30-4-1975: TIỀN ĐỀ CUẢ SỰ CỐ NAM QUAN

Trần Gia Phụng

1.- BẮC VIỆT CƯƠNG QUYẾT XÂM LĂNG NAM VIỆT

Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 tạm thời chia hai nước Việt Nam ở sông Bến Hải (Quảng Trị) tại vĩ tuyến 17. Phía bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) do Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (LĐ), tiền thân cuả đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) ngày nay, lãnh đạo. Phía nam là Quốc Gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu và ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Tuy chấp hành quyết định cuả hiệp định Genève chia hai nước Việt Nam, nhưng Đại diện cuả Quốc Gia Việt Nam không ký vào hiệp định nầy.

Điều 7 trong bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954, ấn định rằng một cuộc tổng tuyển cử dưới sự kiểm soát của Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế dự tính sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956; các việc chuẩn bị sẽ được xúc tiến từ 20-7-1955.(1)

Thủ tướng Bắc Việt là Phạm Văn Đồng gởi thư ngày 19-7-1955 cho thủ tướng Nam Việt là Ngô Đình Diệm yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955 như đã quy định trong hiệp định Genève, để bàn về việc thống nhất và tổng tuyển cử. Ngày 10-8-1955, Hồ Chí Minh nhắc lại đề nghị nầy lần nữa, nhưng đều bị thủ tướng Ngô Đình Diệm nhiều lần lên tiếng bác bỏ vì cho rằng không có tự do dân chủ ở Bắc Việt.

Tuy biết bị từ khước, nhưng ông Phạm Văn Đồng vẫn tiếp tục gởi công hàm đến ông Ngô Đình Diệm yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử để chứng tỏ Bắc Việt muốn thi hành hiệp định Genève. Lần cuối cùng ông Đồng lên tiếng về việc nầy ngày 18-7-1957 và ông Diệm trả lời ngày 27-7-1957 rằng “khi nào miền Bắc chấm dứt khủng bố, phá hoại và thực thi dân chủ tự do, khi đó mới có thể tổng tuyển cử và thống nhất đất nước.”(2)

Bắc Việt tự tin chắc chắn sẽ đắc thắng nếu tổng tuyển cử được tổ chức lúc đó vì: thứ nhất, miền Bắc đông dân hơn miền Nam; thứ nhì, đảng LĐ kiểm soát dân chúng chặt chẽ hơn miền Nam; thứ ba, trước khi tập kết lực lượng ra Bắc, cộng sản đã chôn giấu vũ khí và cài cán bộ đảng viên ở lại hoạt động bí mật tại miền Nam; thứ tư, miền Nam liên tục xáo trộn từ khi ông Ngô Đình Diệm về cầm quyền năm 1954.

Chính phủ Nam Việt lúc đó chưa kịp ổn định tình hình nội bộ, đang gặp nhiều phân hóa, khó khăn: thứ nhất, sự chống đối của các lực lượng thân Pháp, của Bình Xuyên, và của các giáo phái ở miền Nam; thứ nhì, sự chống đối của các đảng phái ở miền Trung; thứ ba, giải quyết chỗ ở cũng như công ăn việc làm cho khoảng trên 800.000 đồng bào từ Bắc di cư vào Nam; thứ tư, tổ chức lại guồng máy hành chánh sau những thay đổi chính trị năm 1954, vì ông Ngô Đình Diệm không có một đảng phái mạnh mẽ có tổ chức quy củ như đảng Lao Động ở Bắc Việt. Nhân tài ở miền Nam hoặc bị cộng sản liên tục giết hại từ năm 1945, hoặc bị cộng sản bắt đưa ra Bắc để cô lập từ năm 1954. Miền Nam chưa kịp đào tạo nhân sự nên trong thời gian đầu, thiếu người điều hành công việc nhà nước.

Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, ông Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hoà và lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) ngày 26-10 cùng năm. Khi thấy ông Ngô Đình Diệm từ chối tổng tuyển cử, đảng LĐ liền chuẩn bị chiến tranh, quyết đánh chiếm miền Nam vì tham vọng bành trướng quyền lực và bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống các nước Đông Nam Á.

Đang lúc đảng LĐ bắt đầu chuẩn bị kế hoạch tấn công miền Nam, thì xảy ra Đại hội 20 đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) vào tháng 2-1956. Trong ngày bế mạc Đại hội nầy (25-2-1956), bí thư thứ nhất đảng CSLX là Nikita Khrushchev đọc bài diễn văn nẩy lưả hạ bệ Stalin và đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị.

Theo chủ trương đó, vào đầu năm 1957, chính phủ Liên Xô đề nghị hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt. Chính phủ Bắc Việt quyết liệt phản đối. Vào giữa tháng 5-1957, Kliment Voroshilov, chủ tịch đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô, đến thăm Hà Nội. Sau cuộc gặp gỡ tại Hà Nội với các lãnh tụ Bắc Việt, Voroshilov tuyên bố Liên Xô sẽ gia tăng viện trợ cho Bắc Việt và bảo đảm rằng Liên Xô sẽ không chấp nhận cho VNCH gia nhập Liên Hiệp Quốc. Như thế Bắc Việt phải có hưá hẹn điều gì bí mật, Liên Xô mới chịu thay đổi chính sách về Việt Nam. Quả thực sau đó, vào tháng 9 cùng năm, Liên Xô đã dùng quyền phủ quyết khi vấn đề nầy được đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Liên Xô là một thành viên thường trực.(3)

Đảng LĐ chống lại đề nghị ban đầu của Liên Xô đưa hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc vì đảng LĐ quyết tâm tiến hành chiến tranh xâm lăng miền Nam. Ngày 24-5-1958, Ban Bí thư Trung ương đảng LĐ ra chỉ thị tổ chức học tập chủ thuyết Mác-Lê để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Bắc Việt và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Nam Việt. Vào cuối năm nầy, Lê Duẩn được bí mật gởi vào Nam để nghiên cứu tình hình. Khi trở ra Bắc, bản báo cáo của Lê Duẩn đã đưa đến quyết định của Uỷ ban Trung ương đảng LĐ tại hội nghị lần thứ 15 ở Hà Nội ngày 13-5-1959, theo đó đảng LĐ ra nghị quyết thống nhất đất nước (tức đánh chiếm miền Nam bằng vũ lực) và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Nghị quyết đăng trên Nhân Dân ngày 14-5-1959) (4)

Nghị quyết trên đây được lập lại trong Đại hội 3 đảng LĐ, khai diễn từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960, mệnh danh là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”, đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng LĐ là xây dựng miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa và “giải phóng” miền Nam bằng võ lực.(4)

Trước mặt quốc tế, đảng LĐ và nhà cầm quyền Hà Nội không cần giấu diếm gì ý định xâm lăng miền Nam. Trong một cuộc tiếp xúc với lãnh sự Pháp tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt tuyên bố: “Ông nên nhớ là chúng tôi sẽ đến Sài Gòn ngày mai.” Trong một lần khác, vào tháng 11 cùng năm, ông Phạm Văn Đồng nói với vị Đại diện Canada trong Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến: “Chúng tôi sẽ đẩy người Mỹ xuống biển.”(5)

Hồ Chí Minh và đảng LĐ quyết tâm thôn tính miền Nam, khiến miền Nam ở thế bắt buộc phải nhờ viện trợ của Hoa Kỳ để tự bảo vệ. Trong sách lược toàn cầu của Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ lúc đó đang muốn đưa quân vào Việt Nam để củng cố sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á và chận đứng sự bành trướng cuả cộng sản. Hành động của Hồ Chí Minh và Bắc Việt cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ lý do chính đáng để thuyết phục quốc hội nước nầy chấp nhận kế hoạch gởi lực lượng trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Cần chú ý là chính phủ Hoa Kỳ chỉ đổ quân ào ạt vào miền Nam từ sau “Quyết nghị vịnh Bắc Việt” (The Gulf of Tonkin Resolution) của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ ngày 7-8-1964,(6) nghĩa là sau khi cộng sản Bắc Việt bỏ lỡ cơ hội hai miền Bắc và Nam Việt Nam sống chung hòa bình gần 10 năm, đồng thời lúc đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một tổ chức do Hà Nội lập ra và điều khiển, đã hoạt động khoảng 4 năm, quấy phá khắp toàn cõi Nam Việt, và bắt đầu mở những trận đánh lớn, nhất là từ trận Ấp Bắc (khoảng 14 cây số tây bắc Mỹ Tho) ngày 2-1-1963.

Đảng LĐ, với sự viện trợ lớn lao của Liên Xô và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), cố tình dồn miền Nam vào thế bí phải nhờ đến viện trợ quân sự của Hoa Kỳ để chống đỡ cuộc tấn công của Bắc Việt, rồi Bắc Việt lại phát động chiến dịch gọi là “chống Mỹ cứu nước”, một lần nữa nhắm giành lấy chính nghĩa về phần mình để tấn công miền Nam. Chính vì cộng sản Bắc Việt đã tự biến thành người lính tiên phong của Quốc tế Cộng sản, để bành trướng cộng sản xuống Đông Nam Á, nên quân đội Hoa Kỳ mới hiện diện ở Nam Việt. Nói theo ngôn ngữ dịch học, quốc tế cộng sản và quốc tế tư bản là hai thế lực tương khắc nhưng tương sinh. Vì cộng sản bành trướng nên Hoa Kỳ mới đưa quân đến. Viện cớ quân đội Hoa Kỳ tiến vào Việt Nam, cộng sản lại bành trướng hơn nưã.

