giọng ngọng nghiệu của cái miệng còn ngậm thuốc đánh răng, “ai bắn vậy?” Mấy người lính trong khoảng rừng gần tớ nhất nhìn nhau, rồi một người nói:

– Dạ không ai bắn cả.

Tớ tiếp tục đánh răng. Chẳng được bao lâu – năm giây thì phải – lại một tiếng nổ nữa xé không gian cùng lúc với một luồng gió nhẹ khẽ kéo lệch ống quần bên phải của tớ. Lần này tớ lộ sự bực bội ra mặt, quay lại phía sau gắt:

– Ðứa nào bắn vậy?

Các người lính không còn nhìn nhau như lần trước, mà đồng thanh đáp:

– Dạ không ai bắn cả, chuẩn úy ạ.

Tớ lại tiếp tục đánh răng. Cũng chẳng được bao lâu – năm giây phù du nữa – một tiếng nổ nữa vang lên giữa khoảng trời cao sông rộng và một cột nước vọt lên trước mặt tớ từ một điểm ngay chính giữa hai mỏm đá tớ đang đứng. Rất nhanh, tớ hiểu ai đã bắn nãy giờ. Vứt bỏ mọi thứ trên tay, tớ quay đầu chạy thục mạng vào trong rừng nơi trung đội mình đang bố trí. Lập tức hỏa lực của cả đại đội trút xối xả qua bên kia sông. Ðạn làm tóe lửa trên đá bên bờ kia, trông như những ánh đôm đốm lập lòe đó đây. Những quả M 79 nổ từng hồi gây những bức màn bụi, khói che kín cả một bờ sông. Trận trả đũa kéo dài độ mười phút, rồi rừng núi lại tiếp tục cái lầm lì muôn thuở. Một anh lính mang cái ca, bàn chãi, khăn mặt, những món tớ vứt lúc nãy, đến trao lại tớ. Tớ hơi ngượng khi nhận lại những món đó. Dù sao thì tớ cũng chỉ là một cậu sĩ quan “sữa” dưới mắt những con người dày dạn chiến trận này. Sau khi dùng nước trong bi-đông của mình để hoàn tất công việc vệ sinh cá nhân bị gián đoạn vì ba phát súng “trời đánh”, tớ với chiếc nón sắt và bước đến bên một đống lửa, đặt úp trên mặt đất làm ghế và ngồi lên. Ðốt một điếu thuốc, rít vài hơi, tớ nhìn lửa reo vui trong không khí se lạnh của buổi sáng đường rừng. Mấy người lính ngồi quây quần chung quanh bếp lửa hành quân nhóm lên giữa rừng bắt đầu đề cập đến sự việc tớ vừa trãi qua. Rồi tình cờ tớ bỗng cúi nhìn mặt đất dưới nón sắt của mình. Ở cái động tác đó, một lỗ thủng nhỏ bằng đầu đủa gần đáy quần về phía bên phải lọt vào mắt tớ. Nếu là một chiếc quần cũ, bạt màu, sờn rách, thì cái lỗ thủng kia có lẽ đã chẳng làm tớ chú ý đâu. Một lỗ rách trên áo quần cũ là bình thường. Ðằng này bộ áo quần trận tớ khoát trên người trong chuyến hành quân đó là quân trang tớ mới nhận từ kho đơn vị, và một anh thợ may đã sửa cấp tốc cho tớ. Bản năng con nhà lính, dù vẫn còn mang nhãn hiệu “lính sữa”, làm tớ đưa tay sờ phần đối diện với lỗ thủng kia. Tớ gần như giật bắn người, vì rõ ràng ngón tay tớ vừa chọc vào đúng lỗ thủng thứ hai! Và cũng rất nhanh, tớ nhớ lại cơn gió thoảng đã làm “lay động” ống quần bên phải của tớ cùng lúc với phát súng thứ nhì.

Mọi người ngưng nói, nhìn tớ chằm chặp. Cái nhìn không phải dành cho một con người kỳ dị, mà cho một sự việc kỳ lạ. Họ hành động như thể tớ là hiện thân của một phép lạ. Bởi vì, không cần phải nói ra, ai cũng có thể thấy đạn đạo của ba viên đạn kia đã nằm trên mặt phẳng cắt đôi hình hài tớ từ đỉnh đầu xuống chân theo trục sống mũi! Xạ thủ chỉ có lỗi lầm ở phát súng đầu tiên, vì hiển nhiên là cao quá. Sau đó anh ta đã làm đúng công việc của mình, tức đã đem viên đạn thứ hai xuống đúng tầm hơn nhưng nó lại không thuộc quyền lực anh ta, vì tớ đã không ngã xuống. Có lẽ người du kích đã rũa thầm khẩu súng dễ dạy mọi ngày nay bỗng dở chứng cứ “ăn lên” mãi và anh ta đã hạ nòng súng xuống thấp hơn nữa, mong cho viên đạn trúng vào người tớ. Hóa ra đường nhắm đi xuống nhiều quá, và viên đạn đã ghim xuống nước! Một anh lính tinh nghịch bảo tớ đứng dậy và dang hai chân như tư thế đứng đánh răng khi nãy, đoạn bước đến bên cạnh tớ, nâng sửa chiếc quần của tớ cho ngay ngắn và lấy ngón tay đo khoảng cách từ lỗ đạn đến vị trí… hạ bộ của tớ. Ðộ một phân là cùng! Anh chàng oang oang lên, “ông thầy chết đi sống lại đến hai lần, chứ không phải một lần đâu!” Tất cả cười ầm lên.