2.- ĐẢNG CSVN DỰA VÀO NGOẠI BANG ĐỂ THỐNG TRỊ ĐẤT NƯỚC

Quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh vào Nam Việt một cách công khai, minh bạch, không che giấu. Dựa vào lý do người Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH, và nhất là sự hiện diện công khai của quân đội Đồng minh bên cạnh quân lực VNCH, đảng LĐ lại quay qua gọi chế độ Cộng hòa là tay sai của Hoa Kỳ. Việc tuyên truyền nầy làm cho nhiều người hiểu lầm chính nghĩa của chính phủ quốc gia, vì hình ảnh quân đội Đồng minh quá lớn và quá lộ liễu bên cạnh quân đội Quốc gia, trong khi họ không thấy bóng dáng người ngoại quốc bên cạnh bộ đội cộng sản Bắc Việt.

Trong khi đó, Liên Xô và CHNDTH viện trợ ào ạt cho Bắc Việt để tiến đánh Nam Việt. Trước đây, CSVN che giấu rất kỹ những nguồn tài trợ và nhất là hình ảnh cán bộ cũng như quân sĩ cộng sản nước ngoài, để tự giành lấy phần chính nghĩa dân tộc, trong khi chính họ đã tự nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cộng sản, và đã chủ động gây ra cuộc chiến có tính cách ý thức hệ từ 1945 đến 1975.(7)

Trong hai nước viện trợ chính trên đây cho CSVN, Liên Xô ở xa, còn CHNDTH ở sát ngay biên giới phiá bắc. Lý thuyết Mác xít-Lê nin nít do Hồ Chí Minh du nhập từ Liên Xô, đã tác động mạnh mẽ trên một lớp người và gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt chính trị, kinh tế cũng như văn hoá, xã hội cuả dân chúng Việt Nam. Hồ Chí Minh và đảng CSVN tuân hành một cách mù quáng tất cả mọi đường lối, kế hoạch cuả đảng Cộng sản và nhà nước Liên Xô trong mọi chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Liên Xô viện trợ cho CSVN, để CSVN tấn công miền Nam, nhắm khiêu khích cho Hoa Kỳ, kẻ thù số một cuả Liên Xô, nhảy vào vòng chiến, cốt cho Hoa Kỳ sa lầy tại Đông Dương. Vũ khí đạn dược của Liên Xô viện trợ cho CSVN dồi dào đến nổi khi chuyển đến Việt Nam bằng đường bộ qua CHNDTH, bốc dở không kịp nên bị tồn đọng nhiều ngày tại ga Bằng Tường (phiá Trung Hoa) trước khi qua cưả Nam Quan.(8)

Số viện trợ cuả Liên Xô trong thời gian chiến tranh, cho đến nay CSVN trả chưa hết. Báo chí Việt Nam ngày 21-3-2001 loan tin rằng trong chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Nga là Vladimir Putin vào ngày 28-2-2001, Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN, danh xưng cuả nhà cầm quyền CSVN từ 1976) và Liên Bang Nga (hậu thân của Liên Xô) đã ký thỏa thuận để cho CHXHCNVN tiếp tục trả nợ cho chính phủ Nga bằng hàng hóa và bằng dịch vụ. Hàng hóa phải hội đủ điều kiện phẩm chất do Nga đưa ra.(9) Chiến tranh chấm dứt năm 1975, vưà trả nợ bằng hàng hoá, bằng sức lao động cuả dân chúng (xuất khẩu lao động), vưà cho thuê Cam Ranh để trừ nợ, từ 1975 cho đến năm 2001, nghĩa là hơn 25 năm rồi, mà số nợ nầy vẫn chưa thanh toán hết, đủ thấy số nợ lớn lao biết chừng nào.

Ngược lại, CHNDTH ở sát ngay bên cạnh Việt Nam. Kinh nghiệm hàng ngàn năm lịch sử cho thấy mỗi lần nước ta suy yếu là mỗi lần nhà cầm quyền Trung Hoa đưa quân xâm lăng, nhất là khi có người sang cầu viện triều đình Trung Hoa. Hiểm họa xâm lăng Trung Hoa hầu như thường trực từ khi tổ tiên chúng ta lập quốc.

Dầu biết vậy, nhưng vì tham vọng quyền lực cá nhân, ngay từ thời mới lập đảng năm 1930, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhờ đến sự giúp đỡ của đảng CSTH. Tháng 8-1940, Hồ Chí Minh cử người đến Diên An (bắc Trung Hoa), trung tâm chỉ huy của đảng CSTH, để ký mật ước với đảng nầy theo đó đại diện đảng CSTH tại cục Tình báo Á châu của Đệ tam Quốc tế sẽ lãnh đạo công tác của CSVN; CSVN sẽ cử cán bộ đến Diên An thụ huấn; và CSTH sẽ trợ cấp cho CSVN 50.000 quan Pháp mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt tại Trung Hoa.(10) Từ đây, tuy bề ngoài ít liên lạc, nhưng thực chất bên trong, đảng CSTH đã ngầm chỉ đạo và giúp đỡ mọi hoạt động của CSVN.

Sau khi chiếm được lục địa Trung Hoa, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) ngày 10-10-1949, đóng đô tại Bắc Kinh. Từ đó, CHNDTH chẳng những gởi cán bộ, quân đội, vũ khí sang giúp CSVN, mà còn cho quân đội CSVN chạy trốn sang biên giới Trung Hoa khi bị quân đội Quốc Gia Việt Nam và quân đội Pháp truy đuổi trong cuộc chiến tranh 1946-1954.

Tháng 4-1950, CHNDTH bổ nhiệm cố vấn từ cấp tiểu đoàn cho quân đội Việt Minh cộng sản của Hồ Chí Minh. Ngày 27-6-1950, Mao Trạch Đông giao cho phái bộ cố vấn CHNDTH ở Việt Nam hai nhiệm vụ chính: 1) giúp Việt Minh thành lập quân đội chủ lực; 2) giúp quân đội Việt Minh trong việc thiết lập kế hoạch hành quân cùng tham chiến. Vào cuối tháng 7 năm nầy, Bộ tư lệnh cố vấn quân sự Trung Cộng chính thức được hình thành, lúc đầu gồm 79 người, do tướng Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing) làm tư lệnh, với hai phụ tá là Mai Gia Sinh (Mei Jiasheng) và Đặng Tỵ Phàm (Deng Yifan). Ngoài ra còn có cố vấn chính trị CHNDTH là La Quý Ba (Luo Guibo). Từ đó, các cố vấn CHNDTH quyết định mọi việc, và chỉ huy từng chiến dịch một, ví dụ chiến dịch Hòa Bình năm 1951, chiến dịch năm 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ.(11) Điều rõ nét ai cũng biết là dàn cao xạ mạnh mẽ tấn công Điện Biên Phủ là do các cố vấn CHNDTH hướng dẫn và chỉ huy.

Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Việt Minh cộng sản ở phiá Bắc, Quốc gia Việt Nam ở miền Nam. Ngày 4-9-1958, Châu Ân Lai công bố ranh giới biển 12 hải lý từ bờ biển. Để trả ơn CHNDTH và để được tiếp tục viện trợ quân sự, xâm lăng miền Nam, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, đương nhiên với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN, đã ký quốc thư ngày 14-9 nhìn nhận ranh giới biển nói trên của CHNDTH, nghĩa là gián tiếp công nhận chủ quyền của CHNDTH trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã dâng đất cho CHNDTH mà tổ tiên đã dày công xây dựng và bảo vệ.

Lúc cần dồn quân xuống đánh miền Nam, Bắc Việt đã mời quân CHNDTH vào đóng giữ từ khu Việt Bắc xuống tới Hà Nội, và giao cho CHNDTH in bản đồ địa lý Việt Nam loại chi tiết với tỷ lệ 1/ 1000.(12) Điều nầy chẳng khác gì là dâng hiến toàn bộ địa hình địa vật nước ta cho nhà cầm quyền CHNDTH. Việc đảng CS mời quân CHNDTH vào đất Việt cũng giống như Lê Chiêu Thống (trị vì 1787-1788) mời quân Thanh vào năm 1788, chỉ khác ở đoạn kết là Lê Chiêu Thống chưa dâng đất cho nhà Thanh như Hồ Chí Minh dâng đất cho CHNDTH, và khi quân Thanh rút về thì không còn gì tác hại, trái lại sự giúp đỡ của CHNDTH không phải là không có điều kiện.

Những điều kiện mật ước giữa CSVN và CSTH không đuợc tiết lộ ra ngoài. Gần đây, trong bài viết “Mốc mới trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”, đăng trên tạp chí Cộng Sản, số Tết Canh Thìn (2000), ông Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hà Nội, cho biết ngay từ 1949, đã có “một số lần … trao đổi y kiến, đàm phán về vấn đề biên giới.”(13) Điều nầy có nghĩa là ngay từ đầu, trong khi trợ giúp Việt Minh cộng sản, CHNDTH đã biểu lộ tham vọng lấn chiếm Việt Nam và bành trướng xuống Đông Nam Á cuả các triều đình quân chủ Trung Hoa ngày trước.

Trong thời gian xảy ra cuộc tranh chấp biên giới, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 30-7-1979, một viên chức ngoại giao CHNDTH cho biết từ 1954 đến 1971, 300.000 binh sĩ CHNDTH đã chiến đấu bên cạnh binh sĩ Bắc Việt, trong đó hàng ngàn người đã tử trận và hàng chục ngàn người đã bị thương. Ông ta còn xác định số lượng vũ khí CHNDTH viện trợ cho CSVN từ 1950 đến 1977 lên đến 2.000.000 súng hạng nhẹ, 27.000 đại pháo, 270 triệu băng đạn, 18 triệu đạn đại pháo, 179 máy bay và 145 chiến hạm.(14) Số lượng viện trợ nầy được ước tính theo thời giá lúc đó là 20 tỷ Mỹ kim. Một tài liệu khác cho thấy “năm 1962 Trung Quốc đã giúp riêng cho nhân dân miền Nam [Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam] chín vạn khẩu súng trường và súng máy để phát triển chiến tranh du kích, về sau cuộc đấu ranh cuả nhân dân miền Nam càng phát triển thì số lượng viện trợ cuả Trung Quốc lại càng ngày càng nhiều hơn”.(15)

Theo tin Tân Hoa Xã, nhân dịp lễ Thanh minh năm nhâm ngọ (ngày 23-2 âm lịch tức 5-4-2002), đại sứ CHNDTH tại Hà Nội cùng Hội Hữu nghị Việt Trung đã đến các tỉnh để tảo mộ chiến sĩ cuả họ. Nhân dịp nầy, Tân Hoa Xã cho biết khoảng hơn 1400 binh sĩ cộng sản Trung Hoa bỏ mình tại Việt Nam trong các cuộc chiến trước 1954 và trước 1975.(16)

Ngoài ra, trong cuộc chiến 1954-1975, bên cạnh các cố vấn và chuyên viên Liên Xô, CHNDTH, còn có các chuyên viên cộng sản Cuba, Bắc Hàn tham dự. Vào đầu năm 2000, nhà cầm quyền Hà Nội thú nhận quân lính Bắc Hàn đã sang Bắc Việt chiến đấu giúp chế độ cộng sản Hà Nội, bị chết và chôn ở Bắc Giang.(17)

3.- 30-4-1975, THẾ QUÂN BÌNH ĐÔNG NAM Á BỊ GIAO ĐỘNG

Ngày 30-4-1975, CSVN cưỡng chiếm VNCH và thành lập nhà cầm quyền toàn quốc dưới tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Người Việt Nam quen nhìn sự kiện nầy trong tinh thần nội bộ Việt Nam, mà ít chú ý đến tính cách quốc tế cuả vấn đề.

Ngày 30-4-1975 đánh dấu sự thắng thế tạm thời cuả khối CS tại Đông Dương. Khối CS làm chủ được Việt Nam, Lào, và Cambodia. Sự kiện nầy làm giao động thế quân bình khu vực Đông Nam Á được hình thành từ năm 1954.

Sau khi chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất kết thúc năm 1954, nước Việt Nam bị chia hai theo hiệp định Genève ở sông Bến Hải ở Quảng Trị (vĩ tuyến 17). Như thế, chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản trên thế giới tạm lắng dịu với việc chia hai Cao Ly năm 1953 và chia hai Việt Nam năm 1954. Điều đặc biệt là sau một thời gian dài đánh nhau, thế quân bình ở Cao Ly cũng như ở Việt Nam được lập lại như sau thế chiến 2. Ở Cao Ly, Bắc và Nam Cao Ly thoả thuận trở lại vĩ tuyến 38, còn ở Việt Nam chia hai ở vĩ tuyến 17, là hai đường phân ranh gần giống như các cường quốc đã quy định sau năm 1945.(18)

Tuy nhiên, thế quân bình chính trị tại vùng Đông Nam Á sau hiệp định Genève năm 1954 khá mong manh trước tham vọng cuả CS Hà Nội, liên tục đòi hỏi tổng tuyển cử mà họ chắc chắn sẽ nuốt gọn miền Nam, và nhất là việc Hà Nội cương quyết đánh chiếm miền Nam bằng võ lực sau khi công khai bác bỏ đề nghị hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc do Liên Xô đưa ra vào đầu năm 1957.

Lo ngại sự bành trướng cuả cộng sản tại vùng nầy, sau hiệp định Genève, Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) được ký kết tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân ngày 8-9-1954. Từ đó ra đời Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization viết tắt là SEATO), gồm các nước Australia (Úc), France (Pháp), New Zealand (Tân Tây Lan) Pakistan (Hồi Quốc), Philippines (Phi Luật Tân), Thailand (Thái Lan), United Kingdom (Anh), và United States of America (Hoa Kỳ). Trong phụ bản của hiệp ước nầy, ba nước Cambodia (Cao Miên), Laos (Lào) và Việt Nam được liệt kê trong vùng lãnh thổ được bảo vệ. Hoa Kỳ dựa vào văn bản hiệp ước nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á.

Năm 1961, Federation of Malaya (Liên Bang Mã Lai), nay là Malaysia, cùng hai nước Philippines và Thailand lập ra Association of Southeast Asia (ASA). Khối nầy biến thành Association of Southeast Asian Nations (ASEAN) ngày 8-8-1967, lúc đầu gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thailand. Tuy mục đích chính là hợp tác phát triển kinh tế giữa các nước trong khối, và giữa các nước trong khối với thế giới bên ngoài, nhưng nhờ càng ngày càng vững mạnh, khối ASEAN tạo được tư thế chính trị chẳng những ở Đông Nam Á mà cả Á Châu và toàn cầu.

Năm 1975, sự toàn thắng cuả cộng sản ở các nước Đông Dương làm cho vai trò cuả ASEAN càng trở nên quan trọng, vì chẳng những phòng tuyến Việt Nam Cộng Hoà bị sụp đổ, mà CHNDTH đã đặt được một chân đứng ở Cambodia để nhìn xuống vùng vịnh Thailand và biển Indonesia, vì nhà cầm quyền nước nầy do CHNDTH đỡ đầu.

Trong khi đó, sau khi cưỡng chiếm được miền Nam năm 1975, đảng Lao Động cải danh thành đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) do Lê Duẩn làm tổng bí thư, bắt đầu tỏ rõ tham vọng muốn làm bá chủ Đông Dương và cả Đông Nam Á.(19)

Ngay từ tháng 8-1975, Lê Duẩn, lúc đó còn là bí thư thứ nhất đảng Lao Động, dẫn đầu một phái đoàn sang Cambodia tuy nói là thăm viếng hữu nghị nhưng thực chất để chứng tỏ tư thế bề trên cuả đảng CSVN trong ba đảng CS Việt Miên Lào trong công cuộc giành lấy quyền toàn trị Đông Dương vào tay các đảng Cộng Sản.

Ngày 17-7-1977 Việt Nam và Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác xác nhận những “liên hệ đặc biệt” kết hợp hai nước. Đang khi thượng lượng với Cambodia và Trung Hoa về vấn đề biên giới trên đất liền và trên biển (vịnh Thái Lan với Cambodia va Biển Đông với Trung Hoa), Việt Nam đơn phương tuyên bố ngày 2-5-1977 rằng hải phận kinh tế cuả Việt Nam mở rộng cách bờ biển 200 hải lý. Ngày 31-12-1977, nhà cầm quyền Khmer đỏ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi Cambodia bị một đơn vị thiết giáp Việt Nam xâm nhập quấy phá.(20)

Ở trong nước, CSVN áp đặt nền kinh tế chỉ huy tại miền Nam, mở nhiều đợt đánh phá và cướp bóc giới tư sản miền Nam, bắt đầu bằng cách tiêu diệt tư sản mại bản (comprador), rồi đến tư sản dân tộc… Trong các đợt đánh phá nầy, giới Hoa kiều bị thiệt hại nặng, trong đó có nhiều tổ chức kinh tài cuả CSTH. CSVN còn ép giới Hoa kiều vượt biên “bán chính thức” để vơ vét hết tài sản cuả họ. Con số người Hoa ra đi có thể lên trên 500.000 người, trong đó có gần 300.000 trở về lại Trung Hoa theo đường bộ qua biên giới Hoa Việt. Người Hoa cầu cứu đến Bắc Kinh. CHNDTH đề nghị thiết lập toà lãnh sự để bảo vệ nạn kiều tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên mới do CSVN đặt sau năm 1975 để gọi thành phố Sài Gòn. CSVN không chịu, viện cớ tại miền Nam, không có vấn đề nạn kiều, mà chỉ có vấn đề người Việt gốc Hoa,(20) và đó chỉ là vấn đề nội bộ Việt Nam.