Cả bàn nhậu cũng cười xòa. Vị trưởng lão nâng ly đề nghị mọi người cạn ly. Ai nấy nốc hết ly rượu của mình, và rót thêm rượu. Không khí huyên náo lên, sau mấy phút cả phòng im lặng, nín thở theo dõi câu chuyện. Mọi người có vẻ hài lòng vì đoạn kết của câu chuyện có hậu. Một thính giả thắc mắc về việc lính tráng không phân biệt được tiếng súng của ta và địch.

Tớ xin lỗi. Tớ quên khuấy đi rằng các bạn chưa sống với súng đạn. Tớ tạm gọi cái điều tớ sắp đề cập là “hiện tượng vật lý của tiếng súng ngược chiều.” Tiếng đạn nhằm về phía mình bao giờ cũng làm cho mình nghe như tiếng nổ trên đầu, chứ không phải từ một quãng xa trước mặt. Tớ không giải thích được hiện tượng đó, tớ chỉ thể nghiệm nó nhiều lần. Tớ đoán có lẽ viên đạn xé không khí mang theo âm ba về phía người bị bắn và gây nên một ảo giác. Ảo giác ở đây là tiếng nổ nghe như phe ta bắn. Và chính ảo giác đó khiến tớ nghĩ có lẽ lính của hai trung đội bạn bắn. Dù sao thì các bạn cũng đừng quên rằng tớ lúc ấy chỉ là một cậu “lính sữa”, đã có kinh nghiệm trận mạc gì đâu.

Và giữa lúc bao nhiêu ý kiến tha hồ được đưa ra thì người kể chuyện lên tiếng cắt đứt những suy nghĩ của mọi người. Ông ta xin cử tọa dành cho mình ít phút nữa, vì câu chuyện chưa kết thúc. Mọi người lại ngơ ngác. Im phăng phắt.

Ðúng nửa giờ sau biến cố bắn tỉa đó, đại đội nhận lệnh tiểu đoàn vượt sông lục soát vùng bắn tỉa. Kế hoạch hành quân sơ khởi của đại đội thì không bao quát vùng bên kia sông. Kết quả là bọn tớ đã tìm thấy ba vỏ đạn Mas 36 và một cây trụ gỗ tròn cỡ cổ chân chôn sâu dưới đất vững chắc, trên đầu trụ là một chắn ba mà xạ thủ dùng để tựa súng lên. Vị trí đó nằm giữa một hốc đá, cách bờ nước độ năm mươi thước. Có những vết máu có vẻ còn mới. Bọn tớ lần theo vết máu về phía bìa rừng khoảng năm mươi thước và đã tìm thấy xác một người du kích mặc quần đùi nâu, áo bà ba đen, nằm sấp, khẩu súng nằm dưới bụng. Anh ta lãnh một vết thương duy nhất nơi ngực và trổ ra sau lưng. Xông pha trận mạc đã nhiều, bị thương cũng lắm, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc nhiều lần nữa, nhưng sao cái biến cố đầu đời binh nghiệp đó ghi đậm trong lòng tớ nhất. Chẳng phải vì là kỷ niệm đầu tiên. Có lẽ vì cái tính chất kỳ lạ của nó. Trong biến cố kia, tớ và người du kích ai là người cầm chắc cái chết nhất? Vậy mà sự việc xảy ra hầu như ngược lại “nguyên lý của tự nhiên”.

Câu chuyện chấm dứt. Mọi người lại trầm ngâm ít giây. Rồi bao nhiêu ý kiến, suy luận, lại tha hồ nổi lên, và lần này mới là phán đoán chung cuộc. Giữa tiếng lao xao cười nói, tiếng ly cốc nhấc lên, đặt xuống trên mặt bàn nhậu, tôi bỗng nghe giọng nói như ngâm nga của một ai đó lặp lại câu nói xưa nghìn đời, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Vị trưởng lão đã lôi từ trong một chiếc hộp gỗ cũ kỹ nhưng còn tốt và sạch sẻ chiếc quần lính màu xanh ô liu, với một ống quần có hai lỗ đạn nhỏ bằng đầu đũa, và ba vỏ đạn bằng đồng dài bằng ngón tay trỏ của một đứa bé lên sáu, bảy tuổi. Mọi người chuyền tay các kỷ vật để nhìn cho mãn nhãn.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button