Cuộc bang giao giưã hai nước cộng sản Việt Hoa càng này càng gây cấn. Nặng nề hơn nữa, vào giữa năm 1978, Trung ương đảng CSVN ra nghị quyết và bạch thư nói rằng CHNDTH là “kẻ thù trực tiếp, kẻ thù nguy hiểm cuả nhân dân Việt Nam; phải đánh đổ nhóm cầm quyền phản động thân Mao ở Bắc Kinh…”(21)

Sở dĩ CSVN mạnh miệng với CSTH vì từ 1977, viện trợ Liên Xô cho Việt Nam càng ngày càng tăng. Từ tháng 5-1977, Việt Nam gia nhập Ngân hàng Quốc tế Hợp tác Kinh tế và Ngân hàng Quốc tế về Đầu tư, đều do Liên Xô kiểm soát. Liên Xô còn tăng cường viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Tháng 7-1977, một phái đoàn quân sự Liên Xô cầm đầu bởi tướng Yepischev, chính uỷ Lục quân và Hải quân, lần đầu tiên thăm quân cảng Đà Nẵng và Cam Ranh, cũng như những vị trí chiến lược khác ở miền Nam như Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ. Quân viện Liên Xô dành cho Việt Nam tăng lên đến 75 triệu Mỹ kim, gồm cả hai tiềm thuỷ đỉnh, nhiều tuần dương hạm, khu trục hạm và bốn phi đoàn MIG-21. Cố vấn Liên Xô vào Việt Nam càng ngày càng đông.(22)

Ngày 27-6-1978, tại Bucharest, thủ đô Romania, CHXHCNVN gia nhập khối COMECON (Council for Mutual Economic Assistance tức Hội đồng Tương trợ Kinh tế).(23) Trong cuộc họp cuả khối nầy tại thủ đô Mông Cổ là Oulan Bator từ 27-9 đến 1-10-1978, các nước trong khối COMECON hứa hẹn sẽ giúp CHXHCNVN thực hiện những kế hoạch kinh tế và kỹ nghệ mà CHNDTH bỏ dở.(24) Ngày 3-11-1978, Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CSVN, sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev, tổng bí thư đảng CSLX, Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ giữa hai nước. Từ sau hiệp ước nầy, hải quân Liên Xô bắt đầu tiến vào sử dụng hải cảng Cam Ranh làm căn cứ tại Viễn đông.

Dựa vào hậu thuẫn cuả Liên Xô, CSVN xua quân xâm lăng Cambodia, chiếm thủ đô Phnom Penh ngày 7-1-1979. Chính quyền mới ở Cambodia thân Việt Nam do Heng Samrin cầm đầu, liền ký với chính phủ Lào ngày 19-3-1979 Hiệp ước Hợp tác Kinh tế Văn hoá Khoa học Kỹ thuật. Hiệp ước nầy cùng với Hiệp ước Việt Lào năm 1977 tạo thành một hình thức liên minh Đông Dương dưới sự kiểm soát cuả Việt Nam.

Trong lúc CHXHCNVN bước vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Cambodia, thì ngày 12-8-1978, CHNDTH cùng Nhật Bản ký kết Hiệp ước Hoà bình Hữu nghị Hoa Nhật giá trị trong mười năm và sẽ tái tục. Hiệp ước nầy đã điều hoà thế thăng bằng chiến lược khu vực Đông Bắc Á giữa tứ cường Mỹ, Nhật, Nga, Hoa. Sau đó, từ ngày 1-1-1979, Hoa Kỳ chính thức bình thường hoá bang giao với CHNDTH. Để đánh dấu công cuộc tái lập bang giao Hoa Mỹ, từ 28-1 đến 4-2-1979, Đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ và được chính quyền James Earl (Jimmy) Carter đón tiếp nồng nhiệt. Trong một lần tiếp xúc tay đôi giữa hai người, ông Đặng Tiểu Bình đã thông báo cho ông Jimmy Carter biết là CHNDTH sẽ tấn công CHXHCNVN trong tương lai gần.(24)

Tạm ổn với hai cường quốc Mỹ, Nhật, CHNDTH qua lời cuả Đặng Tiểu Bình, quyết định sẽ “dạy” cho Việt Nam một bài học. Bài học nầy không phải chỉ vì Việt Nam xâm lăng Cambodia. Từ khi cảm thấy không còn ảnh hưởng được Việt Nam và nhất là từ những dấu hiệu Việt Nam thân thiện với Liên Xô, đảng CSTH đã chuẩn bị chiến tranh từ cuối 1977. Trước khi ông Đặng Tiểu Bình thăm viếng Hoa Kỳ, trong một bản phúc trình mật đề ngày 16-1-1979 về chiến lược đối ngoại cuả các nhà lãnh đạo CSTH, ông Keng Piao / Geng Biao (Cảnh Tiêu), uỷ viên Bộ chính trị, tổng thư ký Quân uỷ Uỷ ban Trung ương đảng CSTH, đã dành một đoạn ngắn về cuộc tranh chấp biên giới Hoa Việt như sau:

“Ngoài cuộc xâm lược (Cambodia), nước Việt Nam cũng đã từng nhiều lần gây ra những sự cố đẵm máu ở biên giới Hoa Việt. Điều đó đã gây ra nhiều sự cố và khuyến khích những người phân định biên giới lấn vào lãnh thổ Trung Hoa 600 cây số vuông. Việt Nam làm ngơ trước những phản kháng lập đi lập lại cuả chính phủ chúng ta. Chúng ta cũng đã tuyên bố rằng chúng ta muốn chính phủ Việt Nam hiểu rõ sự rộng lượng cuả chúng ta có giới hạn… Chúng ta cho họ biết hiện nay (1-1979) chúng ta không chiến đấu. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một ngày kia chúng ta sẽ không chiến đấu.”(25)

CSTH đánh Việt Nam vưà để trả thù CSVN chạy theo Liên Xô, bỏ qua những hưá hẹn trước đây với CSTH khi tiếp nhận viện trợ trong thời gian chiến tranh từ 1949 đến 1975, vưà trả đuã CSVN đã đóng cưả ngõ tiến xuống Đông Nam Á cuả CSTH tại Cambodia. CSTH cũng biết rằng Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, tuy không nói ra, nhưng chắc chắn đồng tình với họ cần phải chận đứng tham vọng quá lớn cuả CSVN, muốn làm bá chủ Đông Nam Á, sau khi CSVN chiếm được toàn cõi Việt Nam năm 1975.

Ngày 17-2-1979, CHNDTH đưa trên 200.000 quân tấn công CHXHCNVN ở sáu tỉnh biên giới. Cuộc chiến nầy cóù thể chia thành 3 giai đoạn: thứ nhất từ 17đến 26-2, Trung Hoa tràn quân xâm lăng Việt Nam; thứ nhì từ 26-2 đến 5-3 hai bên cầm cự và những trận chiến đẵm máu xảy ra; thứ ba, từ 5 đến 16-3, Trung Hoa tuyên bố đã đạt được những mục đích đề ra và quyết định rút quân về.

Trong khi hai bên đánh nhau, Liên Xô đã đáp ứng vưà phải lời cầu viện cuả Việt Nam bằng cách gởi một phái bộ quân sự đến Hà Nội, tăng viện thêm một số vũ khí và các loại máy bay chuyên chở để đưa những sư đoàn tinh nhuệ Việt Nam từ Cambodia về Hà Nội, rồi từ đó tăng cường vùng biên giới. Ngày 24-2, bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, tướng Oustinov, tuyên bố trên báo Pravda [Sự Thật] rằng”Liên Xô có thể chọn bất cứ một phương pháp nào đề trừng phạt Trung Hoa”.(26)

4.- CỘNG SẢN VIỆT NAM QUY PHỤC CỘNG SẢN TRUNG HOA

Sau chiến tranh biên giới năm 1979, phải nói là nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ vì nhiều lẽ: Thứ nhất, nền kinh tế miền Bắc chưa phục hồi sau năm 1975 lại phải lao vào cuộc chiến mới. Trong khi đó, nền kinh tế miền Nam hoàn toàn bị phá sản sau những đợt tấn công tư sản cuả CSVN. Nông nghiệp cũng bị thất bại vì chính sách chỉ huy qua các hợp tác xã làm cho nông dân bất mãn, lại thêm lụt lội gây mất muà. Việc ngăn sông cấm chợ tại điạ phươngï, không cho hàng hoá lưu thông làm cho nền thương nghiệp bị xơ cứng tại chỗ. Thứ nhì, Việt Nam bị sa lầy ở Cambodia càng ngày càng trầm trọng. Những viên chỉ huy chiến trường cướp bóc tư lợi giàu có, nhưng ngược lại ngân sách nhà nước kiệt quệ. Sau đó lại đến chiến tranh biên giới phiá Bắc đã buộc CSVN phải dồn mọi nỗ lực vào quốc phòng. Một số lớn thanh niên được tung ra chiến trường, nên việc sản xuất ở hậu phương bị đình trệ. Gánh nặng thương binh làm cho dân chúng thêm nhiều khó khăn.

Từ năm 1886, CHXHCNVN theo gương Liên Xô, bắt đầu kế hoạch “đổi mới”, nhưng rất chậm chạp. Nền kinh tế Việt Nam chưa được phục hưng thì xảy ra biến cố Đông Âu. Năm 1990, khối CS Đông Âu sụp đổ, và Liên Xô tan rã năm 1991. Sự tan rã cuả Liên Xô chẳng những làm thay đổi thế quân bình trên thế giới có lợi cho các nước Tây phương, mà còn ảnh hưởng lớn lao đến tình hình bang giao Việt Hoa ở bán đảo Đông Dương. CHXHCNVN từ sau năm 1975 dựa hẳn vào sự trợ giúp cuả Liên Xô, nay mất hoàn toàn hậu thuẫn vưà kinh tế, vưà quân sự, không còn đủ sức đối kháng với CHNDTH, nên phải thay đổi chính sách ngoại giao.

Lúc đó, ý đồ cuả CSVN là làm thế nào vưà duy trì quyền lực độc đảng độc tôn cộng sản, vưà cải cách kinh tế theo đường lối thị trường tự do mà không hại đến quyền lực và quyền lợi cuả đảng CS.

CSVN liền kiếm cách thân thiện trở lại với CHNDTH và liên lạc với Hoa Kỳ. CSVN nhắm nhờ CHNDTH để duy trì ý thức hệ và quyền lực cộng sản, và nhờ Hoa Kỳ để cải thiện kinh tế Việt Nam. Hơn nưã bắt tay với cả hai cường quốc nầy để làm đối trọng cân bằng với nhau hầu tránh bị một bên chèn ép, nhưng đó không phải là chuyện dễ dàng.

Ngày 3 và 4-9-1990, tổng bí thư đảng CSVN là Nguyễn Văn Linh (giữ chức từ 1986 đến 1991) cùng Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, sang CHNDTH thương thuyết. Sau đó Đỗ Mười (giữ chức từ 1991-1998), cùng thủ tướng CSVN là Võ Văn Kiệt sang Bắc Kinh ngày 5-11-1991 tái lập bang giao.

CSTH không khác gì các triều đình Trung Hoa ngày xưa, luôn luôn muốn bành trướng xuống phiá nam, nên đã nhân cơ hội nầy ép nhà cầm quyền Hà Nội phải chính thức nhượng đất vùng biên giới mà lâu nay họ đã lấn chiếm, nhất là từ sau chiến tranh 1979.

Muốn phục hưng kinh tế sau một thời gian dài suy thoái, CSVN quyết định đổi mới, mở cưả và kêu gọi các nước tư bản vào đầu tư. Để cho các nước tư bản yên tâm đầu tư, thì chỉ còn cách duy nhất là thương lượng với Hoa Kỳ để nhờ uy tín cuả Hoa Kỳ làm bảo chứng cho các nước khác vào Việt Nam đầu tư.

Không biết điều nầy có làm cho CSTH e ngại có thể Việt Nam sẽ đi quá đà về phiá Hoa Kỳ, như đã từng quá đà về phiá Liên Xô trước đây hay không? Nếu điều đó xảy ra, một lần nưã sẽ bất lợi cho tham vọng bành trướng cuả CHNDTH xuống Đông Nam Á. Trong cuộc giao thiệp tay ba giữa Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Hoa, CSTH luôn luôn:

* Đi bước trước đối với Việt Nam trong việc giao thiệp với Hoa Kỳ: Tháng 8-1978, ông Nguyễn Cơ Thạch, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN, lưu lại ở New York khoảng một tháng để hy vọng thương lượng bình thường hoá bang giao với Hoa Kỳ, trongkhi ở Hà Nội, CSVN đã giành sẵn một toà nhà để Hoa Kỳ mở toà đại sứ, nhưng sau đó Hoa Kỳ trả lời cho ông Nguyễn Cơ Thạch rằng Hoa Kỳ chưa có thể định một thời biểu chắc chắn để hai bên bình thường hoá giao thiệp. Trong khi đó, Hoa Kỳ gởi ông Brzezinski sang Bắc Kinh thương thuyết, và Hiệp ước Hoà bình Hữu nghị Hoa Nhật ngày 12-8-1978 là bước đầu để Hoa Kỳ xích lại gần với CHNDTH. Quả thật, sau đó chẳng bao lâu, Hoa Kỳ quyết định bình thường hoá bang giao với CHNDTH ngày 1-1-1979. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho đến năm 1994 mới bỏ cấm vận Việt Nam và năm 1995 mới tái lập bang giao Việt Mỹ. Sau khi tái lập bang giao, đối với Hoa Kỳ, CHNDTH cũng được hưởng quy chế tối huệ quốc trước Việt Nam, và năm 2000 CHNDTH gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế trong khi ViệtNam chưa được vào tổ chức nầy.

* Đi bước trước đối với Hoa Kỳ trong việc giao thiệp với Việt Nam: Theo sự tiết lộ cuả một thứ trưởng CSVN: “…Hai nước [CHXHCNVN và CHNDTH] đã ký “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới – lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc” ngày 19-10-1993… Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của đồng chí tổng bí thư Đỗ Mười và tháng 2-1999 của đồng chí tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cao cấp hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký hiệp định vịnh Bắc Bộ trong năm 2000…”(27)

Như thế là Việt Nam cam kết thương lượng về biên giới với Trung Hoa từ 1993, dưới thời tổng bí thư Đỗ Mười, một năm trước khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận Việt Nam (năm 1994), hai năm trước khi Việt Nam chính thức gia nhập khối ASEAN ngày 28-7-1995, và bình thường hoá bang giao Việt Mỹ ngày 5-8-1995.

Cuộc thương thuyết về biên giới và lãnh hải Việt Hoa diễn ra ráo riết và bí mật “…Thực hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên… Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của đồng chí tổng bí thư Đỗ Mười và tháng 2-1999 của đồng chí tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cao cấp hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký hiệp định vịnh Bắc Bộ trong năm 2000…”(27)

Kết quả là hai bản hiệp ước hối hả ra đời trong vòng một năm theo đúng thời hạn mà ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu đã cam kết. Thứ nhất là Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ký kết tại Hà Nội ngày 30-12-1999, giữa bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN là Nguyễn Mạnh Cầm và bộ trưởng Ngoại giao CHNDTH là Đường Gia Truyền (Tang Jianxuan). Hiệp ước nầy được quốc hội Bắc Kinh thông qua ngày 29-4-2000 và quốc hội Hà Nội thông qua 9-6-2000. Đặc biệt là khi thông qua hiệp ước biên giới nầy, chỉ một số ít lãnh đạo cao cấp trong quốc hội Hà Nội mới đọc được nội dung hiệp ước, còn đại đa số dân biểu không biết gì cả, chỉ thông qua theo lệnh của đảng CSVN.(28) Thứ hai là Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt, ký kết tại Bắc Kinh ngày 25-12-2000, mà danh tánh những người ký kết chưa được tiết lộ, chỉ biết rằng lễ ký kết được đặt dưới sự chứng kiến của chủ tịch CHXHCNVN là Trần Đức Lương và chủ tịch CHNDTH là Giang Trạch Dân.(29) Hiệp ước nầy chưa được đưa ra quốc hội hai nước để thông qua.

Ký kết xong hai hiệp ước với CHNDTH, CHXHCNVN mới ký kết với Hoa Kỳ Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ tại Washington D.C. ngày 13-7-2001 giữa một bên là đại diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và đại sứ Hà Nội tại Hoa Kỳ là Lê Văn Bàng, và một bên là đại diện Hoa Kỳ, bà Charlene Barshefsky, Trưởng phòng Thương mại Hoa Kỳ và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Peter Peterson.

Có lẽ mọi người không quên rằng đáng ra Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ đã được ký kết sớm hơn trước đó khá lâu, nhưng bị dời lại nhiều lần. Lúc đó người ta phỏng đoán rằng việc trì hoãn ký kết do ông Đỗ Mười đã cản trở. Ngày nay, tin tức về hai hiệp ước Việt Hoa mới được tiết lộ khiến câu hỏi đặt ra lại là phải chăng sức cản làm trì hoãn Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ đến từ một thế lực to lớn hơn, đứng sau lưng ông Đỗ Mười, tức từ Bắc Kinh, vì Bắc Kinh muốn áp đặt Hà Nội hoàn tất việc ký kết lãnh hải trên vịnh Bắc Việt trước năm 2000 và trước khi ký kết thương ước với Hoa Kỳ?

Đứng trên tình tự dân tộc, Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ngày 30-12-1999 làm mất ải Nam Quan, khiến nhiều người Việt Nam phẫn nộ vì tự ái dân tộc bị tổn thương. Tuy nhiên, đứng trên công pháp quốc tế, Hiệp ước phân định lãnh hải ký ngày 25-12-2000 quan trọng hơn và tạo nhiều ảnh hưởng đến nhiều nước hơn, vì hiệp ước liên hệ đến sự vận chuyển tàu bè, khai thác hải sản và nhất là khai thác tiềm năng dưới lòng đất cuả nhiều nước trên Biển Đông. Hiệp ước nầy đã giúp CHNDTH nới rộng kiểm soát vịnh Bắc Việt, và cả vùng Biển Đông nưã, làm thay đổi thế quân bình chính trị và quân sự tại vùng Đông Nam Á.

Điều nầy làm cho tất cả các nước Đông Nam Á và cả các nước có quyền lợi trong vùng phải lo ngại, vì CHNDTH áp dụng kế hoạch vết dầu loang trên biển, từ từ chiếm hết đảo nầy đến biển khác, càng ngày càng mở rộng chủ quyền trên Biển Đông, tăng cường lực lượng hải quân, dễ đưa đến những đụng chạm quốc tế khiến một ngày kia Biển Đông có thể sẽ dậy sóng dữ dội.

5.- KẾT LUẬN

Tóm lại, đặt sự cố ải Nam Quan năm 1999 và vịnh Bắc Việt năm 2000 trong toàn bộ diễn trình lịch sử cũng như trong khung cảnh toàn vùng Đông Nam Á, thì đây là hệ quả lâu dài cuả việc CSVN cưỡng chiếm VNCH năm 1975, hay nói cụ thể hơn chính việc CSVN cưỡng chiếm VNCH ngày 30-4-1975 đã dẫn đến các sự cố các năm 1979, 1999 và 2000.

Kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa cho thấy trong thời Tam Quốc (213-280), nhờ có ba nước gườm nhau mà các nước yếu như Thục (dòng Lưu Bị) và Đông Ngô (dòng Tôn Quyền) đứng vững. Ngay khi mất thế chân vạc (Tam quốc) thì nhà Tấn (dòng Tư Mã Ý) liền thống nhất Trung Hoa. Lịch sử Trung Hoa còn cho thấy vào thế kỷ 13, nhà Tống (968-1279) cùng vua Mông Cổ và vua Kim giữ thế chân vạc, thì nhà Tống tồn tại. Tuy nhiên khi nhà Tống diệt người Kim năm 1234, thì người Mông Cổ tràn vào trung nguyên chấm dứt nhà Tống năm 1279.

Kinh nghiệm lịch sử Việt Nam từ hàng ngàn năm nay là một khi đất nước bị suy yếu, Trung Hoa liền kiếm cách xâm lăng. Chính lúc mà CSVN tưởng rằng mình đang ở đỉnh cao cuả sức mạnh sau năm 1975, lại là lúc mà CSVN bắt đầu suy yếu.

Chính sách cai trị trong nước làm thất nhân tâm, lòng người ly tán. Bộ mặt thật cuả CSVN lộ hẳn ra, dân chúng chán ghét chế độ, không còn ai ủng hộ. Một số người có điều kiện đã bỏ ra nước ngoài sinh sống. Dân chúng còn lại trong nước chống đối thụ động bằng nhiều cách khác nhau, như bị đưa đi kinh tế mới thì bỏ trốân về, ngăn sông cấm chợ thì chợ viả hè (chợ trời)ø mọc lên khắp nơi, còn công nhân viên chức làm việc cầm chừng, thiếu hăng hái vì không được trả công xứng đáng. Việc bắt công chức quân nhân VNCH học tập cải tạo hoàn toàn phá sản vì chẳng cải tạo được ai, mà chỉ đào sâu thêm hố xa cách nếu không muốn nói là hận thù đối với đảng CS. Trước chính sách thất nhân tâm cuả CSVN, ngay cả những phần tử trí thức ưu tú trong đảng CSVN cũng quay lại chống đảng.

Sự vượt biên ồ ạt cả hàng triệu người bất chấp hiểm nguy trên mặt biển đã làm thế giới kinh hoàng và nhận chân được bộ mặt thật cuả chế độ CSVN. Uy tín quốc tế cuả CSVN xuống thấp. CSVN lại sa lầy ở Cambodia từ 1979 đến 1991. Không đoàn kết được nội lực dân tộc, mà lại quá tham vọng, CSVN muốn dưạ thế lực ngoại bang để duy trì quyền lực đảng phái, nên mới xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979 và việc nhượng đất năm 1999 và nhượng biển năm 2000.

Trên chính trường quốc tế, VNCH từng được gọi là “tiền đồn chống cộng”, chống lại sự phát triển chẳng những cuả Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) mà cả CSTH. Khi VNCH tồn tại, CSTH chỉ giúp đỡ CSBV, áp lực VNCH chứ không dám tấn công, vì CSTH còn e ngại Hoa Kỳ và Đồng minh.

Từ đầu thập niên 50 cuả thế kỷ qua, mục đích chính cuả Hoa Kỳ khi hiện diện ở Việt Nam là chận đứng sự bành trướng cuả cộng sản, nhưng thực chất Hoa Kỳ nhắm vào CHNDTH hơn là CSBV. Khi Hoa Kỳ viện trợ giúp VNCH thì CSBV theo chiến thuật cuả Quốc tế cộng sản, đưa ra lý do “chống Mỹ cứu nước”, phát động chiến tranh ý thức hệ, tiến đánh VNCH.

Vào đầu thập niên 70, Hoa Kỳ bắt tay với CHNDTH trong chiến lược toàn cầu cuả họ, mà kết quả cụ thể là cuộc viếng thăm CHNDTH một tuần cuả tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon bắt đầu từ ngày 21-2-1972. Hoa Kỳ chấp nhận “thất bại chiến thuật” tại Việt Nam và rút lui qua hiệp định Paris năm 1973. Biết chắc rằng Hoa Kỳ không còn can thiệp vào Việt Nam, CHNDTH liền tấn công Hoàng Sa năm 1974 mà CSVN không dám lên tiếng, vì Phạm Văn Đồng đã viết quốc thư ngày 14-9-1958 thừa nhận ranh giới biển do CHNDTH tự ý đưa ra ngày 4-9-1958. Việc CHNDTH tiến chiếm Hoàng Sa là kết quả đầu tiên cuả việc anh em trong nhà đánh nhau chí tử để cho người ngoài đắc lợi.

Giả thiết VNCH không bị cưỡng chiếm, thế chính trị bắc nam vẫn tồn tại, thì CHNDTH cũng không dám đánh biên giới Bắc Việt, chiếm ải Nam Quan, vì làm thế sẽ chạm tự ái dân tộc cuả toàn dân Việt Nam. Chắc chắn lúc đó, VNCH sẽ lên tiếng phản đối và biết đâu sẽ gởi chí nguyện quân giúp Bắc Việt chận đứng cuộc xâm lăng cuả Trung Hoa, đồng thời tình đoàn kết Bắc Nam sống lại là điều CHNDTH rất lo ngại. Nước Trung Hoa nói chung, từ trước đến nay, không bao giờ muốn một nước Việt Nam thành một khối thống nhất, đoàn kết, và hùng mạnh.

Vì cưỡng chiếm được VNCH, CSVN tự tin ở sức mạnh quân sự cuả mình, tung quân bành trướng ở Đông Dương, làm mất thế ổn định và quân bình chính trị Đông Nam Á, khiến cho chẳng những các nước trong khu vực lo ngại mà cả các nước trên thế giới có quyền lợi ở đây phải đề phòng. Từ đó, dầu không nói ra, các nước nầy đồng tình ngấm ngầm với việc CHNDTH “dạy”cho CHXHCNVN một bài học chua chát, đưa đến sự cố Nam Quan.

Cũng vì cưỡng chiếm VNCH, đàn áp trí thức, văn nghệ sĩ, nhân tài cuả đất nước; tiêu diệt các thành phần người Việt yêu nước độc lập, không theo CS hay theo những đảng phái khác với đảng CSVN, có thể nói đảng CSVN tự cô lập mình, trở nên cô độc, và không có ai tiếp tay khi lâm nguy. Chính vì vậy, khi CHXHCNVN bị CHNDTH áp lực, thì đảng CSVN không còn có thể nhờ cậy bất cứ một lực lượng nào khác ở ngoài đảng CSVN, để có thể cùng nhau hiệp lực nhằm đối kháng lại tham vọng cuả CHNDTH.

Một điều miả mai cần ghi nhận là khi CHNDTH tấn công biên giới năm 1979, thì dân chúng miền Nam dầu rất yêu nước, nhưng đa số thờ ơ với chiến cuộc. Có thể có nhiều lý do giải thích hiện tượng nầy: Thứ nhất nhiều người cho rằng đó là tranh chấp giữa hai nước anh em xã hội chủ nghĩa với nhau. Thứ nhì, khi bị tấn công ở bên ngoài, thì ở trong nước CSVN nới lỏng việc chính trị, cởi mở dễ dãi để dân chúng đừng nổi dậy, nên dân chúng dễ sống hơn. Thứ ba, nhiều quân nhân công chức VNCH bị bắt giam không thời hạn ở các trại tù ngoài Bắc, như ở Hoàng Liên Sơn hay Ma Thiên Lãnh (Cao Bằng), khí hậu khắc nghiệt, xa xôi khó thăm nuôi. Khi chiến tranh năm 1979 xảy ra, CSVN đưa những tù nhân nầy về phiá nam, thời tiết tương đối tốt hơn, thân nhân dễ đi thăm nuôi hơn. Ngoài ra, giả thiết nếu dân chúng miền Nam có lên tiếng phản đối CHNDTH và chống lại cuộc xâm lăng năm 1979, CSVN cũng không chấp nhận vì một mặt họ luôn luôn “độc quyền yêu nước”, một mặt khác họ luôn luôn nghi ngờ và cấm đoán tất cả mọi sinh hoạt chính trị và văn hoá không phải do họ lãnh đạo. Chúng ta cần nhớ lại câu châm ngôn về cách sống dưới chế độ cộng sản: “Đảng gọi thì dạ, đảng không gọi thì không dạ. Đảng gọi mà không dạ không được. Đảng không gọi mà dạ cũng không được.”

Cuối cùng, cầu xin viện trợ nước ngoài để cố tình tiêu diệt đồng bào trong nước là một tội lỗi dân tộc lớn lao. Tội lỗi nầy càng lớn lao hơn nưã sau khi đánh phá giết chóc người anh em trong nhà với nhau, rồi lại nhượng đất cho người nước ngoài, rước voi về dày mồ tổ tiên. Chưa có một tội lỗi lịch sử nào lưu xú tệ hại hơn như thế.

Do đó, nếu Hồ Chí Minh và CSBV chấp nhận đề nghị cuả Liên Xô năm 1957, để cho hai miền Nam Bắc Việt Nam cùng gia nhập Liên Hiệp Quốc, cùng phát triển đất nước và sẽ thống nhất với nhau trong hoà bình, thì chẳng bao giờ CHNDTH có thể chiếm Hoàng Sa, đánh biên giới Bắc Việt, áp lực Hà Nội giao ải Nam Quan và trên 10.000 cây số vuông vịnh Bắc Việt.

Vì biến cố 30-4-1975 là tiền đề cuả sự cố Nam Quan, nên nếu người Việt Nam muốn kiếm cách đòi lại ải Nam Quan, thì cũng phải đi theo tiến trình nầy, tức là đầu tiên phải giải thể hệ thống đảng quyền cộng sản toàn trị tại Việt Nam, để thiết lập một chế độ tự do dân chủ thật sự, đoàn kết nội lực cuả toàn dân, mới có thể đặt vấn đề thương thuyết đòi lại ải Nam Quan với CHNDTH.

Chỉ có việc giải thể chế độ cộng sản hiện nay ở Hà Nội, thiết lập một chế độ dân chủ thực tâm tôn trọng dân quyền, lo lắng cho đời sống dân chúng, cho tiền đồ dân tộc, mới có thể đủ sức chống lại cuộc xâm lăng cuả CHNDTH, nhất là khi nước nầy thực hiện kế hoạch tàm thực (30) để từ từ lấn chiếm Việt Nam. Những cuộc tấn công vũ bảo của vua chúa Trung Hoa ngày trước cũng như của Đặng Tiểu Bình năm 1979 không mấy thành công bằng kế hoạch tàm thực rất tinh vi, ẩn náu trong lớp vỏ bọc chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Kế hoạch tàm thực rất nguy hiểm, vì sau ải Nam Quan, CHNDTH sẽ từ từ lấn xuống đến một lúc nào đó sẽ nuốt trọn tỉnh Lạng Sơn rồi xuống châu thổ Hồng Hà.

Muốn chống kế hoạch tàm thực cuả CHNDTH, người Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là phải theo phương lược mà Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300) đã chỉ ra cách đây hơn 700 năm. Khi Ngài sắp từ trần năm 1300, vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1313) đến thăm và hỏi rằng: “Thượng phụ [chỉ Đức Trần Hưng Đạo] một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?” Ngài trả lời rằng: “Đại để, kẻ kia cậy có tràng [trường] trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió như lưả, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách ăn dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham cuả dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng người giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tuỳ cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy, cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”(31) [người viết in đậm.] Trong khi đó, lúc “bình thì” (thời bình), CSVN đã đàn áp và bằng mọi cách bóc lột dân chúng nghèo khổ đói rách, thì làm thế nào có thể thực hiện “kế sâu rễ bền gốc” mà giữ nước được?

Cuối cùng, việc Việt Nam ngày nay mất ải Nam Quan và 10.000 cây số vuông trên vịnh Bắc Việt không phải chỉ là thất bại cuả riêng Việt Nam, mà còn là sự đe doạ đối với các nước Đông Nam Á và là một báo động chung cho toàn thể Á Châu cũng như thế giới.

Ngoài việc tiến hành chiếm ải Nam Quan và hơn 10.000 Km2 vịnh Bắc Việt, trong thập niên qua, CHNDTH đã từ từ lấn chiếm và xây dựng nhiều cơ sở quân sự ở các đảo trên quần đảo Trường Sa. Năm 1988, hải quân CHNDTH tấn công và chiếm một số vị trí trong quần đảo Trường Sa từ lâu thuộc Việt Nam. Đầu năm 1995, CHNDTH chiếm đảo đá ngầm Mischief Reef, cách CHNDTH khoảng 800 hải lý trong khi chỉ cách Philippines dưới 150 hải lý, trước sự phản đối vô hiệu cuả nước nầy, rồi biến những cơ sở ở đây thành những căn cứ quân sự vào năm 1998.

CHNDTH vốn là một cường quốc đầy tham vọng bá quyền. Việc chiếm ải Nam Quan và hơn 10.000 cây số vuông vịnh Bắc Việt là những việc làm song hành với mưu đồ tiến chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, trên con đường thực hiện ước mơ làm bá chủ Đông Nam Á. Đây là ước mơ cuả CHNDTH nhưng lại là ác mộng cuả các nước tại vùng nầy và cả thế giới.

Khi dư luận người Việt đang rộ lên về vấn đề CSVN nhượng đất và nhượng biển cho CSTH thì đô đốc Denis Blair, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ghé đến Hà Nội vào đầu tháng 2-2002, đề nghị biến Cam Ranh thành một “căn cứ mở cưả”, cho phép tàu bè cuả tất cả các nước trên thế giới ghé lại. Phải chăng Hoa Kỳ quan ngại do hiệp ước Việt Hoa về vịnh Bắc Việt được công khai tiết lộ, hay Hoa Kỳ quan ngại chung về vấn đề Biển Đông mà CHNDTH gọi là “nội hải” cuả họ?

Ngay sau đó, vào ngày 27-2-2002, ông Giang Trạch Dân, chủ tịch CHNDTH kiêm tổng bí thư đảng CSTH đến viếng thăm Việt Nam, mà theo sự ghi nhận cuả hảng thông tấn Reuters, nhắm “làm hết sức mình để thay đổi nhãn quan cuả người Việt về Trung Quốc”. Đồng thời, trong cuộc thảo luận với ông Trần Đức Lương, chủ tịch CHXHCNVN, và ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN, ông Giang Trạch Dân muốn trấn an các nước trong vùng, nên “hai phiá [Việt Nam và Trung Quốc] tái xác định ý muốn phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vì hoà bình và ổn định cuả miền.”(32)

Ngôn ngữ ngoại giao là một việc, hành động thực tế là một việc khác. Trước việc CHNDTH thực hiện kế hoạch tàm thực trên bộ và vết dầu loang trên biển, hy vọng rằng trong tương lai gần các nước trên thế giới sẽ cùng nhau tập trung đối phó và chận đứng sự bành trướng cuả CHNDTH, như các nước Âu Mỹ đã từng tập trung đối phó với Liên Xô trong thập niên 80. Đầu thập niên 80, không ai nghĩ rằng khối Liên Xô và Đông Âu hùng mạnh, hoàn toàn sụp đổ vào các năm 1989-1991, nên ngày nay, chưa ai có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, ngoại trừ một điều mà ai cũng tin tưởng là bạo quyền không thể tồn tại lâu dài, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam.

Chỉ khi nào hình thành một chính quyền thật sự dân chủ tại Việt Nam, tập họp được mọi thành phần dân tộc, cải tổ chính trị, phục hưng kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, mới có thể nói đến chuyện thương lượng để đem ải Nam Quan, một điạ danh vang lừng chiến sử dân tộc, trở về với tổ quốc kính yêu.


TRẦN GIA PHỤNG


CHÚ THÍCH:

  1. Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Nxb. Trình Bày, Sài Gòn, 1973, tr. 51. (Nguyên văn các hiệp định Genève năm 1954 và Paris năm 1973 đều đăng trong sách nầy.)

  2. Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: 1945-1964, việc từng ngày, [Sài Gòn, 1965], Nxb. Xuân Thu, Los Alamitos, California, tái bản không đề năm, tt. 217-218.

  3. William J. Duiker, Ho Chi Minh, Nxb. Hyperion, New York, 2000, tr 500.

  4. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, Tập I-C: 1955-1963, Nxb. Văn Hoá, Houston, 2000, tt. 152, 180.

  5. Nguyễn Đình Tuyến, Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975, Houston, Texas, 1995, tr. 49.

  6. Theo tin tức cuả Hoa Kỳ, trong hai ngày 2 và 4-8-1964, chiến thuyền Maddox cuả Hải quân Hoa Kỳ bị BVCS tấn công. Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra “Quyết nghị vịnh Bắc Việt” (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 ủng hộ tối đa tổng thống Lyndon Johnson trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam.

  7. Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng Lao Động từ 1960 đến 1976, tổng bí thư đảng CSVN từ 1976 đến 1986, đã từng nói: “”Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.)

  8. Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký viết lời tựa tại Bắc Kinh năm 1986, nhóm Tìm hiểu lịch sử, Portland, Oregon, xuất bản, 1991, tr. 392.

  9. Viet Báo Online, 22-3-2001,http://www.vietbao.com/tinvietnam/tin vietnam_1.html. Như vậy, cộng sản xin viện trợ để gây chiến, nay lại bắt dân chúng Việt Nam trả nợ.

  10. Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả [Một kẻ ngụy trang chủ nghĩa dân tộc Việt Nam], Nxb. Truyện Ký Văn Học, Đài Bắc, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, 1999, tt.167-168.

  11. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, 1939-1975 (tập B:1947-1954), Nxb. Văn Hóa, Houston, 1997, tt. 177, 186, 187, 267, 267, 335, 355.

  12. Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 114.

  13. Bài của ông Vũ Khoan được ông Ngô Nhân Dụng trích dẫn trong bài bình luận “Mốc Mới”, nhật báo Người Việt Online, California, ngày 27-01-2002.

  14. Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, L’aventure Viêt-Minh, Nxb. Plon, Paris, 1980, tr. 293, phần chú thích.

  15. Hoàng Văn Hoan, sđd. tr. 389.

  16. Vietbao Online, ngày 8-4-2002 loan tin dựa vào bản tin cuả Tân Hoa Xã cuả CHNDTH.

  17. Theo tin Việt Báo, California, số 1823, ngày 1-4-2000, nhà cầm quyền Hà Nội thú nhận quân lính Bắc Hàn đã sang Bắc Việt chiến đấu giúp chế độ cộng sản Hà Nội, bị chết và chôn ở Bắc Giang.

  18. * Sau thế chiến thứ nhì, Cao Ly được chia thành hai khu vực chiếm đóng ở vĩ tuyến 38: phía Bắc do Liên Xô và phía Nam do Hoa Kỳ. Tại miền Nam, năm 1948 quốc hội được bầu ra và soạn thảo hiến pháp, công bố thành lập Cộng Hòa Cao Ly (Republic of Korea), thủ đô là Hán Thành (Seoul). Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) trở thành tổng thống đầu tiên ngày 17-7-1949. Tại miền Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly (Democratic People’s Republic of Korea) được thành lập ngày 9-9-1949, thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyong-yang) do Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) làm chủ tịch. Ngày 25-6-1950, Bắc quân cộng sản xâm lăng Nam Cao Ly, chiếm Hán Thành. Theo đề nghị của Hoa Kỳ, ngày 27-6-1950 Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu các nước hội viên giúp Nam Cao Ly. Ngày 12-9-1950, đại tướng Mc Arthur cầm đầu quân đội LHQ, bất thần đổ bộ vào Cao Ly ở Inchon. Quân LHQø đẩy lui Bắc quân, tái chiếm Hán Thành ngày 19-9, tiếp tục truy đuổi Bắc quân, vượt vĩ tuyến 38, chiếm Bình Nhưỡng và tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), vùng biên giới Mãn Châu (Trung Hoa). Ngày 26-11-1950, khoảng 250 quân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vượt biên giới giúp Bắc Cao Ly, đẩy lui quân Liên Hiệp Quốc xuống phía Nam, chiếm Hán Thành. Tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman cử tướng Matthew Ridgway thay thế tướng Mc Arthur. Quân LHQ đẩy lui cộng quân khỏi vĩ tuyến 38 tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết bắt đầu từ tháng 7-1951, và hai bên ký hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjon) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Cao Ly, nhưng Nam Cao Ly được thêm một ít đất đai so với thời kỳ trước chiến tranh.

    * Về vấn đề Việt Nam, sau khi Đức thất trận và trước khi Nhật đầu hàng, từ ngày 17-7 đến 2-8-1945, đại diện Hoa Kỳ là Harry Truman, đại diện của Anh lúc đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee (lãnh tụ đảng Lao Động, thắng cử ngày 25-7, lên làm thủ tướng thế Churchill), đại diện Liên Xô là Stalin họp tại Potsdam, ngoại ô Berlin, để bàn về các vấn đề hậu chiến, và vấn đề Nhật Bản đang còn chiến đấu ở Á Châu. Đại diện các nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch không họp, nhưng đồng ý qua truyền thanh) cùng gởi một tối hậu thư cho Nhật Bản ngày 26-7-1945. Liên Xô không được tham dự vào tối hậu thư nầy vì lúc đó, Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu. Tối hậu thư nầy buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận những điều kiện của Đồng minh như chấm dứt quân phiệt, giải giới quân đội, từ bỏ đế quốc… Riêng về vấn đề Đông Dương (trong đó có Việt Nam), quân đội Nhật sẽ bị buộc giải giới do quân đội Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16, và do quân đội Anh ở nam vĩ tuyến 16. Vĩ tuyến 16 chạy ngang qua thị trấn Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Hiệp ước Genève lại chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, tại Quảng Trị, phiá ngoài bắc Tam Kỳ, Đà Nẵng và Thừa Thiên.

  19. Hoàng Văn Hoan, sđd. tt. 415.

  20. Bùi Xuân Quang, La troisième guerre d’Indochine 1975-1999: Sécurité et géopolitique en Asie du Sud-Est, Nxb.

  21. L’Harmattan, Paris, 2000, tr. 289.

  22. Hoàng Văn Hoan, sđd. tt. 425, 428.

  23. Bùi Xuân Quang, sđd. tt. 307-308.

  24. COMECON: Council for Mutual Economic Assistance tức Hội đồng Tương trợ Kinh tế được thành lập năm 1949 tại Moscow, gồm Liên Xô và các nước cộng sản chư hầu. Khối kinh tế nầy sụp đổ năm 1990 cùng với sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu.

  25. Bùi Xuân Quang, sđd. tt. 308, 421,

  26. Phúc trình mật nầy được tạp chí Etudes et Documents [Nghiên cứu và Tài liệu] ở Đài Loan số tháng 4-1981 đăng lại. Tác giả Bùi Xuân Quang trích dẫn, sđd. tr. 419. Nguyên văn câu đó bằng Pháp văn như sau: “Outre son invasion (du Cambodge), le Vietnam a aussi, à plusieurs reprises, crée des incidents sanglants à la frontière sino-vietnamienne. Cela a provoqué des incidents et encouragé les démarqueurs de frontières à empiéter de 600 kilomètres carrés sur le territoire de Chine. Il a ignoré les remontrances répétées de notre gouvernement. Nous avons aussi proclamé que nous désirons que le gouvernement vietnamien comprenne clairement que notre tolérance a une limite… Nous disions que nous ne combattons pas actuellement (janvier 1979). Mais cela ne veut pas dire que nous ne combattrons pas un jour.”

  27. Bùi Xuân Quang, sđd. tr. 427. Câu nói đó được tác giả Bùi Xuân Quang dịch ra Pháp văn như sau: “L’URSS peut choisir n’importe quelle méthode pour punir la Chine.”

  28. Lê Công Phụng, [thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội, trưởng đoàn thương thuyết Việt Nam], “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam-Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ”, tạp chí Cộng Sản, Hà Nội, số 2, tháng 1-2001.

  29. Nguyễn Thanh Giang trả lời phỏng vấn ngày 24-2-2002 của Đài Phát thanh Little Sài Gòn, Orange County, California.

  30. Người Việt Online, ngày 25-1-2002, mục “Tin Việt Nam”.

  31. Lê Công Phụng, bài đã dẫn, báo đã dẫn.

  32. Tàm thực: Tàm là tằm, thực là ăn. Kế hoạch tàm thực là kế hoạch thực hiện từ từ, lan truyền dần dần như con tằm từ từ ăn hết lá dâu nầy đến lá dâu khác. Chu trình hoá thân cuả tằm (thời gian không chính xác, cần phải kiểm chứng lại): Trứng được bướm sinh ra 7 ngày thì nở ra tằm. Lúc mới nở, tằm có lông, bắt đầu ăn liền lá dâu (lá không già, không non, xắt nhỏ), ăn rất chậm, nhẹ nhàng không có tiếng động. Được 2 ngày, tằm ngủ lần thứ nhất, gọi là ngủ rụng lông hay lột vỏ, trong 1 ngày. Tiếp đến tằm ăn lại lá dâu. Ba ngày sau, tằm ngủ lại lần thứ nhì trong 1 ngày, và khi thức, ăn rất mạnh, lá dâu nguyên (không xắt) gọi là tằm ăn mốt (ăn một). Được 3 ngày, tằm ngủ lần thứ ba trong 1 ngày, và khi thức ăn rất mạnh, nghe rào rào, gọi là tằm ăn hai. Sau 3 ngày, tằm ngủ lần thứ tư cũng trong 1 ngày, tiếp tục ăn trong 4 hay 5 ngày, bắt đầu đổi màu, gọi là tằm chín. Nếu đổi màu đỏ cam thì làm kén vàng, nếu đổi màu trắng thì làm kén trắng. [Xin trở lại với ý nghĩa chữ tàm thực: chẳng những tằm ăn từ từ hết lá dâu nầy đến lá dâu khác, mà cách ăn lúc đầu rất nhẹ nhàng, không có tiếng động, đến khi càng ngày càng lớn thì càng tạp ăn, ăn càng ngày càng mạnh, nghe rào rào như mưa. Kế hoạch tàm thực là lúc đầu rất nhẹ nhàng không ai biết, dần dần tiến tới và đến một lúc nào đó, mạnh mẽ, thô bạo.] Nằm trong kén 3 ngày, tằm lột vỏ thành nhộng. Người ta dùng kén để ươm tơ. Lớp ngoài không tốt, sợi lớn, người ta kéo thao. (Nón quai thao). Thao có 2 loại: thao càn thô hơn, thao kiệt mịn hơn thao càn. (Những kén xấu, không đủ ngày, cũng được dùng để làm thao.) Lớp trong cuả những kén tốt được dùng để làm tơ. Khi lấy hết tơ, con nhộng lòi ra. (Nhộng là một thức ăn béo bùi.) Trong trường hợp làm không kịp, đủ ngày (khoảng 7 ngày), nhộng biến thành bướm. Bướm tự động cắn kén chui ra. Kén nầy đã bị cắn đứt, nên không được dùng làm tơ hay làm thao, mà làm đũi, một loại thao xấu hơn thao vì bở, không bền do chắp lại những sợi ngắn đã bị bướm cắn đứt khi chui ra khỏi kén. (Theo lời một người đã từng trồng dâu nuôi tằm ở Việt Nam, hiện sống tại Toronto.)

  33. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch cuả Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội, 1993, tập 2, tr. 79.

  34. Việt Nam Nhật Báo, internet, ngày 28-2-2001, phần “Tin Việt Nam”.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button